Chương 1 - Chó Liếm Và Những Bao Lì Xì

Bạn trai cũ của tôi rất giàu, vì tiền nên tôi cam tâm tình nguyện làm “chó liếm” của anh ta.

Ngày nào tôi cũng tận tâm tận lực mà liếm, cho đến khi một em “trà xanh chen chân vào.

Ngày chia tay, tôi cẩn thận hỏi:

“Anh… cái căn nhà anh tặng em trước kia, anh…”

“Cô cút được không?”

Anh ta cáu gắt, trời nắng chang chang, tôi nghe lệnh xong liền ôm lấy sổ đỏ chạy bán sống bán chết.

1

Tôi bắt đầu làm “chó liếm” từ hồi tiểu học.

Bàn bên cạnh tôi có một thiếu gia nhí, nhà giàu nứt đố đổ vách, mỗi ngày ngăn bàn toàn là tiền lẻ, tiền chẵn đủ cả.

Tôi thì mắt sáng như đèn pha, ngày nào cũng chạy việc vặt cho cậu ta, mỗi lần được năm tệ.

Thậm chí cậu ta đi vệ sinh tôi cũng “hộ tống”, tuổi còn nhỏ mà ống heo nhà tôi đã đầy ắp tiền tiết kiệm.

Sau đó, thiếu gia chuyển trường.

Nhờ số tiền dành dụm được từ “nghề phụ”, tôi hoàn thành xong tiểu học.

Lên trung học, tôi lại chuyển sang kinh doanh nhỏ.

Chủ yếu là tranh thủ giờ nghỉ trưa ra tiệm tạp hóa gần trường, vác cả ba lô đầy đồ ăn vặt về.

Đến giờ ra chơi thì bán lại cho bạn bè trong lớp, tất nhiên là có lời.

Khách ruột của tôi là một cô bé tên Tiền Tịnh.

Da trắng như bông, tiêu tiền chẳng tiếc tay, mỗi ngày tiền tiêu vặt cũng mấy trăm tệ.

Không hiểu khi đó cô ấy nghĩ gì, lần nào ra chơi cũng mua cả đống đồ ăn vặt từ tôi, nhưng lại không ăn, chỉ phát cho người khác.

Bọc gói bị ném đầy đất, rồi cô ấy quay sang bảo tôi: “Này, lại quét dọn giúp cái.”

Dọn một lần được hai mươi tệ.

Tôi lúc đó siêng vô cùng, cứ như cái đuôi nhỏ đi theo cô ấy suốt.

Thật ra đa số học sinh lúc đó chưa có khái niệm về tiền bạc, còn tôi thì kiếm cũng kha khá.

Có hôm cao điểm, tôi lời được tới ba trăm tệ một ngày.

Tiền của học sinh lúc nào cũng dễ kiếm hơn ngoài xã hội – chưa nếm mùi đời, làm sao hiểu được giá trị của đồng tiền.

Còn tôi? Không cha không mẹ, từ bé đã ranh ma, đầu chỉ nghĩ đến chuyện làm sao để kiếm tiền.

Sau này lên đại học, tôi càng chăm chỉ hơn, mỗi ngày đầu tắt mặt tối chỉ để kiếm thêm thu nhập.

Rồi tôi gặp Trần Thần – phiên bản nâng cấp của “phú nhị đại”, tiêu tiền như nước, đúng kiểu “trời ban người phát lương”.

Trần Thần là ai à?

Là thiên tài của khoa nghệ thuật, con trai cưng của một gia đình bất động sản khét tiếng.

Một đại thiếu gia thực thụ.

Chúng tôi quen nhau thế nào?

Tôi là hội trưởng hội kỷ luật, và đây là lần thứ mười hai tôi ghi tên cậu ta vì trốn học.

Giáo vụ nhìn danh sách mà nghiến răng: “Có tiền thì giỏi lắm à? Tên này khỏi xóa.”

Người ta đã nói thế thì tôi cũng không cãi, tiếp tục ghi sổ đều đều.

Cuối cùng, trước kỳ nghỉ, cậu ta tìm tôi.

Cậu hỏi chuyện gì đang xảy ra, tôi rụt rè đáp:

“Anh ơi, em cũng hết cách rồi…”

“Không có cách thì đi tìm cách.”

Cậu ta ngồi dựa vào sofa, nhìn tôi đầy bực dọc.

Sau đó tôi thật sự nghĩ ra cách giúp, còn dẫn cậu ta chạy đôn chạy đáo vài lần, cuối cùng giải quyết xong.

Thiếu gia rất hài lòng với vai trò “chó săn” của tôi.

Chắc là vui vẻ lắm, lại thấy tôi nghèo rớt mồng tơi, nên tiện tay tặng luôn cái dây chuyền vàng – ba vạn tệ.

Tôi lập tức dâng trọn lòng thành kính, sáng tối chào hỏi đầy đủ.

Một ngày nọ, thiếu gia hỏi tôi:

“Cậu có phải đang muốn theo đuổi tôi không?”

