Chương 1 - Người Trả Nợ Hoành Thánh

Ta bán hoành thánh ở kinh thành, bán suốt hai mươi năm.

Một hôm, Thế tử Thành vương phủ cưỡi ngựa cuồng loạn trên phố,

vó ngựa giẫm nát quán hoành thánh của ta, còn vung roi quất ta một nhát.

Hắn cười ngạo mạn:

“Một con tiện dân mà thôi. Bản thế tử cứ không bồi thường, ngươi làm gì được ta?”

Hôm sau, ta đến Kinh Triệu phủ gõ trống kêu oan.

Sáu vị Thượng thư đích thân có mặt, tả hữu Ngự sử cùng ngồi nghe án.

Ninh Chiêu hầu xách cổ tiểu tử kia lên điện:

“Lão tử bắt cái thằng nhãi này tới rồi đây!”

Hoàng đế ngồi trên long ỷ, lạnh giọng quát:

“Đánh cho thằng nhãi đó đến mức phụ thân nó cũng không nhận ra đi!”

1

Lá cải thảo, cọng cần tây, bó hành tất cả được băm vụn.

Thịt heo tươi thái nhuyễn thành nhân, trộn với rau và gia vị, gói vào lớp vỏ mỏng tang.

Vỏ bánh còn dính chút bột khô, nhân bên trong mềm mại, thơm nức.

“Ùm ùm” một tiếng, từng chiếc hoành thánh tròn trắng được thả vào nồi nước lèo gà đang sôi ùng ục.

Bọn chúng xoay tròn trong làn nước nóng, đến khi vỏ bánh chín trong veo thì được vớt ra, đặt vào bát lớn, rắc chút hành lá và rau mùi lên trên.

Sáng sớm đầu xuân mà được húp một bát hoành thánh nóng hổi như thế,

ấm đến mức cả người tươm mồ hôi, khoan khoái vô cùng.

Sáng hôm ấy, khói trắng trong nồi vừa bốc lên, khách đã đến.

Có người gánh hàng rong đi ngang, có nghệ nhân dưới chân cầu, có phu xe từ nam chí bắc ghé qua… đều là khách quen của ta.

Hoành thánh năm văn tiền một bát, giữa kinh thành đất đai đắt đỏ này, coi như vừa túi tiền vừa chất lượng.

Lúc quán đông nhất, ta thấy vài bóng người đứng nép ở góc phố, len lén nhìn về phía này.

Nhìn kỹ lại, hóa ra là mấy học trò mới vào kinh thi cử, trọ ở căn phòng rẻ tiền cuối phố nhà Lý thúc.

Chỗ trọ ấy vốn là phòng củi cải tạo lại, trời cuối tháng rét căm căm, cửa sổ gió lùa vù vù, mà vẫn chẳng thổi bớt được mùi mốc meo trong phòng.

Nhưng nó rẻ, một đêm chỉ mười văn tiền.

Đám học trò ấy nhà nghèo, một bát hoành thánh năm văn tiền, cũng đủ đổi lấy ba hôm nhai bánh khô lót bụng.

Ta thở dài, vẫy tay gọi tụi nhỏ:

“Lại đây đi, chỗ ta có thể ghi nợ.”

Vài người trong số họ nhìn nhau, do dự mãi mới rụt rè bước tới.

Góc sạp có một cây nhỏ, là ta tự tay trồng ba năm trước.

Đầu xuân rồi, trên cành cây đã nhú ra vài chồi non.

Ta bảo bọn họ ngồi vào chỗ dưới gốc cây, lấy từng cái bát, lần lượt múc hoành thánh đưa cho từng người:

“Cứ yên tâm mà ăn. Mài đèn khổ học bao nhiêu năm, đừng để đến lúc then chốt lại gãy gánh.”

Thấy có người còn ngồi thừ, chưa chịu động đũa, ta đổi giọng, làm ra vẻ dữ dằn:

“Ta ghi sổ hết đấy nhé. Mai này các ngươi đỗ đạt làm quan, ta nhất định sẽ đến từng nhà mà đòi nợ!”

“Lúc ấy mà dám chối, ta sẽ tới tận Kinh Triệu phủ gõ trống cáo trạng, kiện tân khoa tiến sĩ quỵt tiền hoành thánh của ta!”

Người kia bật cười “phụt” một tiếng, nhưng chỉ chốc sau mắt đã đỏ hoe.

Giọt nước mắt rơi xuống mặt nước trong bát, gợn lên một vòng sóng nhỏ lăn tăn.

2

Vừa hết tháng Giêng, lại đến mùa xuân thi cử.

Kinh thành chật kín những sĩ tử lũ lượt kéo về ứng thí.

Có kẻ gia cảnh khá giả, vừa vào thành đã thuê phòng trong các hội quán, khách điếm ở Đông thành hoặc Tây thành.

Những chỗ ấy bài trí tinh tế, tiểu nhị phục vụ chu đáo, bút mực giấy nghiên sẵn sàng đủ cả.

