Chương 2 - Sự Phục Sinh Của Tiệm Giấy Mã
Bí thư thôn nhíu mày, giọng hơi nặng:
“Con bé nhà họ Trần à, bà con trong làng tin tưởng cháu, năm nào cũng đặt tiền giấy ở chỗ cháu. Bao năm nay cháu kiếm cũng không ít, nhưng có ai bắt cháu phải trả lại đồng nào đâu.”
“Giờ thì thôi, tìm bậc thang mà bước xuống đi, coi như hai bên dàn hòa.”
Một thanh niên bên cạnh vội vã gật đầu hùa theo:
“Phải đấy ạ, làm người phải giữ chữ tín chứ!”
Tôi khẽ cười, tiếng cười đầy châm biếm:
“Chữ tín à? Người đòi trả lại tiền là các cậu, giờ quay lại muốn mua tiếp cũng là các cậu. Trên đời làm gì có chuyện tốt đẹp một chiều như thế?”
“tiền giấy hai tệ một gói, tôi thật sự không bán được.”
Cả nhóm lập tức quay ánh mắt cầu cứu về phía Tô Mạn Mạn.
“Mạn Mạn… chuyện này… mai đã cúng tổ rồi, cả làng giờ chỉ còn mỗi nhà dì Trần bán tiền giấy , bọn tớ cũng gấp lắm rồi.”
“Đúng đó, nếu mẹ tớ mà biết tớ trả lại tiền giấy, chắc lột da tớ ra mất.”
“Cô nhìn thấy tiền giấy hai tệ một bịch to ở đâu chứ?”
Ánh mắt Tô Mạn Mạn ánh lên vẻ đắc ý, cuối cùng cũng dẫn được câu chuyện đến chỗ cô ta muốn.
“Yên tâm đi,” cô ta nói với vẻ tự tin, “đầu làng phía đông mới mở một tiệm đồ mã, là bạn học cấp ba của tôi về quê khởi nghiệp, nguồn hàng thế nào cậu ta đều nói rõ với tôi cả.”
“Hai tệ một bịch to đùng luôn đấy! Còn có cả máy bay, điện thoại, xe hơi bằng giấy nữa, giá cực kỳ rẻ.”
Có người nhíu mày nghi ngờ: “tiền giấy rẻ như vậy, liệu có đảm bảo không đấy?”
Một người khác liền giơ tay đập bốp một cái vào đầu anh ta:
“Đảm bảo với chả không! Lại không phải tiền thật, tin mấy trò lừa đảo là chết! Chính mấy người như cậu mới dễ bị dắt mũi!”
“Đồ đem đốt mà, đại khái giống là được rồi!”
“Yên tâm đi!” Tô Mạn Mạn nhoẻn miệng cười nhìn mọi người, “Tiệm đó là tôi góp vốn làm ăn chung với bạn học của tôi.”
“Bọn tôi có bắt tay hợp tác với nhà máy sản xuất giấy, loại giấy làm ra thậm chí đạt tiêu chuẩn… ăn được luôn nhé! Có kiểm định, có chứng chỉ rõ ràng. Mọi người không yên tâm thì đến chỗ tôi mà xem, giấy tờ đều đủ cả.”
“Chứ không giống một số xưởng nhỏ không giấy phép, không nguồn gốc, ai biết làm ra thứ gì, nhỡ đâu giấy chưa tới âm phủ đã đầu độc người sống, thì không phải người chết lẫn người sống đều không yên sao?”
Cô ta đắc ý liếc sang tôi, như thể tôi vừa bị bóc trần một hành vi mờ ám nào đó. Cái liếc mắt kia không khác gì muốn đóng đinh tôi lên cột nhục nhã, không cho tôi có đường lui.
Mấy thanh niên kia nghe xong đều cảm thấy có lý, tại chỗ liền chuyển tiền đặt cọc cho Tô Mạn Mạn, hớn hở chuẩn bị đi nhận hàng.
“Wow, tiệm này thời thượng thật đấy!”
“Tôi phải đốt cho ông ngoại mấy cái điện thoại, tủ lạnh với cả séc và đô la nữa!”
