Chương 57 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan

Tiễn Trung đi rồi, ngay sáng hôm sau, tôi lại khăn gói lên đường trở về Bà Rịa để tiếp tục công việc.

Giây phút đứng đợi xe buýt, nhìn theo cái dáng bé nhỏ của chị Vui đang khuất dần giữa dòng xe cộ băng qua công ty mà tôi thoáng chạnh lòng.

Đêm nay, khi chị tan ca và về lại căn phòng trọ xụp xệ sẽ chỉ có một mình thôi, giống như tôi vậy. Thế nhưng, tôi đã quen rồi, còn chị là lần đầu.

- Mua giùm bà tờ vé số đi con, chiều trúng là đi xe hơi luôn, khỏi chờ xe buýt.

Tiếng nói nho nhỏ cất lên khiến tôi giật mình quay lại, đập vào mắt tôi lúc này là gương mặt xếp ly của bà cụ đoán chừng phải hơn tám mươi tuổi. Bà móm mén nhìn tôi và chìa cọc vé số dày cui ra mời mọc.

Đó giờ, tôi gặp người già đi bán vé số cũng nhiều lắm nhưng người lớn tuổi nhất thì ắt là bà rồi, ở cái độ tuổi mà đáng lý ra nên được nghỉ ngơi và vui vầy cùng con cháu thì bà vẫn phải còng lưng kiếm tiền trang trải cuộc sống.

- Bà lấy con hai tờ nha. – Tôi vừa nói vừa cho tay vào túi móc tiền ra.

- Lấy số nào thì lựa đi con. – Bà cười nhăn nhúm, mấy ngón tay run run xòe cọc vé ra chờ tôi.

Thật tình thì tôi có biết số nào trúng đâu mà lựa, tôi cũng không phải người hay nghiệm số để mua và đánh đề nên đưa tay rút bừa hai tờ trên cùng rồi trả tiền cho bà cụ.

Nếu như tôi có điều kiện hơn, hẳn tôi đã mua thêm giúp bà nhiều nhiều nhưng hiện tại hoàn cảnh tôi cũng bấp bênh.

Số tiền lo cho Trung đi Nhật đã ngốn sang tiền xây nhà và để lại một khoản nợ lớn, thế nên, ít nhiều gì tôi cũng phải tằn tiện lại để còn phụ giúp gia đình và phòng khi ốm đau.

Trả tiền cho bà cụ xong thì xe buýt cũng vừa tới, tôi vội vã bước lên. Trên xe đã đầy người, ghế trống cũng chẳng còn nên tôi buộc phải đứng.

Đâu được một hồi thì chiếc xe đột nhiên phanh gấp khiến tôi nháo nhào, ụp luôn cái mặt vào lưng của một người đàn ông phía trước, rồi hình như vì đau quá hay sao mà anh ta lập tức quay lại, trương mắt cua lên nhìn tôi.

Ví như là tôi của những năm về trước thì hẳn tôi sẽ sợ hãi rụt đầu rồi lấm lét nhìn ngó, cầu mong cho người ta đừng la chửi mình nhưng nhờ bao tháng ngày rong ruổi hết bàn nhậu này sang bàn nhậu kia, gặp gỡ và tiếp đón vô số kiểu người nên mặt tôi đã dày lên và dạn dĩ hơn xưa.

- Xin lỗi anh. – Tôi cúi đầu, rối rít nhận lỗi.

- Không sao đâu, xe thắng gấp quá.

Anh ta vừa dứt lời thì tiếng chú lơ xe cũng lanh lảnh vang lên, rầy rà khách vì sao lại đứng đón ngay ngã tư mà không xích lên một chút bởi nếu xe dừng ngay đó là bị công an hốt chắc luôn.

- Bữa sau nhích lên đây chút nha cô, ngay đó sao mà đón?

- Thì giờ chú nói mới biết chứ có ai dạy đâu mà biết. – Bà khách nói trong tiếng thở hổn hển vì phải chạy một đoạn dài.

Tôi liếc nhìn đứa bé đi bên cạnh bà cũng đang phồng má thở, cảnh tượng này làm tôi nhớ ngày đầu tiên được mẹ đưa vào Sài Gòn phụ cậu, hồi đó, mẹ và tôi đón trúng chiếc xe "dù", thành thử nó không chạy vào bến mà đỗ khách bên ngoài đường chơ vơ và tôi với mẹ cũng phải co chân chạy một đoạn dài để lên xe buýt trong tiếng hối thúc của ông lơ xe.

Đường ra bến Miền Đông khá xa, khi đã được nửa đoạn thì số hành khách cũng vơi dần theo những điểm đón, đỗ.

Tôi nhanh chân lách vào chiếc ghế vừa trống trước mắt mình và ngồi ngay ngắn, đưa mắt ngắm nhìn đường phố nhộn nhịp cả người lẫn xe.

Lúc tôi về đến Bà Rịa thì cũng đã gần tới giờ cơm trưa. Sau khi tắm gội và trang điểm sơ sơ, tôi cuốc bộ sang công ty chị Ngọc để cùng chị đi dùng cơm với khách, nói là dùng cơm nhưng thật chất là một cuộc nhậu.

Tôi cũng không ngờ cái điều mà tôi hằng ao ước khi biến thành sự thật lại khiến tôi không vui vẻ chút nào, tôi muốn vào nhà hàng là để ăn uống với gia đình một cách thân tình chứ không phải giả lả lấy lòng người dưng, còn phải hả miệng uống bia, uống rượu đến mức nôn thốc nôn tháo.

- Em đi xe mệt thì lát vô nhớ tranh thủ ăn nhiều nhiều chút nha, để bụng đói mà bị mấy ổng tấp trăm phần trăm là gãy đó. – Chị Ngọc vừa căn dặn vừa lấy hộp phấn hồng dặm thêm lên hai má tôi.

- Dạ, nãy trên đường về xe ghé vô trạm, em cũng có mua cái bánh bao ăn rồi. – Tôi cười đáp.

Chiếc ô tô chạy đến đèn xanh đèn đỏ thì dừng lại, chị Ngọc khẽ đập vai tôi và chỉ trỏ cho tôi thấy cô bé bán hàng bên lề đường.

Nước da ngăm đen vì rám màu của bao nhiều mùa nắng biển khiến tôi cứ ngỡ như chẳng có loại mỹ phẩm nào có thể khiến cô bé ấy trắng ra.

- Em thấy không, ngồi đó mời chào cả ngày mà cũng có được mấy đồng đâu.

- Thì mỗi người mỗi việc mà chị, sao so sánh nhau được, ai cũng đi làm như chị em mình thì không có người mua bán sao?

Nói rồi, tôi quay mặt vào, rút điện thoại ra và lướt lên lướt xuống.