Chương 1 - Sự Phục Sinh Của Tiệm Giấy Mã

1

“Con bé nhà họ Trần, mày đúng là không có lương tâm! Dám kiếm chác bao nhiêu tiền thất đức như thế!”

“Dựa vào người chết để kiếm tiền, mày không sợ bị báo ứng à?”

Đối diện với bí thư thôn và những gương mặt trẻ đang phẫn nộ, tôi sững người mất vài giây.

Rồi bỗng chốc, tôi nhận ra — mình đã sống lại rồi.

Kiếp trước, sau khi bà mất, tôi tiếp quản tiệm làm đồ mã của bà.

Bà là truyền nhân của nghề làm tiền giấy cổ truyền. Nhờ sự khéo léo và tinh tế, bà mở được tiệm giấy mã nhỏ này.

Người già trong thôn vẫn thường nói, giấy tiền bà làm mang đi cúng tổ tiên thì gia đạo yên ổn, con cháu ăn nên làm ra.

Từ bé, tôi đã theo chân bà học nghề, từng chút một học cách nấu giấy, cán bột, xông hương.

Sau này khi sinh con xong, tôi chính thức tiếp nối tay nghề của bà, vừa để nuôi sống gia đình, vừa gìn giữ kỹ nghệ của tổ tiên.

Một gói tiền giấy ba mươi tệ, bao nhiêu năm nay vẫn giữ nguyên mức giá đó.

Dù mấy năm gần đây kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu tăng không ngừng, tôi cũng chưa từng nghĩ đến chuyện tăng giá.

Cho đến ngày trước tiết Thanh Minh, con gái nhà hàng xóm – Tô Mạn Mạn, mới tốt nghiệp nhưng đang thất nghiệp – dẫn theo một nhóm thanh niên đến tìm tôi, lớn tiếng chỉ trích tôi lợi dụng người già để trục lợi.

“Cô Trần, đống tiền giấy này chẳng qua là loại giấy cỏ rẻ tiền nhất, đến giấy vệ sinh còn tốt hơn. Loại giấy như thế, một gói cùng lắm hai tệ, cô lại dám bán ba mươi tệ, thật coi bọn cháu là kẻ ngốc à?”

Thấy cô bé chẳng hiểu chuyện, tôi vẫn kiên nhẫn giải thích:

“Đây là tiền giấy làm theo phương pháp cổ truyền. Phải dùng loại cỏ đặc biệt để nghiền thành bột, sấy khô thủ công, sau đó còn phải xông hương trầm, đóng ấn, mới thành. Loại giấy này khi đem đốt cúng thì mới có thể gửi tới người thân đã khuất ở thế giới bên kia.”

“Chưa kể công tôi bỏ ra cũng không hề ít. Mỗi xấp tiền giấy đều phải được xông qua trước tượng thần. Khi trong thôn có nhà làm đám tang, tôi còn biếu thêm cả nến hương nữa. Cháu phải hiểu rằng, nếu không có hương lửa cúng tế, tiền giấy đó căn bản chẳng thể dùng được ở địa phủ…”

Lời còn chưa dứt, Tô Mạn Mạn đã đẩy tôi một cái mạnh.

“Thời đại nào rồi mà còn mê tín phong kiến như thế?”

“Nói thật nhé, ai chẳng là người cùng làng, bây giờ xã hội toàn nói đến chủ nghĩa duy vật, mấy chuyện cúng bái này suy cho cùng cũng chỉ là nơi gửi gắm tinh thần cho người sống mà thôi.”

“Cô kiếm tiền thất đức từ người già đã là một chuyện, giờ còn bịa chuyện xúc phạm cả người đã khuất, cô không thấy nhục à?”

“Giấy này làm ra vốn chẳng đáng mấy xu, nếu còn chút lương tâm, cô nên trả lại phần chênh lệch cho mọi người.”

Tôi sầm mặt lại, thẳng thừng từ chối yêu cầu vô lý đó. Thế nhưng bọn họ đã lén quay lại toàn bộ cuộc nói chuyện rồi tung lên mạng.

Thậm chí còn kéo nhau đến trường của chồng tôi, lớn tiếng rêu rao rằng tôi lợi dụng mê tín để trục lợi.

Dưới áp lực dư luận, tôi buộc phải trả lại phần chênh lệch cho khách đã đặt hàng.

Tôi đành phải chọn loại giấy có mùi nồng hơn một chút, đồng thời bỏ hẳn công đoạn xông hương, để giảm chi phí.

Nhưng tôi vẫn luôn kiên trì giữ công đoạn nấu giấy theo phương pháp cổ truyền, đảm bảo nguyên liệu an toàn, không độc hại với cơ thể người.

Vậy mà Tô Mạn Mạn vẫn không chịu buông tha. Cô ta vu cho tôi lừa đảo người tiêu dùng, còn kéo theo một đám người đến, thiêu rụi toàn bộ giấy tiền tôi làm.

Tiền giấy không có xông hương mùi hơi khó chịu, khói cũng nhiều hơn một chút, nhưng hoàn toàn không độc hại với con người.

Thế mà Tô Mạn Mạn lại vu khống tôi không màng sống chết của người khác, bôi nhọ tôi thu gom giấy bẩn trong xưởng nhỏ rồi tái chế thành tiền giấy, nói tôi làm ô uế linh hồn người đã khuất, còn yêu cầu tôi bồi thường gấp ba lần.

