Chương 2 - Cách Đối Phó Với Sếp Hãm
Tôi còn cố tình chọc thêm: “Hai người lương cao, tiền bạc rủng rỉnh, gọi cà phê mà cũng phải nhiều thế. Tôi thì không dám, mỗi tháng trả nợ tiền nhà, tiền xe đã mấy vạn rồi, tiền của tôi phải tính từng đồng. Tôi mời không nổi hai người đâu. Nhanh lên nào Phương Thấm, chị Xuân còn đang chờ thanh toán. Việc này vài giây là xong, chẳng làm lỡ việc nhắn tin của cô đâu.”
Phương Thấm nhìn tình hình, biết không trả là không xong, hậm hực lườm tôi mấy cái rồi miễn cưỡng quét mã chuyển tiền.
Nhận được tiền từ Phương Thấm xong, tôi lại chỉnh số tiền trên mã thanh toán rồi đưa qua cho Xuân Hòe, nãy giờ cô nghe tôi nịnh nọt đủ điều khi nói chuyện với Phương Thấm thì vui vẻ quét mã chuyển khoản ngay không chút do dự.
Sau khi thanh toán xong, tôi tiếp tục dồn thêm vài câu khen ngợi pha chút kể khổ: “Chị Xuân quả là người gương mẫu, có trách nhiệm. Người như chị thật khiến chúng em ngưỡng mộ, vừa giỏi kiếm tiền, vừa kiểm soát chi tiêu chặt chẽ. Còn em thì mỗi tháng chỉ đủ sống qua ngày, được như chị chắc mơ cũng không nổi.”
Xuân Hòe bị tôi nịnh đến lâng lâng, liền khoe mình ở chỗ này có một căn hộ, chỗ kia một căn biệt thự, đều trả tiền một lần hết chứ không thèm trả góp
Tôi lại chêm thêm vài câu ngưỡng mộ, khen ngợi nhiệt tình, Xuân Hòe phấn khởi tuyên bố: “Từ nay tiền thưởng của em chị cho chia ra phát theo quý, không để em phải đợi lâu!”
Cả buổi chiều hôm đó, chẳng có chút nội dung công việc nào được đề cập. Xuân Hòe chỉ lo khoe mẽ, còn tôi chỉ việc “hoạt động cơ miệng” mà không tốn chút sức lực nào.
Cuối buổi, Xuân Hòe hài lòng rời đi, trước khi đi còn mang luôn cả hóa đơn trên bàn, bao gồm cả hóa đơn của Phương Thấm, bảo rằng lương cao quá, phải dùng để khấu trừ thuế.
Phương Thấm thì tức không chịu nổi, nhưng chẳng làm gì được. Từ sau, mỗi ngày ở công ty, Phương Thấm đều lôi chuyện này ra chửi xéo tôi với nhân viên trong phòng.
Nhưng Phương Thấm đúng là không biết rút kinh nghiệm, hoặc cũng có thể, không chiếm lợi được thì cô ta khó chịu. Lần này Phương Thấm dẫn cả phòng của cô ta đi công tác với tôi ở Quý Châu. Quy định của công ty khi đi công tác: tiền phụ cấp ăn uống mỗi ngày là 100 tệ, nhưng phải có hóa đơn, thực chi thực báo. Không có hóa đơn thì không thanh toán được, và cũng không được dùng hóa đơn thay thế. Đây là tiền đề quan trọng.
Lần đó, công tác xong, chúng tôi đến ga tàu cao tốc để về. Vừa lúc giữa trưa, cả đoàn ghé vào một quán nhỏ gần ga để ăn.
Quán kiểu này thì chẳng mấy khi có hóa đơn. Một bát bún chỉ có 8 tệ, thêm thịt bò cũng chỉ 12.
Mọi người trong phòng kể cả Phương Thấm đều hỏi chủ quán: “Quán có xuất hóa đơn được không?”
Bà chủ quán trả lời: “Quán nhỏ, không làm hóa đơn được đâu.”
Thế là cả đám liếc nhìn nhau rồi đẩy tôi lên, bảo tôi chịu trách nhiệm gọi món. Ban đầu tôi nghĩ không có hóa đơn cũng không sao, vài trăm tệ tôi có thể tự chi trả được. Nhưng không ngờ, họ lại xem tôi như "đứa đầu chet thay".
Họ đẩy tôi ra gọi món thay họ, còn mình thì ngồi nhàn nhã tại bàn, hăng hái gọi đủ thứ không kiêng nể. Bạn có tưởng tượng được không? Một quán ăn nhỏ, trung bình mỗi người chỉ tốn 15 tệ, vậy mà bốn người họ gọi tổng cộng 346 tệ. Thấy tô bún chỉ có vài miếng thịt bò, họ quay sang gọi hẳn theo dĩa. Một dĩa thịt bò 38 tệ, bốn người gọi luôn sáu dĩa.
Trong mắt họ, tôi là nhân viên phụ trách, dẫn họ đi công tác thì tiền ăn uống cũng phải do tôi bao. Dường như việc họ tiêu tiền của tôi là hiển nhiên, như thể họ không phải đang làm việc cho công ty mà đang làm thuê cho tôi, hoặc không nhận được lương vậy.
Nhưng họ không biết tôi vốn không có thói quen chiều người khác.
Họ tưởng tôi cũng sẽ giống những người khác, vì sĩ diện mà không dám tính toán tiền bạc. Tôi chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng gọi món theo yêu cầu của họ, trả tiền xong còn cẩn thận xin lại hóa đơn chi tiết từ bà chủ quán.
Nhìn họ ăn uống nhiệt tình, bàn không còn chỗ để đặt dĩa, tôi biết chẳng món nào có thể trả lại được nữa. Đợi họ ăn xong, tôi hỏi một câu vu vơ: “Ăn no chưa? Mấy món thừa này có cần gói mang về không?”