Chương 4 - Xuyên thành người vợ đầu tiên của phản diện bệnh kiều

14

Cơn đau âm ỉ ở bụng khiến tôi phải nằm bẹp trong khách sạn mấy ngày liền.

Đi khám cũng chẳng ra bệnh gì.

Tôi nằm thất thần trên giường.

Xem ra là định hành hạ tôi đến chết đây.

Nửa đêm, đau đến mức tôi trằn trọc không ngủ được, nước mắt cứ thế chảy dài.

Trong bóng tối, điện thoại bỗng sáng lên — là tin nhắn của Ôn Chước.

Tôi vừa khóc vừa nhấn mở, là… một tấm ảnh.

Một người một chó, kèm chú thích:

“Vợ ơi, Zizi nhớ em rồi nè.”

Zizi là chú chó nhỏ mà Ôn Chước mang về.

Tôi không thích ra ngoài cùng anh, thường xuyên ở nhà suốt, nên anh bảo sợ tôi buồn chán, mới mua chó cho tôi chơi.

Có Zizi bên cạnh, đúng là tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.

Trong ảnh chỉ thấy nửa mặt của Zizi, còn mặt Ôn Chước thì chiếm trọn khung hình.

Tóc rối bù, lông mày sụp xuống, biểu cảm tội nghiệp.

Ai đang nhớ tôi — nhìn một cái là rõ ngay.

Tôi lặng lẽ nhìn khuôn mặt anh trên màn hình, cơn đau cũng dịu đi ít nhiều.

Trong đêm tối tĩnh lặng và yếu đuối này, một ý nghĩ cứ thế bùng lên trong tôi: muốn chạy ngay về bên anh.

Tôi bắt chuyến bay ngay trong đêm.

Khi ánh bình minh nhẹ nhàng phủ lên gò má, tâm trạng tôi chưa bao giờ nhẹ nhõm đến thế.

Tại sao trước giờ tôi cứ buồn bã mãi?

Vì không có Ôn Chước.

Ở thế giới này, người duy nhất khiến tôi lưu luyến — là anh ấy.

15

Tôi không báo trước cho Ôn Chước, muốn cho anh một bất ngờ.

Khi trở về biệt thự, bên trong vắng tanh không một bóng người.

Giờ này chắc anh đang ở công ty, không biết thời gian qua có còn bị điều khiển ý thức nữa không.

Anh cũng đã lâu không nhắc đến chuyện đó rồi.

Chờ đợi cũng chán, tôi quyết định đến công ty tìm anh luôn.

Tiện tay làm vài phần bánh ngọt đem theo.

Lễ tân ở công ty rất thân thiện, nhiệt tình dẫn tôi lên tầng làm việc của Ôn Chước.

Nói thật, tôi chưa từng thấy dáng vẻ anh khi làm việc bao giờ.

Chưa kịp bước tới, cửa văn phòng đã mở ra từ bên trong.

Ôn Chước chỉnh tề trong bộ vest, từ bên trong bước ra, bên cạnh là một cô gái đi sát theo sau.

Chỉ một cái liếc mắt, tôi đã nhận ra — là nữ chính, Tô Vận Chi. Ngoài đời còn xinh hơn cả trong ảnh.

Tôi theo phản xạ nép người trốn đi.

Không biết hai người đang nói chuyện gì, Ôn Chước bỗng đưa tay vén nhẹ lọn tóc vướng bên tai cô ấy.

Động tác dịu dàng, ánh mắt trìu mến.

Khoảnh khắc đó, tôi thật sự không phân biệt được — là do cốt truyện điều khiển, hay là… tình cảm thật sự?

Tôi đưa bánh cho cô lễ tân nhiệt tình rồi lặng lẽ rời khỏi công ty.

Từng bước đi như có đá đè lên ngực, nặng trĩu đến nghẹt thở.

Dù gì Ôn Chước cũng chỉ là một nhân vật được lập trình sẵn, làm sao có thể thoát khỏi kịch bản định sẵn?

Tôi ngửa đầu, hít một hơi thật sâu, cố xua đi cảm giác cay xè nơi sống mũi.

“Du Du!”

Một giọng nói đầy vui mừng và lo lắng bất ngờ vang lên phía sau lưng tôi.

Tôi còn chưa kịp quay đầu, tiếng bước chân vội vã đã nhanh chóng chạy đến trước mặt tôi.

Là Ôn Chước — mái tóc trước trán hơi rối, nhưng ánh mắt lại rực sáng, giọng đầy hứng khởi:

“Vợ ơi, cuối cùng em cũng về rồi!”

“Sao không nói trước với anh để anh ra sân bay đón?”

“Đi chơi có mệt không?”

