Chương 3 - Cuộc Đời Hách Gia Và Những Bí Mật
8
Cả ngày hôm ấy, ta đi loanh quanh khắp nơi.
Phố xá bên ngoài phồn hoa náo nhiệt, khiến người ta hoa cả mắt.
Đủ loại quà vặt bày biện la liệt, từ chợ Đông dạo một vòng tới chợ Tây, vậy mà vẫn không trông thấy gánh hàng nào bán đồ lòng heo kho.
Mẫu thân ta nấu món ấy cực kỳ ngon.
Mỗi khi đến dịp lễ tết, nhà người ta giết heo gói bánh chưng, còn ta với mấy đứa muội chỉ biết lặng lẽ cắt cỏ suốt cả năm, đến cuối cùng chẳng được ăn nổi một miếng thịt heo.
Heo nhà ta luôn bị bán đi từ rất sớm, phụ thân mang tiền đi mua rượu, uống say khướt rồi mò đến nhà Tam Lại Tử đánh bạc.
Có khi thắng, nhưng phần nhiều là thua sạch.
Ta với muội muội ngồi co ro ngoài cửa, mắt trông ngóng khói bếp từ nhà khác cuộn lên lững lờ trong gió.
Mùi thịt thơm như mọc chân, tự mình len lỏi bò vào mũi ta.
Nhị muội ngẩn người ra, nước miếng cứ thế chảy ròng ròng, nuốt vào rồi lại chảy tiếp.
Lúc ấy, mẫu thân sẽ lén sang nhà đồ tể Lưu mua ít lòng heo về.
Gan heo, dạ dày, ruột non ruột già… thứ gì cũng có, chỉ cần vài đồng tiền là đủ đầy cả gói.
Thứ này mùi tanh nồng, chẳng mấy ai chịu ăn.
Mang về đến nhà, mẫu thân ta sẽ rửa sạch đồ lòng, dùng rượu thừa phụ thân uống dở để ướp qua sau đó cho thêm vài lát gừng, chút hoa tiêu, quế chi, đại hồi cùng các loại gia vị khác, đặt lên bếp hầm kỹ.
Đợi nước dùng nguội đi, lại đậy kín nắp, để qua một đêm.
Sáng hôm sau thái thành một đĩa, màu sắc óng ánh, thơm ngào ngạt, ngon đến mức có thể nuốt luôn cả đầu lưỡi.
Chỉ là ta không biết người ở đây có ăn quen món này hay không.
Trên đường trở về, ta ghé qua quầy thịt mua vài cân lòng heo, lại mua thêm đầy đủ gia vị cần thiết để làm món đồ lòng kho, định bụng thử một lần xem sao.
Vừa đi đến đầu hẻm, liền trông thấy xe ngựa của Hách Tầm đang đậu ở đó.
Xuân Lai ngồi ở đầu xe, cau mày hỏi:
“Đường tỷ, tỷ cầm cái gì thế, sao mà nặng mùi vậy?”
Ta xấu hổ đáp:
“Mua ít đồ lòng heo thôi.”
Hách Tầm nghe thấy tiếng ta, lập tức nhô đầu ra, vui vẻ gọi lớn bảo ta lên xe.
“Các ngươi đi trước đi, thứ này mùi nặng, ta còn cách mấy bước là đến nơi rồi.”
Ta nhường đường, ý bảo bọn họ đi trước.
Thế nhưng Hách Tầm đã nhảy luôn xuống xe, ta vội vàng đưa tay đỡ lấy.
Chàng cười ha hả, tiến lại gần xem thứ ta đang xách, vừa bịt mũi vừa phe phẩy tay:
“Thật là hôi quá đi!”
Ta đuổi chàng lên xe, chàng lại không chịu, cứ bám lấy ta đi vòng vòng, nhất định đòi cùng ta dạo bộ về nhà.
Cơm nước xong xuôi, ta vào bếp nhỏ trong sân, rửa sạch đồ lòng, đun nồi nước dùng thơm nức, rồi đậy nắp kín, để ngâm qua đêm.
