Chương 2 - Khi Nỗi Đau Trở Thành Sức Mạnh

Trên đường về, Cố Thành mới mở miệng:

“Tự dưng tốn tiền mua áo làm gì, màu xanh đó không hợp với cô. Loại áo đấy phải dáng người thon thả mới mặc đẹp.”

Nghĩ lại, chắc anh ta đang nói đến La Mạn Ninh – dáng người mà anh ta yêu thích.

Trong mắt anh ta, tôi mãi mãi không bằng người phụ nữ đó.

Dù tôi sinh con cho anh ta, dù tôi lo toan tất cả trong nhà, tôi vẫn không bằng được một góc trong lòng anh ấy.

Tôi lau nước mắt, bối rối lau mặt rồi nói:

“Hôm nay là sinh nhật con gái. Mạch nhũ tinh là thứ Tiểu Điềm mong được ăn từ lâu.”

“Tôi dùng chính tiền lương của mình để mua cho con.”

“Thế mà anh – làm cha – lại đem món quà ấy đi tặng người khác.”

Anh ta giống như con mèo bị giẫm trúng đuôi:

“Ở trường bao nhiêu việc, cô không nói thì tôi biết thế nào được! Con muốn ăn thì mai mua tiếp!”

Tôi giơ hai tay ra:

“Hết tiền rồi, thế anh đưa tiền đi!”

Thấy anh ta quay đầu né tránh, tôi nói tiếp:

“Cơm trong nhà sắp không đủ ăn, mà anh còn có tiền mua khăn lụa cho người ngoài. Thứ đó đâu có rẻ?”

“Tôi biết anh chưa từng coi trọng tôi. Giờ người anh yêu đã ly hôn, anh lại có cơ hội rồi.”

“Tôi cũng không muốn làm gánh nặng cho anh nữa. Mình ly hôn đi.”

Anh ta bực tức quay đầu lại, đập mạnh cửa phòng:

“Trần Ngưu Quế, ngoài tôi ra thì ai còn muốn cô nữa?! Đừng có điên lên, lần này tôi không chấp với cô!”

Tối hôm đó, tôi sang nhà một người hàng xóm có điện thoại bàn để mượn gọi.

Bấm từng con số quen thuộc, tôi gọi đi.

“Anh ơi, chẳng phải anh bảo quán còn thiếu một đầu bếp sao? Em đi.”

“Mười ngày à? Được, đủ rồi.”

Đủ để tôi kết thúc tất cả chuyện này.

Sáng hôm sau, mắt còn sưng húp, tôi vẫn ra căng tin làm việc như bình thường.

Đến giờ ăn trưa, mấy cô gái đoàn văn công rủ nhau đến ăn.

Tôi nhìn một cái là nhận ra người phụ nữ cao ráo kia.

Cô ta đưa tay vén tóc ra sau tai, để lộ gương mặt trắng trẻo, mịn màng.

Cổ cao ngẩng lên, trên đó là chiếc khăn lụa – chính là cái tôi và Cố Thành đã giằng co tối qua.

Hoa văn rối mắt ấy, vậy mà đeo lên người cô ta lại hợp kỳ lạ.

Tôi nghĩ, kiểu dáng thế này… cả đời tôi chắc cũng không học nổi.

Cô ta thờ ơ liếc tôi một cái, tay khẽ vuốt lên chiếc khăn như vô tình.

Một cô gái khác bê khay cơm chạy đến bên cô ta, ánh mắt đầy ngưỡng mộ:

“Ôi trời, chị Mạn Ninh, cái khăn này chị mua ở đâu đấy, đẹp quá đi mất!”

“Hôm nào bảo ông xã em mua cho một cái.”

La Mạn Ninh cười rạng rỡ, như lơ đãng nói:

“Người ta tặng đấy, An Thành không bán loại này đâu, mẫu này tận Thượng Hải mới có. Bạn tôi phải bỏ ra ba mươi đồng mới mua được.”

“Keng!”

Cái muôi trong tay tôi rơi vào hộp sắt, âm thanh chói tai khiến cả đám người quay lại nhìn.

Tôi bật cười chua chát.

Ba mươi đồng… Cố Thành lương một tháng cũng chỉ có ba mươi.

Ba mươi đồng đủ cho cả nhà tôi ăn cả tháng.

Anh ta tiếc tiền không mua cho vợ nổi một cái áo, không mua nổi hộp kem dưỡng da, thậm chí đến hộp mạch nhũ tinh cho con cũng không nỡ.

Nhưng lại sẵn sàng dốc hết tiền lương để mua một chiếc khăn lụa cho người đàn bà khác đeo lên cổ.

Đúng là “hào phóng”!

Vậy là mấy tháng nay tiền lương của anh ta đều tiêu vào người phụ nữ đó sao?

“Ba mươi đồng?!!!”

Cô gái kia trố mắt, há miệng ngạc nhiên thốt lên.

Giọng cô ta vừa vang lên, mấy người xung quanh lập tức tò mò nhìn về phía La Mạn Ninh.

Cô ta khẽ mỉm cười, dường như rất hưởng thụ cảm giác này.

