Chương 2 - Chết Cũng Không Là Gì Với Kẻ Đã Quên Tôi

3

Mở mắt lần nữa, tôi nghe thấy tiếng ly vỡ vang lên ngoài cửa.

Giọng Thẩm Văn Khiêm cố kìm nén cơn giận: “Bố, con sẽ không bỏ rơi Hiểu Quyên, cô ấy mãi mãi là vợ con.”

“Chỉ là con không muốn cô ấy đi học đại học gì cả. Ở nhà hưởng phúc, chăm sóc gia đình là đủ rồi.”

“Lúc con đi lao động ở quê, chính Tú Bình đã giúp con rất nhiều. Không có cô ấy, con chẳng thể thi đậu đại học. Chỉ cần bố mẹ đồng ý nhường suất học của Hiểu Quyên cho cô ấy, sau này con nhất định sẽ tốt với Hiểu Quyên.”

Nghe thì có vẻ cao thượng, nghĩa tình lắm.

Tôi thật không ngờ Thẩm Văn Khiêm lại có thể trơ trẽn đến vậy. Tôi đã từ chối thẳng thừng, mà anh ta vẫn dám mặt dày đến nhà tôi cầu xin bố.

Tôi vẫn còn nhớ như in, kiếp trước tôi đã nhường suất học đó cho Vương Tú Bình, vậy mà anh ta chưa từng cảm ơn tôi lấy một lời.

Suốt mấy chục năm sau, anh ta luôn đem chuyện tôi chỉ là một bà nội trợ ra để mỉa mai, châm chọc.

Vài hôm trước tôi đã nói rõ với mẹ: Suất học đó là tôi tự thi được, ai cũng không được phép cướp!

Còn chưa đợi bố tôi lên tiếng, mẹ tôi đã hiếm hoi lần đầu dám đứng ra bênh vực tôi: “Thẩm Văn Khiêm! Cậu đang uy hiếp chúng tôi đấy à?”

“Suất học của con gái tôi, tại sao phải nhường cho người khác? Cậu—”

Chưa kịp nói hết, bố tôi đã lạnh giọng quát: Đến lượt bà lên tiếng à? Im miệng!”

“Chuyện này Hiểu Quyên biết chưa?”

Thẩm Văn Khiêm im lặng một lúc, như không ngờ bố tôi lại hỏi thẳng như vậy.

“…Cô ấy đồng ý rồi.”

Cạch! Tôi đẩy cửa, giọng lạnh như băng:

“Tôi không đồng ý!”

Bước ra khỏi phòng, tôi liếc thấy Vương Tú Bình cũng đang đứng ở cửa.

Cô ta nép vào người Thẩm Văn Khiêm, tay nắm chặt lấy tay áo anh ta, hai người nhìn chẳng khác gì một cặp vợ chồng bị chia cách oan uổng vì người đời.

Thẩm Văn Khiêm vỗ nhẹ mu bàn tay cô ta như trấn an, rồi ngẩng lên nhìn tôi bằng ánh mắt đầy cảnh cáo.

Tôi chẳng thèm để tâm đến ánh nhìn đó, bước thẳng đến bên bố.

“Bố, suất học đó là của con. Dù có chết, con cũng không nhường.”

“Con là con gái duy nhất của bố. Bố muốn đứng về phía con hay người ngoài, bố cứ suy nghĩ kỹ đi.”

Bố tôi dù cổ hủ, nhưng vẫn yêu thương tôi.

Thấy tôi kiên quyết như vậy, ông trầm ngâm một lúc lâu rồi chau mày nói:

“Văn Khiêm, Hiểu Quyên giờ cũng lớn rồi, bố không thể không tôn trọng ý kiến của nó.”

“Nó không đồng ý, thì bố cũng không thể cho cậu suất học đó.”

Vừa nghe xong câu này, Vương Tú Bình lập tức òa khóc, ánh mắt cầu xin nhìn Thẩm Văn Khiêm.

Ánh mắt anh ta tràn đầy xót xa, như thể người bị cướp mất suất học là Vương Tú Bình chứ không phải tôi.

Anh ta quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt căm hận, như thể muốn thiêu rụi tôi bằng ánh mắt đó.

