Chương 4 - Ai Bảo Học Bá Không Được Nhặt Chai

Bố tôi nghênh ngang đi tới: “Con gái, đây là sinh nhật đầu tiên sau khi con trưởng thành, chúng ta phải làm thật hoành tráng, chi bao nhiêu cũng được, mời hết bạn bè trong lớp đến chung vui.”

“Hay mình làm đơn giản thôi bố.”

Mọi khi, sinh nhật tôi chỉ cần một bát mì trường thọ, hai quả trứng luộc, thêm món quà từ bố mẹ.

Thế là đủ.

Nhưng tiếc thay, lần này bố tôi quyết tâm rồi.

Tôi biết, ông lại muốn khoe chuyện tôi được tuyển thẳng vào Thanh Hoa.

Thôi kệ, để ông khoe một lần đi.

Về phòng, tôi lần lượt gọi điện mời bạn trong lớp.

90% đều đồng ý tham gia, chỉ có hoa khôi lớp Trần Vi Vi là nói giọng mỉa mai: “Ồ, một đứa nghèo kiết xác như cậu mà cũng tổ chức tiệc sinh nhật sao, cậu mua nổi bánh kem à?”

Tôi mỉm cười: “Cậu cứ đến là biết.”

Muốn bánh kem chứ gì, tôi cho ăn no luôn.

Tối đến, bạn thân Lưu Nhã gửi tin nhắn: “Cậu ơi, họ lập một nhóm để nói xấu cậu đấy, nhóm trưởng là Trần Vi Vi.”

Tôi: “Hả?”

Nhã gửi liền mấy ảnh chụp màn hình đoạn hội thoại.

Tôi nhìn lướt qua buồn cười thật.

Đại khái họ chê tôi không có tiền mà bày đặt khoe mẽ, rõ ràng là đứa đi nhặt rác lại muốn làm sang. Họ còn nói tôi không biết lượng sức mình, ngày mai nhất định sẽ làm tôi mất mặt không ngẩng đầu lên được.

Tôi thực sự cạn lời.

Tôi chân thành mời họ đến dự sinh nhật, vậy mà họ lại muốn đối xử với tôi như thế?

Lòng tin cơ bản giữa người với người đâu rồi?

Nhã có chút lo lắng: “Thư Duệ, mình còn chút tiền, để tụi mình mua cái bánh kem thật to, nhất định không thể để họ coi thường cậu. À, chị mình còn dư một căn hộ, mình xin chị cho mượn để tổ chức tiệc nhé?”

Tôi rất cảm động, nhưng từ chối.

“Mình muốn nói với cậu một chuyện.”

“Chuyện gì vậy?”

“Thật ra, mình là con gái của Lâm Quốc Phú.”

Đầu dây bên kia, một âm thanh rơi bịch xuống đất, tiếp theo là tiếng hét như lợn bị chọc tiết: “Cậu nói gì? Nói lại lần nữa, cậu là con gái của ai?”

Lâm Quốc Phú đó.”

Bên kia như muốn đập đầu xuống đất.

Thật ra, bố tôi cũng không phải kiểu người làm chuyện động trời gì. Ông chỉ đơn giản là làm giàu nhờ thu gom phế liệu.

Nhưng, ông ấy theo đuổi con đường quốc tế.

Tôi từng hỏi bố: “Bố ơi, nhà mình rốt cuộc có bao nhiêu tiền?”

Bố tôi suy nghĩ rồi đáp: “Chắc là đủ để vòng quanh Trái Đất một vòng hoặc hai vòng.”

Tôi: “…”

Ngày hôm sau, Nhã Nhã là người đầu tiên đến nhà tôi.

Thăm thú xong, cô ấy ôm chân tôi, mắt lấp lánh như sao: “Cậu ơi, cho tớ ăn, tớ đói.”

Tôi đẩy cô ấy ra: “Ra dáng một chút đi.”

Nhã Nhã bò dậy: “Nói thật, mình chưa bao giờ thấy một cậu ấm cô chiêu nào mà gần gũi thế này.”

Tôi lườm cô ấy: “Cậu nói thẳng luôn là mình quê mùa đi.”

Thật ra, tôi đúng là sống khá giản dị.

Không mặc đồ hiệu, không đi xe sang về nhà, không khoe khoang, càng không phô trương.

Hình ảnh của tôi ở trường chỉ là một học sinh bình thường, đôi chút tiết kiệm, suốt ngày cắm đầu học hành.

Chiều hôm ấy, khi Nhã Nhã ngồi trong phòng tôi chơi game, tôi ra vườn sau đào đất.

Vì sao tôi đào đất? Vì dì Trần đưa tôi một nắm hạt hướng dương, tôi muốn gieo chúng xuống, nghĩ tới cảnh một đám hoa hướng dương tươi cười đón nắng là tôi đã thấy vui rồi.

Chắc sẽ hoành tráng lắm.

