Chương 37 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan

Ở thành phố chẳng bao giờ nghe được tiếng ve ngân mỗi độ hè về. Mấy hôm nay đang diễn ra kỳ thi tốt nghiệp đại học trên khắp cả nước.

Nhà tôi có mỗi thằng em trai lần đầu bước chân ra khỏi trường cấp ba nên thấy rất tự hào, ai cũng mong nó thi đậu cho nở mày nở mặt chứ đừng giống ba cô chị.

Tối qua, chị Vân gọi điện hỏi thăm Trung, nghe nó bảo mẹ chuẩn bị mùng mền, chiếu gối, quần áo các thứ cho nó nguyên một cái ba lô to đùng như kiểu dọn nhà đi vậy.

Mẹ nói nó ra ngoài đó ôn bài thi cử không có thời gian giặt giũ nên đem nhiều đồ một chút, mặc rồi gom lại về mẹ giặt sau.

Ngày đầu, cả sáng cả chiều tôi đều nhắn tin hỏi chừng nó mỗi khi rời phòng thi xem có làm bài được không thì chỉ nhận được câu trả lời rằng đề khó quá, làm được ít lắm.

Sáng hôm nay cũng là một câu thông báo giống như vậy. Thôi thì tôi cũng chỉ còn biết hy vọng và động viên nó thôi.

Khi mà những đứa bạn cùng lớp đua nhau học thêm học bớt các kiểu từ khi mới bước chân vào cấp ba thì Trung không như vậy.

Nó sợ mẹ tốn tiền nên đâu dám đăng ký, nói rằng tự học cũng được, mãi tới mấy tháng cuối năm mười hai mới cùng thằng bạn nghèo nhảy tưng tưng đi kiếm thầy luyện thi, đến là khổ.

Buổi trưa, vừa ăn cơm vào, đặt lưng xuống nằm nghỉ thì mẹ gọi cho tôi, giọng mẹ ảo não.

- Cả nhà nấu có một lon rưỡi gạo mà ăn cũng không hết, phải cho bầy vịt ăn phụ.

Tôi nghe xong thì buồn thúi cả ruột, chẳng phải vì cái nồi cơm của nhà tôi giống niêu Thạch Sanh, ăn vơi lại đầy mà là ba mẹ và em tôi nghe tin Trung làm bài không mấy ổn nên lơ cả cơm, bỏ cả nước.

Chẳng biết làm thế nào, tôi đành nhẹ nhàng trấn an mẹ.

- Ngoài mình còn cộng điểm vùng sâu vùng xa mà mẹ, nó làm cũng gần nửa nửa đề, cộng lại chắc là cũng đủ á, không sao đâu.

- Ừ. Mong là đủ, tội nghiệp nó, không đi ôn sớm như con người ta. – Mẹ sụt sùi.

Dù cách nhau một đoạn đường xa và không hề nhìn thấy nhưng tôi có thể tưởng tượng ra cái khung cảnh sầu thảm ở quê nhà.

Gió đánh lá chuối rách toạc, đong đưa trong nắng hè oi ả, bầy vịt chăm chú lượm cơm trong chuồng, ba mẹ và hai đứa em thì ngồi héo rũ dưới hiên ngóng tin, quán xá vắng ve vắng vẻ.

Tối đến, tôi lại lấy máy gọi cho Trung, mở loa ngoài và đặt xuống nền nhà để hai chị cùng nghe. Nó khoe hôm nay thi xong, cùng bạn ra biển Quy Nhơn chơi, chụp được hai tấm hình.

- Cả đời em bây giờ mới thấy biển. – Trung hào hứng nói qua điện thoại.

- Ừ, rồi mai về phải không? Coi dọn đồ đạc kẻo quên sót. – Chị Vui nhắc nhở.

- Em dọn vô ba lô hết rồi. Giờ về nằm chờ kết quả thôi.

Nghe đến đấy, ba chị em gái nhìn nhau, bùi ngùi. Tôi thấy tội nghiệp em trai quá, ví như thi rớt thì tôi cũng sẽ động viên nó cố mà thi lại chứ không muốn nó lại nối gót mình đi làm xưởng.

Trong thâm tâm vẫn luôn mong nó có thể học hành có bằng có cấp để được làm công việc đầu óc, đỡ nhọc chân tay.

Còn nữa là tôi luôn mang theo cái suy nghĩ nhân viên văn phòng dẫu sao vẫn có cái mác thu hút hơn. Tri thức, gọn gàng và sạch sẽ, sơ mi trắng, quần tây đen, xách thêm cái cặp táp bước chân xuống đường thì người khác sẽ trọng hơn.

Chứ như tôi đây, có khi mang bộ đồ công nhân, ghé vào một cửa hàng hơi xa hoa chút thì nhân viên ở đó sẽ nhìn tôi bằng nửa con mắt, kiểu như sợ tôi không có tiền trả hoặc giả là sợ tôi rình mò ăn cắp cũng nên.

Ngày tháng trôi qua, Trung nhận được tin báo điểm và thông báo trúng tuyển vào trường đại học Tôn Đức Thắng. Cảm xúc như vỡ òa, tôi ôm lấy hai chị nhảy nhót rồi lại tự nhảy một mình.

- Coi nó kìa, làm như nó thi đậu vậy. – Dì Hoa đang cuốn chả giò, nhìn sang tôi, lên tiếng chọc ghẹo.

Thế là, tôi hào sảng lục tiền đi mua mấy gói snack, pim pim và sữa chua Vinamik về khao cả phòng ăn mừng. Có lẽ dì Hoa sẽ không hiểu cảm giác này cho tới ngày thằng Bo đi thi đại học.

Cuối cùng thì ngày Trung vào Sài Gòn nhập học cũng tới. Buổi chiều tan ca về đến phòng trọ thì đã thấy ba cùng nó ngồi trong phòng, bên ngoài dựng thêm một chiếc xe máy năm mươi phân khối cũ. Nghe đâu là mẹ mới mua lại từ một người hàng xóm cho nó có phương tiện di chuyển tới trường.

Trên gương mặt khắc khổ của ba vẫn đong đầy niềm vui chưa phai phôi. Nhìn chúng tôi mồ hôi nhễ nhại sau một ngày làm việc, ba liên tục hỏi thăm từng đứa có mệt hay không.

- Tại trời nóng nên tụi con đổ mồ hôi thôi ba, đâu có làm gì nặng nhọc. – Chị Vân cười tươi rói.