Chương 18 - Xin Đừng Cãi Nhau Xin Đừng Đánh Nhau, Đừng Đừng Xé Áo Nhau

XIN ĐỪNG CÃI NHAU

Tác giả: Lỗ Ban Đại Sư

Như thế nào là kẻ từng bắt nạt ngỏ lời yêu với con mồi?

Là khi bị tròng dây vào cổ, bị dắt đi như một con súc vật hèn hạ, bị lột hết quần áo rồi sợ hãi đến nỗi tiể/u ra, bị quay phim bị cười cợt.

Hệt như tấm bài joker mà kẻ cầm đầu lũ bắt nạt đã đưa.

Rồi sau nhiều năm sau, những tên bắt nạt ấy quay lại, khóc lóc và nói rằng:

“Anh yêu em, xin hãy tha thứ cho anh.”

Như một trò hề,

Và tôi chính là trò hề đó.

Tôi tiếp nhận một ca phẫu thuật khẩn cấp, người nằm trên bàn mổ chính là kẻ từng bắt nạt tôi thời còn đi học.

Nhớ lại ngày đầu tiên tôi chuyển đến trường ấy. Hắn tươi cười đưa cho tôi một tấm bài hình joker, và từ đó tôi trở thành mục tiêu để mọi người bắt nạt. Trong nhà thi đấu không có camera giám sát, hắn ngồi trên cao, tuyên bố thưởng năm vạn cho ai có thể ép tôi tự nguyện nghỉ học. 

Bây giờ, mẹ hắn đặt một phong bao đỏ năm mươi triệu trước mặt tôi, tha thiết cầu xin: “Bác sĩ, ca phẫu thuật của con trai tôi giao hết cho cô.”

1

Trong ánh đèn rực sáng của phòng phẫu thuật, tôi đeo găng tay, chuẩn bị cho ca mổ khẩn cấp mở hộp sọ. Bệnh nhân là người bị chấn thương đầu sau tai nạn xe, gây tụ máu trong não. Khi hắn được đưa vào, đầu đã được che bằng tấm vải vô trùng. Tôi cẩn trọng mở tấm vải ra, và chỉ một cái nhìn thoáng qua thôi cũng khiến tôi lạnh toát cả người. Người trên bàn mổ là kẻ đã từng bắt nạt tôi suốt thời gian đi học.

Tôi sững lại một giây ngắn ngủi, nhưng trợ lý đã kịp đưa các dụng cụ phẫu thuật vào tay tôi. Trên bàn mổ, mỗi giây đều quý giá, không cho phép tôi nghĩ ngợi nhiều, lời thề Hippocrates giúp tôi nắm chặt con dao phẫu thuật. Tôi tập trung cao độ hoàn thành ca mổ này. Phẫu thuật đã thành công.

Y tá hỏi tôi: “Cô có muốn ở lại đợi đến lúc bệnh nhân tỉnh lại để gặp không?”

“Không cần đâu.” Tôi rời đi thẳng.

Khi bước ra khỏi phòng mổ, tôi hít sâu một hơi, chạm tay lên vết sẹo trên cổ. Chợt có một thoáng hối hận rằng sao lúc nãy lưỡi dao không lìa đứt cổ họng hắn đi. Nhưng rồi tôi lại nhớ về khoảnh khắc tuyên thệ khi vào trường y, nắng vàng rải khắp hội trường, tôi đã từng xiết chặt tay, dõng dạc thề rằng:

[Tôi sẽ không phân biệt bệnh nhân vì tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tín ngưỡng, nguồn gốc dân tộc, giới tính, quốc tịch, chính trị, quan điểm tôn giáo, chủng tộc, khuynh hướng tình dục, địa vị xã hội hay bất cứ lý do nào khác.]

Tôi không làm trái lời thề ấy.

Tôi nhắm mắt lại. Hận thù và ký ức trào dâng như thủy triều. Người đàn ông trên bàn mổ tên là Lương Si. Tôi không bao giờ quên gương mặt hắn, cùng nốt ruồi ở đuôi mắt, hắn nằm trên bàn mổ, yếu ớt và run rẩy, trông chẳng khác nào tôi vào cái ngày mà tôi bị xô ngã giữa nhà thi đấu.

Ngày đó hắn ngồi trên khán đài, nhìn xuống với vẻ đầy quyền lực, tay nắm con dao nhỏ tinh xảo mang từ Thụy Sĩ về. Hắn cầm mũi dao, khẽ cắt nút áo đồng phục của tôi, lưỡi dao lạnh lùng lướt qua cổ tôi.

Lương Si mỉm cười với vẻ nhân từ, tuyên bố: “Ai ép được con bé này nghỉ học, tôi thưởng năm vạn. Và…”

Hắn ngừng lại, nụ cười càng thêm rạng rỡ, giọng nói rõ ràng vang lên: “Ở đây không có camera.”

Một quả bóng lớn trên cao đột ngột phát nổ. Tiếng hò reo vang lên, những tờ tiền bay ngợp trời, rơi lả tả đầy sàn nhà.

2

Ngày đầu tiên chuyển trường, tôi cẩn thận quan sát mọi quy tắc của ngôi trường mới. Chính sách học bổng và miễn học phí của ngôi trường tư thục đắt đỏ này có thể giúp tôi tiết kiệm được kha khá tiền cho gia đình nghèo khó của mình. 

Mẹ tôi nằm liệt giường ở nhà, còn bố làm việc trong xưởng mộc. Mẹ không bao giờ rơi nước mắt, dù mỗi lần trở mình đều cần chúng tôi giúp, trên khuôn mặt bà vẫn luôn nở một nụ cười dịu dàng. Bố tôi thường nói: “Mẹ con là trụ cột tinh thần của bố.” 

Lúc đó tôi chưa hiểu hết câu nói này, tôi chỉ biết rằng mỗi khi bố trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, thấy tôi ngoan ngoãn làm bài tập và người vợ đang mỉm cười chờ đợi ông, lưng bố như được kéo thẳng lại dù lúc trước còn gù hẳn xuống. Ông ấy thường xoa khuôn mặt tôi và hỏi: “Bé cưng có giúp mẹ trở mình không?”