Khóe mắt tôi lướt qua một tia giễu cợt — mấy thứ tiền giấy này, đốt rồi thì tổ tiên cũng chẳng nhận được đâu.
Đến lúc đó, ông bà tổ tiên ở dưới không có tiền tiêu, bị đói khổ hành hạ, người phải chịu báo ứng… cũng chỉ có họ mà thôi.
Tôi dọn dẹp, đóng cửa tiệm giấy mã, mọi rắc rối ở kiếp trước xem như đến đây kết thúc.
Tôi đã chuẩn bị tinh thần sẽ bị chồng và con gái trách móc. Trong lòng, tôi vẫn mang theo nỗi day dứt với họ.
Thế nhưng—
“Không sao đâu, nhà mình chẳng thiếu chút tiền đó. Thật ra anh vẫn luôn muốn khuyên em bỏ cái nghề giấy mã này, bây giờ giới trẻ chẳng còn mấy ai coi trọng chuyện tang lễ nữa rồi.”
“Bây giờ người ta tinh ranh lắm, ai cũng tính toán chi li. Mình thì thôi đi, đừng hơn thua với họ làm gì. Dù sao hoàn cảnh hiện tại cũng không dễ sống, ai cũng chỉ muốn tranh thủ chút lợi mà thôi.”
“Đúng đó mẹ! Tay nghề của mẹ giỏi thế cơ mà, mình mở tiệm khác đi, như làm hoa thủ công chẳng hạn? Mấy người đó chẳng biết lễ nghĩa gì cả, rõ ràng mẹ làm vì muốn tốt cho họ mà! Họ không tin mẹ, vậy sau này ông bà tổ tiên không phù hộ, thì cũng là do họ xui xẻo thôi!”
Chồng tôi chưa từng nghĩ nghề tôi làm là xui xẻo, con gái cũng luôn tự hào vì mẹ. Nghe hai cha con nói vậy, tôi chỉ khẽ gật đầu, trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào.
Không cần phải thức khuya giã giấy, nấu bột, cũng không còn cảnh khói hương mịt mù làm cay xè mắt.
Ai mà chẳng muốn sống yên ổn thanh bình? Chỉ là… tiếc cho tay nghề của bà, bao đời truyền lại…
Nhưng tôi cũng đành bất lực. Đợi đến khi con gái lớn hơn, tôi sẽ truyền dạy lại cho con, coi như vẫn giữ được một phần truyền thống.
Từ đó, tôi dần chuyển trọng tâm cuộc sống về với gia đình.
Thế nhưng, mấy ngày sau, những việc Tô Mạn Mạn làm khiến tôi trợn mắt kinh ngạc.
Cô ta không những thay đổi hoàn toàn quy cách tiền giấy, còn in cả “âm phủ đô la”, rồi nào là hình người hầu, người mẫu nam để… “hầu hạ” người đã khuất.
Thậm chí, trong tang lễ của người trong làng, cô ta còn làm chủ trì, biến buổi lễ trang nghiêm thành một… sàn nhảy đúng nghĩa.
“Cách làm mới đấy chứ!” – Tô Mạn Mạn cười rạng rỡ – “Ai lại không muốn đám tang của mình náo nhiệt, vui vẻ một chút cơ chứ?”
“Thời đại đang tiến bộ mà!”
Trước khung cảnh tang lễ nửa dở nửa lố, các bậc trưởng bối đều nhíu mày khó chịu. Nhưng trái lại, những việc Tô Mạn Mạn làm lại được đám thanh niên tán thưởng nhiệt liệt.
Không ít người khen cô ta biết cách cư xử, nói năng lại thẳng thắn, chân thành.
Trong ánh mắt Tô Mạn Mạn tràn đầy kiêu hãnh:
“Đương nhiên rồi! Làm ăn thì điều quan trọng nhất chính là cái tâm.”
“Người sống cần phải sống cho tốt hơn nữa, mà người đã mất thì cũng mong được nhớ đến theo cách đặc biệt, đúng không?”
Đám thanh niên nhao nhao gật đầu tán đồng. Cách làm này không những náo nhiệt, mới mẻ, mà còn tiết kiệm được khối tiền.
