Chương 21 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan

Khi tiếng ve gọi hè chấm dứt và mùa thu dần sang cũng là lúc tôi chuyển qua làm tại một xí nghiệp chế biến gỗ khác.

Quy mô nơi đây khá nhỏ, số lượng công nhân cũng chỉ có mười mấy người. Công việc ở chỗ làm mới nặng nhọc, vất vả hơn chỗ cũ nhiều nhưng ít ra tôi không còn phải lấn cấn khi giáp mặt những người bạn cũ nữa.

Cái quán tạp hóa của mẹ giờ kê thêm mấy cái bàn cùng mấy cái ghế để chị Vân bán chè. Tuy không mấy đắt khách nhưng tính ra lời lãi cũng đủ phần chợ búa.

Cũng nhờ quãng thời gian ở chung với cậu mà giờ chị đã có thể xởi lởi cười nói khi tiếp xúc với người lạ. Mọi người thấy chị dễ thương, trò chuyện có duyên nên thường xuyên ghé ủng hộ, còn thêm mấy anh thanh niên trong xóm cứ đều đều ăn một ngày tới mấy ly chè.

Chị Vân cũng đã biết chạy xe máy. Mẹ tôi gom tiền mua lại một chiếc Wave cũ cho chị thi thoảng chở mẹ xuống thị xã lấy hàng về bán.

Cơm trưa của tôi cũng là chị mang cho chứ không bới đi từ sớm nữa, mẹ nói ăn vậy cho cơm nóng canh nóng, dễ nuốt hơn, dù gì thì buổi trưa cũng có mẹ và chị Vui trông quán chè giúp, chị Vân chạy xuống đưa rồi quay về cũng chỉ mất tầm bảy, tám phút.

- Bán cho em một ly.

Tôi nói rồi dựng chiếc xe đạp vào vách quán, tháo mũ cùng khẩu trang ra, tới ngồi lên chiếc ghế con.

Chị Vân cười xòa, bàn tay thoăn thoắt đập cục nước đá.

- Có mệt không sao mặt đỏ vậy? – Chị đưa ly chè cho tôi, nhìn lom lom.

- Trời nắng nóng mà Vân.

Nói xong, tôi cúi xuống, chăm chú ăn. Thật sự mà nói thì tôi mệt lắm luôn. Ngày nào cũng lăn những khúc gỗ còn to hơn mình rồi móc vào ba lăng để cho người ta cẩu lên máy lạng. Xong lại khiêng những cuộn ván ruột nặng gấp mấy lần mình tới bàn cắt cho các cô, các chị đo và cắt. Rồi thì chất ván lên cộ đẩy ra sân phơi.

Nếu nắng cả ngày thì không sao, vào làm việc khác rồi chiều đến sẽ đi gom, nhưng có những lúc nắng lúc mưa, cả đám người cứ phải chạy ra chạy vào, quay như chong chóng, xây xẩm mặt mày.

- Ngày nay dì Liễu lại ra đòi tiền đất á. – Chị Vân vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.

- Rồi mẹ mình có nói gì không Vân?

- Mẹ không nói gì hết.

Dứt lời, nước mắt chị trào ra, sụt sùi. Tôi đem cái ly xuống rửa úp lên rồi chạy vòng ra sau bếp.

Qua cánh cửa gỗ, tôi thấy mẹ đang tất bật cho mấy con heo ăn bữa chiều, còn chị Vui thì đang tắm cho bé Lan. Tôi quay mặt, tựa lưng vào vách, cố cắn chặt môi, ngăn không cho mình khóc.

Mảnh đất nơi gia đình tôi ở thuộc quyền sở hữu của vợ chồng dì Liễu. Dì Liễu là chị em bạn dì với mẹ tôi. Năm đó, khi cả nhà tôi chuyển ra đây, ba mẹ đã ngỏ ý mua đất của dì.

Khổ nỗi lúc trả tiền và kêu dì tách bìa đỏ thì dì bảo mới ra, lạ nước lạ cái, cứ để tiền ấy làm ăn, khi nào có trả cũng được.

Thế rồi, năm tháng trôi qua, giá đất ngày càng tăng. Tuy ba mẹ nhiều lần đem tiền vào nhờ dì tách bìa giúp nhưng dì cứ lấy lý do bận rộn chưa rảnh, bảo cứ để đó đi, khi nào rảnh thì dì tách cho rồi trả tiền, giá thị trường tăng chứ dì có lấy tăng lên đâu mà lo.

Cuối cùng, khi giá đất nhảy vọt, gấp biết bao nhiêu lần giá xưa thì dì trở mặt, bảo ba mẹ phải trả đúng theo giá người ta trả thì dì mới tách bìa, còn không thì dọn đi để dì bán cho người khác.

Vì trước đây mua bán thỏa thuận chỉ trên môi miệng, không có lấy một tờ giấy ký tên nên gia đình tôi hoàn toàn đuối lý, có giải thích cũng chẳng ai tin.

Hàng xóm láng giềng nghe ngóng phong phanh đâu đó thì cứ bảo chúng tôi được cho ở nhờ mà giờ lại vô ơn, muốn cướp đất người khác. Thôi thì, tình ngay lý gian, nói gì được chứ. Đây là bài học nhớ đời từ lòng tin bị đặt nhầm chỗ.

Cứ nghĩ tới cảnh cả nhà dắt nhau ra bụi ở, tôi chán đến chẳng còn muốn tồn tại nữa, ước sao bản thân hóa thành làn khói lam chiều rồi bay lên núi mất hút cho xong.

Tối đến, cả nhà đang dùng bữa thì cô Mai hàng xóm sang báo có điện thoại. Mẹ tôi vội vàng buông đũa rồi theo cô ấy chạy đi.

Cả xóm tôi, chỉ vài nhà bắt điện thoại bàn, mấy nhà không có sẽ xin gọi nhờ, nghe nhờ và trả tiền cước, thường thì cô Mai chỉ lấy tiền lúc gọi, còn lúc nghe thì cô không lấy nhưng vì ngại công cô chạy sang kêu nên mỗi lần như vậy, mẹ sẽ đưa cho bé con của cô vài ngàn ăn bánh.

Mẹ quay trở lại khi tôi vừa vét muỗng cơm cuối cùng đút vào miệng bé Lan, mấy ngày nay nó cảm nên biếng ăn, thành ra phải đút chứ không thì nó cứ ngúc ngắc nhai mãi không chịu nuốt.

Cả mấy chị em tôi và ba đều nhận thấy gương mặt mẹ thoáng buồn.