Chương 3 - Kẻ Bạo Hành Phải Trả Giá
Một câu nói ấy, khiến ai nấy đều lập tức nhận ra điểm bất thường.
Cô ta đang khéo léo dẫn dắt dư luận, bôi bẩn lên người tôi.
“Trước khi cậu ấy chuyển đến, lớp mình đã từng mất đồ bao giờ chưa?”
“Mỹ San à, tớ khuyên cậu đừng đối tốt với nó nữa! Nó giả vờ tốt bụng giúp cậu mở cửa lớp, thực chất là tranh thủ đến sớm trộm đồ đấy!”
“Nếu không phải nó thì còn ai vào đây nữa? Nhìn cái bộ dạng gian xảo lén lút kia là biết rồi, loại người như thế thì nên chết đi cho rồi.”
…
Cô ta làm bộ kinh ngạc đưa tay che miệng:
“Không thể nào đâu? Không có bằng chứng thì các cậu đừng nói bậy mà…”
“Đừng nghĩ như thế về bạn ấy, bạn ấy thật sự rất tội nghiệp, nghe nói bố bị đi tù rồi, mẹ thì một mình nuôi con…”
Cả đám lập tức hét ầm lên đầy khoa trương.
Tôi đứng trước cửa lớp, tay còn đang cầm cốc cà phê cô ta đưa, nghe rõ mồn một những lời cô ta vu khống tôi.
Cái đầu đần độn của tôi mãi đến lúc ấy mới hiểu ra, nhưng đã quá muộn rồi.
Tin đồn lan ra như virus cảm cúm, theo nước bọt từ miệng người này truyền đến miệng người khác.
Ánh mắt khác thường, ánh nhìn chế giễu, những lời đùa cợt đầy ác ý, như bầy rận nhung nhúc, bò khắp áo quần tôi, chui vào cổ áo, lan khắp toàn thân.
Có người trốn vào góc, rướn cổ ra nhìn trộm, che miệng xì xầm bàn tán.
Họ tha hồ suy diễn lý do tôi chuyển trường, tùy tiện phán xét ngoại hình và hoàn cảnh gia đình tôi, chà đạp cuộc đời tôi như thể nó là cục phân chuột.
Tất cả đến một cách âm thầm mà tàn khốc.
3
Thầy chủ nhiệm không tìm ra thủ phạm, liền viện cớ “cho kẻ trộm một cơ hội sửa sai”, bắt cả lớp viết thư nặc danh để bỏ phiếu.
Cả lớp gần như nhất loạt chỉ điểm tôi.
Cứ như đang bầu lớp trưởng, danh hiệu “kẻ trộm” không ai xứng đáng hơn tôi.
Thầy gọi tôi lên văn phòng, ép tôi nhận tội, bắt tôi gánh cái tiếng oan để cho mọi chuyện lắng xuống.
Thầy nói:
“Đôi khi sự thật không quan trọng. Sao cả lớp đều khẳng định là em trộm?”
“Em đã làm gì, nói gì, mọi người đều để trong lòng. Dù có oan, thì em cũng không thiệt.”
Dư luận không dựa trên lý trí hay bằng chứng, mà bị chi phối bởi cảm xúc.
Thầy bắt tôi viết bản kiểm điểm 5.000 chữ, yêu cầu đọc to trước cả lớp vào tiết sinh hoạt.
Thầy ra vẻ nhân từ: “Chuyện này coi như bỏ qua sau này đừng nhắc lại nữa.”
Tôi cầm bản kiểm điểm trở về lớp, cả dãy hành lang đều xì xào bàn tán.
“Ê, hình như là con bé chuyển trường ở lớp 10 bị nghi ăn cắp đấy.”
“Cậu biết gì chứ? Bố nó ăn trộm đi tù rồi, giờ đến lượt con kế thừa.”
“Bà xã cậu đến rồi kìa.”
“Cút đi, vợ mày ấy.”
…
Tới cửa lớp, tôi xé vụn tờ kiểm điểm.
Lớp đang ồn ào rôm rả, vừa thấy tôi bước vào thì lập tức im bặt.
Tôi bước lên bục giảng, lớn tiếng phản bác, thanh minh cho chính mình:
“Tôi chưa bao giờ ăn trộm! Các người lấy gì ra mà nói tôi là kẻ trộm? Không ai trong các người thấy tận mắt, dựa vào đâu mà đổ tội cho tôi?”
Sợi dây trong đầu tôi cuối cùng cũng đứt phựt.
Nước mắt trào ra, tôi nghẹn thở, gào khóc, gào lên buộc tội:
“Bố tôi không hề đi tù, ông ấy chỉ là nợ tiền thôi! Bố mẹ tôi không phải loại người tồi tệ! Họ đều là người tốt!”
“Tôi rõ ràng chẳng làm gì cả, sao lại phải chịu như vậy?”
Bạo lực ngôn từ còn đáng sợ hơn bạo lực thể xác, một cái lưỡi mềm cũng có thể xuyên qua xương cốt, khiến tôi đau đến muốn chết.
Không khí trong lớp trở nên căng thẳng.
Từng cặp mắt dõi theo tôi, khinh bỉ, giễu cợt, nhại lại lời tôi bằng những cái lắc đầu ngu ngốc.
Không ai tin tôi.
Tất cả đều đồng lòng chống lại tôi.
Chỉ có mình tôi phát điên lên vì bất lực.
Lương Mỹ San an ủi:
“Thiên Quận, lần sau đừng làm thế nữa, tớ tin mọi người sẽ tha thứ cho cậu.”
Lời cô ta nhẹ nhàng như một chiếc lông vũ,
Nhưng lại giống như chiếc búa trong tay quan tòa, tuyên án tôi có tội.
Từ sau hôm đó, Lương Mỹ San không đưa chìa khóa lớp cho tôi nữa.
Nhưng mỗi khi có ai mất đồ, mọi nghi ngờ vẫn đổ dồn lên đầu tôi.
Cho dù sau đó người ta tìm lại được đồ, cũng sẽ nói:
“Thì sao? Lần này không phải nó, nhưng trước đó chắc gì không phải?”
Lương Mỹ San bắt đầu cố ý chọc phá tôi, tạo niềm vui mới cho mọi người.
Lúc thì viết mấy câu xúc phạm thầy cô vào vở bài tập của tôi, khiến tôi bị giáo viên mắng rồi xé sách ngay giữa lớp.
Lúc thì nạy đinh ghế ngồi của tôi, làm rách quần, lộ ra chiếc quần mặc trong màu đỏ quê mùa, mà chẳng ai buồn nhắc tôi.
Chỉ cần tôi đứng lên trả lời câu hỏi, cả lớp sẽ im bặt nhìn chằm chằm.
Dù tôi trả lời đúng hay sai, bọn họ đều phá lên cười rồi hét to: “Vợ ai thế này!”
Mỗi khi tôi đi trong sân trường, luôn có người trợn trắng mắt với tôi, lướt qua tôi là lại cười khúc khích chẳng vì lý do gì cả.
Mỗi lần tôi mất mặt, Lương Mỹ San luôn là người đầu tiên an ủi tôi, can ngăn mọi người.
Dù ai cũng biết rõ là cô ta cố tình, nhưng tất cả đều hả hê, cho rằng tôi đáng bị như vậy.