Chương 48 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan
Vì hai chị phải tăng ca và Trung vẫn chưa đi học về nên tôi chui qua phòng dì Hoa. Dì đang cuốn chả giò, ngẩng lên thấy tôi liền cười hỏi.
- Đi hồi nào mà giờ mới tới?
- Dạ, con đi lúc một giờ.
Nói rồi, tôi lết lại phụ dì.
Sau một hồi hỏi han tình hình của ba mẹ, dì lại quay sang nói tới anh Tú, chính là người dì cất công mai mối lúc trước, rằng anh vẫn hay ghé và hỏi han tôi và dì cũng nói với anh rằng tôi đã về Bà Rịa làm.
- Thôi dì ơi, con không quan tâm nữa, người đó cứ sao sao á. – Tôi sưng mặt, nói.
- Tại người ta có nỗi khổ riêng. – Dì cúi đầu, chằm hăm vào cuốn chả.
- Khổ gì hả dì? – Tôi nheo mắt nhìn dì, thắc mắc.
Dì Hoa thở dài rồi kể cho tôi nghe, rằng trong một lần ghé ăn bún, anh Tú tâm sự với dì là anh đã từng có vợ và ly hôn được sáu năm rồi. Sau khi chia tài sản, hai đứa con trai về ở với chị ấy. Còn anh cứ cuối tuần thì mới có thời gian đón chúng về nhà chơi.
- Ảnh có nói lý do ly dị vợ không dì?
- Vợ nó ngoại tình vì hai bên không hòa hợp tính cách.
Câu trả lời vừa dứt, tôi nghe tiếng gạt chân chống bên ngoài vang lên, biết là Trung đã về, tôi vội chào dì rồi ôm đồ chạy sang phòng mình.
- Vy tới lâu chưa? – Trung vừa tra chìa vào mở khóa, vừa hỏi.
- Cũng mới thôi, nay Trung học nguyên ngày hả?
Nó gật đầu rồi đón lấy cái thùng máy in khiêng vô phụ tôi. Tuy đây là phòng trọ tạm bợ nhưng tôi luôn có cảm giác như thể nhà mình vậy, ấm áp và thân thuộc. Có lẽ bởi vì còn chị em của tôi ở đây.
Đâu tầm sáu giờ chiều thì chị Vân chở chị Vui về. Giọt mồ hôi còn vương trên mái tóc mai nhưng nụ cười rạng rỡ vẫn trên môi.
- Ủa, em tưởng Vân với Vui tăng ca chín giờ chứ? – Tôi vội vàng hỏi trước.
- Xưởng bị cúp điện, đợi hoài không có nên cho về. – Chị Vui đáp.
Trong lúc hai chị tắm gội, giặt giũ, tôi lại chạy sang phòng dì Hoa bưng cơm về ăn. Dì tôi nấu ăn rất ngon, nêm nếm mặn ngọt vừa phải, bày biện cũng đẹp mắt nên tôi rất thích, so với cơm mẹ nấu, thì dì đứng thứ hai.
Ăn uống và dọn rửa xong, tôi lôi cái máy in ra và thể theo mong muốn từ chị Vui, tôi lên mạng tìm hình các diễn viên, ca sĩ trong và ngoài nước, lấy về laptop và in ra cho chị. Nhìn vẻ mặt thích thú của chị, tôi nghe lòng cũng vui lây.
Tối đến, như lúc trước, ba chị em nằm cạnh nhau và rù rì nói chuyện, tôi kể cho hai chị nghe về quá trình mò mẫm cũng như học hỏi của mình. Chị Vui cứ khúc khích cười mãi, đoạn, chị chép miệng.
- Gặp chị chắc chị bỏ chạy rồi, sao mà làm được?
- Vui nghe em nói thì thấy vậy thôi, chứ lúc tiếp xúc trực tiếp thì tự nhiên não nó thông ra, từ từ cũng hiểu.
- Chị thì nhìn thấy cái laptop là sợ rồi, đừng nói tới là học rồi làm. – Chị Vân tiếp lời.
- Không biết mới đầu Trung nó có sợ không ta?
Tôi vừa hỏi xong, cả ba lại trợn mắt nhìn lên trên căn gác nhỏ, bật cười. Tiếp đó, tôi hỏi hai chị về những người từng biết trong xưởng xem họ thế nào.
Hóa ra, vì tôi rời đi nên nhận thấy cuộc đời mình nhiều biến đổi chứ mọi người vẫn bình thường, đều đều từng ngày, bấy nhiêu đó việc lặp đi lặp lại. Cũng phải thôi, một tháng thì có lâu gì.
- Thôi, ngủ đi, mai còn đi làm. Mà mai Vy đi xuống Nhà Bè bằng xe gì? – Chị Vui quay sang tôi, hỏi nhỏ.
- Trung nói để nó chở em đi sớm chút rồi trở lại trường học luôn, quận bảy với Nhà Bè cũng chung đường.
Chị Vui khe khẽ gật đầu, nhắm mắt ngủ. Tôi cũng khép mi. Bất giác, lòng bỗng dưng nhớ đến chuyện lúc chiều dì Hoa nói.
Lúc này, tôi đã hiểu vì sao cuối tuần mà anh Tú cũng bận bịu, anh nói dối là vì công việc nhưng hóa ra là vì hai đứa con.
Nếu như từng một lần vấp ngã trong hôn nhân thì sao anh không cho biết từ trước, anh nói với dì anh vẫn độc thân thì dì mới đem tôi ra giới thiệu.
Ngay buổi đầu anh đã nói dối, và bây giờ anh bảo có nỗi khổ riêng nhưng cũng không trực tiếp bày tỏ cùng tôi. Lẽ nào anh cho rằng dì Hoa sẽ cảm hóa được tôi và tôi sẽ thông cảm hay sao.
Trong tôi giờ đã thôi hết thời mộng tưởng đó rồi, suy nghĩ của một người qua một đêm đã khác, huống hồ là cả năm.
Khi mặt trời còn chưa ló dạng, Trung và tôi đã đùm túm chở nhau xuống Nhà Bè. Sống ở Sài Gòn ngần ấy thời gian, đây là lần đầu tôi đặt chân tới khu vực này, đó giờ, tôi chỉ quanh quẩn ở đoạn đường từ xưởng giày rồi về nhà, đâu nữa là ra mấy khu chợ gần gần thôi, chẳng bao giờ đi xa như vậy.