Chương 4 - Cách Đối Phó Với Sếp Hãm

Sau khi kể xong, tôi bắt đầu rắc đường:  

“Chị Xuân, chị đúng là tấm gương sáng! Còn trẻ thế mà đã ngồi được vào vị trí này, chứng tỏ tầm nhìn và phong thái hơn người. Em nhớ lần trước đi uống cà phê, chị còn tự trả tiền của mình. Đáng lẽ ra, em mời sếp thì hợp lý hơn, nhưng chị vẫn rộng lượng, chẳng thèm để ý mấy cái lợi nhỏ nhặt ấy. Đúng là phong thái của lãnh đạo lớn! Nhưng chị xem, cái Phương Thấm ấy, mỗi lần đi công tác là bắt bộ phận của em phải trả tiền ăn uống. Lại còn gì nữa chứ, đến chị là sếp mà còn không yêu cầu như vậy. Cô ấy là quản lý nhỏ mà suốt ngày chỉ biết tính chi li, bóc lột người khác.”

Tôi giả bộ kể thêm: “Nghe đâu, ngày nào Phương Thấm cũng bắt thực tập sinh của phòng cô ấy mua Starbucks mà không trả một xu. Tội nghiệp mấy đứa thực tập sinh, lương chẳng được bao nhiêu, tháng nào cũng phải tiêu mất cả ngàn tệ tiền cà phê cho Phương Thấm.”

Vừa nói, tôi vừa khích lệ: “Em biết chị Xuân luôn là người bao dung, đặc biệt là với thực tập sinh, không bao giờ để họ bị bắt nạt. Nhưng nhìn cái cách Phương Thấm hành xử, thật sự không chấp nhận nổi. Em còn nghe nói, cô ấy còn bảo chị cũng chỉ là "nhân viên mới", chẳng coi ai ra gì. Chị phải xử lý cô ấy đi, không thì càng ngày cô ta càng lộng hành.”  

Xuân Hòe nghe đến đây, lập tức lên tinh thần:  “Cái cô Phương Thấm này đúng là ngày càng quá đáng! Chị biết cô ta không phục chị, nhưng chị đã nể cô ta là nhân viên lâu năm mà không làm lớn chuyện. Giờ thì hay rồi, không coi ai ra gì, còn bắt nạt cả thực tập sinh?”  

Tôi đẩy thêm một bước:  “Đúng vậy, chị Xuân. Lần trước, em còn tình cờ nghe thực tập sinh của phòng Phương Thấm gọi điện cho mẹ, kể chuyện cô ấy bắt đi mua Starbucks mỗi ngày, toàn ly to, tiền thì chẳng trả. Mấy đứa thực tập sinh lương có mấy đồng, tháng nào cũng phải chi vài trăm tệ, đến tiền nhà còn không đủ trả. Em nghe không nổi nên khuyên cô ấy đến tìm chị. Em còn bảo rằng, chị là lãnh đạo tốt, chắc chắn sẽ đứng ra giải quyết, nhưng cô ấy vẫn sợ không dám.”  

Xuân Hòe bừng bừng khí thế, bắt đầu tự khẳng định: “Em đừng nhìn chị lúc nào cũng nghiêm khắc với các bạn trẻ, với các nhân viên mà nghĩ khác nhé. Với thực tập sinh, chị luôn rộng lượng. Bọn trẻ vừa ra trường làm sao đã biết gì, cần có thời gian học hỏi. Ngày trước chị đi thực tập cũng bị các nhân viên lâu năm bắt nạt, nên chị thề sẽ không để chuyện đó xảy ra với cấp dưới của mình. Cái cô Phương Thấm ấy cứ để chị xử lý! Muốn ở lại công ty, cô ta phải bỏ ngay cái thói xấu đó đi.” 

Tôi lập tức nịnh thêm: “Đúng là chỉ có chị Xuân là người lãnh đạo ‘nice’ như vậy! Chị xem, em qua đây kể chuyện mà chị còn không phiền, lại còn lắng nghe đứng ra giúp đỡ.”

Xuân Hòe nghe xong lại tiếp tục tự hào kể về bản thân. Thực ra, bỏ qua mấy chiêu trò của cô, tôi lại thấy Xuân Hòe khá tốt với mình. Chủ yếu là vì tôi biết cách dỗ dành, nên dù có lỡ làm cô khó chịu, tôi vẫn có cách kéo cô về phe mình.  

Quả nhiên, sau khi tôi vừa "méc" với Xuân Hòe, Phương Thấm đã ngay lập tức chạy qua phòng Xuân Hòe để tố tôi.  

Cô ta khéo léo lách vấn đề tiền bạc, hoàn toàn không đề cập đến chuyện ép tôi trả tiền ăn. Thay vào đó, Phương Thấm tập trung nói xấu tôi, chê bai năng lực và khẳng định rằng khách hàng rất không hài lòng với cách tôi quản lý công việc. Thậm chí, cô ta còn cố ám chỉ tôi không đủ khả năng để đảm nhiệm vai trò trưởng dự án.  

Trong lúc Phương Thấm đang thao thao bất tuyệt, Xuân Hòe lại nhắn tin cho tôi, kể từng lời Phương Thấm đang tố cáo. Tôi giả vờ sợ hãi, kèm theo đó là chụp màn hình tin nhắn khách hàng cảm ơn, gửi lại cho Xuân Hòe. Cô chỉ đáp lại bằng một câu ngắn gọn nhưng đầy ẩn ý: "Yên tâm, chị hiểu mà."

Chắc chắn Phương Thấm không thể ngờ rằng, công sức đi "mách lẻo" của cô ta chẳng mang lại kết quả gì. Thậm chí, Xuân Hòe còn nhắc nhở cô ta vài lần rằng đừng nên bắt nạt nhân viên mới. Phương Thấm như vừa đấm vào bịch bông, không thể phát tác, chỉ đành ấm ức ôm cục tức.