“Trời đất ơi! Một cái khăn mà tận ba mươi đồng?”

“Đắt thế ai mà dám mua, em thì chịu chết.”

“Chị có phúc thật đấy, lại được người theo đuổi tặng quà nữa. Mà trong hàng fan đó, em có được xếp hàng không chị?”

“Chị đúng là trải qua một cuộc hôn nhân mà vẫn như thiếu nữ.”

Nghe đến đó, nụ cười trên mặt La Mạn Ninh lập tức biến mất.

Cô ta liếc người kia một cái rồi quay lưng bỏ đi.

Người kia bĩu môi, nói với người bên cạnh:

“Nhìn cô ta làm bộ làm tịch, cũng chỉ giỏi dụ dỗ đàn ông vung tiền mua mấy thứ lố lăng đó thôi.”

“Tôi phì! Đúng là cái đồ thích làm màu, chết cũng phải đẹp!”

Phát cơm xong, tôi ngồi xổm trong bếp rửa bát.

Thím Vương hớt hải chạy vào, còn đóng chặt cửa lại.

Thấy vẻ mặt khó xử, muốn nói mà ngập ngừng, tôi hỏi luôn:

“Có chuyện gì vậy thím Vương, thím cứ nói đi.”

“Ngưu Quế à… haiz, không biết có phải mắt tôi hoa không, nhưng sáng nay đi chợ, tôi thấy Cố Thành đưa cho một cô gái mấy hộp trái cây đóng hộp, còn…”

Tôi vẫn tiếp tục rửa:

“Còn sao nữa?”

“Còn đút cho cô ta ăn nữa kìa!”

Tôi nhìn thấy thím đỏ cả mặt, ngập ngừng mãi mới nói ra, rồi lại thở dài một hơi.

“Ngưu Quế à, đáng ra tôi không nên nói mấy lời này, sợ làm vợ chồng cô mâu thuẫn.”

Mâu thuẫn gì chứ, giữa tôi với anh ta giờ có còn chút tình nghĩa nào nữa đâu?

“Nhưng tôi với cô thân quen, không muốn cô bị giấu giếm mà chẳng biết gì.”

“Tôi cũng thương con bé Tiểu Điềm, hai mẹ con cô sống tằn tiện thế, nhìn mà đau lòng.”

“Còn anh ta thì vung tiền phung phí bên ngoài, cái đồ hộp đó hiếm lắm, không dễ mua đâu!”

Tôi lau tay vào tạp dề, những vết nứt trên da rát buốt.

“Cảm ơn thím, tôi hiểu rồi.”

“Thực ra, vợ chồng với nhau sống chung ai mà chẳng có lúc va chạm, nhưng vẫn phải tiếp tục sống. Huống hồ còn có con gái nữa.”

“Phụ nữ như chúng ta, có bao nhiêu lựa chọn đâu. Tối nay cô nấu thêm vài món, nói chuyện với Cố Thành cho rõ ràng. Anh ta còn trẻ, chắc bị mấy người đàn bà ngoài kia làm mờ mắt thôi, đàn ông mà, chẳng ai tránh khỏi.”

Tôi lắc đầu: “Thím Vương, thím có lòng tôi biết, nhưng thím không cần khuyên nữa đâu, tôi tự biết mình phải làm gì.”

Tan làm, tôi vội vã bước nhanh về nhà.

Vừa bước vào cửa đã thấy Cố Thành—người từ trước đến nay chưa từng vào bếp—đang đuổi theo con gà khắp sân. Lông gà dính đầy người, cả khuôn mặt điển trai nhìn mà cũng thảm hại chẳng kém.

Thấy tôi về, anh ta mừng quýnh: “Ngưu Quế, em về rồi à, anh mua được con gà, nhưng không bắt được nó.”

“Anh đun sẵn nước nóng rồi, em vào hầm gà đi, anh đi tắm cái đã.”

Con gái vỗ tay reo lên: “Mẹ ơi mẹ ơi, hôm nay có thịt ăn rồi nè!”

Tôi gượng gạo nở một nụ cười. Không ngờ Cố Thành lại mua gà về nhà, cũng đã lâu lắm rồi trong nhà mới có mùi thịt.

Khi đang chặt gà, không hiểu sao lời thím Vương ban chiều lại vang lên trong đầu.

Cuộc sống, sống với ai thì cũng là sống. Tôi có thể bỏ đi, có thể kết thúc mọi chuyện.

Nhưng con bé thì sao… Nghĩ đến con, lòng tôi lại nhói lên. Đột nhiên, tôi chẳng còn dứt khoát được nữa.

Mùi canh gà thơm nức lan khắp nhà. Tôi ôm con gái vào trong thay quần áo, nghĩ lát nữa sẽ múc cho con một bát cơm chan canh gà.

Tay bất giác nhanh hơn.

Quay lại bếp, vừa cầm cái thau chuẩn bị múc canh thì mở nắp nồi ra… tôi sững người.

Trong nồi chỉ còn lại hai cái cánh gà và một ít nước lèo trơ đáy.