Tôi không đồng ý, bọn họ liền đẩy sự việc lên mạng, bóp méo mọi chuyện, nói tôi không tôn trọng người đã mất, nói tôi lừa tiền người già, chửi rủa tôi là kẻ lòng dạ đen tối.

Làn sóng công kích trên mạng dâng lên như thủy triều, cuối cùng tôi không thể chịu nổi, cầm chai thuốc diệt cỏ paraquat, uống cạn.

Cơn đau dữ dội vẫn như còn vương lại trong ký ức. Trước mặt tôi là Tô Mạn Mạn – người từng đứng trước mặt tôi, gằn giọng đòi tôi trả lại tiền.

Tôi dứt khoát gật đầu: “Được thôi, tiền tôi trả lại hết.”

Vài bạn trẻ bên cạnh cô ta khựng lại, dường như bất ngờ vì tôi quá dễ thỏa hiệp.

Dù gì thì trong mắt họ, đâu ai nghĩ người ta có thể dễ dàng “ói” ra thứ mình đã nuốt vào.

Những chiêu bài mà họ chuẩn bị kỹ lưỡng bỗng dưng chẳng còn đất dụng võ, cả đám như những quả bóng bị xì hơi, lúng túng không biết làm gì.

Trong mắt Tô Mạn Mạn, ánh nhìn dành cho tôi đầy kinh ngạc và hoài nghi.

Dù sao thì cô ta cũng đã dò hỏi trước — người trong làng gần như ai cũng đã đặt cọc tiền. Số tiền đó, tuyệt đối không phải con số nhỏ.

“Cô nói rồi đấy nhé. Nhà tôi có người già, chân tay bất tiện, không tiện đi lại. Vậy thế này đi, giờ cô trả tiền lại cho chúng tôi luôn đi.”

Tôi không nói thêm lời nào, lập tức hoàn tiền và thu lại tiền giấy.

“Nhân tiện nói trước, tiền tôi hoàn toàn bộ. Đơn hàng tiền giấy năm nay cũng huỷ hết.”

Tiền giấy làm thủ công, đâu phải chuyện dễ dàng gì.

Phải dùng cối đá để nấu giấy, nghiền bột, sau đó còn mang lên bàn thờ chư thần cúng hương khấn vái, tụng kinh cầu nguyện.

Có khi tôi còn đích thân mang đến từng nhà, nếu đúng lúc họ đang có tang, tôi sẽ tiện tay giúp đỡ luôn một chút.

Người trong làng ai cũng ngại dính vào chuyện tang ma, cho là xui xẻo. Nhưng tôi nghĩ, là hàng xóm láng giềng với nhau, giúp được thì giúp.

Nhiều người trong thôn không hiểu lễ nghi ma chay, đôi lúc tôi còn thay họ chủ trì đơn giản lễ tang.

Không ngờ, tất cả những việc đó trong mắt đám thanh niên này lại trở thành “trò bịp miệng lưỡi” để lừa đảo.

Cuối cùng, chính những lời vu khống ấy đã đẩy tôi và gia đình đến bước đường cùng.

Nghe tôi nói xong, cả đám thanh niên đều chết sững.

Ngày mai đã là Thanh Minh rồi, giờ mà tìm nơi khác mua tiền giấy… căn bản là không kịp nữa.

Nếu để người lớn trong nhà biết chuyện, chẳng lẽ không lột da bọn họ ra?

Bí thư thôn đứng bên cười ha hả, định giảng hòa:

“Con bé nhà họ Trần à, thôi thì năm nay cứ dùng tiền giấy nhà cháu đi.”

“Ngày mai là Thanh Minh rồi, đều là người cùng làng với nhau, đừng làm mất hòa khí.”

“Thế này nhé, lúc nãy Mạn Mạn cũng nói rồi, chi phí chẳng đáng bao nhiêu, cháu cứ tính hai tệ một gói bán cho mọi người, coi như giúp đỡ bà con.”

Tôi nhìn ông ta, đáy mắt mang theo chút châm chọc.

Giấy vệ sinh loại rẻ nhất, mua cả bịch cũng không dưới hai tệ.

Chỉ thiếu điều ông ta cầm bàn tính ném thẳng vào mặt tôi.

Cưỡng ép bán phá giá, bắt tôi làm không công, cuối cùng lại bị mang tiếng lòng dạ đen tối.

Tôi dứt khoát lắc đầu, “Không được. Món làm ăn kiểu này, tôi không làm.”

Tô Mạn Mạn lập tức lại hóa thân thành “người bảo vệ công lý”:

“Chị thật quá đáng! Chỉ vì bọn tôi vạch trần lời dối trá của chị mà chị liền trở mặt, hủy đơn – thế còn đâu là uy tín nữa?”

Tôi cười nhạt nhìn cô ta, “Không phải chính các người đòi trả lại tiền sao?”

“Chuyển khoản qua WeChat, tiền trao cháo múc. Nếu cảm thấy không công bằng, cứ báo công an.”

Mọi người lập tức rơi vào thế khó. Nếu để ông bà cha mẹ ở nhà biết họ đã trả lại hết tiền giấy chuẩn bị cúng tổ tiên ngày mai, e rằng không chỉ bị mắng, mà da cũng bị lột mấy lớp.