Chương 36 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan
Xâm xẩm tối, những đống lá khô dọc hai bên đường chẳng hẹn mà cùng lúc cháy rực, nhà nhà đều đốt rác.
Tôi đứng cách đống lửa không xa, ngắm nhìn. Chính là cái lúc này, điểm đặc trưng của ngày cuối năm mà chỉ ở quê tôi mới được chứng kiến. Ngọn lửa bập bùng như đốt cháy hết mọi buồn phiền năm cũ để bắt đầu một năm mới với mong ước tươi sáng hơn.
Bữa cơm ngày ba mươi Tết, cả nhà chúng tôi quay quần bên nhau. Cơm lành canh ngọt, mặt ai cũng tươi tắn dù rằng trong lòng vẫn nặng một nỗi buồn.
- Tết năm nay là Tết cuối nhà mình ở đây rồi. – Chị Vân buột miệng nói.
- Ừ, giờ người ta muốn lấy lại đất chứ không bán, hòa giải mấy lần mà có được đâu. – Mẹ đáp.
- Kệ đi mẹ, lấy tiền bồi thường xong thì vô Sài Gòn mướn nhà trọ ở, con thấy gia đình người ta đông đen mà cũng chui vô ở được hết đó thôi. Tết nhất, tụi con đỡ đi xe đi cộ về.
Nghe tôi nói, mẹ chỉ gật đầu. Thực ra, nếu không như vậy thì cũng đâu còn cách nào khác. Bên tòa án đã xử tiền bồi thường cho căn nhà cùng cái giếng đào tổng cộng là bốn mươi triệu để mẹ tôi dọn đi, trả đất cho dì Liên.
Dù rằng mẹ đang có ý định gởi đơn kháng cáo đòi thêm nhưng theo như chúng tôi nghe ngóng được thì chắc có lẽ cũng chẳng thêm được bao nhiêu, trong khi bên thua là gia đình tôi đây phải đóng án phí hết cả mười triệu rồi.
Còn nhớ những ngày mới hầu tòa, nghe ba nói mẹ sụt cân vèo vèo, ốm nhom ốm nhách vì buồn, vì sốc.
Chẳng ngờ dì Liên lại có thể gởi đơn kiện đòi lấy lại đất như vậy. Trong khi mẹ đem tiền vay mượn được vào trả hơn giá ngày xưa thỏa thuận gấp đôi mà dì vẫn không chịu, cứ khăng khăng phải theo giá thị trường mới bán và tách sổ, nhưng nếu theo giá thị trường thì nhà tôi biết đào đâu ra cho đủ chứ, bà con cho mượn cũng có giới hạn, bấy nhiêu ấy đã là nhiều lắm rồi.
Khoảng thời gian đó, chị em chúng tôi phải liên tục gọi điện động viên, an ủi, thậm chí là nói theo kiểu buông xuôi cho mẹ đỡ suy nghĩ, rằng thì tới đâu hay tới đó, từ từ tính hoặc mặc kệ này nọ.
Tuy bây giờ mẹ đã mạnh mẽ đối diện với cú sốc lớn trong đời nhưng làm sao mà mẹ không lo lắng cho được, nhà đông con chứ có phải một hai đứa đâu mà đi cho dễ, làm gì làm, mẹ vẫn muốn có một mái nhà, nhỏ xíu cũng được, bởi an cư thì mới lạc nghiệp, xưa giờ nào có sai.
Đêm trôi vào đêm, kim đồng hồ chậm chạp quay dần. Chị em chúng tôi kéo nhau ra sân ngồi nhìn trời, ngắm đất.
Có lẽ vì biết đây là năm cuối mình đón mùa Xuân trên vùng núi Tây Nguyên này nên chúng tôi không ai muốn để rơi mất một nhịp thở nào của thời gian.
Những đống lửa tàn của buổi chiều vẫn còn hơi le lói sáng. Mấy anh thanh niên nghịch ngợm lấy lốp xe hư ở đâu chẳng biết, tới bên cạnh mồi lên, đốt cho cháy rồi cột dây, leo lên xe kéo chạy trên đường nhựa cho nó thành một đường sáng, khói bay lên hôi rình, miệng thì la hét khoái chí. Tôi cũng chẳng biết họ là con nhà ai mà chơi ngông thế.
- Thanh niên giờ nhìn thấy chán, nghênh nghênh ngang ngang, phá làng phá xóm. – Tôi trừng mắt nhìn chiếc xe vụt qua vụt lại trước mặt mình, lầm bầm.
- Phải con chị là chị đập cho một trận rồi. – Chị Vân tiếp lời.
Tôi phì cười, thầm nghĩ con cái lúc nhỏ không dạy, lớn cỡ đó làm sao mà dạy nổi nữa chứ. Tre non dễ uốn, giờ nó già chát thế kia thì uốn kiểu gì được.
Đúng mười hai giờ đêm, những cây pháo hoa đơn lẻ từ mấy nhà hàng xóm lân cận bắt đầu bắn lên, mỗi nhà đâu được tầm hai, ba cây, nổ lụp bụp, toe ra mấy chùm thì tắt ngúm.
Tôi quay qua quay lại chẳng biết Trung đi đâu, đưa mắt nhìn lên cây ổi cao hơn cái nóc nhà thì thấy nó đã đứng trên đó tự bao giờ.
Cả đám chúng tôi cùng hướng về khung trời dưới thị xã, nơi đó đang có màn bắn pháo hoa chào mừng năm mới.
Tôi nghe Trung bảo nó thấy màu xanh, màu vàng, màu đỏ đẹp lắm, còn tôi và các chị đứng dưới đất thì cứ nghe bụp bụp nhỏ nhỏ thế thôi.
Dù trong nhà, ba mẹ đang xem trực tiếp trên ti vi và thấy rất rõ thì chúng tôi cũng chẳng đứa nào muốn vào xem qua màn hình như mọi năm mà cứ thích nhìn tận mắt mới chịu.
Lâu lâu, có chùm pháo bay hơi cao, lú ra khỏi đám cây cối thì họa hoằn tôi mới thấy. Nhưng tôi dám chắc đó là hoa pháo đẹp nhất và khiến tôi ghi nhớ nhất, một bằng hơn cả một trăm. Chỉ khi thiếu thốn, con người ta mới biết trân quý, chỉ khi sắp rời xa mới thấy nhớ nhung cùng hối tiếc.
Sẽ có rất nhiều chuyện mãi mãi về sau tôi không còn có cơ hội được làm vào dịp Tết, nào là lên núi rọc lá chuối về cho mẹ gói bánh, nào là đi cắt cỏ mè dự trữ cho heo.
Tôi cũng sẽ không xách cây chổi dừa đi vòng vòng quét lá quanh sân nữa. Tất cả sẽ mãi mãi trả lại hết cho dòng thời gian bôi xóa.