Chương 28 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan
Thật tình thì tôi ước bữa cơm nào cũng có cà muối nhưng mẹ nói ăn nhiều sẽ chẳng tốt cho sức khỏe, một quả cà, ba chén thuốc.
Với nữa là tôi bị dị ứng, khi nào ăn cà, cả người đột nhiên ngứa ngáy khó chịu. Nhưng tôi luôn giấu tất cả mọi người vì sợ không được cho ăn nữa, cứ thế chịu đựng qua một đêm là hết, mai lại tiếp tục thưởng thức.
Về đến phòng trọ, thấy chiếc xe của dì Hoa vẫn dựng bên ngoài, cả ba chị em ngệch mặt nhìn nhau. Thường thì giờ này dì đã rời đi rồi mới phải.
- Có khi nào dì Hoa bị bệnh không?
Chị Vui hỏi nhỏ rồi đẩy cửa bước vào. Bên trong, điện thắp sáng trưng, thằng Bo đang cắm cúi ghi chép trên chiếc bàn học kê trong góc, còn dì Hoa thì đang đứng trước bếp chiên mực. Chúng tôi còn chưa kịp mở miệng hỏi, dì đã lên tiếng.
- Về rồi hả? Nay tao cho tụi bây ăn mực dồn thịt.
Dì vừa dứt lời thì mắt ba đứa sáng lên. Món mực dồn này lâu lắm rồi tôi chưa được ăn lại. Đối với tôi, nó thuộc về món ăn của nhà giàu hoặc giả là tiệc tùng gì đó. Tôi cũng chẳng nhớ lần cuối tôi cho nó vào miệng là lúc nào.
- Con mua cà pháo về muối nè dì. – Chị Vân xách bịch cà lên khoe.
- Ừ, cắt cuống rửa sạch rồi để cho ráo, lát xếp vô hũ, tao nấu nước muối đổ lên. Còn giờ đứa nào ưng ăn liền thì cắt một ít ngâm sổi đi. – Dì Hoa nói, tay vẫn trở đều trên chảo.
- Nhưng sao hôm nay dì không đi thêu? – Tôi thắc mắc.
- Máy hư nên bà chủ cho nghỉ, đợi thở sửa đã. – Dì đáp.
Nghe tiếng nổ bụp bụp, tôi tiến gần bếp để xem. Thấy tôi nhìn lom lom mấy con mực, dì Hoa ghé tai tôi, nhỏ giọng.
- Thằng Bo nó đòi ăn mực dồn thịt, tao lấy cái đầu mực nhét vô mình nó rồi chiên luôn, chứ không phải dồn thịt heo đâu.
- Là mực dồn mực hả dì? – Tôi phì cười, hỏi lại.
- Ừ. Nhỏ nhỏ thôi mày, nó nghe được thì mất công. – Dì chau mày, nói chẳng hé răng.
Tắm gội xong xuôi, chúng tôi nhanh chóng ngồi xoay tròn quanh mâm cơm.
Thằng Bo thích thú nhìn dĩa mực vàng ươm mà mẹ nó đã dày công nấu nướng. Suốt bữa, tôi cứ mắc cười mãi, ai ăn cũng đều có thể cảm nhận được không hề có thịt heo nhưng chỉ mình nó là không biết.
Tối đến, dì Hoa lấy điện thoại nhấn số gọi về cho nhà cô Mai, nhờ cô chạy sang báo giùm để mẹ qua nghe máy. Có lẽ dì cũng biết chị em tôi mới vào sẽ nhớ nhà nên mới cách một ngày đã gọi cho chúng tôi nghe tiếng mẹ.
Cả ba chị em tôi túm tụm quanh chiếc điện thoại được băng bó bằng những sợi dây thung chằng chịt xung quanh và chờ đợi.
Chiếc điện thoại nắp bật hiệu Motorola này là của một người bạn làm chung xưởng thêu cho dì Hoa. Chẳng biết sao mà phần vỏ nó rơi rụng, không tài nào lắp cho khớp để giữ cục pin, vậy nên, phải nhờ đến dây thung thần thánh trợ giúp. Lúc nào mà thung bị đứt, lỏng ra thì coi như cuộc gọi kết thúc, phải cột chặt lại mới tiếp tục được.
Tôi vẫn thường hay ghẹo dì Hoa rằng điện thoại người ta là nạp tiền vào gọi còn cái của dì là nạp dây thung. Chị Vân còn chọc nó là cái Motorothung phiên bản giới hạn duy nhất. Dì bảo kệ, có xài còn hơn không.
Qua mấy phút sau, màn hình nhá lên một cuộc gọi nhỡ. Biết mẹ tôi đã qua, dì Hoa liền bấm số gọi lại.
Dì hỏi thăm mẹ tùm lum chuyện rồi đưa máy cho chúng tôi. Vì đang mở loa ngoài nên lời mẹ nói cả ba chị em đều nghe rất rõ.
- Rồi hôm giờ tụi con làm đã quen việc chưa? – Giọng mẹ ấm áp phát ra từ chiếc điện thoại.
- Dạ rồi mẹ, làm trong đây công việc nhẹ nhàng không nặng giống làm gỗ ạ. – Chị Vân vui vẻ đáp.
- Ba với mấy đứa vẫn khỏe hết hả mẹ? – Chị Vui chen vào.
- Ừ, mọi người đều khỏe. Mấy đứa coi đi làm mệt thì cứ mua đồ ăn uống vô nha, đừng tiết kiệm quá, không có sức đâu.
Lời mẹ dặn dò làm sống mũi tôi cay xè. Qua bao nhiêu năm thì tôi vẫn là một đứa mau nước mắt.
Vì lo hết tiền của dì Hoa nên mẹ chỉ hỏi han thêm dăm ba câu nữa rồi cúp. Lúc này, khi cả hai chị ngẩng đầu lên, tôi mới nhận ra không chỉ có mình tôi cầm tinh con mèo mướp.
Hết ba tháng thử việc, chị em tôi đã ký hợp đồng chính thức với công ty. Và vì người mới xin vào tổ Chặt nhiều mà người cũ nộp đơn nghỉ việc cũng chẳng ít nên chị tổ trưởng chuyển tôi lên máy chặt phía trên để kiểm hàng.
Theo sắp xếp mà tôi được biết thì hàng máy trên quy tụ toàn những tay thợ lành nghề, chặt nhanh và ít hao hụt vật liệu, được đẩy lên đây ngồi, đối với kiểm phẩm mà nói, rất chi là vinh dự, như một cách chứng minh thực lực của bản thân.