Chương 2 - Cuộc Đời Hách Gia Và Những Bí Mật
6
Hách Tầm tuổi hãy còn nhỏ, nên chúng ta tạm thời chưa thành thân.
Lão thái thái Hách gia nói, đợi đến khi chàng tròn mười sáu sẽ cho cử hành bái đường.
Ta biết, thân phận hiện tại của ta gọi là “đồng tử tức”- vợ nhỏ nuôi từ bé.
Tây thôn nhà ta có một người gọi là Thúy Hương cũng từng làm đồng tử tức.
Nàng sống rất khổ, bị chuộc về làm dâu từ nhỏ, suốt ngày làm việc quần quật không ngơi tay.
Sau này trượng phu của nàng lớn lên, lại chê nàng già nua xấu xí, suýt chút nữa đuổi nàng ra khỏi nhà.
May nhờ trưởng thôn ra mặt mới giữ được danh phận.
Ta nghĩ đi tính lại…
Hách Tầm dung mạo tuấn tú, đến khi chàng mười sáu tuổi, ta cũng đã hai mươi ba rồi.
Chàng nhất định sẽ chê ta già, rồi đuổi ta về nhà.
Việc ấy ta cũng chẳng lấy gì làm sợ.
Ta biết trồng trọt, heo ta nuôi béo mũm mĩm, tai to bụng lớn có thể bán được bạc.
Ngay cả gà trong nhà, trứng đẻ ra cũng to hơn nhà khác, đem lên chợ ai ai cũng tranh nhau mua.
Chỉ sợ thời gian lâu ngày, những bản lĩnh mưu sinh ấy ta lại quên mất, vì thế liền cầu xin Tôn ma ma mua cho ta một con heo con.
Nếu thật sự không tiện, vài con gà vịt ngỗng cũng được.
Tôn ma ma nhìn ta như thể ta là con lợn rừng không biết ăn cám ngon, một mực lắc đầu từ chối.
Bà ta chỉ tay vào hành lang trạm trổ rồng phượng, cửa sổ chạm hoa văn tinh xảo, vẻ mặt khó tin mà nói:
“Nuôi heo? Nuôi gà vịt ngỗng á?”
Nơi thanh tĩnh sạch sẽ như thế này, đúng là không thích hợp thật.
Cuối cùng đôi bên mỗi người nhường một bước, bà cho phép ta khai khẩn một mảnh đất nhỏ ở góc viện để trồng rau.
Ta nhìn luống cải non xanh mướt, tay cầm cán cuốc mà cười toe toét, trong lòng chỉ thấy yên ổn vững dạ.
Hách Tầm đội một chiếc đấu lạp, học theo ta, cũng lom khom bên luống rau, cầm gáo múc nước từ thùng gỗ tưới xuống.
Chưa kịp tưới đến cây thứ ba, chàng bỗng hét to một tiếng, vội vàng nhảy tới ôm lấy đùi ta, hai tay bám chặt không buông:
“Có sâu!”
Ta kéo chàng đến chỗ luống rau, vươn tay vào giữa khóm cải khẽ nhấc ra một con sâu xanh nhỏ, ném xuống đất rồi giẫm chết.
Hách Tầm ngẩng đầu nhìn ta, trong mắt sáng lên, tràn đầy vẻ sùng bái:
“Tỷ tỷ, tỷ giỏi quá đi mất!”
Lúc đầu Tôn ma ma còn ngăn cản, không cho Hách Tầm chạy theo ta quậy phá.
Nhưng có lẽ thấy chàng theo ta chạy tới chạy lui, sắc mặt ngày một hồng hào, đã lâu cũng không phát bệnh, nên về sau Tôn ma ma cũng chẳng ngăn cản nữa.
Lão thái thái Hách gia lại cho người gọi ta đến, khen ngợi một trận ra trò, nói ta là phúc tinh của Hách Tầm.
Khen đến mức khiến ta cũng ngượng ngùng.
Ta chỉ cảm thấy việc này chẳng có gì to tát, giống như nuôi heo vậy, thả ra chạy nhảy nhiều thì ăn khỏe, mà ăn khỏe thì mới chóng lớn.
7
Hách phủ cái gì cũng tốt, chỉ là quá mức nhàn rỗi.
Trong viện có mấy nha hoàn như Thu Sương, Đông Nguyệt, người nào người nấy diện mạo xinh đẹp, nhưng tính tình lại vô cùng chanh chua.
Thấy sân có lá rụng, ta muốn thuận tay quét gom lại, vừa cầm tới chổi đã bị người ta giật mất.
Đông Nguyệt chớp đôi mắt long lanh, cười như không cười nói:
“Thiếu phu nhân, việc nặng nhọc thế này sao dám để người động tay?”
Lời nói nhẹ như gió thoảng, nhưng ngữ khí lại chua như dấm.
Ta từng nghe mấy người họ xì xào sau lưng:
“Một con nha đầu quê mùa, lấy đâu ra tư cách làm thiếu phu nhân Hách gia?”
Ta chỉ mỉm cười đáp:
“Gọi ta là Chu Đường là được rồi.”
Đông Nguyệt cười tủm tỉm, che miệng trêu ghẹo:
“Đường nào cơ? Đường đỏ, đường trắng, hay đường đen?”
Ta hé miệng định nói, nhưng chữ nghĩa ta biết chẳng nhiều, chỉ hiểu lờ mờ rằng mấy loại “đường” nàng ta vừa nói đều cùng một chữ.
Nàng rõ ràng đang cười nhạo ta không biết chữ.
“Ra cửa một cái là nghe ngươi cái này ‘đường’ cái kia ‘đường’, lải nhải không dứt, không có việc gì làm thì mau cầm chổi quét sân đi!”
