Chương 3 - Chết Cũng Không Là Gì Với Kẻ Đã Quên Tôi

5

Có lẽ Trần Tố nhận ra tâm trạng tôi không tốt, nên suốt dọc đường cứ tìm đủ cách khiến tôi vui.

Biết tôi chưa từng ra thủ đô, cậu ấy liền say sưa kể về Quảng trường Thiên An Môn, về núi Hương Sơn – bằng ánh mắt rực sáng, giọng nói hào hứng như trẻ con khoe món đồ chơi mới.

Tôi nghe mà lòng rạo rực, buột miệng: “Ước gì được đến đó một lần.”

Trần Tố không chút do dự đáp lại: “Có gì đâu mà khó, tôi dẫn cậu đi!”

Ánh hoàng hôn chiếu xuống, nụ cười của cậu ấy rực rỡ đến mức khiến tôi sững người mất một khắc.

Từ sáng đến tối, đi bộ cả một ngày dài, cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà.

Từ xa đã thấy những căn nhà cấp bốn thấp lè tè và con đường đất bùn lầy lội dẫn vào làng. Trần Tố vô thức thở dài.

Tôi trêu: “Gì đấy? Hối hận rồi à?”

Cậu lắc đầu, mỉm cười nhìn tôi: “Sao lại thế được? Chính những nơi như thế này mới là nơi tôi cần đến.”

“Còn cậu thì sao? Chẳng phải cũng quay về vì điều đó sao?”

Tôi quay sang, chỉ thấy ánh chiều tà nhuộm đỏ cả chiếc áo sơ mi trắng của cậu, khiến nụ cười ấy ánh lên sắc vàng rực rỡ.

Không hiểu sao, mặt tôi đột nhiên nóng bừng, theo phản xạ quay đi hướng khác.

Chỉ là… cậu ấy đã kịp nhận ra.

Trần Tố bật cười, dùng vai huých nhẹ vào tôi: “Sao lại ngại thế?”

“Tôi đâu có!”

Cậu định nói thêm điều gì, thì cha tôi từ đầu làng đã bước đến, đành thôi.

Sau vài ngày khảo sát trong làng, chúng tôi phát hiện ra khí hậu và đất đai nơi đây rất thích hợp để trồng nấm.

Chỉ tiếc, đầu ra cho nấm không ổn định. Nếu không kịp tiêu thụ, từng đợt nấm sẽ hỏng hết trong nhà kính.

Tôi ngồi trên tảng đá lớn bên sườn đồi, nhìn Trần Tố đã lấm lem bụi đất chỉ sau vài ngày mà bật cười thành tiếng.

Thấy tôi cười trêu, cậu ấy nhăn mặt nói: “Còn cười nữa. Cậu nghĩ ra cách bán nấm chưa?”

Tôi lắc đầu, thở dài: “Không chỉ là đầu ra. Mình còn cần chuyên gia nữa.”

“Với cả… dân làng quen trồng lúa trồng ngô rồi, giờ bảo họ chuyển sang trồng nấm, e là khó lắm.”

Thấy tôi chu môi u sầu, Trần Tố lại bất ngờ mím môi cười nhẹ.

Tôi lập tức hỏi lại: “Cười cái gì? Nghĩ ra cách rồi à?”

Ban đầu định trêu lại cậu một câu, không ngờ cậu ấy nghiêm túc gật đầu đầy bí ẩn.

Tôi lập tức tỉnh cả người, bật dậy ngồi thẳng lên.

Nhưng không ngờ khoảng cách giữa hai đứa quá gần – mũi gần như chạm vào nhau.

Tôi thậm chí còn ngửi thấy hương thơm nhè nhẹ từ bột giặt trên áo cậu. Cả hai cùng đỏ bừng mặt.

Cậu lập tức ngồi thẳng dậy, giọng cũng trở nên lắp bắp:

“T-tất nhiên là có cách…”

“Ch-chỉ là… cậu phải cùng tôi lên thị trấn một chuyến. Tôi muốn gửi một bức điện tín.”

“Nếu cậu không muốn đi thì thôi, tôi tự đi cũng được.”

Nhìn đôi má ửng hồng của Trần Tố, trong lòng tôi như có chú nai nhỏ đang nhảy loạn, tim như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực.

Kiếp trước, tôi ở bên Thẩm Văn Khiêm cả đời, cũng chưa từng có cảm giác như thế này.

Nhưng chưa kịp nghĩ nhiều, Trần Tố đã vội vàng đứng dậy, không quay đầu lại, chỉ để lại một câu:

“Sáng mai gặp ở đầu làng nhé!”

Rồi cắm đầu đi luôn. Lúc xuống đồi còn vấp vào chân mình suýt té.

Nhìn bóng lưng cậu có chút lúng túng, tôi bật cười thành tiếng.

Tối hôm đó, tôi trằn trọc cả đêm không ngủ nổi.

Không chỉ vì đã tìm được hướng giải quyết cho việc trồng nấm, mà còn vì gương mặt đỏ bừng của Trần Tố.

Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm và ra đầu làng đợi.

Từ xa đã thấy Trần Tố mặc chiếc áo sơ mi trắng mới giặt, tay đút túi bước lại. Lần đầu tiên tôi cảm thấy – hình như Trần Tố đã khác rồi.

6

Nhưng khác thế nào, tôi vẫn chưa biết được.

Chúng tôi ngồi xe ngựa chậm rãi, mất nguyên một ngày trời mới đến được thị trấn.

