Chương 17 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan

Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoát đã đến ngày lãnh lương đầu tiên. Vì tháng này tôi và chị Vân vào trễ, làm chẳng trọn nên mỗi người chỉ lãnh được bốn trăm ngàn.

Nhìn bảng lương mà tim tôi đập loạn xạ, tay run run cầm bút ký tên. Bỏ xấp tiền vào túi xong, tôi cứ sợ nó rớt hoặc mọc cánh bay mất, cứ mấy giây lại sờ một lần xem thử còn hay không.

Hôm nay cũng là ngày tăng ca, sau khi nhận tiền từ văn phòng xí nghiệp, như thường lệ, nhóm chúng tôi gồm hai chị em tôi và Thiên, Thuận, Hà, Loan kéo nhau xuống sau khu xưởng, chỗ luộc gỗ để mượn ấm nấu nước chế mì tôm ăn.

Tuy có rất nhiều quán bún phở đối diện nhưng chẳng ai trong chúng tôi ra đó cả, mọi người đều muốn tiết kiệm tiền.

Chiếc ấm cũ kĩ đen thui những nhọ than bắt đầu sôi, chúng tôi lấy tô xé mì bỏ vào. Và như mọi lần, Thiên đổi gói mì của anh cho chị Vân, gói mì ấy có thịt sấy, cà rốt sấy, mắc tiền hơn gói mì tôi và chị Vân mang theo.

Lúc mới ban đầu chị còn ái ngại không nhận, nhưng khi Thiên cứ cố chấp đổi qua thì chị cũng đồng ý rồi bảo tôi ăn nhưng tôi từ chối, tôi nói mình thích ăn vị mì cũ quen thuộc. Lâu dần, chị cứ thế mà đón nhận ý tốt từ anh ấy, rất tự nhiên.

- Có khi nào mọi người nghĩ sau này sẽ làm gì khác không? – Tôi dúi thêm cây củi vào bếp, lên tiếng hỏi.

- Cứ làm ở đây thôi, sao lại làm gì khác? – Thiên tròn mắt nhìn tôi.

Câu trả lời đó khiến tôi không biết phải nói thêm gì nữa, lẽ nào chỉ có mỗi mình tôi là muốn thay đổi cuộc sống theo chiều hướng đi lên sao.

Tôi không ưa những kẻ chẳng có chí tiến thủ. Tuy bây giờ tôi vẫn đang ngồi đây ăn mì tôm rẻ tiền và lát nữa sẽ lại vào xưởng chà gỗ nhưng ít ra tôi vẫn nuôi ước vọng đổi đời, vì sao mà một người thanh niên như Thiên lại bằng lòng chấp nhận thực tại và an phận thủ thường như vậy, dù chỉ là câu nói cửa miệng thì tôi cũng không thích.

- Hà ước sau này mình sẽ được làm ca sĩ. – Hà quay sang nhìn tôi, nháy mắt cười.

- Ừ, Hà hát hay mà, sau này canh mấy cuộc thi rồi đăng ký xem sao, có khối người bình thường thành danh từ những cuộc thi đó còn gì? – Tôi hào hứng hưởng ứng.

- Nói thì nói vậy thôi, đi thi cũng tốn kém lắm, tiền ăn, tiền ở, quần áo, phấn son, rồi lấy ai đi làm thế vô để lo gia đình hả? – Thuận hết nhìn tôi lại liếc sang cô bạn gái.

Tôi thấy mặt Hà tối sầm rồi cúi gầm xuống, cắm cúi ăn hết tô mì. Xem ra hai anh em người này thật giống nhau, tôi bắt đầu thấy lo lắng khi chị Vân coi bộ cũng có cảm tình với Thiên.

Mọi người chẳng ai nói thêm gì nữa, tôi lùa nhanh vắt mì vào miệng rồi mang tô đến vòi nước rửa sơ, cho vào bịch ni long để tối về rửa lại. Đôi tay bất giác sờ lên túi áo để kiểm tra xem tiền còn hay mất.

Tối nay, ông tổ trưởng cho hai công nhân mới vào ban sáng sang đứng máy chà nhám thay chúng tôi. Sau khi hướng dẫn chị Vân thao tác trên chiếc máy khoan, ông ấy đưa tôi đến đứng máy đục và bắt đầu dặn dò, chỉ bảo.

Tuy lỗ tai tôi không có bị điếc nhưng tiếng động của bao nhiêu loại máy cứ rè rè, ù ù làm cho tôi cũng nghe câu được câu mất.

Cũng may là Hà cũng đứng máy đục sát gần bên nên khi ông ấy rời đi, tôi liền há miệng nhờ cô bạn chỉ lại giúp mình. Câu nói ở nhà nhờ cha mẹ, ra đường nhờ bạn bè thật đúng với tôi trong lúc này.

Đang đục ngon lành thì mũi đục đột nhiên dính chặt vào cái chân ghế, kêu è è rồi gãy ngang, cắm luôn trong đó.

Tôi tái mặt nhìn dáo dác tìm ông tổ trưởng kiêm kỹ thuật của mình. Trời xui đất khiến nên chưa kịp cất bước thì ông ấy đã đứng kế bên, đôi mắt cú vọ nhìn chằm chằm vào cái chân ghế.

Tôi run như cầy sấy, định mở miệng giải thích thì nghe bên cạnh đột nhiên cũng phát ra âm thanh è è, tiếp đó là mùi gỗ cháy khét lẹt. Ông tổ trưởng vội vàng với tay qua bật cái công tắc máy xuống.

Xem ra, có đồng minh rồi, Hà cũng cùng cảnh ngộ giống như tôi. Cô nàng nhanh chóng kéo chiếc khăn bịt mặt xuống, nhoẻn miệng cười.

- Anh thay cho em cái mũi nào tốt tốt chút, gãy hoài à.

- Có mũi của anh là tốt nè, thay không? – Ông tổ trưởng cười lớn.

Nghe cuộc nói chuyện của họ mà tôi đứng đơ như cán cuốc. Thầm ngưỡng mộ cô bạn vừa xinh đẹp lại vừa khéo ăn khéo nói này.

Cứ ngỡ tổ trưởng sẽ la làng la xóm lên thì giờ đây mọi chuyện đã lớn hóa nhỏ, nhỏ hóa không. Ông ấy vui vẻ thay mũi đục mới cho Hà và tôi.