Tôi nhìn họ quấn quýt bên nhau, mũi chợt cay xè.

Kiếp trước, Thẩm Văn Khiêm luôn lạnh lùng, tôi từng nghĩ đó là vì anh ta trầm tính, ít nói.

Nhưng giờ đây, anh lại có thể vì Vương Tú Bình mà bỏ hết tất cả.

Thì ra, yêu và không yêu… lại khác xa nhau đến vậy.

“Bố, nếu không có suất học này, thì con và Hiểu Quyên chỉ có thể ly hôn thôi.”

“Còn nữa…”

Anh ta cố tình ngưng lại một chút, vẻ mặt lộ rõ sự đắc ý.

Khi ánh mắt tôi chạm vào ánh nhìn lạnh lẽo của anh, cả người như đông cứng lại.

Hai tay buông thõng siết chặt, cơ thể run lên vì tức giận và sợ hãi – tôi đã đoán ra anh định nói gì.

Vì Vương Tú Bình… Anh ta sẵn sàng hủy hoại tôi!

Thẩm Văn Khiêm nở nụ cười lạnh lùng, mở miệng:

“Hồi tôi đi lao động vùng sâu, Tống Hiểu Quyên đến thăm tôi thì bị vài tên côn đồ bắt cóc.”

“Lúc tôi dẫn bí thư đại đội đến cứu, cô ấy đã… còn ai dám lấy cô ta nữa?”

“Thẩm Văn Khiêm! Anh là đồ khốn nạn!”

Tôi không kìm được, gào lên giận dữ, nước mắt lập tức dâng trào.

Thẩm Văn Khiêm – cái đồ vô ơn bội nghĩa ấy, lúc trước rõ ràng là anh ta đi trộm đồ của đội sản xuất.

Thành phần của anh ta vốn không tốt, nếu bị bắt thì chắc chắn sẽ bị đem ra đấu tố.

Chính tôi đã liều mình đánh lạc hướng người khác để bảo vệ anh ta.

Khi đó, anh ta từng hứa sẽ giữ kín chuyện này suốt đời, vậy mà bây giờ lại vì Vương Tú Bình mà lôi chuyện đó ra bôi nhọ tôi!

Chẳng lẽ tình cảm mười mấy năm lớn lên bên nhau lại không bằng một người phụ nữ mới quen hai, ba năm sao?

Cảm giác như có ai bóp nghẹt tim mình, những uất hận của kiếp trước trào dâng mãnh liệt.

Tôi quay lại, bắt gặp ánh mắt sững sờ của cha.

“Con đồng ý ly hôn. Nhưng suất học đó, con không nhường!”

Rồi tôi quay sang nhìn Thẩm Văn Khiêm, giọng nói trống rỗng, mệt mỏi đến lạnh nhạt:

“Bố, để đổi lại, con có thể viết cam kết. Sau khi tốt nghiệp, con nhất định sẽ quay về, dẫn mọi người thoát nghèo.”

4

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi từ chối công việc được phân và quyết tâm trở về quê hương.

Trên chuyến tàu về làng, tôi gặp một chàng trai trẻ.

Cậu ấy ngồi bên cạnh tôi.

Suốt chặng đường, ai hỏi gì cậu cũng lịch sự đáp lại. Nhưng càng nói, mặt cậu lại càng đỏ bừng từ tai lan đến tận cổ, ngón tay cứ mân mê góc áo sơ mi trắng.

“Đồng chí, cậu định đi đâu vậy?”

Cậu liếc nhìn tôi, mặt đỏ như gấc, ấp úng trả lời: “Em… đến thôn Tứ Thủy.”

Ơ kìa, đó chẳng phải là làng tôi sao?

Nhưng tôi lại chẳng thấy quen mặt chút nào.

Tò mò nổi lên, tôi hỏi tiếp: “Cậu đi thăm người thân à? Vừa hay tôi cũng là người Tứ Thủy đấy. Cậu đến tìm ai?”

“Biết đâu tôi có thể dẫn cậu đi.”

Cậu ấy gãi đầu, hơi ngượng ngùng nói: “Em được phân công về làm bí thư chi bộ thôn.”