Tôi dè dặt đáp:

“Anh không thích em nhắn tin hả? Vậy sau này em không nhắn nữa.”

Cậu ta không nói gì.

Một lúc sau, màn hình hiện lên tin nhắn:

【Cậu tên là Kiều Túy đúng không?】

【Dạ đúng】(kèm icon mèo dễ thương.jpg)

【Cậu biết hoa khôi trường – Tiền Tịnh chứ?】

【Biết chứ.】

【Cô ấy bị rớt một môn…】

【Hiểu rồi, để em hỏi thử mấy hôm nay.】

【Ừ, cảm ơn nha!】

Đúng là thiếu gia trong lòng tôi, nhắn xong còn gửi luôn cái bao lì xì – năm nghìn tệ.

Tôi cũng không ngại, nhận cái rụp rồi gửi lại sticker cảm ơn.

Có lẽ do ban đầu tôi nhận tiền của Trần Thần quá nhiều,

nên sau này lúc yêu nhau, câu cậu ta hay nói nhất là:

“Kiều Túy, cậu có thể đừng thực dụng như thế được không?”

Tôi cũng chẳng biện minh.

Bởi vì… tôi thực sự thực dụng mà.

Mỗi cái bao lì xì cậu ta gửi, tôi đều nhận cả.

Ngay từ đầu, tôi vốn không phải đến vì con người cậu ta.

2

Tôi và Trần Thần bắt đầu yêu nhau thế nào à?

Chuyện này phải kể từ Tiền Tịnh.

Nói ra thì tôi với Tiền Tịnh cũng có duyên ghê — học chung cấp hai, lên cấp ba vẫn cùng trường, rồi thi đậu vào cùng một trường đại học.

Chỉ là sau khi lên đại học, vì học ngành khác nhau nên ít khi liên lạc.

Có gặp cũng chỉ chào hỏi một câu, thế thôi.

Cho đến một hôm, nửa đêm, Trần Thần gọi cho tôi.

Hỏi tôi có xe không, tôi bảo có.

Cậu ta nói cậu ta uống rượu, không thể lái xe, rồi tiện tay gửi tôi một bao lì xì nhờ đi đón.

Thế là giữa đêm khuya khoắt, tôi cưỡi chiếc xe đạp điện cà tàng của mình chạy đi đón thiếu gia.

Vừa thấy xe, thiếu gia nhìn không nhịn được cười:

“Lần đầu tiên tôi ngồi xe điện đấy!”

“Hay là để tôi gọi taxi cho cậu nhé?”

“Thôi, taxi ngồi chán lắm, xe điện đi! Vừa ngồi vừa hóng gió cho tỉnh rượu.”

Tôi đón được thiếu gia, nhưng chưa về tới cổng trường thì cậu ta bắt đầu say xỉn phát rồ, vừa khóc thút thít vừa lẩm bẩm:

“Cô ấy từ chối tôi rồi… Lần đầu tiên tỏ tình với con gái… Vậy mà cô ấy lại từ chối…”

Trần Thần trong cơn gió đêm càng lúc càng tội nghiệp, rồi chẳng biết thế nào lại ôm chặt eo tôi, tựa đầu vào lưng tôi mà ngủ ngon lành.

Tôi đơ người.

Tôi chỉ đến đón người thôi, ôm thế này là giá khác rồi đó nha.

Khi tôi dừng xe, Trần Thần “tỏ tình”.

Không phải nói miệng, mà là chuyển khoản — hai vạn tệ, ghi chú: “Làm bạn gái tôi nhé.”

Tôi cắn răng, nhận tiền.

Ngẩng đầu lên, thấy Trần Thần nhìn dòng trạng thái “đã nhận tiền”, rồi nhét điện thoại vào túi, hài lòng quay người đi vào ký túc xá.

Tôi đứng dưới lầu ký túc xá nam, gió đêm thổi qua lúc đó mới nhận ra:

Thiếu gia đâu phải đang tỏ tình.

Rõ ràng là bị người ta từ chối, tâm trạng tụt mood, quay sang tìm tôi để “gỡ gạc” đây mà!

Nhưng mà… tôi nhìn số dư trong tài khoản, càng nhìn càng vui.

Cuối cùng cười tươi rói, ôm điện thoại ngủ một giấc ngon lành.

3

Tôi có bạn trai rồi, nhưng chỉ có Trần Thần biết.

Cậu ấy không nói, tôi cũng chẳng nói.

Thiếu gia thỉnh thoảng gửi cho tôi một bao lì xì, ghi chú: “Tới ăn cơm”, kèm theo địa chỉ.

Tôi hí hửng chạy tới ngay — vừa có bao lì xì, lại còn được ăn miễn phí, tuyệt thật.

Có lúc là cuộc hẹn hai người, Trần Thần mở phòng riêng, nhàn nhã ăn uống.

Cậu ấy quen sống sung sướng, nên ăn uống chậm rãi, phong độ.