Sợ làm trễ nải việc ôn tập, ba bữa cơm nóng cùng nước sôi đều được đưa đến tận phòng mỗi ngày.

Tương xứng với sự tiện nghi ấy, giá thuê phòng cũng đắt đỏ vô cùng.

Thành ra, phần đông học trò vẫn chọn ở lại khu Nam Bắc thành.

Hai nơi đó phần lớn là nhà dân cải tạo lại, giường phản thông gió, chăn đệm ám mùi ôi thiu.

Một ngày chỉ tốn mười văn tiền.

Đông thành quý, Tây thành giàu; Nam thành nghèo, Bắc thành tiện.

Cùng là đèn sách khổ học mười năm, mà cảnh ngộ khác biệt một trời một vực.

Quán hoành thánh của ta mở ngay đầu chợ khu Nam thành.

Trước kia là do nương ta trông nom.

Ba năm trước, bà mất, ta mới thay bà tiếp quản.

Ba năm qua ta cải tiến công thức hoành thánh, dần dà cũng tích được chút tiếng tăm.

Dạo gần đây, sĩ tử vào kinh ứng thí ngày một nhiều, phần lớn đều tụ họp quanh khu chợ Nam thành.

Quán hoành thánh của ta vì thế mà ngày nào cũng đông nghịt người.

Học trò nào thật sự không xoay nổi tiền, ta liền ghi tên lại, cho nợ.

Có người ngại ngùng, mặt mũi không đành, đòi làm công đổi bữa.

Ta bèn kiếm vài việc vặt giao cho họ làm.

Có làm có ăn, trong lòng cũng thoải mái hơn đôi chút.

Ăn cùng ngồi cùng mấy ngày, ai nấy cũng dần quen mặt.

Bọn họ hùn tiền mua nến, chờ quán dọn xong thì quây lại ngồi đọc sách.

Ánh nến leo lét, tiếng lật sách sột soạt, trăng sáng xuyên qua bóng cây in xuống mặt đất loang lổ.

Ta ngồi trong góc tính sổ, cảm thấy đêm nay dường như không còn âm u rờn rợn như những đêm trước nữa.

Bên phía mấy sĩ tử bỗng rộ lên tiếng ồn ào, xen lẫn cả tiếng cười đùa náo nhiệt.

“Tống cô nương ơi!” Có người lớn tiếng gọi, “Huynh đệ họ Tạ muốn hỏi cô bao nhiêu tuổi rồi? Đã có hôn phối chưa đó?”

Giữa một trận ồn ào hò hét, Tạ Tri Học bị đẩy ra trước.

Hôm đầu tiên đến quán hoành thánh của ta, cũng chính là hắn ngồi đực ra không chịu động đũa.

Tạ Tri Học đỏ mặt, ánh mắt cũng trở nên lấp lửng né tránh.

“Tống… Tống cô nương… ta…”

Học trò mà, sĩ diện mỏng, bị trêu chọc tí là bối rối không biết giấu mặt vào đâu.

Ta ngẩng đầu lên, chẳng chút nể nang, đảo mắt đánh giá hắn từ đầu đến chân.

“Ngoại hình tạm được, lại là người đọc sách, cũng coi như không tệ.”

Mắt Tạ Tri Học lập tức sáng rỡ lên.

“Tiếc là…” ta lười biếng nói tiếp, “mẹ ta trước lúc mất có dặn, ta phải tìm người ở rể.”

Ánh mắt lấp lánh kia lập tức ảm đạm xuống.

Trên đời này, chỉ có đàn ông không có chí khí mới chịu đi làm rể nhà người ta.

Sĩ tử lòng mang khí cốt, khoa cử trước mắt, sao có thể dễ dàng chấp nhận chuyện ấy cho được.

“Được rồi, lo mà ôn bài đi cho tử tế.”

Ta phẩy tay, cúi đầu tiếp tục xem sổ sách.

Nhưng Tạ Tri Học lại không chịu đi.

Hắn đứng chần chừ hồi lâu, hít sâu một hơi, rồi mở miệng:

“Tống cô nương, tại hạ năm nay mười chín, trong nhà đã có huynh trưởng thành thân, việc nối dõi tông đường vốn do huynh ta gánh vác.”

“Tôi biết giờ mình nghèo rớt mồng tơi, không xứng với cô. Nhưng nếu lần này thi đỗ, liệu tôi có thể quay lại, xin cầu thân với cô không?”

Lời ấy thật khiến ta sững người.

Ta ngẩng lên, lại cẩn thận đánh giá hắn một lượt nữa.

Tuổi trẻ mà, chỉ vì chút ân tình vụn vặt đã dám đem cả đời ra đánh cược, chẳng chút do dự.

Đến khi bạc đầu, ngoảnh lại nhìn, chỉ thấy hối hận khôn nguôi.

…Cũng chỉ là một đứa trẻ thôi.

“Thi đỗ rồi hẵng nói.”

Ta lơ đãng đáp, giọng mơ hồ không rõ.

