Chương 7 - Giữa Hai Thế Giới Tình Yêu
Không còn kế sinh nhai.
Bị cưỡng ép di dời vào nội địa.
Mắc bệnh.
Phải vay nặng lãi.
Mẹ ta bị giày vò đến chết trên kỹ thuyền.
Ta, bị ép kế thừa nghiệp mẹ…
“Nếu không có lệnh cấm biển, ta và mẹ đã vẫn ở quê hương ven biển, sống một cuộc đời tuy nghèo nhưng tự do.”
Đến tận khi nhắm mắt, mẹ ta vẫn còn mơ tưởng một ngày nào đó triều đình sẽ bãi bỏ hải cấm.”
“Tới khi đó, mẹ con ta sẽ trở lại bờ biển, đánh cá, nhặt sò, sống cuộc đời bình yên giản dị như thuở ban đầu.”
“Chỉ một tờ thánh chỉ cấm biển của triều đình, đã khiến biết bao dân thường mất đi cuộc sống yên ổn vốn có?”
Sắc mặt Hầu gia thoáng biến đổi, không còn lạnh lùng như trước.
Ta bèn hỏi tiếp:
“Vậy Hầu gia có biết, Giang Hải vì sao lại trở thành hải tặc không?”
Giang Hải vốn là hàng xóm của ta, nhà hắn xưa kia là một hộ giàu có ven biển, còn có cả một con thuyền đánh cá riêng.
Nhưng sau khi lệnh cấm biển được ban xuống, nha môn tịch thu toàn bộ thuyền bè của ngư dân, gom lại để tiêu hủy.
Phụ thân Giang Hải không cam lòng, liền cùng một nhóm ngư dân khác kéo nhau đến phủ nha đòi lại công đạo.
Kết quả bị quan tri phủ lúc bấy giờ khép tội tạo phản, xử trảm giữa chợ, treo đầu thị chúng để thể hiện quyết tâm thi hành hải cấm của triều đình.
Vì sợ bị liên lụy, mẹ Giang Hải trong đêm liền ôm con bỏ trốn, ngay cả một lời từ biệt cũng chẳng kịp nói với ta.
Về sau, hắn lớn lên, gia nhập thuyền buôn lậu, liếm máu nơi lưỡi đao, sinh tồn giữa sóng gió, từng bước trở thành Mục Vân thuyền chủ người người kiêng kỵ ngày nay.
“Nếu không có lệnh cấm biển, hắn sẽ kế thừa chiếc thuyền của cha mình, làm một ngư dân lương thiện, sống cuộc đời hiền lành.”
“Còn về Cố đại nhân…”
“Chàng không giống những tri phủ đời trước chỉ biết cúi đầu lấy lòng triều đình. Chàng biết thương dân, hiểu được có bao nhiêu người vì lệnh cấm biển mà mất kế sinh nhai.”
Ta nhìn thẳng vào Hầu gia, từng chữ như gõ vào lòng:
“Hầu gia tự hỏi lòng mình mà xem cái gọi là giặc Oa ngoài biển kia, có bao nhiêu thực sự là hải tặc từ bên ngoài, còn bao nhiêu… là dân đen bị lệnh cấm biển đẩy vào đường cùng, buộc phải hóa thành cường đạo?”
“Không bỏ hải cấm, thì không diệt được giặc Oa. Chính lệnh cấm biển độc đoán này đã tạo ra một nguồn giặc Oa vô tận.”
Ta quỳ xuống, hai gối rạp đất, dập đầu nói:
“Hôm nay, ta lấy thân phận một thương nhân Ninh Châu – Thẩm Chu, thay mặt vạn dân, khẩn cầu Đông Xương Hầu.”
“Mong Hầu gia lấy dân làm gốc, thượng tấu triều đình, tiến lời can gián, đề nghị hủy bỏ hải cấm.”
Hồi lâu, chỉ nghe Hầu gia lạnh giọng đáp:
“Dám nghị luận chính sách triều đình lá gan ngươi cũng lớn thật đấy.”
17.
Cuối cùng, Hầu gia vẫn không nghe lọt tai lời nào ta nói.
Vài ngày sau, chàng áp giải Cố đại nhân và Giang Hải về kinh, nói là sẽ giao cho Hoàng thượng định đoạt.
Ta không chịu ngồi yên chờ chết.
Ta lập tức đi tìm vị tú tài có văn bút hay nhất trong thành Ninh Châu, nhờ ông ấy viết giúp một bản sớ tố khổ, dài vạn chữ, dâng lên Hoàng thượng, trình bày nỗi khổ mà lệnh hải cấm đã đem đến cho bách tính đất Giang Nam.
