Chương 16 - Người Chồng Bất Ngờ Từ Trên Trời Rơi Xuống
22
Áo quan vốn do da ghẻ chắp vá, mùi tanh lại lọt vào mắt kẻ thanh cao.
Chớ bảo bùn lầy che được chân thân, trời giận một tiếng liền lộ nguyên hình.
Bốn câu này, là lời cổ nhân để lại trong truyện Kim Thiềm Nghiệt, nói rõ chữ “tham” và “bại” là thứ độc dược gặm tủy ăn xương.
Đừng nói yêu tà khó tránh thiên phạt, phàm nhân nổi lòng tham, nào khác gì loài yêu nghiệt?
Bởi thế mới có câu rằng: suối trong chẳng nuôi vật đục, gương sáng chỉ soi kẻ lòng nhơ.
Chuyện rằng vào năm Thiên Thừa triều Đại Yến, đất Thục xuất hiện một vị Thông phán họ Chu.
Người này trán rộng như đấu, mắt lồi như chuông.
Chưa đầy ba tháng nhậm chức, ao sen sau nha môn đã khô cạn hơn phân nửa.
Đêm nọ, lão canh đêm đi ngang qua nghe từ đáy ao vang lên tiếng “gù quạ” nặng nề, như thể nồi sắt đang nấu canh bùn.
Hôm ấy, phú hộ Trần Bách Vạn mang lễ đến thăm, thấy Chu thông phán ngồi chễm chệ trên công đường, trước mặt là một chén ngọc hình lá sen xanh biếc.
Trần Bách Vạn vừa định dâng ngân phiếu, chợt thấy nước trong trong chén kia không gió mà sôi, từng chuỗi tiền đồng nổi lềnh bềnh, “đinh đang” mọc rễ bám vào phiến đá xanh.
Chu thông phán vỗ tay cười to: “Hiền đệ nhìn xem, đây chính là bồn tụ bảo!”
Chẳng bao lâu, đất Thục liền nổi dị tượng đồng tiền mới đúc mang tên Khai Phúc Thông Bảo, quá canh ba liền hóa thành bùn nát. Chỉ có tiền qua tay Chu thông phán, dù lửa đốt nước dìm vẫn sáng bóng như mới.
Chuyện lan truyền khắp phố phường, người người nói rằng Chu đại nhân trong miếu Thành Hoàng đã học được dị thuật, có thể biến bùn thành vàng, điểm đá ra ngân.
Đêm ấy trăng tròn như đĩa ngọc, Chu thông phán sai lui tất thảy, cởi quan bào, hiện nguyên hình thân thể to như cối xay, mắt xanh phát quang, miệng phun sương đen nguyên lai chính là một yêu thiềm bụng phồng như thuyền, đại yêu biến hóa mà thành!
Đường núi Thục hiểm trở, khó hơn lên trời.
Thiềm yêu kia ẩn mình nơi này, lợi dụng ánh trăng che khí yêu, câu kết cùng quan thương, cướp bóc mỡ máu dân lành, lấy lợi từ muối trà, thủy lợi, dối trên lừa dưới, chiếm đoạt ngân khố quốc gia.
Sưu cao thuế nặng, khiến sinh dân lầm than, tiếng oán vọng khắp bốn phương.
“Cẩu quan!”
Nghe đến đây, ta rốt cuộc nhịn không nổi, nghiến răng giận dữ nói: “Thật quá độc ác! Chúng thực sự quá sức tàn ác!”
Ta níu áo phu quân, ngước mắt chờ mong: “Phu quân, bọn chúng nhất định đã bị báo ứng rồi đúng không?!”
Phu quân ta hôn lên mí mắt ta, rồi nhẹ giọng kể tiếp:
“Quan thương cấu kết, kẻ trung nghĩa thương dân không nỡ thấy khổ, bèn vượt ngàn dặm tiến kinh dâng sớ.”
“Thượng hoàng hay tin, giận dữ khôn cùng.”
“Nói ra thì, hoàng đế có một thanh bảo đao, vốn là tiên vật Tây Vương Mẫu ban cho, chuyên trừ yêu nghiệt.”
“Đạo nhân Khâm Thiên Giám ném bảo đao về đất Thục, trảm thiềm yêu kia.”
“Bảo đao ra khỏi vỏ, dẫn một đạo thiên lôi bổ thẳng vào đầu yêu thiềm. Chỉ thấy khói xanh bốc lên, tiền đồng tan thành bùn mục, bụng yêu nổ toạc, hóa thành bụi mù.”
Yêu vật diệt rồi, ta đáng ra nên vui mừng, nhưng trong lòng lại cứ thấy thiếu thiếu điều gì.
“Vậy… những kẻ xấu khác thì sao?”
Ta vội hỏi: “Còn bọn làm điều xấu khác, chúng có bị trừng phạt không?!”
Phu quân ta chỉ mỉm cười không đáp: “…… Ngày mai lại kể.”
Ta ôm lấy cổ y, khẩn cầu: “Phu quân, phu quân…”
Phu quân ta chỉ nhàn nhạt lặp lại: “Ngày mai.”
Ta hôn lên mặt y.
“Ngày mai.”
Hôn môi y một cái.
“Ngày mai.”
“Phu quân…”
“Ngày mai.”
“Phu quân!!”
“Ngày mai.”
“……”
Không cam lòng, ta lủi thủi quay về phòng mình.
