Chương 58 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan
Bản thân tôi biết rõ câu tiếp theo chị Ngọc sẽ nói là gì nên chủ động trả lời trước.
Chị luôn chỉ cho tôi những mảnh đời khốn khổ và bảo tôi phải phấn đấu nọ kia. Thế nhưng, điều đó đối với tôi là không thể, nếu không muốn nói là quá sức, quá tầm.
Tôi sẽ phấn đấu và vươn lên ở một vị trí khác, ở một lĩnh vực nào đó mà tôi có thể làm tốt bằng thực lực và các nếp nhăn của não chứ không phải kiểu lơ tơ mơ thế này.
Lúc chúng tôi đến thì căn phòng đã kín người, còn đúng hai chiếc ghế cho tôi và chị Ngọc.
Sau màn giới thiệu và chào hỏi, mọi người rôm rả bắt cặp trò chuyện, chốc chốc thì đồng loạt nâng ly.
- Lâu quá không thấy em đi với chị Ngọc ha? – Chị Hiền ngồi bên cạnh tôi khẽ lên tiếng.
- Dạ, tại dạo này hồ sơ hơi nhiều nên em ít có thời gian. – Tôi đáp.
- Rồi em tính làm công ăn lương mãi sao? Tự mở ra cái gì đó làm đi, như chị nè.
Đáp lại câu nói của chị Hiền là nụ cười méo xệch từ tôi, làm sao mà tôi có thể làm được như chị trong khi lá gan của tôi nó bé xíu.
Chị cứ bô lô ba la tự hào trước mặt tôi như thể tôi là con bé ngây thơ chẳng biết gì ấy, nghĩ cũng đúng thôi, vì tôi cứ chưng ra cái bộ mặt ngáo ngơ ngưỡng mộ nên làm sao chị biết rằng tôi tỏ tường những uẩn khuất phía sau thành công của chị chứ.
Mỗi người đều có lựa chọn riêng cho hướng đi của mình nên cho dẫu biết thì tôi vẫn chẳng thấy khinh khi gì chị.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đôi khi cảnh nghèo nàn túng bấn buộc con người ta phải kiếm cách bật lên bằng mọi giá, cho đời khỏi khinh, cho người khỏi chê và hơn nữa là có tiền để giúp đỡ gia đình.
- Gớm, hai chị em tâm sự gì nhiều thế, uống đi nào. – Người đàn ông ngồi bên phải chị Hiền cất tiếng lè nhè.
- Dạ, em mời anh.
Tôi nhanh nhảu nâng ly bia lên, cười thật tươi. Theo tôi, chị Hiền cũng cùng chung động tác.
Người đàn ông uống xong thì hếch mặt, nháy mắt nhìn chúng tôi, tôi hiểu ý nên cố trút cạn ly bia vào miệng, chừa lại mỗi cục nước đá.
Nếu có thể, tôi muốn đạp cho ông ta một đạp lọt luôn xuống ghế vì cái tội ép phụ nữ cạn trăm phần trăm.
- Con bé này lúc trước trông nó ốm ốm mà giờ cũng có da có thịt nhỉ? – Ông to thòm thèm nhìn tôi, cất tiếng nói với chị Hiền.
- Ngày nào em cũng tập tạ nên thế đấy ạ. – Tôi cầm ly bia nhấc lên bỏ xuống và trả lời.
- Khéo thế chứ.
Sau câu khen lấy lệ, ông ta lại tiếp tục lia mắt tới những cô nhân viên ngồi chung bàn và trêu ghẹo. Tôi lại cúi xuống, tranh thủ ăn để đè nén cơn buồn nôn đang chực chờ ngay cổ họng.
Cái công việc đẹp mày đẹp mặt này chỉ có người trong cuộc mới hiểu nó vất vả và áp lực ra sao, nào có sung sướng như cái bề nổi.
Bữa cơm trưa kéo dài đến tận chiều liêu mới kết thúc, tôi ôm bụng chạy vào nhà vệ sinh mà nôn thốc nôn tháo sau ngần ấy thời gian kiềm nén, cứ cái đà này thì cơ thể của tôi sẽ hư mất thôi, nghĩ đến những căn bệnh do bia rượu mang lại, tôi bỗng thấy lạnh người, thế nhưng hiện tại, tôi vẫn chưa nghĩ ra mình sẽ đổi sang nghề gì nữa.
Chị Ngọc đứng chờ bên ngoài, thấy tôi xuất hiện với vẻ rũ rượi, chị liền lấy khăn giấy ướt trong giỏ xách ra lau mặt cho tôi, khổ nỗi chị cũng chếch choáng say nên lau cứ trật tới trật lui, chờ vờ chạng vạng khiến cái mặt tôi nó tèm lem, cũng may, nhóm đối tác ấy đã về hết rồi.
Lên xe, tôi nhắm tịt mắt vờ ngủ để chị Ngọc thôi ca bài ca cố gắng. Tôi vẫn biết việc nào có cái khó, cái khổ của việc ấy nhưng dường như tôi đã vắt kiệt sức mình vào công việc mà tôi từng ao ước này rồi, đến bây giờ thì hoàn toàn đuối.
Lúc biết xe đã dừng trước cổng nhà, tôi mới bật dậy, chào chị chào anh rồi uể oải đi vào.
Ở cái tuổi già cũng chưa già, trẻ không quá trẻ này khiến tôi cảm giác thật chông chênh. Đưa mắt nhìn quanh căn nhà trống trải, chẳng có thêm một hơi người nào khác ngoài mình khiến tôi bất giác bật khóc, tôi nhớ bé Ly, nhớ chị Vui, nhớ Trung, nhớ chị Vân, ba mẹ và cả bé Lan nữa.
Không rõ bây giờ, trong căn phòng trọ xụp xệ đó, chị Vui có buồn có tủi và nhớ nhà như tôi hay chăng nữa.
Bên ngoài rền vang những tiếng sấm và rồi mưa rơi, cơn mưa mùa hè khiến tôi càng yên tâm mà khóc lớn bởi chẳng còn lo xóm giềng nghe thấy.
Những giọt nước mắt sẽ khiến cho mí mắt tôi sưng húp lên vào ngày mai nhưng bù lại, nó gột rửa được phần nào tâm trạng uẩn ức trong tôi, trả tôi về lại tháng ngày còn chưa lo nghĩ dẫu chỉ là đôi ba phút.
Tôi cũng chẳng nhớ bản thân đã khóc trong bao lâu và ngủ quên lúc nào nữa, đến lúc tỉnh giấc thì ngày mới đã ló dạng, ánh mặt trời lấp ló sau tàn cây thúc giục tôi chuẩn bị hòa vào dòng đời tất bật của cơm, áo, gạo, tiền.