Chương 49 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan
Lúc ngang qua trường đại học Tôn Đức Thắng, Trung hào hứng khoe cho tôi để ý mà nhìn.
- Đẹp quá!
Tôi reo lên trong tiếng gió thoảng nhanh. Đối với tôi mà nói, được ngồi trên ghế giảng đường là một điều quá ư xa xỉ, vượt ngoài khả năng.
Thật sự thì đến thời điểm này đã quá muộn màng rồi. Tuy người ta vẫn nói học chẳng bao giờ muộn nhưng đó là lời nói thôi, cuộc đời mỗi người mỗi khác. Giờ mà có ai cho tôi đi học lại thì e là tôi học cũng không vô nổi.
Vì anh Vinh ở tuốt trên Hóc Môn, phải đi xe buýt mấy chặng nên anh bảo sẽ tới hơi lâu, kêu tôi cứ xuống gặp anh Tài xin mẫu biên bản và pho to mấy cái chứng nhận chất lượng, số lượng của hàng hóa về để tổng hợp, bổ sung lại làm hồ sơ hoàn chỉnh bởi lúc trước nghiệm thu giai đoạn lẻ tẻ, giấy tờ lạc lộn, cuối cùng khối lượng không khớp thành thử phải làm lại từ đầu cho đúng thì họ mới ký rồi thanh toán cho nhà thầu.
Anh Vinh cũng là giám đốc một công ty nhỏ, gọi vậy cho oai chứ theo chị Ngọc nói thì anh chỉ xin giấy phép kinh doanh cho đủ chức năng hành nghề thôi chứ chẳng có văn phòng như chị.
Anh ở nhà trọ túm húm trong con hẻm nhỏ, nhìn vào chẳng ai biết đó là nơi đăng ký trụ sở một công ty. Thế nên, anh chỉ có thể ký và làm lại của mấy thầu chính hoặc thầu phụ, có khi là phụ của phụ của phụ. Hiển nhiên, giao đến tay anh thì tiền cũng sụt đi nhiều, có lời nhưng lời chút xíu.
Vốn lúc trước anh Hoàng và chị Ngọc bôn ba trên mảnh đất Sài thành thì đã gặp gỡ và quen biết với anh Vinh. Sau này nhận được công trình lại đưa cho anh làm khoán và trả tiền nhân công, vật tư thì công ty chị cung cấp bởi nếu đưa người từ dưới Bà Rịa lên, chi phí ăn ở sẽ tăng rất nhiều. Thế là, anh Vinh vừa làm giám đốc công ty anh, vừa làm chỉ huy trưởng công trường của công ty tôi.
Tới trước cổng nhà máy xi măng, Trung thả tôi xuống rồi gấp gáp chạy trở lại, tôi chỉ kịp nói với theo, bảo nó từ từ mà đi, cẩn thận một chút.
Đoạn đường dẫn vào khu công nghiệp này vốn vắng ve vắng vẻ, chẳng thấy cây xăng hay tiệm sửa xe nào, cũng may là Trung đã đổ đầy bình xăng, và giờ tôi chỉ cầu cho xe nó chạy ngon lành, đừng tắt máy hay thủng lốp gì cả, nếu không thì có mà ngồi giữa đường khóc ròng chứ biết xử lý làm sao, kêu trời, trời không thấu, kêu đất, đất chẳng nghe, còn người thì chắc chắn là không thấy rồi, dẫu cho nếu có thì họ cũng lo đi việc của họ, đâu rảnh dừng lại giúp đỡ mình.
Đưa mắt nhìn xung quanh, bất giác tôi lại có cảm giác sợ hãi. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ phải đến một nơi xa lạ, tự liên hệ và làm việc thế này, tuy cái miệng hến đã có cải thiện được một chút nhưng lá gan thì vẫn nhỏ xíu như thường, không sao khá nổi.
Nhác thấy chú bảo vệ ngồi trong chốt, tôi vội vàng tiến lại, thò cổ vô hỏi lớn.