Trong lòng có việc mong chờ, nên khi trời còn chưa sáng, ta đã không nằm yên nổi.
Ta thêm một khúc củi vào đáy bếp, nhân lúc nước còn nóng liền thái ra một đĩa lòng heo.
Gắp một miếng nếm thử, hương vị không khác là mấy so với món mẫu thân ta thường làm.
Chỉ là ta cũng không dám chắc liệu có phải do ta chưa từng ăn món ngon, nên chỉ cần có mùi thịt là đã thấy ngon rồi?
Lăn lộn cả buổi, trong viện người làm cũng bắt đầu dậy cả.
Ta đem một đĩa đưa cho Thu Sương, lại chia một đĩa khác gửi cho Xuân Lai, dặn dò bọn họ ăn xong thì cho ta biết mùi vị ra sao.
Còn Hách Tầm thì ta chẳng dám tùy tiện cho ăn.
Chàng còn nhỏ, bụng dạ yếu ớt, nhỡ ăn vào rồi khó chịu thì thật rắc rối.
Chẳng bao lâu sau, Hách Tầm đã mặt lạnh đi tới tìm ta, bàn tay nhỏ đưa ra trước mặt, trịnh trọng hỏi:
“Của ta đâu?”
Xuân Lai đứng phía sau, khoé miệng còn dính dầu mỡ chưa lau sạch, gãi đầu ngượng ngùng:
“Đường tỷ ơi, thiếu gia nghe nói chị nấu gì đó ngon lắm, chờ mãi không thấy tỷ đem tới.”
Ta quay sang nhìn, thấy môi Hách Tầm chu lên cao đến tận trời.
Ta đành bưng ra một đĩa, tự tay đút cho chàng ăn.
Chàng vẫn còn hậm hực, thế nhưng vừa nếm một miếng, mắt lập tức sáng rỡ lên, rồi tự mình cầm đũa gắp lia lịa mấy miếng nữa.
Nhìn bộ dạng ấy, trong lòng ta cũng yên tâm phần nào.
Vội vàng rút đĩa lại.
“Không được ăn nữa!”
Hách Tầm không vui: “Ngon như vậy cơ mà.”
Ta véo nhẹ vào má chàng, đôi má phúng phính như bánh bao hấp:
“Món này nặng mùi, ăn nhiều rồi đến thư đường, e là làm các đồng học ngửi không nổi.”
Xuân Lai xách túi sách tới, cũng phụ họa:
“Thiếu gia mau lên đường thôi, chậm nữa là trễ giờ học rồi.”
Đi được vài bước, Hách Tầm ngoái đầu lại, giơ ngón tay cái lên với ta, vẻ mặt đầy đắc ý.
Lúc Thu Sương mang đĩa đến trả, hiếm hoi lắm mới thấy nàng mỉm cười nơi khóe mắt:
“Ngươi làm món này cũng khéo đấy.”
Ta đem phần còn lại cất kỹ trong hũ sành, bọc lớp vải dày bên ngoài giữ ấm, đặt vào giỏ tre, khoác lên tay rồi ra khỏi cửa.
9
Hôm qua ta đã thăm dò kỹ, hôm nay liền thẳng tiến đến con phố sát bến tàu.
Nơi này toàn là các gánh hàng bán màn thầu, hoành thánh, đậu hũ non, bánh chiên.
Do gần bến, người qua lại đông đúc, đa phần đều là phu khuân vác trên thuyền, làm lụng vất vả, chẳng mấy ai chịu chi nhiều tiền ăn uống, chỉ mong no bụng là được.
Ta tặng bác Lý bán hoành thánh một khúc lòng heo, mượn dao nhà bác cắt thành một bát lớn, bày ra mời khách qua đường nếm thử miễn phí.
“Cô nương ơi, món này bán thế nào đấy?”
