Chương 1 - Khi Nỗi Đau Trở Thành Sức Mạnh
Khi tôi còn đang đau đầu vì tiền ăn tháng này, thì lại thấy Cố Thành đem hộp mạch nhũ tinh tôi mua cho con gái, dúi vào tay Bạch Nguyệt Quang của anh ta.
Người chồng lúc nào cũng khinh thường, coi rẻ tôi, vậy mà lại nhìn người phụ nữ khác bằng ánh mắt dịu dàng, đầy si mê.
Nghĩ đến gương mặt gầy gò, vàng vọt của con gái đang đói ở nhà, tôi như phát điên lao tới chất vấn.
Anh ta chẳng những không nhận sai, còn chỉ tay vào mặt tôi mà mắng thẳng: “Đừng có làm mất mặt ngoài đường như mấy con đàn bà chanh chua. Chẳng phải chỉ là một hộp mạch nhũ tinh thôi sao? Mạn Ninh gầy yếu như vậy, uống chút bồi bổ thì sao chứ?”
Rồi quay sang phía Bạch Nguyệt Quang, mặt đầy áy náy: “Cô ấy là người nhà quê, đừng chấp nhặt với cô ta. Để anh đưa em về.”
Về sau, cái người “nhà quê” như tôi lên thành phố làm việc, trở thành người đầu tiên trong huyện kiếm được mười nghìn tệ một năm.
Còn anh ta và Bạch Nguyệt Quang thì lại tìm đến tôi để nương nhờ.
1
Tôi nhìn theo bóng lưng Cố Thành đang đạp xe đưa La Mạn Ninh rời đi, cố gắng lờ đi ánh mắt thương hại xung quanh, gắng gượng đứng lên, lê bước quay về nhà.
Vừa mở cửa đã thấy con gái chờ sẵn trong nhà, ngẩng đầu lên hỏi: “Mẹ ơi, mạch nhũ tinh của con đâu rồi?”
Thấy tôi về tay không, con bé lập tức òa khóc thành tiếng.
Nhìn khuôn mặt thất vọng của con, tôi chạy vội đến, trong lòng như bị ai bóp nghẹt.
Tôi quỳ xuống ôm lấy con bé, nước mắt không kìm được mà rơi lã chã.
Làm sao tôi có thể để con biết được rằng, người bố mà con bé luôn ngưỡng mộ đã đem món quà sinh nhật của nó cho người đàn bà khác.
Cố Thành làm giáo viên, lương mỗi tháng chẳng là bao, hai tháng nay còn không đưa cho tôi một đồng nào lo sinh hoạt.
Cả ngày chẳng thấy bóng dáng đâu, chỉ có buổi tối mới mò về ngủ.
Con gái cứ nắm lấy tay tôi hỏi: “Bố đi đâu rồi mẹ? Bố chưa về à? Mẹ ơi, con nhớ bố quá.”
Hôm nay là sinh nhật con bé, tôi đã nhờ người mua giúp một hộp mạch nhũ tinh từ sớm.
Vì căn tin hôm nay bận, tôi nhờ Cố Thành mang về.
Ai ngờ tan làm lại chứng kiến cảnh đó.
Anh ta sai đủ đường, nhưng sai nhất là dám động vào đồ của con mình.
Con bé như nhận ra có gì đó không ổn, chui ra khỏi lòng tôi: “Mẹ ơi— mẹ đừng khóc.”
Bàn tay nhỏ xíu vụng về lau nước mắt cho tôi.
Tôi cố nuốt nghẹn, gượng cười nhìn con: “Hôm nay là sinh nhật của Tiểu Điềm, mẹ nấu cho con một bát mì trường thọ nhé? Ăn xong sẽ được khỏe mạnh, lớn nhanh.”
Con bé gật đầu, ngoan ngoãn trèo lên giường ngồi chờ.
Tôi lau mặt, sang nhà thím Vương mượn hai quả trứng gà về nấu mì cho con.
