Chương 1 - Khi Tôi Được Nhận Thư Trúng Tuyển

Ngày tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, cũng là ngày bố mẹ tôi cầm trên tay giấy ly hôn.

Họ ném tôi lại trong căn phòng trọ bụi bặm như thể vứt đi một món đồ cũ rồi lạnh nhạt nói:

“18 tuổi rồi, phải tự lo cho bản thân đi.”

Tiền sinh hoạt mỗi ngày 15 nghìn, là mẹ tôi tính toán ra và nói rằng: “Như vậy là dư dả rồi.”

Còn bố thì bảo: “Phải đói bụng mới học được.”

Tôi ngất xỉu vì đói nằm trong phòng y tế, tin nhắn của bố ngay lập tức gửi đến:

“Lại kiếm cớ xin tiền? Mặt mũi đâu rồi? Mới vào đại học đã quen cái thói giơ tay xin xỏ? Tự gây ra thì tự chịu, đừng mong tôi vá chỗ rách hộ cô!”

Ngay sau đó, tin nhắn của mẹ nổ tung điện thoại:

“Tháng này mẹ vừa đăng ký lớp piano cho em con, một buổi ba trăm, con tưởng mẹ mở ngân hàng hay là máy in tiền chắc? Tự lo đi, đừng phiền mẹ nữa.”

Cho đến khi tôi lái Porsche đi làm, bố mẹ – những người biến mất suốt bao nhiêu năm – bất ngờ xuất hiện:

“Dao Dao, mẹ sai rồi…”

1

Tôi gấp gọn giấy báo trúng tuyển thành hình vuông nhỏ, nhét vào túi áo đồng phục cấp ba.

Nửa tiếng trước, bố mẹ tôi vừa ký giấy ly hôn xong, đặt chìa khóa lên bàn trà phủ đầy bụi trong căn phòng trọ:

“Từ giờ, căn phòng này là của con.”

Mẹ chỉnh lại mái tóc uốn mới làm, nói thêm:

“Học phí thì bố mẹ mỗi người trả một nửa. Còn sinh hoạt phí, chia phiên nhau, mỗi tháng năm trăm. Như vậy là đủ sống rồi.”

Bố kéo vali ra cửa, dặn:

“Bố sẽ ở với dì Lý, mẹ con cũng có nhà mới rồi. Cuối tuần đừng gọi linh tinh.”

Ngày nhập học, điện thoại rung lên hai cái – thông báo ngân hàng:

500 nghìn vừa được chuyển vào.

Ngay dưới là tin nhắn của bố:

“Phải biết lên kế hoạch chi tiêu. 500 nghìn xài tiết kiệm là đủ. Đừng so đo chuyện ăn mặc với người khác, lo học hành đi…”

Lần đầu tiên sau khi ly hôn, ông chủ động liên lạc với tôi – nhưng nội dung chẳng khác gì tờ rơi giảm giá ở siêu thị.

Mở cửa ký túc xá, ba bạn cùng phòng đã sắp xếp xong đồ đạc.

Tôi lặng lẽ nhét túi đồ lưới vào gầm giường, tiếng nhựa cọ vào sàn vang lên rành rọt trong không khí yên lặng.

Cả ba người đều quay lại nhìn, tôi đỏ bừng mặt.

Tối đầu tiên, tôi ăn cơm một mình ở góc căn tin.

Nhìn bảng giá đỏ rực “Một mặn một rau – 15 nghìn”, tay tôi siết chặt thẻ cơm trong túi.

Cuối cùng, tôi mua hai cái bánh bao, chan canh trứng rong biển miễn phí mà nuốt xuống.

Cứ thế suốt mười ngày, trong sổ chi tiêu tôi đã vẽ mười dấu gạch “正”. Mỗi dấu tượng trưng cho năm cái bánh bao, bên cạnh ghi bằng bút chì: “Canh: miễn phí.”

Thứ Tư, trưởng phòng ký túc đến gõ vào giường tôi:

“Dao Dao, bọn mình định góp tiền mua máy giặt, chia ra thì mỗi người tầm hai, ba trăm. Cậu thấy sao?”

Hai trăm nghìn. Tim tôi như chìm xuống đáy.

Tài khoản chỉ còn lại 210 nghìn – là khoản tôi tích cóp cho trường hợp khẩn cấp.

Tôi khẽ gật đầu, giọng nhỏ như muỗi:

“Được.”

Ngay khi chuyển khoản xong, điện thoại báo:

Số dư còn lại: 11 nghìn.

Tự nhiên tôi nhớ lại hồi cấp hai từng làm rơi 50 nghìn tiền ăn trưa, bố đã chở tôi đi tìm khắp ba vòng đường tan học. Cuối cùng, ông vét sạch tiền lẻ trong ví nhét vào cặp tôi:

“Đừng để bản thân chịu thiệt.”

Buổi tối học tự chọn, cơn đói quặn lên trong bụng như có bàn tay vặn xoắn bên trong.

Bạn cùng bàn – Tiểu Lâm chìa ra một thanh socola:

“Dao Dao, mặt cậu trông nhợt quá, chắc hạ đường huyết rồi?”

Tôi xua tay định từ chối, nhưng cô ấy đã bóc sẵn rồi nhét vào tay tôi:

“Ăn đi, mẹ tớ nói con gái nên mang sẵn cái này.”

Vị ngọt ngậy của socola tan ra đầu lưỡi, sống mũi tôi bỗng cay cay.

Tối về ký túc, tôi mở nhóm chat “Gia đình hạnh phúc” – từ sau ly hôn, nhóm chẳng còn ai nói gì, tin nhắn gần nhất là thông báo mẹ chuyển nhà.

Ngón tay gõ rồi xóa, xóa rồi lại gõ.

Bố mẹ, bọn con góp tiền mua máy giặt, con trả 200 rồi, giờ tiền ăn cũng chẳng còn nữa.

Tháng này có thể cho con thêm 200 nghìn được không?

Câu nói đó như một khối sắt nung đỏ, chạm vào khiến đầu ngón tay tôi run rẩy.

Nhóm chat im lặng cả một đêm.

Sáng hôm sau, bố tôi nhắn tin trước:

“Lại xin tiền à? Mặt mũi đâu rồi? Mới vào đại học mà đã quen thói giơ tay xin xỏ? Tao thấy mày đâu có định học hành gì, chỉ lo đú theo người ta tiêu xài thôi đúng không? Tao dặn tiết kiệm thì coi như gió thổi qua tai? Tự làm tự chịu đi, đừng mong tao vá hộ cái hố mày tự đào ra!”

Tôi còn chưa kịp hoàn hồn thì tin nhắn của mẹ cũng ngay lập tức nổ tung, từng câu chữ đều như mũi kim đâm thẳng:

“Tháng này mẹ vừa đăng ký lớp piano cho em con, một buổi ba trăm, con tưởng mẹ in tiền à?”

“Con là con gái, ăn uống tiêu pha được bao nhiêu? Mẹ thấy là con bị bạn bè xấu rủ rê, không lo học hành, chỉ biết nghĩ cách tiêu tiền! Tuần sau sinh nhật em con, mẹ còn phải mua máy chơi game cho nó, chuyện bên con thì tự lo liệu đi, đừng làm phiền mẹ nữa.”

Hai tin nhắn đó như hai cái tát, bỏng rát trên mặt tôi.

Báo cáo Nếu phát hiện thiếu chương hoặc bất kỳ vấn đề nào, hãy phản hồi cho tôi! :)