Chương 11 - Những Con Sóng Đời Chưa Tan
Thời gian dần trôi mau, thấm thoát đã ba năm kể từ ngày tôi vào Sài Gòn, cu tí con của cậu cũng đã đi nhà trẻ.
Mợ quay trở lại chợ buôn bán cùng chúng tôi còn cậu thì xin vào làm bảo vệ cho một nhà xưởng ngoài xa lộ Đại Hàn để tiện thời gian đưa thằng bé tới trường.
Buổi tối mùa thu hôm ấy, sau khi cậu chạy sang nhà hàng xóm nghe nhờ điện thoại từ mẹ thì trở về với khuôn mặt cau có.
Cả chị Vân và tôi đều không dám hỏi, cứ ngồi im thin thít trên gác. Lát sau, chị Vân mon men xuống nhà dưới rồi lại quay trở lên, kéo tôi ra ngoài ban công.
- Chị nghe cậu mợ đang cãi nhau, hình như mẹ sắp vô đưa tụi mình về á.
- Lúc đem em vô mẹ cũng nói rồi mà, khi nào cu tí đi nhà trẻ thì mẹ đón mình về còn gì.
- Ý là, về cả hai đứa, không ai đi phụ. - Chị Vân tần ngần nhìn tôi.
- Bộ Vân muốn ở lại đây sao? Vân không nhớ nhà hả?
- Đương nhiên là muốn về rồi. Nhưng mà.. có khi nào cậu với mẹ giận nhau không?
- Giận thì giận chứ biết làm sao? Em không muốn ở lại đâu. Tết nhất cũng không thể về nhà.
Chị Vân thở dài, nhìn lên khoảng trời đen ngòm trước mặt. Tôi biết điều chị đang lo lắng nhưng chuyện gì tới thì phải tới thôi, tôi nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ chị Vui và mấy đứa em lắm rồi.
Mấy tháng trước, lúc gọi điện hỏi thăm chúng tôi, mẹ cho biết ngoài quê giờ mở rất nhiều xưởng làm bàn ghế gỗ, thấy mấy đứa con gái trạc tuổi chúng tôi mà không đi học đều kéo nhau đi làm, mẹ nói chờ cu tí đi nhà trẻ thì mẹ vào đón tôi và chị Vân về rồi xin vào xưởng, dù sao gần nhà gần cửa vẫn hơn.
Màn đêm trôi qua nặng nề và cả những ngày sau đó cũng vậy. Cậu nghỉ chân làm bảo vệ. Buổi sáng, sau khi đưa cu tí đến nhà trẻ thì cậu chạy ra chợ luôn.
Gương mặt cậu mợ lúc nào cũng tỏ vẻ khó chịu, im lặng, thậm chí là chẳng buồn la mắng đến chúng tôi. Cái bầu không khí ngột ngạt khiến tôi nóng lòng mong cho nhanh tới ngày mẹ vô.
Và rồi, ngày đó cũng tới. Mới từ chợ trở về, tôi thấy cả dì Hoa và mẹ đều đang đứng trước cửa nhà cậu.
Sau khi mở cửa, mợ vào thẳng trong nhà, dằn mâm xán chén, chẳng nói chẳng rằng. Cậu thì bảo mẹ làm lỡ dỡ việc của cậu dù rằng đây vốn dĩ là thỏa thuận ban đầu rồi.
- Hai đứa coi tắm gội, thu dọn đồ đạc đi, chiều mình về luôn. - Mẹ quay sang chúng tôi, dịu giọng.
- Dạ. – Tôi và chị Vân cùng đáp một lúc rồi nhanh chóng chạy lên gác.
Mợ giận nên chẳng buồn nấu cơm, chui tọt vào trong phòng nằm im như thóc. Cậu thì mở nhạc inh ỏi lên nghe.
Dì Hoa thấy vậy liền lấy xe đạp chạy đi mua mấy hộp cơm về cho mẹ và chúng tôi ăn. Dì cũng mời cậu mợ nhưng chẳng ai thèm trả lời.
Tắm gội và thu dọn đồ đạc xong xuôi. Tôi cùng chị Vân tranh thủ nhặt rau, bào củ và làm những công việc như thường lệ trước khi tới giờ ra bến xe. Cậu tạt ngang, lớn giọng.
- Bỏ đó đi, làm cái gì mà làm.
Dứt lời, cậu đi thẳng vào trong phòng. Lát sau, mợ bước ra, mặt to như cái thúng, cầm hai triệu vứt luôn xuống sàn rồi quay vào.
Cổ họng tôi nghẹn đắng, nếu có thể, tôi muốn cầm lấy xấp tiền đó mà ném ngược trở lại vào phòng mợ. Nhưng tôi không thể, làm như thế, người ta sẽ nói tôi là "thứ mất dạy".
Chỉ vì vai vế trong gia đình là nhỏ nên cả mẹ cùng chị em tôi đều phải im lặng mà chấp nhận như một lẽ tự nhiên. Và họ cũng vô tình đến mức cho phép bản thân làm tổn thương người khác một cách rất đỗi bình thường.
Tôi bước đến, cúi người lượm những tờ tiền, xếp gọn rồi đưa cho mẹ. Thấy trong ánh mắt của mẹ đã ngân ngấn nước, tôi cố kiềm lòng, mỉm cười.
- Mẹ cầm đi, để mua vé xe cho tụi con, là tiền công của tụi con chứ có đi xin đâu, phải lấy chứ.
Mẹ chẳng nói chẳng rằng, đưa tay quệt giọt nước chực trào ra. Dì Hoa thì vừa gọt vỏ ổi vừa nhỏ giọng càm ràm.
- Ổng bả đang giận nên mới vậy, kệ đi, khóc làm gì. Mà ổng bả cũng kỳ, kêu em nghỉ xưởng thêu về đây thì có người phụ rồi còn lẫy hờn gì nữa không biết?
Tuy dì Hoa nói vậy nhưng tôi biết dì hiểu rõ hơn ai hết. Cả hai chúng tôi làm một năm lương có hai triệu, còn dì thì cậu phải trả theo đúng mức lương dì đi làm cho người khác. Một tháng là năm trăm, tính ra một năm phải hết sáu triệu, gấp ba lần lương của hai chị em tôi. Thế nên, cậu mợ không hờn mới lạ ấy.
- Phải chi em chưa trả phòng trọ thì ba mẹ con qua đó nghỉ lại một, hai bữa rồi về, đi liên tục vậy chịu sao nổi? – Dì Hoa lại nói.