Dù có vài người lớn tuổi dè dặt hỏi:
“Chuyện cúng tế tổ tiên mà làm như trò đùa vậy, liệu người đã khuất có thể yên lòng ra đi không?”
Nhưng vừa nhìn đến bảng giá, đem so với chi phí thuê thầy cúng, đạo sĩ, rồi các lễ nghi truyền thống rườm rà…
Bọn họ lập tức bị bịt miệng bởi cái giá rẻ bất ngờ kia, chẳng ai còn dám lên tiếng nghi ngờ, trái lại còn thi nhau khen ngợi Tô Mạn Mạn là người có tâm, lại tháo vát.
“Yên tâm đi, tốn bao nhiêu thì tôi tính bấy nhiêu,” cô ta cười tươi rói, “bà con lối xóm với nhau, tôi cũng chỉ muốn giúp một tay.”
“Các cô chú đều nhìn tôi lớn lên, tôi sao dám làm liều. Không như một số bà già kia, núp bóng lễ tế tổ tiên mà bóc lột bà con. Tổ tiên nhà bà ấy mà biết có đứa cháu như thế, chắc phải đội mồ sống dậy mất!”
Tô Mạn Mạn nói năng đầy căm phẫn, khiến đám thanh niên bên dưới bị lôi kéo theo cảm xúc. Không ít người đứng dậy chỉ trích tôi, thậm chí còn lôi cả tổ tiên nhà tôi ra chửi rủa.
Tôi chẳng buồn tranh cãi, chỉ lặng lẽ cúi xuống, chỉ vào mớ giấy tiền dưới đất và vệt bẩn lạ bên cạnh.
“Tô Mạn Mạn, cô không biết giá thị trường bây giờ à? Giấy vệ sinh loại rẻ nhất trên thị trường hiện giờ cũng tám tệ một bịch. tiềngiấy hai tệ một bịch như của cô, lấy ở đâu ra? Đừng nói là… giấy bẩn tái chế đấy nhé?”
“Đồ để đốt cho thần linh, tổ tiên, nếu không sạch sẽ, không trong lành, chẳng phải là bất kính hay sao?”
Mọi người bỗng lặng im. Đúng thế, gần đây giá giấy nguyên liệu tăng mạnh, chưa kể tin tức về các cơ sở tái chế giấy vệ sinh từng gây xôn xao. Nghĩ đến cảnh có thể đang đốt rác rưởi cho tổ tiên, ai nấy đều lạnh sống lưng.
Đặc biệt là những người làm trong ngành ăn uống, giá giấy hiện nay ra sao, họ hiểu rõ hơn ai hết.
Ánh mắt Tô Mạn Mạn loé lên một tia độc hiểm, nhưng rất nhanh, cô ta đã lấy lại vẻ bình tĩnh, mỉm cười giải thích đâu ra đấy:
“Bọn em làm việc trực tiếp với nhà máy sản xuất giấy và xưởng in. Mọi người xem này, đây là giấy phép kinh doanh của bọn em!”
“Các cô chú yên tâm, từ bé mọi người đã nhìn cháu lớn lên, giờ cháu chỉ muốn làm chút việc thật lòng cho quê hương mình.”
Cả đám người thở phào nhẹ nhõm, rồi lại quay sang trách mắng tôi không có đạo đức, nói tôi ghen ghét, đố kỵ.
Trong đáy mắt tôi thoáng qua một tia châm biếm lạnh lùng — kiếp trước tôi nhớ rõ hai nhà máy mà Tô Mạn Mạn nhắc tới.
Một bên chuyên thu gom giấy vệ sinh đã qua sử dụng trong nhà vệ sinh công cộng để tái chế. Một bên dùng mực in chứa chì độc hại, hoàn toàn không đạt chuẩn.
Nhà họ Tô xưa nay vốn quen thói ăn trên ngồi trốc ở trong làng. Bỗng dưng ra vẻ tốt bụng làm điều vì cộng đồng? Rõ ràng là có vấn đề.