Đợi con ngủ xong, tôi một mình ngồi trước bàn, ăn bát mì đã nguội ngắt từ lâu.
Kim đồng hồ trên tường chỉ đúng mười giờ, Cố Thành mới về.
Thấy tôi đang ngồi đó nhai mì một cách vô hồn, anh ta lạnh lùng mỉa mai:
“Cô được cái này là tốt đấy, ngoài kia có chuyện long trời lở đất cũng không bao giờ bỏ bữa.”
Một mùi kem dưỡng hoa tuyết thoang thoảng của phụ nữ xộc vào mũi tôi.
Tôi cố kìm nén nỗi đau trong lòng, không nhịn được mà bật lại:
“Tôi không ngồi đây ăn thì chẳng lẽ phải vì cái loại đàn ông như anh mà đi tìm chết à?”
Cố Thành sững người, như không tin tôi—người vợ trước giờ luôn nhẫn nhịn—lại dám cãi lại.
Anh ta khoanh tay sau lưng, làm ra vẻ giáo huấn học sinh, trừng mắt quát tôi:
“Ăn, ăn, ăn! Cô ngoài ăn ra thì biết làm gì nữa?”
“Nhìn cô xem, chỗ nào giống phụ nữ? Ăn uống như heo, suốt ngày buôn chuyện với bà Vương nhà bên, thô lỗ! Dốt nát! Không có chút phẩm hạnh nào!”
“Mạn Ninh mới về An Thành không lâu, tôi và cô ấy lớn lên cùng nhau, quan tâm chút thì sao?”
“Chỉ là một hộp mạch nhũ tinh thôi mà đã làm ầm ĩ, cô là vợ giáo viên mà chỉ có cái nhận thức như vậy hả?”
Nghe những lời đó, tôi không kìm được mà bật cười.
Cố Thành lấy tôi đúng là thiệt thòi cho anh ta quá rồi.
Chỉ cần cãi nhau, thì tôi lập tức trở thành người thiếu nhận thức.
Tôi—một người phụ nữ nông thôn, ngoài việc cố nấu vài món ăn ngon, thì thật chẳng xứng với anh ta, một người đàn ông “cao quý”.
Tôi quay đầu nhìn con gái đang cau mày trong giấc ngủ, bỗng thấy cả người rã rời.
Không nói gì thêm, chỉ lặng lẽ dọn bát đũa trên bàn.
Thấy tôi im lặng, anh ta mới hạ giọng:
“Sau này nói chuyện thì nhẹ nhàng một chút, đừng như mấy bà vợ hay ghen tuông.”
“Nếu không nhờ bố mẹ cô, lúc đó tôi cũng đâu có…”
Tôi giận đến phát run, ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mặt anh ta:
“Không có gì? Không cưới tôi đúng không?!”
Năm đó, bố Cố Thành đột nhiên lâm bệnh.
Anh ta đang thi ở huyện, mẹ anh ta khóc lóc chạy đến nhà tôi cầu cứu.
Chính tôi và bố đã cõng ông ấy đi viện.
Trời thì lạnh cắt da, tuyết dày tới đầu gối, đường dài hơn hai chục dặm.
Tôi và bố cứ thế, từng bước một, in dấu chân lên con đường tuyết trắng mà đi.
Mặc dù sau đó, nửa năm sau thì ba anh ấy vẫn mất, còn ba tôi cũng đổ bệnh.
Cứ mỗi khi trời mưa là từ đầu gối trở xuống đau dữ dội, giờ vẫn phải đi châm cứu đều đặn.
Tôi thì bị lạnh thấm vào người, để lại chứng đau bụng kinh.
Sinh Tiểu Điềm xong cũng không đỡ, thậm chí còn nặng hơn, có lần đau đến suýt xỉu.
Trời vừa lạnh là chân tôi lại nổi cước, hết lần này đến lần khác.
Năm năm qua tôi đã sống thế nào, rốt cuộc có ý nghĩa gì?