- Chú ơi, chú cho cháu hỏi anh Tài trưởng phòng kỹ thuật ở đâu vậy chú?
- Tìm ảnh có việc gì không? – Chú bảo vệ hếch mặt hỏi.
- Dạ cháu lên làm hồ sơ nghiệm thu ạ.
Nói rồi, tôi đưa giấy giới thiệu của công ty mình ra và chú bảo vệ sau khi xem xong thì mở cổng cho khách vào.
Tôi lục tìm số điện thoại của anh Tài trong điện thoại rồi bấm gọi. Sau vài cuộc gọi chẳng thấy ai bắt máy, tôi la lết vào hàng ghế chờ trước văn phòng công ty ngồi đợi.
Đâu tầm mười phút sau, anh Tài gọi lại. Sau khi nghe tôi giới thiệu bản thân đến từ đâu và cần những gì thì anh bảo tôi cứ đi thẳng vô phòng kỹ thuật, tới bàn làm việc của anh, lục trong tập hồ sơ có ghi tên công ty tôi, sẽ thấy biên bản và giấy tờ các thứ, bảo pho to xong trả lại chỗ cũ cho anh, không được mang ra khỏi nhà máy, vì anh đang ở ngoài cảng xuất, chưa thể về kịp.
Tôi vội vàng vâng dạ rồi mò mẫm đi tìm phòng kỹ thuật. Qua mấy phút ngáo ngơ thì tôi cũng tìm ra. Cái phòng kỹ thuật này to bằng cả cái nhà của anh chị họ tôi chứ chẳng ít.
Mọi người thấy cái mặt lạ hoắc của tôi tiến vào liền tròn mắt nhìn, tôi đoán chắc họ nghĩ tôi là nhân viên mới đi lạc.
- Anh ơi, bàn làm việc của anh Tài ở đâu vậy anh? – Tôi mạnh dạn lên tiếng hỏi một anh trai ngồi gần cửa nhất.
- À, bên kia kìa em, đó, gần chỗ anh áo đỏ.
- Dạ, em cám ơn anh.
Dứt lời, tôi lủi ngay đến cạnh anh áo đỏ và bắt đầu lục lọi. Bản thân cũng không ngờ cái bộ hồ sơ nó dày như vậy. Cầm được nó trên tay mà tôi chẳng biết phải làm sao, anh Tài không cho đem ra ngoài thì tôi pho to kiểu gì đây.
Bí bách quá, tôi quay sang anh trai áo đỏ, lấy nụ cười thay cho câu chào rồi cất tiếng.
- Anh ơi, anh cho em pho to nhờ mớ hồ sơ này được không ạ?
- Ừ em. Em ôm sang phòng kế toán bên kia nha, máy pho to bên đó. – Anh đáp và hào hứng chỉ dẫn.
Tôi mừng rỡ, ba chân bốn cẳng chạy sang phòng kế toán cách đó không xa. Sau khi chào hỏi và xin xỏ, tôi được một anh còn ốm nhom ốm nhách hơn mình chỉ cho cách dùng máy pho to, nào là đặt giấy, nhấn nút làm sao để ra một mặt hoặc hai mặt.
- Em cám ơn anh nhiều. – Vừa nói, tôi vừa hí hửng thao tác thật nhanh, như kiểu sợ người ta đổi ý không cho pho to nhờ nữa.
- Không có gì, chà, pho to hết mớ này cũng khẩm giấy đó.
Câu nói của anh ốm khiến tôi có cảm giác thật ái ngại, thế nhưng, tôi mau chóng gạt phăng sự ngại ngùng và chằm hăm vào việc chính, thầm trấn an rằng công tuy này to như vậy, dẫu cho tôi có dùng hết cả gam giấy thì cũng bõ bèn gì đâu, cùng lắm, tôi hỏi rồi gởi tiền lại cho họ, là tại anh Tài không cho tôi mượn hồ sơ ra ngoài chứ phải đâu tôi keo kiệt, khoái dùng miễn phí chứ.