Có người vừa nếm xong đã không nỡ rời đi, tay sờ vào túi tiền, vẻ mặt vừa muốn ăn vừa ngại giá đắt.
Ta vội cười đáp:
“Không đắt đâu, đầy một bát, chỉ bảy văn tiền thôi.”
Một bát hoành thánh cần đến mười văn tiền, còn một bát đồ lòng heo chỉ bảy văn, lại có dính chút mùi thịt.
Một bàn khách gọi chung một bát, vừa thỏa miệng thèm, lại chẳng tốn bao nhiêu, quả thực rất đáng đồng tiền.
Lập tức có thực khách hô lớn:
“Cho ta một bát!”
Chẳng mấy chốc, cả hũ đồ lòng đã bán sạch veo.
Lúc dọn dẹp chuẩn bị đi, còn có người níu lại hỏi:
“Cô nương ngày mai còn đến không đấy?”
Ta cười tươi rói:
“Có chứ, nhất định sẽ đến!”
Về tới nhà, tính toán sơ qua một lượt, trừ đi chi phí nguyên liệu, không ngờ vẫn còn dư được sáu mươi văn.
Trong lòng ta vui không tả xiết cứ tích góp như vậy vài năm, sính lễ cho con gái tương lai của ta cũng coi như có rồi!
Tối hôm ấy, ta lại hầm thêm mười cân đồ lòng.
Hôm sau mang ra bến, có người đã đứng chờ sẵn bên gánh hoành thánh, thấy ta tới liền đồng loạt vẫy tay:
“Cô nương, cho ta một bát đồ lòng!”
Bán xong một hũ, ta lại quay về mang thêm hũ thứ hai.
Bọn phu khuân vác ở bến tàu đều mê mẩn món này, hôm trước không mua được còn dặn ta ngày mai nhớ chừa lại một bát.
Cứ như vậy, chẳng mấy chốc ta đã bán ra được chút danh tiếng.
Hôm ấy, vừa định quay về lấy thêm một hũ, bác Lý đột nhiên kéo tay ta lại:
“Cô nương à, ngươi xách tới xách lui xa xôi thế này bất tiện lắm, hay là đặt luôn một cái nồi bên cạnh bếp nhà ta, nấu ở đây cho tiện, bán cũng đỡ nhọc hơn.”
Ta do dự chốc lát:
“Đã làm phiền bá nhiều lắm rồi.”
Bác Lý cười hiền hậu:
“Nhờ có món đồ lòng của ngươi mà mấy hôm nay quán ta cũng đông khách hơn hẳn.
Ngươi chỉ dùng mấy cái bát của ta, lại còn đưa ta năm văn mỗi ngày, ta mới là người chiếm lợi, trong lòng cũng áy náy lắm chứ.”
Ta ngẫm nghĩ một hồi, nhưng cuối cùng vẫn từ chối.
Hai nhà cùng chia một gian bếp, tính toán bạc tiền e là dễ sinh rắc rối.
Thế nhưng nhờ bác nhắc nhở, trong lòng ta lại nảy ra một ý khác: thuê hẳn một gian quán nhỏ ở đây.
Hiện giờ mỗi ngày ta chỉ có thể nấu một nồi tại nhà, bán hết là hết.
Nếu có một gian hàng riêng, nồi lớn để nấu suốt cả ngày, chắc chắn sẽ lời hơn nhiều.
Buổi tối luyện chữ, đầu óc ta vẫn mải suy tính chuyện ấy, thành thử tay viết cũng lơ đễnh, nét chữ xiêu vẹo.
Hách Tầm đong đưa đôi chân, tay chống cằm, lặng lẽ quan sát ta.
“Tỷ tỷ, trong lòng có tâm sự sao?”
“Hử?”
Ta cúi đầu nhìn xuống, thấy giấy trắng đã loang cả một mảng mực đen, vội vàng nhấc bút lên.
Ta kể cho chàng nghe chuyện muốn đi thuê một gian quán ở bến tàu.