“Chị là người trong làng thì hay quá, có thể kể cho em nghe về tình hình nơi đó được không?”

“Em còn lạ nước lạ cái, sợ mình lóng ngóng gây cười mất.”

Nói xong, cậu ấy cúi đầu cười ngại ngùng, đôi tai đỏ ửng như màu hoa đào.

Tôi chẳng hiểu sao lại thoáng ngơ ngẩn, tim tự nhiên đập rộn lên như nai con chạy loạn.

Khi cậu ấy quay sang nhìn tôi với ánh mắt ngờ vực, tôi vội vàng quay đầu đi.

Suốt chuyến đi, hai chúng tôi trò chuyện rất hợp. Tôi kể cho cậu nghe đủ thứ chuyện về phong tục, con người Tứ Thủy.

Cậu tên là Trần Tố, người thủ đô, tự nguyện đến Tứ Thủy với mục tiêu giúp dân làm giàu.

Khi xuống tàu, tôi thấy Trần Tố ôm bụng, gương mặt nhăn nhó vì đói, mà còn e dè không biết nên ăn gì. Tôi liền dắt cậu đến hàng mì ngon nhất ở đây.

Dù là người từ thủ đô đến, cậu ấy lại chẳng tỏ vẻ gì.

Ngồi ở vỉa hè, trước một quán mì nhỏ đầy khói dầu, cậu ấy vẫn ăn một tô mì bình dân ngon lành như thể đang được thưởng thức món sơn hào hải vị.

Nhìn cậu ấy như vậy, tôi bỗng thấy an lòng. Có cậu đồng hành, nhất định chúng tôi sẽ làm được điều gì đó lớn lao cho dân làng.

Ngày hôm sau, chúng tôi ngồi xe ngựa về làng. Chiếc xe lắc lư đi qua những cánh đồng trải dài bất tận.

Trần Tố mắt sáng lên, phấn khích nói: “Hiểu Quyên, nơi này đẹp thật đấy.”

Nhìn vẻ mặt rạng rỡ không giấu nổi của cậu ấy, tôi hơi ngạc nhiên: “Chẳng lẽ cậu chưa từng thấy cảnh đồng quê bao giờ à?”

Trần Tố sững người một lát, nhưng không trả lời câu hỏi của tôi mà lảng sang chuyện khác.

“Tứ Thủy có nhiều đất đai thế này sao?”

Tôi nhìn theo hướng mắt cậu – những thửa ruộng lúa mì chín vàng đung đưa trong gió.

Nếu Tứ Thủy có được cánh đồng như thế thì tốt biết bao.

Thôn tôi nằm sâu trong núi, toàn đất đồi cằn cỗi, người dân chỉ trồng được ít cây ngắn ngày.

Thấy tôi chùng xuống, Trần Tố rất tinh tế, không hỏi thêm nữa. Cậu rút từ túi ra một viên kẹo sữa Đại Bạch Thố, đưa cho tôi:

“Nhà gửi cho em một hộp, chị nếm thử xem.”

Nụ cười của cậu sáng rực như ánh nắng khiến tôi chợt nhớ đến Thẩm Văn Khiêm.

Kiếp trước, năm đầu tiên anh ta học đại học, cũng từng mang về một hộp kẹo sữa.

Nhưng tôi chưa từng được nếm thử.

Anh ôm khư khư trong lòng, đi bộ hàng chục dặm đường núi chỉ để mang về tặng cho Vương Tú Bình.

Sau đó tôi giận dỗi, cãi nhau với anh, anh chỉ hờ hững nói: “Đây là kẹo tôi đổi bằng tem lương thực đấy. Cô cũng thèm đến mức phải giành với Tú Bình sao?”

Rõ ràng trong cái hộp sắt đó có hơn chục viên kẹo.

Vậy mà anh ta lại không nỡ cho tôi một viên nào.

Thấy tôi ngẩn người, Trần Tố khẽ chạm vai tôi, hỏi nhỏ: “Sao vậy? Kẹo này ngon lắm đấy.”

Tôi gượng cười, lắc đầu: “Không có gì đâu.”

Tôi nhận lấy viên kẹo, nhẹ nhàng bóc lớp giấy bọc. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được vị ngọt thực sự.