Chương 2 - Khi Tôi Được Nhận Thư Trúng Tuyển

Tôi nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, tay treo lơ lửng trên khung nhập văn bản, nhưng không thể gõ nổi một chữ nào.

Thì ra, trong mắt họ, việc tôi mở lời xin thêm 200 ngàn đã là “phung phí”, “lợi dụng”, “hút máu” họ.

Điện thoại vẫn rung lên không ngừng, họ lần lượt đùn đẩy trách nhiệm, như thể đang đá qua đá lại một quả bóng bẩn.

Tôi bỗng nhớ lại hôm bố mẹ ly hôn, họ cũng đứng ở hai đầu phòng khách như thế.

Bố nói: “Học phí tao chỉ trả được một nửa.”

Mẹ nói: “Sinh hoạt phí tại sao lại là trách nhiệm của tôi?”

Còn tôi thì đứng giữa hai người, chẳng khác gì một dấu chấm thừa thãi.

Cơn đói trong bụng lại ập đến, dữ dội hơn cả trước.

Tôi ôm bụng gục xuống bàn, bạn cùng phòng khẽ chạm tay tôi:

“Cậu ổn không? Có cần đi phòng y tế không?”

Tôi lắc đầu, nhưng nước mắt lại bất ngờ rơi xuống.

Thì ra, ở đại học giữa một thành phố lớn, với 500 nghìn một tháng, thật sự không sống nổi.

Thì ra “lên đại học là người lớn rồi” nghĩa là: không ai còn quan tâm bạn có đói hay không.

Thì ra, tình yêu của bố mẹ, có thể phai nhạt theo thời gian, giống như nét mực trên giấy báo trúng tuyển – mờ dần, nhạt dần, rồi biến mất.

Ngày mai, tôi sẽ ra hỏi cô lao công ở căn tin xem có thể rửa bát đổi lấy bữa ăn không.

Hoặc ra cửa hàng tiện lợi ngoài cổng trường, xem họ có tuyển ca đêm không.

Từ ngày mai, tôi phải tự kiếm cơm để sống qua những năm đại học này.

02

Tôi bắt đầu đi làm thêm sau giờ học ở siêu thị trong trường, làm thu ngân, mỗi giờ được 12 nghìn.

Cuối tuần làm liên tục 8 tiếng mới đủ tiền ăn cho tuần kế tiếp.

Ra khỏi siêu thị, gió đêm mang theo mưa tạt thẳng vào mặt, lạnh đến run người.

“Em gái ơi, đợi chút.”

Ba gã đàn ông nồng nặc mùi rượu bất ngờ lảo đảo bước ra từ sau gốc cây, mùi bia rượu lẫn khói thuốc xộc thẳng vào mũi.

Tên tóc vàng nheo mắt nhìn chằm chằm vào áo tôi ướt sũng, khóe miệng nhếch lên cười ghê tởm:

“Em gái, đi một mình à? Chạy gì thế? Tụi anh đâu có ăn thịt người.”

Tôi nổi da gà, lông tơ sau gáy dựng đứng:

“Tránh ra.”

“Ôi, còn dữ dằn nữa kìa.”

Hắn đưa tay định lột mũ áo hoodie của tôi.

“Con nhỏ này trông cũng được đấy, da dẻ mịn màng, còn ngon hơn mấy con tô son trát phấn trong trường.”

Tên mặt sẹo bắt đầu sờ vào hông tôi, tôi lập tức giơ chân đá vào ống chân hắn, nhưng bị hắn túm chặt cổ chân.

Tôi giãy giụa, gào lên:

“Tránh ra! Đồ biến thái! Tôi báo công an bây giờ!”

Tên tóc vàng khinh bỉ cười:

“Đi với tụi anh vui vẻ một chút, biết đâu còn được thưởng tiền tiêu vặt. Còn hơn suốt ngày đứng thu ngân trong siêu thị, đúng không?”

Tay hắn vừa chạm đến nút áo tôi thì từ xa chợt rọi tới ánh đèn pin, tiếng quát của chú bảo vệ xé toạc màn mưa:

“Dừng tay! Mấy thằng oắt con kia!”

Tên mặt sẹo văng tục, tóc vàng còn định đá tôi một cú nữa, nhưng thấy ánh đèn pin liền bỏ chạy.

Khi tôi về đến ký túc xá, các bạn cùng phòng đã ngủ.

Tôi ngồi thụp xuống nhà vệ sinh, đứng trước gương vén áo lên – phần hông phía sau đã bầm tím một mảng lớn, là do bị xô mạnh vào tường khi nãy.

Nước từ vòi chảy ào ào, tôi che miệng, không dám bật khóc thành tiếng, sợ đánh thức các bạn, chỉ để mặc nước mắt rơi lách tách xuống nền gạch, hòa vào tiếng nước.

Đêm đó, tôi ôm gối ngồi bên mép giường đến gần sáng mới thiếp đi trong mơ màng.

Một tuần trước kỳ thi giữa kỳ, trong nhóm lớp bất ngờ xuất hiện tin nhắn từ cô cố vấn học tập:

“Thu 200 nghìn tiền lớp, dùng để mua tài liệu ôn thi cuối kỳ và tổ chức hoạt động chung.”

“Dao Dao, cậu chuyển khoản chưa? Hạn là đến chiều mai đó.”

Lý Mộng vừa đắp mặt nạ vừa hỏi tôi.

Tôi ậm ừ cho qua “Để mai cũng được…”

Nhưng trong lòng như có hòn đá lớn đè nặng.

Thật sự không còn cách nào khác, tôi đành bấm số mẹ.

Khoảnh khắc điện thoại vừa kết nối, tôi bỗng muốn tắt máy – nhưng đã quá muộn.

“Alo? Có chuyện gì nói nhanh, mẹ đang dạy Tiểu Bảo chơi đàn.”

Giọng mẹ đầy bực dọc, phía sau là tiếng cười đùa của trẻ con vang lên ríu rít.

“Mẹ… lớp con thu quỹ lớp, 200 nghìn…”

Giọng tôi nhỏ như muỗi kêu.

“Cái gì? Lại xin tiền à?”

Mẹ tôi đột nhiên hét lên,

“Con ở trường rốt cuộc làm gì vậy? Có phải yêu đương rồi không? Mẹ nói cho con biết, Tống Dao, đừng mong mẹ cho tiền để nuôi trai nhé!”

Cuộc gọi bị cúp thẳng.

Tôi lại gọi cho bố.

Điện thoại đổ chuông tới lần thứ bảy mới có người bắt máy, trong nền là giọng của một người phụ nữ:

“Ai vậy?”

Báo cáo Nếu phát hiện thiếu chương hoặc bất kỳ vấn đề nào, hãy phản hồi cho tôi! :)