Chương 4 - Quay Về Ngày Định Mệnh

5

Trên mạng, mọi thứ luôn thay đổi chóng mặt. Không lâu sau, độ hot của Trần Tuấn và Lý Sơ Sơ cũng dần lắng xuống, chẳng còn ai nhắc đến.

Bạn bè xung quanh cũng thôi không bàn tán nữa. Ai cũng đang tất bật vì kỳ thực tập, vì lựa chọn sau khi tốt nghiệp.

Lần tiếp theo tôi gặp lại Trần Tuấn là ở hội chợ việc làm do trường tổ chức.

Thật ra, trước đó anh đã ký hợp đồng làm giảng viên piano cho một trường rất danh tiếng. Ở kiếp trước, anh làm việc ở đó, lương cao đãi ngộ tốt khiến ai cũng ao ước.

Nhưng đời này thì khác.

Vì cứu Lý Sơ Sơ, anh mất đi cánh tay phải, nên phía nhà trường hủy hợp đồng. Nghe nói Trần Tuấn tức đến mức đi đôi co với họ, khẳng định mình vẫn có thể dạy tốt dù chỉ còn một tay, nhưng hoàn toàn vô ích.

Xã hội là vậy đấy. Dù ngoài mặt thì cổ vũ người khuyết tật, tuyên truyền việc bình đẳng trong lao động, nhưng thực tế thì số công ty thật sự dám nhận người khuyết tật chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một giáo viên piano mà lại mất tay phải – không thể chơi đàn bình thường – thì cho dù ông chủ công ty chấp nhận, liệu các bậc phụ huynh có chịu tin rằng con mình sẽ học được bản nhạc nào nên hồn từ một người như vậy?

Cuộc sống với người bình thường vốn đã khó, với người khuyết tật còn khó gấp trăm lần.

Người khác có thể thấy rõ điều đó, chỉ tiếc là Trần Tuấn quá tự tin, lại quá kiêu ngạo.

Lúc tôi thấy anh, anh đang cầm hồ sơ, tên mình nằm chót bảng, trông có vẻ khá căng thẳng.

Tôi nhìn sang gian phỏng vấn đó – vẫn là một công ty liên quan đến âm nhạc – rõ ràng là anh vẫn chưa chịu từ bỏ.

Những người phía trước được phỏng vấn nhanh chóng, chẳng mấy chốc đã đến lượt anh.

Trần Tuấn bước tới, đưa hồ sơ ra, bắt đầu phần giới thiệu bản thân một cách đầy tự tin.

Người phỏng vấn lật hồ sơ xem, rồi dừng lại ở bảng điểm ép ở phía dưới:

“Trần Tuấn đúng không? Tôi thấy điểm của cậu ba năm đầu khá tốt, đều nằm trong top 20 của khóa, nhưng sao năm cuối lại tụt dốc, nhiều môn chỉ đủ điểm qua rớt xuống gần cuối lớp vậy?”

Sắc mặt Trần Tuấn trở nên khó coi, im lặng một lúc rồi mới giải thích:

“Năm cuối tôi bị tai nạn, mất tay phải, nên không thể tham gia các buổi thực hành. Đành phải chấp nhận điểm vừa đủ qua môn.”

Sắc mặt người phỏng vấn lập tức thay đổi, ánh mắt vô thức liếc sang ống tay áo bên phải của anh – quả nhiên trống rỗng.

Người phỏng vấn là một phụ nữ trung niên, lập tức thay đổi thái độ, nở nụ cười ôn hòa:

“Cậu rất xuất sắc, là một trong những sinh viên nổi bật của khóa năm nay. Nhưng thật xin lỗi, hiện tại cậu chưa phù hợp với điều kiện của công ty chúng tôi. Tôi tin rằng sẽ có vị trí phù hợp hơn với cậu.”

Lúc nghe thấy từ “xuất sắc”, ánh mắt Trần Tuấn như sáng lên. Nhưng đến câu cuối cùng thì lụi tắt hoàn toàn.

Anh cúi gằm mặt ngồi yên một lúc, rồi bất ngờ bật dậy, giáng thẳng một cái bạt tai vào người phỏng vấn!

Mắt đỏ hoe, anh giơ cánh tay trái lên, hét lớn:

“Tôi mất một tay thì sao? Tay trái vẫn đủ để tát cô đấy!”

“Đám người các người, giả nhân giả nghĩa, có tí tiền là khinh thường người khác! Tôi nói cho các người biết, sớm muộn gì tôi cũng sẽ thành công, đạp các người dưới chân!”

Xung quanh lập tức bàn tán xôn xao, người người tụ lại xem, tiếng cười cợt vang lên khắp nơi.

Người phỏng vấn bình tĩnh gọi cảnh sát. Khi bị công an đưa đi, Trần Tuấn vẫn không cam tâm:

“Các người bắt nạt người yếu! Tôi sẽ kiện các người!”

6

Vì thái độ quá tệ, phía công ty không chịu hòa giải. Trần Tuấn bị phạt tiền và còn bị tạm giam một tuần.

Đoạn video anh đánh người tại hội chợ việc làm bị tung lên mạng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của trường, anh bị nhà trường ghi lỗi nặng.

Từ đó về sau, Trần Tuấn biến mất hoàn toàn khỏi các sự kiện tuyển dụng.

Nghe nói anh xin ba mẹ vài chục triệu, tuyên bố sẽ khởi nghiệp bằng chính đôi tay trắng của mình.

Lý Sơ Sơ thì ngày ngày cập nhật mọi chuyện lên tài khoản mạng xã hội cá nhân của cô ta, với những tiêu đề như:

“Cuộc sống thường ngày của bạn trai mất tay vì cứu tôi ~”

“Bạn trai tật nguyền gặp khó khăn khi tìm việc, đau lòng quá đi…”

“Tin vui! Bạn trai mất tay của tôi quyết định khởi nghiệp rồi!”

Ban đầu, nhờ hiệu ứng từ đoạn phỏng vấn cũ, nhiều người vẫn vào bày tỏ sự ủng hộ và động viên. Nhưng sau khi đoạn clip tại hội chợ việc làm bị lan truyền, phần lớn chỉ còn lại bình luận chỉ trích, mắng hai người là “cặp đôi máu lạnh”.

Còn tôi, sau khi cân nhắc mọi thứ, đã quyết định không đi làm mà chọn thi cao học.

Kiếp trước, trải nghiệm công việc sau khi tốt nghiệp của tôi không hề tốt đẹp. Vì trường đại học của tôi chẳng phải loại có tiếng, thậm chí đến 211 còn không phải.

Thật ra, khi thi đại học năm đó, tôi có cơ hội vào được trường 211. Nhưng vì điểm Trần Tuấn thấp hơn tôi mười mấy điểm, để có thể học cùng trường với anh, tôi đã chấp nhận hạ nguyện vọng, chọn một trường tầm trung.