Trần Tố gửi tổng cộng ba bức điện tín, sau đó thần thần bí bí nói với tôi: “Giờ thì mọi vấn đề đều xong rồi.”

“Nhiệm vụ của cậu là thuyết phục bà con trong làng.”

Tôi nhìn gương mặt khôi ngô với vẻ đắc ý của cậu ấy, bất giác lại ngây người.

Khi xong hết việc thì trời đã tối.

Muốn quay lại làng phải ngồi xe ngựa mất nguyên một ngày, nên tôi và Trần Tố đành phải tìm chỗ nghỉ qua đêm.

Nhưng không hiểu sao, nhà khách lại chỉ còn đúng một phòng.

Chúng tôi đâu phải vợ chồng, cũng không có giấy giới thiệu, nên tất nhiên không thể ở chung.

Sau khi cân nhắc mãi, hai đứa đành tìm một góc khuất gió ngoài sân để ngồi nghỉ tạm. May mà là mùa hè.

Dưới bầu trời đầy sao, tôi nhìn sang Trần Tố hỏi: “Trần Tố, cậu gửi điện cho ai thế?”

“Sao cậu lại quen cả chuyên gia trồng nấm?”

Hơn một tháng tiếp xúc, tôi có thể cảm nhận rõ ràng – Trần Tố không phải người bình thường.

“Cái này…”

Cậu ấy thoáng lúng túng, không biết nên trả lời thế nào.

Thấy cậu ngập ngừng, tôi liền vội vàng xua tay: “Cậu đừng lo, tôi chỉ hỏi vu vơ thôi.”

Trần Tố nhìn ra sự tò mò của tôi, do dự một lúc rồi khẽ nói: “Sau này tôi kể được không?”

Cậu dừng lại, rồi nói tiếp: “Hiểu Quyên, bây giờ chưa tiện nói chuyện này.”

Tôi gật đầu, tỏ ý hiểu.

Kiếp trước tôi bị Thẩm Văn Khiêm giam trong cái gọi là ‘ổ ấm gia đình’, ngày ngày chỉ xoay quanh chuyện cơm áo gạo tiền.

Kiếp này được đi học, tôi mới biết thế giới rộng lớn đến chừng nào, người giỏi còn rất nhiều.

Trần Tố là người có vẻ xuất thân khá giả, tôi đã gặp qua vài người như vậy, nên có thể hiểu.

Tôi vỗ vỗ vai cậu: “Tất nhiên rồi, đó là chuyện riêng của cậu mà.”

Trần Tố mỉm cười: “Hiểu Quyên, cậu là một cô gái rất tốt.”

“Ai cưới được cậu đúng là có phúc.”

Nói xong, cậu cởi áo khoác ngoài choàng lên người tôi, còn cắn môi lưỡng lự nói: “Nếu cậu thấy lạnh, có thể tựa vào tôi.”

“Cậu yên tâm, tôi sẽ không kể với ai đâu.”

Tôi nhìn đôi mắt lấp lánh ánh sao của Trần Tố, trong lòng trăm mối cảm xúc đan xen.

Yêu Thẩm Văn Khiêm cả một đời, anh ta chưa từng quan tâm tôi đến mức này.

Ngay cả lúc tôi suýt chết khi sinh con, anh ta cũng đang ở bên cạnh Vương Tú Bình.

Sau này cha tôi mất, đang lúc tổ chức tang lễ, anh ta lại mở tiệc linh đình mừng sinh nhật Vương Tú Bình, quên sạch lời hứa từng nói với cha.

Còn Trần Tố, chỉ mới quen hơn một tháng, lại luôn nghĩ cho tôi mọi điều.

Có lẽ… đây mới chính là ý nghĩa thật sự của việc được sống lại.

Vứt bỏ quá khứ, bắt đầu lại từ đầu.

Cả đêm đó, tôi và Trần Tố cứ nói chuyện rôm rả, không biết mình thiếp đi lúc nào.

Chỉ biết khi tỉnh dậy, tôi đang tựa vào vai cậu ấy, môi gần như chạm vào cổ. Còn Trần Tố thì đỏ bừng từ tai đến tận cổ, như bị luộc chín.

Cả hai vô cùng ăn ý – không ai nhìn ai, mỗi người tự gom đồ đạc của mình.

Chuyên gia mà Trần Tố nhờ đến nhanh hơn tôi tưởng, nhưng vấn đề ở Tứ Thủy lại phức tạp hơn nhiều.

Tôi nói rát cả họng, cũng chỉ thuyết phục được mười mấy hộ dân.

Còn Trần Tố, với tư cách là bí thư chi bộ mới đến, thậm chí chưa kịp nói gì đã bị đuổi khỏi nhà.

Suýt nữa còn bị người ta dọa thả chó đuổi.

Nhìn dáng vẻ lấm lem, bơ phờ của cậu, tôi không nhịn được cúi người cười phá lên.

Trần Tố cũng bị tiếng cười của tôi làm cho bật cười bất lực, đầy chiều chuộng.

May mà có cha tôi đứng ra, cuối cùng cũng thuyết phục được phần lớn dân làng đồng ý.

Từng cái nhà kính dần được dựng lên, những gốc nấm non bắt đầu cắm xuống đất.

Thế nhưng, tôi và Trần Tố lại càng thấy lo – sợ nấm không mọc, sợ bán không được, sợ phụ lòng bà con.