Ta lại lần lượt gõ cửa từng nhà, xin từng chữ ký vào bản sớ ấy.
Rồi chuẩn bị lên đường vào kinh, gióng trống Đăng Văn, cáo trạng với thiên tử.
Dẫu có phải hy sinh cả tính mạng này, ta cũng phải nghĩ cách cứu Cố đại nhân và Giang Hải ra khỏi vòng lao lý.
Thế nhưng… còn chưa kịp lên đường vào kinh, Cố đại nhân và Giang Hải—đã được thả về rồi.
Bên cạnh Cố đại nhân và Giang Hải, người trở về cùng họ còn có Hầu gia.
Chàng mang theo một tin chấn động Triều đình dự định bãi bỏ lệnh cấm biển.
18.
Lần này Hầu gia xuống Giang Nam, quả thực là phụng mệnh điều tra, vì triều đình nhận được mật báo rằng có quan lại địa phương cấu kết với bọn buôn lậu, phá hoại lệnh hải cấm.
Thế nhưng, sau khi đứng trên tường thành, nghe trọn lời ta nói, lại liên hệ với những gì chàng tận mắt chứng kiến qua nhiều ngày vi hành âm thầm điều tra, trong lòng chàng bỗng chấn động không yên.
Xuống thành rồi, chàng lập tức bí mật thẩm tra riêng Cố đại nhân và Giang Hải.
Từ trong miệng hai người ấy, Hầu gia mới nghe được mặt trái mục nát, hôi thối ẩn sau chính sách hải cấm đầy vẻ đường đường chính chính kia.
Bọn cường đạo tung hoành trên biển, thực sự có kẻ chống lưng.
Mà kẻ chống lưng, không phải ai khác
Chính là người trong triều.
Họ mượn danh nghĩa giặc Oa, thúc ép triều đình thi hành lệnh cấm biển, mục đích thực sự là nhằm độc quyền thương mại hải ngoại, khiến toàn bộ lợi ích buôn bán trên biển quy về tay một nhóm nhỏ.
Cố đại nhân từ sau khi nhậm chức Tri phủ Ninh Châu, đã bí mật điều tra sự việc này.
Sau khi kết giao với Giang Hải nhờ ta làm cầu nối, có thêm tai mắt trên biển, càng thu thập được nhiều manh mối.
Trải qua bảy năm, cuối cùng chàng đã nắm trong tay một danh sách đủ để quét sạch toàn bộ thế lực ngầm, đào tận gốc, trốc tận rễ.
Hầu gia nghe đến mồ hôi lạnh toát sống lưng.
Sau nhiều đêm trăn trở, Hầu gia quyết định tạm thời không đánh rắn động cỏ.
Thay vào đó, chàng lấy danh nghĩa “áp giải phạm nhân về kinh xử lý”, tự mình hộ tống Cố đại nhân và Giang Hải tiến kinh diện thánh, trình báo toàn bộ sự việc với Hoàng thượng.
Ba năm trước, tiên hoàng băng hà, tân đế đăng cơ.
Tân hoàng là bạn thuở nhỏ của Hầu gia, là một vị quân vương trẻ tuổi, hiền hậu và có lòng hướng thiện.
Bệ hạ từ lâu đã khổ vì bị quyền thần khống chế triều cục, một lòng muốn thanh trừng “tiểu triều đình” đang âm thầm thao túng chính sự.
Mà hạt nhân của tiểu triều đình kia lại chính là nhóm quan lại thông đồng với giặc Oa mà Cố đại nhân đã bí mật điều tra bấy lâu.
Đôi bên vừa gặp liền nhất trí.
Cứ như vậy, nhờ Cố đại nhân dâng chứng cứ, Hoàng thượng thuận thế hành động, quét sạch gian thần, khôi phục quyền lực hoàng gia, nhân đó cũng hạ chỉ bãi bỏ lệnh cấm biển đã làm khổ Giang Nam suốt bao năm.
Cố đại nhân được minh oan, phục chức Tri phủ Ninh Châu, trở lại tiếp tục vì dân vì nước.
Còn Giang Hải, sau khi điều tra xác thực rằng hắn nhiều năm làm chủ thuyền Mục Vân không hề cướp bóc, mà ngược lại nhiều phen ra tay đánh đuổi giặc Oa, bảo vệ an toàn một phương
Hoàng thượng đặc cách xá tội, chiêu an nhập ngũ, ban cho thân phận lương dân tòng quân, trở thành chiến sĩ trấn giữ vùng duyên hải.