Khi tôi đang bận rộn mồ hôi đầm đìa, chị Trần chạy tới gọi: “Cô chủ, ngoài cổng có một cậu trai đến tìm cô, nói tên cậu ấy là Lâm Vũ Hàng.”

Ơ?

Sao cậu ấy đến sớm vậy nhỉ?

Tiệc sinh nhật đến tận bảy giờ tối mới bắt đầu cơ mà.

Nhưng cậu ấy đến sớm cũng tốt, tiện giúp tôi đào đất, một mình làm mỏi cả lưng.

Thêm một người phụ việc cũng hay.

“Chị Trần, chị nghỉ đi, để tôi tự ra đón cậu ấy.”

Khi tôi mặt mũi lấm lem đất cát ra gặp cậu ấy, Lâm Vũ Hàng nhìn tôi với ánh mắt đầy xót xa.

Nhưng tôi lại không để ý ánh mắt lạ lùng ấy, chỉ vào chiếc hộp tinh xảo trong tay cậu ấy: “Cậu tặng tôi quà sinh nhật à?”

“Ừ.” Cậu ấy khẽ đáp.

Tôi cười: “Tay tôi bẩn quá, cậu cầm giúp tôi nhé.”

“Không sao.” Cậu ấy bước tới gần, lấy khăn giấy trong túi ra, cẩn thận lau đi mồ hôi và bụi đất trên mặt tôi: “Sau khi nhặt rác, bây giờ cậu lại làm gì nữa thế?”

Tôi không tiện nói là mình đang trồng hoa, nên bịa luôn: “À, tôi đang xới đất ở vườn sau.”

Ánh mắt cậu ấy càng xót xa hơn: “Bọn họ bắt cậu làm thế à?”

Bọn họ?

Làm gì cơ?

Tôi cảm thấy giữa tôi và Lâm Vũ Hàng đúng là gà nói vịt nghe, nhưng cụ thể sai ở đâu thì tôi lại không nghĩ ra.

Những câu hỏi khó nghĩ, tôi thường tạm gác qua một bên.

Thế là tôi nói: Lâm Vũ Hàng, cậu giúp tôi nhé?”

Không ngờ, Lâm Vũ Hàng vốn ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ để dự tiệc, lại sẵn sàng ngồi xổm xuống đất giúp tôi đào đất.

Hơn nữa, cậu ấy đào rất nhiệt tình.

Điều quan trọng nhất là, cậu ấy còn không cho tôi phụ giúp.

Tôi ngượng ngùng: “Cậu mệt chưa, hay nghỉ chút đi?”

Cậu ấy ngẩng đầu lau mồ hôi, đôi mắt dịu dàng như nước, ánh lên vẻ lấp lánh như ngân hà rơi xuống: “Tôi không mệt, cậu đi chỗ mát nghỉ ngơi chút đi.”

“Để tôi lấy nước cho cậu nhé.”

Khi tôi mang nước ra, Lâm Vũ Hàng đã dọn dẹp xong xuôi.

“Cực nhọc rồi.” Tôi lấy khăn tay sạch lau mồ hôi trên trán cậu ấy, cậu ấy cũng ngoan ngoãn cúi xuống.

Ở khoảng cách gần, đôi mắt cậu ấy càng thêm trong sáng, như viên đá mã não đen lấp lánh.

Lông mi cong nhẹ, dường như có thể làm lòng người xao động.

Môi mỏng phớt hồng, trông rất giống miếng bánh đào hoa tôi vừa ăn lúc nãy.

“Lâm Thư Duệ, cậu cứ nhìn tôi mãi thế làm gì?” Lâm Vũ Hàng đột ngột hỏi, trong mắt tràn ngập nét cười tinh nghịch.

7

Không ngờ lại bị bắt quả tang, tôi vừa thẹn vừa tức: “Ai nhìn cậu chứ, tôi chỉ đang nghiên cứu xem vì sao da cậu đẹp thế, chẳng có chút lỗ chân lông nào.”

Đôi mắt trông đợi của Lâm Vũ Hàng tối sầm lại.

Tôi lặng lẽ lùi một bước.

Theo những gì tôi biết về cậu ấy, biểu cảm này là dấu hiệu cậu ấy sắp “phát khùng” rồi.

Nhưng cậu ấy chỉ liếc tôi một cái, không vui nói: “Cậu tránh tôi làm gì?”

“Tôi sợ cậu lại mắng tôi.”

Cậu ấy thở dài, đưa tay xoa đầu tôi: Lâm Thư Duệ, Lâm Thư Duệ, cậu đúng là một khúc gỗ đầu óc cứng nhắc.”

Đấy, lần trước bảo tôi là gỗ mục không thể điêu khắc.

Giờ lại nói tôi đầu óc như khúc gỗ.

Cảm ơn cậu nhiều nhé.

Một lúc sau, tôi mới nhận ra: “Này cậu, cậu vừa rửa tay chưa đấy?”

Lâm Vũ Hàng lẳng lặng rút tay khỏi đầu tôi.

Tôi không biết nên khóc hay cười.

Thôi rồi, lại phải gội đầu lại thôi.