Không phải bố mẹ tôi ép Cố Thành phải cưới tôi, chúng tôi chưa bao giờ có ý lấy ơn cầu báo.
Tôi rất rõ trong lòng Cố Thành có người khác.
Anh ấy thích La Mạn Ninh, ai cũng biết điều đó.
Hôm ấy tôi đang cho heo ăn trong chuồng, Cố Thành đột nhiên đi tới, giật lấy cái gáo rồi kéo tay tôi, nghiêm túc nói:
“Ngưu Quế, lấy anh nhé.”
Lúc đó tôi nhìn người đàn ông cao ráo, đẹp trai trước mặt, chỉ cảm thấy mình như con chuột nhỏ bị viên kẹo khổng lồ rơi trúng đầu.
Tôi tự nguyện rơi vào cái bẫy ngọt ngào đó, sau này mới biết thì ra là vì La Mạn Ninh đã lấy chồng và rời khỏi An Thành.
Nghĩ lại, tôi chỉ là sự lựa chọn khi anh ta thất tình.
Nước mắt làm mờ tầm nhìn, tôi nhìn thấy anh ta quay đầu đi với vẻ mặt đầy chán ghét, cổ áo còn lộ ra một dải ruy băng đỏ buộc hộp quà.
Tôi lập tức mất lý trí, sải bước lao tới, giật lấy cái hộp.
Cúi đầu nhìn kỹ thì ra bên trong là một chiếc khăn lụa.
Hoa văn và kiểu dáng tôi chưa từng thấy, cũng chưa từng thấy phụ nữ bình thường nào trên phố đeo loại này.
Trong ấn tượng, chỉ có mấy cô gái đoàn văn công hay đeo khi nhảy múa.
Mà La Mạn Ninh thì ngày thường ăn mặc sành điệu, rất thích đeo khăn lụa.
Hiển nhiên món này không phải mua cho tôi.
Cố Thành hoảng hốt định giật lại, tôi giấu ra sau lưng rồi cười lạnh:
“Đây là mua cho La Mạn Ninh đúng không?”
Anh ta lúng túng nắm lấy tay tôi, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh ta có biểu cảm như vậy.
Tôi siết chặt lấy cái hộp, nhìn món quà chồng mình mua cho người phụ nữ khác.
Nhưng sức đàn bà làm sao mạnh bằng đàn ông, anh ta bẻ từng ngón tay tôi ra, giật lại hộp quà, thấy nó bị bóp méo thì mặt đỏ bừng vì xót của:
“Trần Ngưu Quế, cô điên rồi sao?!”
“Đúng, tôi mua cho Mạn Ninh đấy thì sao? Dáng người cô thế này đeo vào có đẹp được không?”
“Không biết soi gương à? Nhìn xem mình ra sao?”
“Mạn Ninh vừa thoát khỏi một cuộc hôn nhân tồi tệ, là bạn bè, tôi tặng cô ấy chiếc khăn để an ủi thì có gì sai?”
“Giữa người với người phải giúp đỡ nhau, đoàn kết, yêu thương, dù cô không có học cũng phải biết mấy điều cơ bản này chứ?”
Tôi bỗng nhớ lại lần trước vào hợp tác xã, muốn mua cho mình một chiếc khăn lau mặt.
Trời lạnh, da khô, gió táp một cái là đau rát.
Nhưng nghĩ đến tiền bạc trong nhà, cuối cùng tôi không nỡ mua, đành quay về tay không.
Lại nhớ lần đi ngang cửa hàng, tôi thấy một chiếc áo khoác màu xanh sapphire rất đẹp.
Nhân viên lấy ra cho tôi thử, vừa mặc vào đã khen hết lời.
Tôi soi gương, thấy rất hợp, quay sang kéo tay Cố Thành đang đứng bên cạnh.
Nhưng anh ta cứ cứng mặt nhìn ra ngoài đường, không liếc tôi lấy một cái.
Nụ cười của nhân viên cứng lại.
Tôi chỉ biết đỏ mặt cảm ơn rồi tháo áo trả lại.