Chương 56 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan
Nhác thấy bộ đồ vest tối màu treo thẳng tưng trên sợi dây kẽm bám trên vách tường, tôi đứng lên nhìn cho rõ rồi tấm tắc khen.
Chính những bộ vest giống thế này đã một thời khiến tôi mê mẩn về hình tượng bạch mã hoàng tử, tôi vốn là đứa con gái hay bị vẻ hào nhoáng bên ngoài cuốn đi, nhưng qua bao thời gian ra đời, làm việc cũng như tiếp xúc thì tôi đã đỡ bớt vì hiểu đời chẳng như mơ rồi.
- Ui! Lúc Trung đi mặc bộ này vô chắc đẹp lắm đây.
- Ừ. Lúc mới may xong nó mặc vừa y, nhưng giờ sụt ký, ốm nên mang hơi rộng. – Chị Vui đáp.
- Lo lắng gì hả Trung? Sao lại sụt ký? – Tôi vừa hỏi vừa ngồi xuống, tiếp tục phụ gói đồ.
- Em có lo gì đâu, tự nhiên thấy ăn không được.
Nói rồi, nó te te chạy ra đầu hẻm, mượn cái cân của bà chủ nhà về để cân hành lý vì nếu ra sân bay mà cân bị dư là họ bắt lấy bớt ra, vậy thì phiền phức lắm, mắt chúng tôi cũng không phải mắt thần để có thể độ chừng hay mão được.
Tuy hỏi Trung thế nhưng tôi biết lý do khiến nó ốm là gì, lo là một phần nhưng phần nữa là vì vắc xin tiêm vào người dồn dập quá.
Cách đây mấy tháng, theo yêu cầu của bên ấy, nó đi khám sức khỏe và xét nghiệm xem trong cơ thể có được bao nhiêu loại vắc xin rồi, nếu thiếu một trong các mũi họ yêu cầu thì phải tiêm cho đủ.
Sau khi có kết quả, Trung mới biết trong người nó không có mũi vắc xin nào hết bởi hồi nhỏ ở vùng sâu vùng xa, dưới bưng dưới rẫy nên nào có tiêm chủng đầy đủ đâu, ba mẹ thì làm tối mắt tắt mũi, cũng chẳng có thời gian mà để ý chuyện này, chỉ lo cho con cái có cơm bỏ vào bụng và có áo quần mặc là đủ xây xẩm rồi.
Ấy là, Trung phải tiêm hết các mũi cho đủ điều kiện và từ ngày tiêm xong đó, nó ốm lần, ốm lần, tôi cũng chẳng hiểu lắm về y dược nhưng nghe mấy người lớn bảo thì chích liền liền vậy hao người lắm, bị nóng trong người rồi dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn, hoặc giả là có ăn cũng khó mập được, phải có thời gian cho thuốc tan dần.
Nhìn những chiếc áo len đủ kiểu, vẫn còn mới nằm trong vali, tôi bất giác đưa tay mân mê.
Vì chị Vui đã nói nên tôi biết trong số áo mùa đông mà Trung sẽ mang ra nước ngoài, có hơn phân nửa là hàng đồng giá ba cái một trăm ngàn. Nó nói chị mua hàng này cho tiết kiệm vì nếu mua trong shop mới sẽ rất tốn tiền.
Đêm qua, ngày tới rồi lại sập chiều. Lúc chúng tôi chuyển hành lý lên chiếc taxi, trời đổ mưa như trút nước.
Xe dần chuyển bánh, đưa cả ba ra sân bay Tân Sơn Nhất, chị Vân, anh Hùng và dì Hoa, thằng Bo đều đi xe máy ra tiễn còn ba mẹ tôi cùng bé Lan thì bao xe từ dưới quê lên và tới thẳng ga đi quốc tế luôn.
Bé Ly ở trong nhà dòng nên chẳng thể đến tiễn anh nó, mẹ tôi chỉ gọi báo cho nó biết thôi, bởi Trung bay lúc mười một giờ khuya, mà nhà dòng thì chín giờ là đóng cửa rồi, ngại phiền mọi người.
Những giây phút cuối cùng bên nhau, cả nhà tôi tranh thủ lấy điện thoại ra chụp hình kỷ niệm và trò chuyện đủ thứ. Ba mẹ liên tục dặn dò Trung từng chút một.
Tôi ngó trông nhóm thực tập sinh, có người còn ốm hơn cả em tôi, tự nhiên lòng lại bớt lo đi một chút. Thầm nghĩ có lẽ mấy người đó cũng chích vắc xin nhiều quá.
Sau tất cả thì giờ phút chia tay cũng tới, Trung vẫy chào mọi người, kéo hành lý tiến vào khu vực cách ly. Tôi thấy trong khóe mắt cả ba lẫn mẹ ươn ướt.
Chờ khi bóng dáng Trung khuất hẳn giữa dòng người, cả nhà mới quay ra, chuẩn bị về.
- Khi nào ba mẹ tới nơi thì gọi báo tụi con biết nha. – Chị Vân dặn dò, không quên dúi theo mấy cái bánh gói cho bé Lan để mọi người ăn lỡ đói dọc đường vì trời đã khuya.
- Ừ. Rồi khi nào con về Bà Rịa lại? – Mẹ quay sang tôi, hỏi.
- Dạ, sáng mai con đi. – Tôi đáp.
Thế là, chỉ trong thoáng chốc, mấy cuộc chia tay. Chị Vân, anh Hùng, dì Hoa cùng thằng Bo đi trước xuống nhà xe, còn tôi với chị Vui chờ cho đến khi chiếc ô tô chở ba mẹ và bé Lan chuyển bánh mới đưa tay đón ta xi về lại phòng trọ.
Tới nơi, nhìn chiếc xe máy cũng như những vật dụng còn lại của Trung, chị Vui liền bật khóc nức nở, tôi cũng sụt sùi theo.
Có lẽ vì tôi đã sớm sống xa nên không đau lòng nhiều như chị. Suốt mấy năm đại học và thêm hai năm đi làm, chị là người kề cận chăm sóc, cơm nước, giặt giũ cho nó.
Sợ chị nhìn vật nhớ người, tôi lật đật gom hết sách vở, quần áo cũng như các thứ linh tinh của Trung cho vào cái thùng catton rồi lấy băng keo bịt kín lại, thảy lên gác.
Tôi không ngăn chị Vui, cũng chẳng buồn an ủi, cứ để chị khóc cho thoải mái, thà một lần như vậy để rồi sáng mai thức giấc, chị trở lại bình thường, dẫu có nhớ nhung nhưng sẽ không khóc nữa, giống như tôi ngày đầu tiên rời xa Sài Gòn về Bà Rịa và ngày đứng lặng nhìn theo ba mẹ chuyển về quê cũng như khi tiễn bé Ly đi.
Lúc này, đồng hồ đã điểm mười một giờ đúng, có lẽ chiếc phi cơ đã rời mặt đất và đưa Trung đi rồi. Chuyến bay có mang theo mơ ước của nó nhiều không hay chỉ là gánh nặng về số nợ mà đối với chúng tôi là con số khổng lồ.
Bên ngoài, mưa vẫn chưa ngớt hạt, như ru thêm tủi hờn trên những mảnh đời cơ khổ.
Ngồi bó gối ngẫm nghĩ về gia đình mình, tôi khẽ mỉm cười hạnh phúc vì ít ra, chúng tôi còn có mái nhà che đầu, không như rất nhiều người bất hạnh lang thang đầu đường xó chợ, vào lúc gió mưa thế này, họ phải chật vật tìm chỗ trú thân.