3

Thế nhưng ta không ngờ, Tạ Tri Học lại nhất cử đoạt khôi trong kỳ xuân vi lần này.

Sau điện thí, hắn được chính tay hoàng thượng điểm danh làm Trạng nguyên.

Tiểu thư út của nhà các lão vẫn chưa đính hôn, hoàng đế làm mối, hỏi ý xem hắn có nguyện ý không.

Tạ Tri Học lại nói mình đã có hôn ước, từ chối thánh ân.

“Thần xuất thân bần hàn, thuở mới vào kinh đến cơm còn ăn không nổi.”

“Tống cô nương bán hoành thánh ở đầu chợ Nam thành, là người lương thiện, từng nhiều lần cưu mang thần.”

“Thần từng hứa với nàng, nếu thi đỗ, ắt sẽ quay về cầu thân.”

“Được bệ hạ cùng Trần các lão ưu ái, thần vô cùng cảm kích, nhưng thân là nam tử, một lời đã hứa, nghìn vàng cũng không đổi.”

Tuy hắn từ chối hôn sự do vua ban, nhưng hoàng đế lại khen ngợi hắn biết ơn trọng nghĩa, nên đã ban thưởng nghìn lượng bạc, bảo hắn mang sính lễ tới cầu thân.

Người còn chưa tới, tin đã lan khắp kinh thành.

Cả khu chợ đầu Nam thành chen chúc người tới xem náo nhiệt, đến mức ta không làm ăn gì được nữa.

Ta dứt khoát đóng quán, thu dọn sớm.

Đồ đạc mới xếp được một nửa, Tạ Tri Học đã dẫn bà mối và sính lễ đến cầu thân.

Ta kéo cánh cửa vải xuống, mặc kệ bà mối cùng đám người vây xem khuyên nhủ đủ điều, nhất quyết không mở cửa.

“Trạng nguyên lang, mời huynh quay về.”

“Chỉ là mấy bát hoành thánh, chẳng đáng để huynh lấy thân báo đáp.”

“Giữa hai ta vốn không có tình ý, cớ gì huynh phải vì chút ân nghĩa mà đánh đổi cả một đời?”

Phải, đây là ân nghĩa, chứ không phải tình yêu.

Nếu ta thực sự bị danh phận “phu nhân trạng nguyên” làm mờ mắt, bất chấp mà gật đầu thành thân, vậy chẳng phải sẽ dùng hết chút nghĩa tình ít ỏi này vào một cuộc hôn nhân gượng gạo hay sao?

Bà mối nói đến khô cả cổ, cuối cùng hất khăn tay một cái:

“Trạng nguyên lang, xem ra tiền mừng cưới này ta chẳng lấy được rồi.”

Tạ Tri Học trầm mặc giây lát.

Hắn một mình bước tới, cách tấm mành gỗ gọi ta:

“Tống cô nương, hôm nay là ta đường đột.”

Ta thở dài:

“Không, là ta sai.”

“Mấy ngày trước vì sợ ảnh hưởng đến kỳ thi, có nhiều chuyện ta chưa nói rõ với huynh.”

“Ta biết huynh cảm kích vì được ta giúp đỡ, nhưng với ta, tất cả chỉ là chuyện tiện tay mà thôi.”

“Tiền hoành thánh tổng cộng ba trăm năm mươi lăm văn, huynh nhớ trả đủ là được.”

Tạ Tri Học khẽ thở dài.

“Được.” Giọng hắn mang theo nỗi ngẩn ngơ khó tả.

4

Tạ Tri Học để lại ba trăm năm mươi lăm lượng bạc trắng, nói là để thanh toán tiền hoành thánh.

Sau hôm ấy, chuyện này lan ra khắp phố lớn ngõ nhỏ, ai ai cũng biết.

Quán hoành thánh của ta đông nghịt người, ai cũng muốn tới xem ta là hạng người gì, hoành thánh có hương vị ra sao.

Cùng lúc đó, cũng có không ít sĩ tử lũ lượt kéo đến trả nợ tiền hoành thánh.

Có người đỗ đạt vàng bảng, có người lại lỡ bước nơi bảng rồng.

Có kẻ gặp được cơ duyên mới, trả gấp mười, gấp trăm lần số cũ; có người túng thiếu, chỉ âm thầm trả đủ rồi vội vàng rời đi.

Cũng có người từ đó biệt tăm, chưa từng quay lại.

Nhân tình ấm lạnh, thế sự vô thường.

Đó là chuyện thường ở đời.

Ta lấy sổ nợ ra, cẩn thận đánh dấu từng món sau khi nhận tiền xong.

Tính toán lại số tiền tích góp suốt bao năm, ta quyết định sang lại gian nhà cạnh quán hoành thánh, rồi tỉ mỉ sửa sang lại.

Gian nhà không lớn, chỉ đủ kê tám cái bàn.

Nhờ có danh tiếng của Tạ Tri Học, không ít văn nhân mặc khách cũng ghé đến tiệm ta, gọi một bát hoành thánh, ăn lấy may.