Chỉ cần chịu khó tìm hiểu một chút, sẽ biết hai nhà máy đó từ lâu đã thua lỗ chồng chất, sắp phá sản đến nơi.
Làm sao có thể tạo ra hàng hóa tử tế từ những nguồn như vậy?
Nhưng mà… sống lại một lần nữa, tôi không còn muốn làm người tốt vô điều kiện như kiếp trước. Những gì đã trải qua khiến tôi hiểu, có những lời, không nói ra lại tốt hơn.
Đến nước này, tôi cũng đã coi như làm tròn đạo nghĩa.
Việc đầu tiên sau khi sống lại, chính là đem toàn bộ tiền giấy cũ trong nhà, đốt cho tổ tiên và các vị thần linh.
Nếu không có họ phù hộ, làm sao tôi có được cơ hội sống lại thêm lần nữa?
Thế nhưng kiếp này, tiền giấy của Tô Mạn Mạn cùng với “dịch vụ tang lễ sáng tạo” của cô ta lại rất được lòng giới trẻ. Cô ta còn trở thành một hiện tượng mạng nổi tiếng.
Không ít người đua nhau đặt mua tiền giấy từ cô ta, thậm chí còn đặt lịch mời cô ta làm chủ lễ cho các buổi tang.
Căn nhà ngói cũ nát của nhà họ Tô bỗng chốc, chỉ sau một tháng, đã biến thành biệt thự mái ngói kiểu Tây.
Thậm chí còn có người khoe: “Từ lúc dùng giấy tiền của Tô Mạn Mạn, bà cố đã mất mấy chục năm còn về báo mộng cho tôi cơ đấy!”
Không phải sao? Mấy năm liền tiền cúng không đủ, lại toàn đốt giấy bẩn giấy độc, ông bà tổ tiên dưới đó chẳng tức đến phát bệnh thì cũng là lạ.
Đến lúc sau này, đừng nói bà cố, ngay cả ông tổ mấy đời cũng phải hiện về trong mộng để mắng cho một trận.
Dạo gần đây, đơn hàng của Tô Mạn Mạn nhiều đến mức cung không kịp cầu, còn tiệm của tôi thì vắng như chùa Bà Đanh.
Tay nghề của bà nội, rốt cuộc vẫn chẳng thể truyền lại được.
Nếu không phải vì muốn giữ gìn một kỹ nghệ truyền thống sắp mai một, tôi đã chẳng cố chấp bám lấy cái nghề này.
Nhìn cửa tiệm đồ mã im lìm, tôi bắt đầu nghĩ có nên chuyển sang bán thứ khác không? Hay thử làm đồ thủ công DIY, thay đổi chút hướng đi?
Ngay lúc tôi còn đang đắn đo, thì có một thanh niên trẻ bước vào tìm tôi, nói muốn đặt một đơn hàng lớn tiền giấy thủ công.
Tôi chỉ tay về phía nhà họ Tô: “Cậu qua bên đó đặt cũng được.”
Cậu thanh niên nghiêm túc lắc đầu: “Dì Trần, cháu đến là để tìm dì đấy.”
Nói rồi cậu cúi người hành lễ, tôi chợt nhận ra dưới lớp áo khoác của cậu… là đạo bào.
“Sư phụ cháu từng nói, chỉ có bà nội của dì mới làm ra loại tiền giấy thật sự có thể lưu thông dưới địa phủ. Giờ bà đã mất, chỉ còn dì là người duy nhất nắm được bí quyết truyền đời ấy.”
“Dù là đạo quán hay chùa chiền, đều cần có hương hỏa cúng dường. Ông bà ta vẫn nói, ‘có tiền có thể sai khiến cả ma quỷ’. Dù là thiên giới hay nhân gian, đều cần đến tài vật.”
“Đặc biệt là bọn cháu làm pháp sự, tiêu thụ lượng giấy tiền rất lớn.”
“tiền giấy do bà nội dì làm, là loại được trời đất công nhận.”
Cậu thanh niên tự xưng là Chung Húc, là truyền nhân đời thứ hai mươi tám của đạo quán Huyền Dương, cháu đích tôn của Chung Thiên Sư.