Thu Sương vén rèm bước ra, đuôi mắt xếch cao, tay chống nạnh chỉ thẳng vào Đông Nguyệt.
Đông Nguyệt hừ một tiếng, nhưng không dám cãi lại.
Thu Sương là đại nha hoàn trong viện, tính tình nóng nảy, hễ không vừa ý là thẳng tay xé miệng người khác.
Ta cảm kích nhìn về phía Thu Sương, nàng chỉ liếc ta một cái, rồi xoay người trở vào phòng.
Thật chẳng trách các nàng xem thường ta.
Hách gia là thế gia thư hương, còn ta chỉ là một nha đầu quê mùa, so với họ quả thực kém xa một trời một vực.
Hách Tầm sau giờ học trở về, ta đang ngồi xổm bên luống cải thất thần nhìn cỏ dại đung đưa trong gió.
Chàng giao túi sách cho tiểu đồng Xuân Lai, cũng ngồi xổm xuống cạnh ta, đôi tay ngắn ngủn chống cằm bắt chước dáng vẻ của ta.
“Tỷ tỷ, tỷ không vui à?”
Ta hỏi lại chàng: “Mỗi ngày ở thư đường, đệ đều học gì vậy?”
Chàng đưa ngón tay ra đếm từng thứ một: “Tập viết chữ , học thuộc lòng, nghe tiên sinh giảng bài…”
“Thật tốt.” Ta thầm ngưỡng mộ.
“Chẳng lẽ tỷ tỷ cũng muốn đi học sao?”
Ta lập tức đỏ mặt: “Không… không đâu, ta ngốc lắm.”
Hách Tầm bỗng nhiên đứng phắt dậy, kéo lấy tay ta, lôi tuột về phía thư phòng.
“Ngươi định làm gì vậy?”
Chàng ấn ta ngồi xuống ghế bên bàn sách, nhét vào tay ta một cây bút lông, còn mình thì cúi đầu mài mực.
Ta cầm cây bút thanh mảnh kia như cầm củ khoai nóng, chỉ sợ dùng lực mạnh quá sẽ làm gãy mất.
Hách Tầm lại lấy một cây bút khác, chấm mực rồi ngay ngắn viết hai chữ lên giấy.
Ta trừng mắt nhìn, chữ ấy chẳng nhận ra ta, ta cũng chẳng nhận ra nó.
“Hách Tầm, là tên ta đó.”
Chàng nói xong, lại viết thêm hai chữ ở phía dưới, lần này ta nhận ra – là tên của ta.
“Chu Đường, là tên tỷ.”
Chàng nhe răng cười, gương mặt non nớt tràn đầy tự hào:
“Tỷ chưa từng đi học, có phải sợ tiên sinh trách phạt học chậm, đánh vào lòng bàn tay?”
Ta khẽ vuốt cây bút trơn nhẵn, nhẹ nhàng lắc đầu.
Ta không sợ bị đánh, chỉ là nhà ta không có bạc, đến sống còn khó, nói gì đến chuyện đọc sách học chữ.
Phụ thân bán ta đi, có lẽ là để dành cho Tứ đệ một cơ hội đến trường.
“Đừng sợ.”
Chàng nghiêm túc nhìn ta:
“Sau này mỗi ngày ta học được gì ở thư đường, đều sẽ dạy lại cho tỷ.
Chậm cũng không sao.
Ta sẽ không đánh vào tay tỷ đâu.”
“Hôm nay học viết tên hai chúng ta trước đã.”
Chàng ngẩng mặt lên, vẻ mặt nghiêm túc không khác gì một tiểu tiên sinh.
Từ đó trở đi, Hách Tầm liền bắt đầu dạy ta nhận mặt chữ.
Có lẽ ta thật sự không phải là người có duyên với sách vở, chàng đọc qua một lượt là thuộc làu làu, còn ta thì mười mấy lần vẫn ngắc ngứ vấp váp.
Chàng cầm bút, khoanh tròn vào nét chữ nguệch ngoạc của ta, khích lệ:
“Chữ này viết có tiến bộ.”
Một người nhỏ bé, mà nói ra câu ấy lại đầy phong thái nghiêm trang:
“Mới bắt đầu ai cũng vậy cả, từ từ sẽ tốt thôi.”
Ta đỏ cả mặt bị một đứa trẻ con dỗ dành, thật đúng là ngượng chết đi được.
Thế nhưng, sau đó ta lại càng chăm chỉ hơn.
Ta phải học cho thật giỏi.
Ta đã nghĩ sẵn cả rồi.
Vài năm sau, nếu trở về làng mà gặp được người vừa ý chịu lấy ta, chờ sau khi sinh hạ hài tử, ta sẽ dạy nó học chữ.
Lại cố gắng dành dụm ít bạc, gửi nó đến chỗ lão tú tài học hành.
Nếu đứa nhỏ có chí, thi đỗ tú tài hay cử nhân thì càng tốt, khi ấy ta sẽ là mẫu thân của tú tài cử nhân, nghĩ thôi cũng thấy nở mày nở mặt.
Nếu sinh là nữ nhi cũng chẳng sao cả.
Tuy rằng thế gian này luôn nghiêm khắt với nữ nhi hơn nam nhi,
Nhưng cũng không cần phải sợ.
Ta sẽ để con bé đọc sách hiểu lý, lại dành sẵn một món hồi môn thật dày, không để nó về nhà chồng chịu khổ chịu oan.
Nghĩ đến đây, ta càng thêm hăng hái, hừng hực khí thế.
Sáng sớm hôm sau, ta mang theo cây trâm vàng mà lão thái thái ban cho, đến hiệu cầm đồ đổi lấy năm lượng bạc.
Ta muốn kiếm thật nhiều, thật nhiều tiền.