Vừa nói, anh vừa ôm chặt lấy tôi, giọng nói tràn đầy nhớ nhung và tủi thân:

“Vợ ơi, anh nhớ em nhiều lắm.”

Hàng mi tôi khẽ rung lên, vừa định mở miệng đáp lời, thì khoé mắt bất chợt thấy một chiếc xe mất lái đang lao thẳng về phía chúng tôi.

Ôn Chước đứng quay lưng về phía chiếc xe, hoàn toàn không nhận ra mối nguy hiểm đang cận kề.

Trong tích tắc, đầu óc tôi trống rỗng, không suy nghĩ gì, dùng hết sức đẩy mạnh Ôn Chước ra khỏi đó.

“Rầm——”

Một tiếng va chạm vang lên chói tai, cả thế giới như ngừng lại trong khoảnh khắc đó.

“Du Du——!!”

Tiếng hét đầy tuyệt vọng của Ôn Chước vang vọng khắp không gian.

16

Lúc mở mắt ra lần nữa, tôi đang ở trong bệnh viện.

Không sai, tôi vẫn còn sống — khá bất ngờ đấy.

Bản năng sinh tồn mãnh liệt khiến tôi kịp né tránh phần nào, may mà chiếc xe trước khi đâm tới cũng đã giảm tốc, tuy tránh không kịp hoàn toàn nhưng cuối cùng tôi vẫn giữ được mạng.

Bác sĩ nói chỉ cần nghỉ ngơi một tuần là có thể xuất viện, không có vấn đề nghiêm trọng. Tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Ôn Chước ngồi cạnh, lặng lẽ đút cho tôi ăn táo, khác hẳn mọi khi.

Nghĩ lại lúc vừa tỉnh dậy, anh mắt đỏ hoe, cuống cuồng gọi bác sĩ.

Khi bác sĩ kiểm tra, tôi tận mắt thấy anh ngồi bên cạnh rơi nước mắt không ngừng.

Ánh mắt lo lắng ấy như thiêu cháy tim tôi.

“Sao em im lặng thế?”

Một lúc lâu sau anh mới lên tiếng, giọng nghẹn ngào:

“Tất cả là do anh… tại cái miệng quạ đen của anh.”

Miệng quạ đen?

Tôi lập tức hiểu ra — anh đang nhớ lại chuyện lần trước, khi anh từng nói câu: “Nếu có lần sau…”

Chuyện đã qua lâu vậy mà anh vẫn nhớ rõ. Tôi vừa thấy buồn cười vừa thấy bất lực.

Làm gì có lỗi của anh — rõ ràng là do cái kịch bản chết tiệt này.

Tôi nhẹ nhàng trấn an:

“Thôi nào, chỉ là tai nạn ngoài ý muốn thôi.”

Anh ngẩng đầu lên, ánh mắt nghiêm túc xen lẫn lo lắng:

“Du Du, anh từng nói rồi… anh không cần em chắn trước mặt anh.”

Nếu là trước đây, tôi chắc chắn sẽ chỉ nghĩ cách giữ mạng sống.

Nhưng lần này, trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ: phải bảo vệ anh ấy.

Đối mặt với lời anh nói, tôi mỉm cười nhẹ tênh:

“Cần hay không, em vẫn làm rồi còn gì.”

Trong mắt anh là sự phản đối mạnh mẽ, sắc mặt trở nên nghiêm trọng.

Nhưng tôi không hề hối hận.

Thì ra, từ lúc nào không hay, Ôn Chước đã trở thành một phần quá quan trọng trong cuộc sống của tôi.

Tôi không để anh kịp mở miệng:

“Anh cứ nói đi, có cảm động không?”

“Xong rồi nhé, giờ thì anh phải yêu em cả đời thôi.”

Tôi vừa nói vừa trêu.

Anh bất lực nhìn tôi, nhưng giọng thì dịu dàng, đầy chân thành:

“Em chẳng cần làm gì cả, vì vốn dĩ… anh đã yêu em cả đời này rồi.”

Tôi chỉ cười khẽ.

Tôi không dám tin hoàn toàn vào những lời anh nói lúc này.

Vì một đời người quá dài, ai dám chắc điều gì?

Huống hồ… anh vẫn còn bị ràng buộc trong cốt truyện không thể tự mình thoát ra.

17

Một tuần sau, lẽ ra sức khỏe tôi nên hồi phục dần, nhưng lại ngày càng tệ đi.

Lúc thì toàn thân rã rời, lúc thì đau đầu như muốn nổ tung.

Hôm ấy, khi Ôn Chước đang đút cơm cho tôi, đột nhiên sắc mặt anh thay đổi hẳn.