Không quen nhìn tôi ăn quá nhanh, tôi vừa ăn được hai ba miếng, cậu ta đã nhíu mày:

“Uống canh.”

Tôi cầm bát canh nhỏ, uống một ngụm, ngẩng đầu thấy cậu không nói gì, thế là tiếp tục “chiến đấu” với đồ ăn.

Lúc có đông người, tôi ăn nhỏ nhẹ, kiềm chế, không làm quá.

Ai hỏi thì tôi ngẩng đầu mỉm cười trả lời, ai không hỏi gì thì tôi lẳng lặng ăn tiếp.

Có người bảo tôi trông ngoan ghê, nói tôi cứ tự nhiên.

Tôi chỉ cười, gật đầu.

Chuyện “ngoan ngoãn” ấy, tôi không biết đánh giá sao.

Chỉ có thể nói: nếu bạn là trẻ mồ côi, thì chưa chắc bạn ngoan được như tôi.

Tôi ngoan ngoãn, biết điều.

Đến sinh nhật, Trần Thần gọi tôi đi ăn mừng, tôi cũng đi.

Du thuyền lớn của thiếu gia, gió biển mát rượi, tôi nhắm mắt cầu nguyện.

Cậu ta dựa lười biếng trên sofa, cắt ngang lời tôi:

“Ước gì mà phải nghĩ trong đầu, nói ra là được rồi.”

Tôi chần chừ một lát, rồi dứt khoát nói:

“Tôi muốn có một căn nhà.”

Trần Thần nhướn mày:

“Trúng thật. Nhà tôi làm bên xây dựng, chúc mừng nha, ước đúng chỗ rồi, mấy hôm nữa dẫn đi sang tên.”

Cậu ta vẫn dựa đó, lười biếng nghịch điện thoại.

Lời hứa miệng của cậu ấy, tôi ép tim mình đừng đập loạn — không dám hỏi có thật không.

Chỉ cắt bánh ngồi bên cạnh ăn, hoàng hôn nơi bến tàu đẹp rực rỡ, kem cũng ngọt lịm.

Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, tôi quay đầu muốn hôn Trần Thần một cái.

Tôi không cần nhà nữa, tôi có thể tự mình dành dụm mua được.

Còn bây giờ, tôi thực sự, thực sự chỉ muốn hôn cậu ấy một cái thôi.

Nhưng tôi không nói, cũng không làm gì.

Cậu ấy vẫn thờ ơ nghịch điện thoại, dường như nghe thấy một đoạn ghi âm nào đó.

Tôi không nghe rõ, chỉ thấy cậu nhíu mày:

“Về thôi.”

Trời đã tối, cậu ấy có việc, đi trước.

Tôi đứng bên đường quét mã thuê chiếc xe điện, về đến ký túc mới biết:

Hôm nay hoa khôi Tiền Tịnh bị tụt huyết áp, phải nhập viện.

Tôi ghé lại gần, đúng lúc thấy ảnh ai đó chụp trong viện, Trần Thần đang đứng bên cạnh cô ấy.

Tôi bỗng nhớ đến miếng bánh kem ăn dở hồi nãy.

Nhìn hồi lâu, rồi ngáp một cái, cầm điện thoại leo lên giường đi ngủ.

4

Có mấy ngày Trần Thần bận việc, tôi cũng không nhắn tin.

Cho đến hôm Tiền Tịnh xuất viện, Trần Thần mới gửi tin cho tôi, rủ tôi đi chơi.

Đi dã ngoại.

Cậu ấy gửi bao lì xì, tôi vui vẻ đeo balo nhỏ lên đường ngay, vừa tiết kiệm được bữa ăn lại có tiền tiêu.

Lúc đến nơi mới phát hiện: họ đi hai chiếc xe, vừa đủ tám người, còn tôi là người thứ chín.

Tôi sững lại.

Mỗi người đều đã ngồi vào chỗ, không ai nói gì, trong phút chốc, tôi thấy ngượng ngùng lạ thường.

Nhưng đến nơi rồi, giờ nói quay về thì càng khó xử hơn.

Trần Thần nhìn tôi, cau mày, rồi ánh mắt dừng lại ở chiếc xe buýt du lịch đỗ gần đó.

Tiền Tịnh không kìm được kéo tay tôi lại:

“Lên đi, tụi mình ngồi chen một chút.”

Ghế sau của cô ấy còn trống một chút, nhưng nhìn là biết cô ấy vẫn chưa khỏe hẳn sau khi xuất viện.

Tôi lập tức lắc đầu:

“Không sao đâu, mình đi xe buýt, tiện thể ngắm cảnh cũng hay.”

Tiền Tịnh nhìn tôi, ánh mắt chạm nhau, im lặng thật lâu, cuối cùng cô ấy cũng buông tay ra.

Xe của họ đi mất.

Tôi ngồi lại một mình trong chòi nghỉ.

Không phải mùa du lịch nên quanh đây rất vắng, chỉ còn tôi lặng lẽ ngồi một mình.