Chương 6 - Cô Gái Bán Đậu Hũ Và Vị Công Tử Mù Lòa
Quay lại chương 1 :
11
Ngày ta rời khỏi thượng kinh, Phó Hành Việt không đến.
Nhưng Phó Cẩm Sắc và Văn Nhân Nhạc lại đến tiễn ta.
Các nàng thu xếp rất nhiều vải vóc và bạc để gửi cho ta mang theo.
Mười dặm ngoài thành, nơi Trường Đình bên sông hoè liễu.
Văn Nhân Nhạc gảy đàn đưa tiễn ta.
Ta chẳng rành âm luật,
Nhưng vẫn nghe ra nỗi bịn rịn không nỡ rời trong từng nốt nhạc ngân vang.
Tiễn người ngàn dặm, cuối cùng cũng phải chia ly.
Chúng ta đều hiểu, lần chia tay này… có lẽ là cả đời chẳng còn gặp lại.
Khi ta đến thượng kinh, tay trắng một mình.
Lúc rời khỏi nơi ấy, mang theo một cỗ xe đầy gấm vóc, lụa là, ngân lượng.
Và trong lòng, là ba nhành liễu mà ta trân trọng gìn giữ.
Ta trở về Đam Châu theo đường bộ, đi suốt gần nửa tháng.
Lúc khởi hành là cuối xuân khi về đến nhà thì đã sang đầu hạ.
Chờ đến khi ta bước chân qua ngưỡng cửa, vụ trồng đậu trong năm đã lỡ mất rồi.
May mà thím Lưu bên cạnh mỗi ngày đều nhớ cho đàn gà vịt ngỗng của ta ăn đầy đủ, không con nào vơi mất.
Thậm chí còn bắt đầu đẻ trứng đều đều.
Chỉ tiếc rằng, người từng muốn ăn trứng… thì nay đã ở lại thượng kinh.
Số tiền Phó Hành Việt đưa ta, đủ để ta mở một tửu lâu ở trấn.
Nghĩ tới nghĩ lui, ta quyết định không chần chừ thêm nữa.
Sáng hôm sau, liền đến nha sở trong trấn tìm nha nhân,
Cuối cùng lấy giá thuê ba mươi lượng bạc mỗi năm, thuê một toà tửu lâu nằm ở vị trí đắc địa.
Tay nghề nấu nướng của ta vốn không tệ, lại thêm khoảng thời gian ở thượng kinh từng nếm qua không ít món mới lạ.
Tửu lâu rất nhanh liền khai trương.
Ngay ngày đầu mở cửa, đã có một đám côn đồ tới đòi phí bảo kê.
Ta vốn chủ trương “ít chuyện thì tốt”, nên liền đưa tiền cho xong.
Thế nhưng sang hôm sau, chẳng hiểu vì sao đám lưu manh đó liền bị quan phủ bắt hết.
Ngay cả số bạc bảo kê ta đưa, cũng được hoàn trả đầy đủ.
Nhìn từng thỏi bạc xếp ngay ngắn trên bàn,
Còn có cả vị huyện thái gia trong tửu lâu, lễ độ cung kính với ta,
Ta mới chợt hiểu ra.
Thì ra câu nói trong sách “một người đắc thế, gà chó theo cũng được nhờ” là thật.
Ta xem như đã được hưởng chút gió đông từ Phó Hành Việt rồi.
Hồi ấy, ta chỉ vừa mới bắt đầu gánh đậu hũ đi bán rong khắp phố…
Để có được một chỗ đặt sạp ngoài chợ,
Ta thường phải làm một khuôn đậu hũ thì đem biếu đi nửa khuôn.
Phó Hành Việt đôi lúc chẳng hiểu vì sao ta lại làm vậy.
Ta liền kể cho hắn nghe câu chuyện của mình.
Ta ba tuổi mồ côi cha, năm tuổi mẹ tái giá.
Từ năm sáu tuổi, ta đã phải tự nghĩ cách nuôi sống bản thân.
May mà trong tộc có ông trưởng thôn là người công chính,
Ông giúp ta giữ lại được mảnh đất hơn một mẫu cha mẹ để lại.
Nhờ vậy mà ta không chết đói.
Nhưng một đứa trẻ thì có bao nhiêu sức mà làm việc…
Chỉ nhờ hàng xóm láng giềng thấy không đành lòng, rảnh rỗi thì ghé giúp đôi chút.
Thi thoảng lại cho ta ít vật dụng, ít lương thực.
Cứ thế mà ta lớn lên, chập chững từng bước.
Thế nhưng, phận cô nhi không cha không mẹ, đời sống vốn dĩ sẽ vất vả hơn người.
Mỗi độ xuân về, ta gieo hạt đậu nành xuống ruộng.
Đến mùa thu, liền có thể thu hoạch được một vụ đậu đầy đặn.
Từ số đậu thu hoạch được, ta đem chế biến thành đậu hũ.
Món đậu hũ này thực sự là thứ tốt lành.
Ép khô thì thành đậu hũ già,
Để mềm thì thành đậu hũ non.
Dù có mốc đi, cũng có thể thành đậu phụ thối.
Ngày nối ngày trôi qua,
Ta cũng xem như đã vững bước đứng dậy, không còn lo cảnh chết yểu giữa đường.
Mỗi mẻ đậu hũ làm ra, ta đều đem chia cho những người từng giúp đỡ mình.
Coi như là một cách báo ân.
Về sau, ta mới gặp được Phó Hành Việt.
Ta cứu hắn không vì điều gì khác,
Chỉ bởi vì… ta cũng từng là người được cứu.