“Cậu xem, hai đứa mình người đầy mồ hôi thế này, hay đi tắm đi?”

“Ừ.”

Tôi dẫn Lâm Vũ Hàng lên tầng hai.

Thấy tôi dẫn đường rất rành rọt, Lâm Vũ Hàng rụt rè hỏi: “Cậu thường làm gì vậy?”

Ồ, chắc cậu ấy hỏi tôi sau kỳ thi đại học, thường làm gì ở nhà?

Tôi nghĩ, kiểu gia đình nề nếp như nhà cậu ấy, chắc Lâm Vũ Hàng ở nhà toàn luyện chữ, chơi piano để giết thời gian.

Còn tôi thì…

Hoặc là nằm trên giường chơi điện thoại, trừ khi ăn uống hay đi vệ sinh mới chịu xuống giường, hoặc là chơi game đến tối tăm mặt mũi.

Haizz, nghĩ lại, cuộc sống của tôi quả thực giản dị đến tẻ nhạt.

Tôi dừng trước một phòng khách: “Cậu vào trước đi, tôi nhờ chị Trần lấy khăn và quần áo qua.”

“Ừ.” Lâm Vũ Hàng dừng một chút, có vẻ lo lắng: “Tôi sử dụng căn phòng này tắm rửa được không, có làm phiền cậu không?”

Làm phiền tôi?

Làm sao lại phiền được?

“Không phiền đâu, sao lại phiền?” Tôi ngạc nhiên.

“Ừ.”

“Tôi đi gọi chị Trần nhé. Cậu vào đi, chút nữa sẽ có người mang đồ qua cho cậu.”

Dặn dò chị Trần xong, tôi cũng về phòng tắm rửa.

Nhã Nhã thấy tôi thì tò mò hỏi: “Cậu đi đâu mà người đầy bùn đất và mồ hôi thế kia?”

“Đi trồng hoa. À, đúng rồi, Lâm Vũ Hàng cũng đến sớm, lát nữa cùng chơi game nhé?”

“Mặt lạnh như Diêm Vương cũng đến à?” Nhã Nhã kinh hãi: “Cậu bảo tôi chơi game với cậu ấy? Tôi sợ đến mức mật xanh muốn trào ra luôn đó!”

Lâm Vũ Hàng đáng sợ đến thế sao?

Nhã Nhã bắt đầu kể chi tiết.

Nghe lời miêu tả của Nhã Nhã về Lâm Vũ Hàng, tôi không khỏi nghi hoặc, đây thực sự là cùng một người sao?

“Người mà cậu miêu tả là kẻ mặt đơ, như AI không cảm xúc ấy, thực sự là Lâm Vũ Hàng sao?” tôi hỏi.

Nhã Nhã nghiêm túc gật đầu.

Tôi xoa cằm.

Nhưng người không cảm xúc ấy, lại chịu cùng tôi đi thu gom phế liệu;

Cùng tôi ngồi trong quán nhỏ giản dị mà mướt mồ hôi húp bát phở;

Khi tôi hạ đường huyết, còn đối mặt với ánh mắt không mấy thiện cảm của cô bán cơm mà mua cho tôi năm cái bánh bao thịt;

Cũng không quan tâm bộ đồ mới tinh trên người, ngồi xổm xuống đất giúp tôi đào đất.

Tôi lắc đầu nghiêm túc: “Cậu nói bậy rồi, cậu ấy không phải người như thế.”

Nhã Nhã nhìn tôi với ánh mắt đầy tò mò.

Tôi phớt lờ cái ánh mắt kỳ quặc của cô ấy, vào phòng tắm gội đầu tắm rửa, tiện đắp một miếng mặt nạ.

Nghĩ bụng, hôm nay là sinh nhật mình, không thể xuề xòa quá, thôi thì trang điểm một chút, thay một bộ đồ khác.

Khi tôi bước ra từ phòng thay đồ, miệng Nhã Nhã há thành hình chữ O: “Đây vẫn là Lâm Thư Duệ mà mình quen sao?”

Tôi nhấc váy, làm một động tác cúi chào kiểu công chúa, cực kỳ điệu bộ: “Dĩ nhiên không phải, hãy gọi tôi là Lâm · Công chúa · Marilyn · Thư Duệ.”

Nhã Nhã chậc lưỡi: “Lát nữa ra đánh vào mặt Trần Vi Vi và hội của cô ta đi.”

Đáng tiếc, tôi còn chưa kịp đánh vào mặt họ, đã lỡ tay “đánh” vào mặt Lâm Vũ Hàng trước.

Ngoài cửa truyền đến tiếng ồn ào.

Nghe loáng thoáng, dường như là giọng của bố tôi và Lâm Vũ Hàng.

Hai người hình như đang cãi nhau.

Nhã Nhã buột miệng: “Ô hô, bố vợ tương lai và chàng rể tương lai cãi nhau rồi kìa.”

Tôi lườm cô ấy một cái, rồi vội vàng chạy ra dàn hòa.