Chương 14 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan

Cả hai cùng cười thật lớn rồi chia nhau ra cắt. Bây giờ cho dẫu con sâu có xuất hiện ngay trước mặt thì tôi và chị cũng không còn sợ nữa, cứ lấy dao hất nó rớt xuống đất rồi lại tiếp tục. Xem ra, nỗi sợ cậu lấn át luôn nỗi sợ sâu và nhờ đó giúp cho tôi dạn hơn rất nhiều.

Nhét đầy cỏ vào bao, tôi cùng chị Vân đến ngồi trên ụ đất nghỉ mệt. Mặt trời vẫn còn lưu luyến chưa khuất núi, gió nhẹ mơn man khắp chốn.

Thấp thoáng phía xa xa, từng đàn bò đang thủng thẳng quay về sau một ngày no cỏ. Tiếng huýt sáo lanh lảnh vang lên giữa khoảng không.

Một lúc sau, chị Vân đứng dậy, quẩy bao cỏ lên vai, tôi thì cầm hai con dao, đủng đỉnh về nhà.

Khói lam chiều lơ thơ bay lên từ những gian bếp gỗ của người đồng bào Gia Rai. Những đứa trẻ mặt mũi lấm lem đang đứng trước sân ngóng cổ nhìn con đường mòn, tôi đoán là chúng đang đợi ba mẹ hay anh chị chúng đi làm về.

Giờ này, chắc ba tôi cũng đã về nhà rồi. Mấy năm trước, có lúc ba chạy xe chở khách đến tận tám, chín giờ tối mới nghỉ, nhưng những năm gần đây, sức khỏe ba không tốt, lại còn thêm mấy vụ cướp chặn đường rộ lên nên ba chỉ chạy đến năm giờ chiều là về, lỡ có cuốc nào trễ thì cũng tầm sáu giờ thôi.

Bữa cơm tối đoàn viên của những thành viên trong gia đình diễn ra vui vẻ, tính ra là đủ cả, chỉ thiếu mỗi thằng em trai. Tôi có cảm giác như ba mẹ và chị Vui đang cố ý nhường thức ăn cho tôi với chị Vân, cả hai đứa nhỏ cũng vậy.

- Cả nhà ăn đi chứ, trong đó ngày nào tụi con cũng được ăn thịt nướng.

Chị Vân nói rồi gắp phần thịt giữa con cá hấp bỏ vào chén bé Ly và bé Lan. Tôi cũng gật đầu phụ họa theo lời chị.

Bây giờ, có cá ăn đã là mừng lắm rồi. Tôi nhớ những ngày thơ ấu, có lúc bữa cơm chỉ là hai chén nước mắm, một cay và một không cay, chan với cơm trắng mà ai cũng ăn ngon lành.

Ám ảnh nhất trong tôi là ngày mẹ chóng mặt bị ngã phải nhập viện, tiền thì hôm trước mẹ đã gom hết đi lấy hàng về quán để bán. Thế là, cô hàng xóm liền chở tôi chạy vào nhà người bà con mượn một trăm ngàn nhưng họ chẳng cho.

Cuối cùng, chị Vui phải vét sạch cái hũ tiền lẻ để dành thối cho khách, gom được bốn mươi ngàn để ba về đưa mẹ đi, tôi nhớ như in xấp tiền nhàu nhĩ, một ngàn, hai ngàn và năm trăm đồng xen nhau.

Những ngày sau đó, bao nhiêu tiền bán được đều tích cóp để mang xuống bệnh viện, ba tôi cứ buổi ngày tranh thủ chạy xe, chiều tối lại xuống trông mẹ.

Lúc mẹ xuất viện về thì tiền cũng cạn hết, hàng hóa trong quán cũng vơi. Đứa em gái nhỏ nghe tiếng rao của xe bánh bao chạy ngang nên xin mua cho nó một cái mà cũng chẳng có tiền. Cái bánh giá hai ngàn, trong bóp của mẹ chỉ còn mỗi năm trăm đồng.

Thế là, tôi cầm lấy, chạy sang quán đối diện, mua ổ bánh mì không về rồi lấy đường cát đổ ra chén cho nó xé và chấm ăn.

Nhìn đứa em gầy gò cầm ổ bánh đã bị dịu và nhăn nheo ăn một cách ngon lành mà ba và chị em tôi chẳng cầm nổi nước mắt.

Giây phút đó, tôi tự nhủ lớn lên sẽ ráng làm và kiếm thật nhiều tiền. Nhưng khi vào Sài Gòn, tôi mới hiểu kiếm được tiền chẳng dễ dàng như mình nghĩ, ước mơ thì mãi chỉ là ước mơ mà thôi, ước mơ của những đứa học hành chẳng tới nơi như tôi không được xây dựng trên một nền tảng nào cả, mông lung và mơ hồ.

- Ba ơi, ngày mai ba chở tụi con xuống xin đi làm xí nghiệp gỗ nha ba. - Chị Vân lên tiếng.

- Con mới về, nghỉ ngơi thêm ít ngày đi. – Ba vừa nói vừa buông đũa, thôi không ăn nữa.

- Ở nhà cũng lòng vòng vậy à, ba cho tụi con đi làm đi. – Tôi nhìn sang mẹ, tìm sự đồng tình.

Cuối cùng, nhờ mẹ nói thêm, ba đã đồng ý. Ba nói trong một lần chở khách, ba quen biết với ông quản lý trong đó nên chỉ việc nhờ ổng nói một tiếng là vào làm thôi, hồ sơ bổ sung sau. Vì chị Vui đã quen phụ mẹ nấu rượu, nuôi heo, bán quán nên tôi sẽ đi làm với chị Vân.

Ăn cơm và dọn rửa xong, tôi và chị Vân lấy sẵn bộ đồ ra treo lên dây để ngày mai mặc. Suốt cả đêm, tôi không ngủ được, cứ nằm canh trời, mong cho mau sáng.

Cảm giác này thật giống với lúc tôi biết mình có tên trong danh sách phát giấy khen và nôn nao được mau mau đến trường tổng kết.

Qua kẽ hở của ô cửa sổ bằng gỗ, ánh trăng đêm thu dìu dặt lọt vào. Tuy sống trong cảnh khổ và luôn phải lo lắng nhưng tôi hãy còn lãng mạn và mộng mơ lắm, tôi rất thích ngắm trăng và sao.

Khi ngước nhìn lên cao xa kia, tôi mới thả lòng thoải mái mà tưởng tượng. Tưởng tượng sau này mình sẽ ngồi văn phòng máy lạnh làm việc, được mang sơ mi cùng váy, rồi đi giày cao gót và kiếm thật nhiều tiền.

Và rồi, xui khiến thế nào đó, tôi có thể gặp được chàng bạch mã hoàng tử trong cổ tích để cuộc đời một bước lên hương.