Hôm sau vừa khéo là ngày nghỉ, sáng vừa mở mắt ta đã hớt hải chạy lên lầu tìm người, trong lòng chỉ nghĩ đến đoạn kết câu chuyện hôm qua.
Vậy mà vừa tới nơi, đã chẳng thấy bóng dáng phu quân đâu.
Lòng mang nỗi u oán chưa nguôi, ta tới tiệm, vừa đến nơi thì được Oanh Oanh nhi báo cho một tin vui:
“A Lựu, ngày mai tiệm mình không mở đâu, tới nhà ta uống rượu đi.”
Trên mặt nàng hiếm khi lộ ra nét thẹn thùng, nhẹ giọng nói
: “Không viết được hôn thư, nên cha mẹ quyết định cho ta và Mộc Lan kết nghĩa kim lan. Hai nhà cùng mở tiệc, coi như việc cưới gả đã định rồi.”
Mộc Lan xoa đầu ta, cũng dịu dàng dặn: “Nhớ bảo người nhà cùng tới, đến sớm một chút để còn vui chơi.”
Ta vui thì có vui, nhưng lại không khỏi chạnh lòng.
Chu môi lẩm bẩm, ta chua chát nói: “Các ngươi thành thân rồi, nhất định sẽ chẳng còn thân thiết với ta nữa…”
Nói đến đây, trong lòng ta quả thực có đôi chút uất ức.
Oanh Oanh nhi cùng Mộc Lan đưa mắt nhìn nhau, vừa bất đắc dĩ lại vừa buồn cười.
“Ngươi a…” Oanh Oanh nhi khẽ thở dài, kéo ta vào giữa hai người, đưa tay thề thốt rằng:
“Dẫu ta và Mộc Lan có thành thân, thì vẫn là bằng hữu thân thiết nhất của A Lựu. Khi bé là tiểu bảo bối của bọn ta, về sau lớn lên vẫn là lão bảo bối. Ta và Mộc Lan sẽ luôn luôn ở bên A Lựu, trọn đời chẳng lìa xa!”
Mộc Lan cũng mỉm cười nhìn ta.
Ta đưa mắt nhìn người này, lại nhìn người kia, lòng ngập tràn ấm áp.
Ôm lấy tay cả hai, ta quyến luyến nói:
“Ta cũng chẳng bao giờ rời khỏi Oanh Oanh nhi và Mộc Lan. A Lựu ta muốn cùng các ngươi làm tỉ muội suốt đời suốt kiếp!”
Vừa dứt lời, bỗng nhiên có một đội quan binh đeo đao chỉnh tề chạy ngang qua phố.
Ta tò mò ngoái đầu nhìn.
Giọng Mộc Lan vang lên bên tai:
“Vài hôm trước Yến Vương vừa tới Thục Châu, liền có người dâng đơn cáo trạng, vạch tội quan thương nơi đây câu kết làm bậy, vơ vét dân sinh, mượn danh thuế trà muối mà chiếm đoạt quốc khố… Bọn quan binh kia, phần nhiều là đi tịch biên nhà cửa.”
Ta ngơ ngẩn lắng nghe, cảm thấy lời ấy thật quen tai.
Trong lòng thoáng động, ta bất giác ngẩng đầu, ngó ra phía trường phố không xa.
Dòng người chen chúc.
Một người cưỡi ngựa cao lớn, chính đang nhìn ta từ xa.
Áo bào tím như chiều tà, đai ngọc lấp lánh.
Cổ tay áo uốn lượn, vạt rộng ngang ngang.
Thân mặc quan phục, trông oai phong lẫm liệt, song gương mặt ấy lại quen thuộc lạ thường.
“Hoàng đế có một thanh bảo đao…”
Câu nói kia như vang vọng trong đầu, khiến ta ngây người đứng tại chỗ, sắc mặt thoắt chốc tái nhợt.
Thì ra, người đó chính là… thanh bảo đao ấy.
Chiều tà ngả bóng, ta dẫm lên ánh dương về nhà.
Suốt dọc đường, dân chúng đều bàn tán, nào là Yến Vương vừa tra phủ nha Thục Châu, nào là đã xử trảm đám tham quan ngay giữa chợ.
Máu tươi như suối nhỏ tràn qua phố lớn, nhuộm đỏ cả phiến đá xanh.
Ta lặng lẽ không lời, chỉ cúi đầu bước đi.
Tới trước cổng, bỗng dừng chân lại.
Người quen thuộc đang đứng đó — Cố Tố Chiếu, khoác trên mình bộ quan bào màu tím hôm qua dang rộng hai tay chờ ta.
Ánh mắt chàng dịu dàng lạ thường, song trong giọng nói lại ẩn chút khẩn cầu:
“…Nương tử, đến bên vi phu nào.”
23
Đôi mắt hoe đỏ bước vào cửa, ta khịt mũi, thấy cha đang ngồi bên gốc thạch lựu trong sân.
Lặng lẽ đi tới, ta ngồi xuống cạnh ông, tựa đầu vào tay áo, không thốt một lời.
Cha bỗng cất tiếng hát bài đồng dao thuở xưa hay ru ta ngủ:
“Thạch lựu cây, đèn lồng đỏ, xuân khai hoa, hạ đón gió. Chích khướu nhỏ, nhảy cành cao, đếm quả chín, đỏ xiết bao…”
Hát xong, ông thở dài xót xa:
“A Lựu lớn rồi, cũng có tâm sự riêng rồi.”