“Bác sĩ! Gọi bác sĩ mau!”

Tôi ngơ ngác:

“Anh làm gì vậy?”

“Vợ ơi, em không sao chứ?! Sao lại chảy máu cam vậy?!”

Tôi sững người — máu mũi loang ra cả tấm ga trắng tinh.

Kèm theo đó là cơn chóng mặt dữ dội.

Tỉnh lại lần nữa, bên ngoài cửa sổ tối đen, trong phòng ánh đèn vàng nhạt hắt xuống, yên tĩnh đến đáng sợ.

Vừa mở mắt, tôi lại bắt gặp ánh mắt đỏ hoe của Ôn Chước.

Tôi thầm thở dài — lần thứ bao nhiêu anh khóc vì tôi rồi?

Thấy tôi tỉnh lại, cả người anh chấn động, trong mắt lóe lên niềm vui, rồi nước mắt lại rơi không kìm được, giọng đầy day dứt:

“Xin lỗi… xin lỗi em, anh đã không bảo vệ được em… lại để em bị thương nữa rồi…”

Vai anh khẽ run, hai tay nắm chặt lấy mép chăn như cố gắng kìm nén cảm xúc.

“Du Du, em nói đúng… anh đúng là đồ xui xẻo. Em ở bên anh, cũng sẽ gặp xui xẻo…”

Nghe anh nói vậy, tim tôi thắt lại — tại sao những lời anh ghi nhớ luôn là những câu tôi nói trong lúc tức giận chứ…

Xung quanh yên tĩnh đến mức đáng sợ, chỉ còn tiếng nấc nghẹn anh cố kìm nén vang lên rất khẽ.

Tôi nhìn anh, trong lòng bỗng nhiên dâng lên một sự bình thản chưa từng có.

Suy nghĩ trôi dạt giữa khoảng lặng bao trùm.

Một lúc sau, tôi hít sâu một hơi, cất giọng nhẹ nhàng nhưng kiên định:

“Ôn Chước, thật ra em đến từ một thế giới khác.”

Đây là đoạn cuối rồi, tôi muốn để Ôn Chước biết, càng muốn để anh nhớ kỹ về tôi.

Ôn Chước rõ ràng cũng cảm nhận được điều gì đó, siết chặt tay tôi.

Tôi siết lại tay anh:

“Nhưng thế giới đó giờ cũng không còn em nữa.”

Ở thế giới cũ, tôi luôn là một kẻ cô đơn.

Không có gia đình hạnh phúc, cũng chẳng có tình bạn thật sự.

Tôi sinh ra trong một gia đình trọng nam khinh nữ đến cực đoan, từ đầu đã không có quyền được hy vọng vào tình thân hay niềm vui.

Trước khi em trai tôi ra đời, tôi đã phải giặt giũ, nấu ăn.

Sau khi em tôi sinh ra, tôi giặt giũ, nấu ăn và kiêm luôn chăm em.

Mẹ tôi luôn miệng nói con gái thì không cần học nhiều, học cũng chẳng để làm gì.

Thế nên, học phí ba năm cấp ba đều do tôi tự đi làm thêm vất vả kiếm từng đồng.

Tôi đã cố gắng hết sức, thi đậu một trường đại học danh tiếng — chỉ để chứng minh rằng con gái cũng có thể giỏi giang, cũng có thể thành công.

Nhưng vì tính cách trầm lặng, không khéo léo, sau khi tốt nghiệp, tôi chỉ làm một công việc bình thường ở công ty nhỏ, lương cũng không cao không thấp.

Vậy mà lại trở thành đề tài để họ hàng mỉa mai — nào là “vô dụng”, “mọt sách”.

Mẹ tôi thì càng gay gắt:

“Học lắm làm gì, đến tiền cưới cho em mày cũng không lo nổi, thà sớm lấy chồng còn hơn.”

Tôi cứng họng, không thể đáp lại một lời.

Cảm giác bất lực tràn ngập khắp cơ thể.

Sau hai năm đi làm, cuộc sống vẫn không có chút tiến triển, tôi bị ép đi xem mắt.

Đối tượng xem mắt trông già hơn tuổi, ánh mắt đầy khinh thường:

“Cô kiếm được chẳng bao nhiêu, sau khi cưới còn phải dựa vào tôi nuôi. Nhưng tôi sẽ không nuôi cả nhà cô đâu, nhất là em trai cô.”

Trong mắt anh ta, tôi như một thứ “máy chuyển tiền”, một kẻ sống vì em trai, không hơn không kém.

Tôi bỏ về ngay tại chỗ.

Sau đó, mẹ tôi mắng tôi “cao ngạo nên ế”, họ hàng cũng hùa theo nói tôi “chảnh”.