Chương 3 - Tôi Muốn Là Chính Mình Không Còn Là Tống Phu Nhân

Mãi cho đến khi ánh sáng mờ mờ xuất hiện ngoài cửa sổ.

Trời sắp sáng rồi.

Tôi phải dậy chuẩn bị bữa sáng.

Hôm nay hai đứa con trai sẽ đưa các cháu về chơi.

Cháu trai thích ăn bánh bao tôi làm, cháu gái thích cháo trứng bắc thảo, con dâu học ở nước ngoài, thích ăn sandwich, còn Tống Liêm thì thích mì tự tay tôi cán.

Cả nhà mỗi người một khẩu vị, tôi sẽ phải bận rộn suốt buổi sáng.

Tôi vén chăn ngồi dậy.

Đột nhiên, cửa phòng bị đẩy ra, một bóng dáng vừa lạ vừa quen xông vào.

“Này, mấy giờ rồi mà còn ngủ! Tối qua Tống Liêm ho cả đêm, chị còn yên tâm ngủ à?”

“Mau dậy đi, hôm nay phần công điểm của nó, chị cũng phải làm cho xong đấy.”

Người phụ nữ trung niên mặc áo bông đỏ, búi tóc gọn gàng, má đỏ hồng, mắt dài và sáng.

Bà ta ôm trong tay một chậu gỗ chất đầy quần áo bẩn.

“Nhân tiện giặt hết chỗ này luôn đi. Ngoài ruộng còn cả đống việc, tôi bận chết được.”

7

Tôi ngơ ngác nhìn khuôn mặt vừa xa lạ vừa quen thuộc ấy rất lâu, trong lòng vô cùng kinh ngạc.

Mẹ chồng?

Mẹ chồng tôi đã qua đời hơn mười năm rồi, sau khi bà mất, tôi mới được vài năm thảnh thơi.

Sao lại nhìn thấy bà ấy?

Tôi nhìn quanh bốn phía.

Căn nhà đất thô sơ, chiếc bàn gỗ ba chân, cửa sổ dán báo cũ nát.

Đây là… làng Nam Nê những năm bảy mươi?

Nhận ra mình đã trọng sinh, tôi ngồi chết lặng trên giường, tâm trạng ngổn ngang trăm mối.

Mẹ chồng thấy tôi không nhúc nhích, bước đến đẩy tôi một cái.

“Ngây ra đó làm gì!”

“Hồi trẻ đã ngu rồi, không hiểu nổi sao con trai tôi lại lấy cô.”

Mẹ chồng khó chịu giục tôi.

“Mau chóng giặt xong đống đồ này, rồi ra ruộng làm việc với tôi.”

Nói xong, bà ấy vội vã bỏ đi.

Tôi lảo đảo đi theo, như trong cơn mộng du, bước ra khỏi cánh cửa căn nhà cũ.

Ngay ngoài cửa không xa có một cái giếng nước, mấy cô gái trẻ quấn khăn đầu đang ngồi xổm bên giếng giặt quần áo.

Vừa cầm chày đập mạnh xuống vải, vừa trò chuyện rôm rả.

“Tống Liêm lại ốm nữa hả?”

“Thanh niên trí thức thành phố mà, thân thể yếu đuối, quý giá lắm.”

“Quý giá cái gì mà quý giá, xuống nông thôn cũng bảy năm rồi còn gì? Vẫn chưa thích nghi được, tội nghiệp Quán Nguyệt ngốc nghếch kia, lại phải thay nhà họ làm việc.”

“Tội nghiệp gì, Tống Liêm nhìn cũng được mà, lại có học thức, nếu không phải vì mẹ anh ta khó tính, tôi cũng muốn gả con gái cho rồi.”

Tôi khựng bước.

Bảy năm hạ nông?

Tôi nhớ mình năm mười chín tuổi mới đi hạ nông, đến hai mươi bảy tuổi mới cưới Tống Liêm. Nếu bây giờ là năm thứ bảy, thì có nghĩa là… tôi còn chưa kết hôn với anh?

Vậy mà mẹ anh đã bắt tôi làm việc cho nhà họ?

8

Tôi cố lục lại ký ức, nhưng thời gian đã quá xa, nhiều chuyện cũng mơ hồ rồi.

Năm đó, tôi cố gắng lắm mới từ một làng quê nghèo khó thi đậu đại học, học được một năm thì vướng vào thời kỳ đặc biệt, tất cả sinh viên phải dừng học, xuống nông thôn tham gia lao động.

Tôi và Tống Liêm bị phân về thôn Nam Nê ở Thiểm Tây.

Tống Liêm may mắn hơn, vì thôn đó chính là quê ngoại của mẹ anh.

Cha anh mất sớm, mẹ anh thấy con trai về quê mình thì vội vã dọn tới sống cùng.

Trong làng còn có ba người cậu, mọi người chăm sóc nên cuộc sống của anh dễ chịu hơn nhiều so với những trí thức trẻ khác.

Ban đầu, tôi cũng không nghĩ sẽ gả cho anh.

Tôi còn mơ được quay lại giảng đường.

Khi ấy, bất chấp sự chế giễu và coi thường của người xung quanh, tôi vẫn kiên trì giặt giũ xong là ngồi bên bếp, dưới ánh đèn dầu, ôn bài.

Mẹ tôi vì tôi mà suốt ngày cãi nhau với ba, rồi với bà nội, như con gà chiến mổ khắp mọi người, chỉ để bảo vệ giấc mơ tưởng chừng viển vông của tôi.

Ngày nhận được giấy báo nhập học, bà mừng rơi nước mắt, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, rồi ép tờ giấy đó dưới mặt kính đầu giường.

“Tôi biết mà, con gái tôi rồi sẽ có tương lai, sẽ trở thành người thành phố, làm việc cho nhà nước.”

“Không cần phải ra đồng làm nông dân nữa.”

Ai ngờ, sau tất cả cố gắng ấy, tôi chỉ từ vùng quê nghèo miền Nam chuyển tới vùng đất cằn cỗi miền Bắc.

Vẫn làm đồng, vẫn là nông dân.

Giữa những ngày nắng gió, tôi ngẩng đầu khỏi mảnh đất vàng, nhìn đôi bàn tay chai sạn, mới chợt nhận ra những công thức toán học và những bài thơ từng thuộc lòng, giờ đã mơ hồ như ánh trăng đáy nước.

Cuộc sống trong tháp ngà đại học, dường như chỉ còn là một giấc mộng xa xôi.

Khi đó, ai cũng nghĩ rằng mình không thể trở về được nữa.

Trên tường đầy rẫy những khẩu hiệu hô hào xây dựng Nam Nê thành ốc đảo xanh của Tây Bắc.

Không xây xong thì lấy gì mà về?

Mà công trình ấy, phải mấy thế hệ mới xong nổi.

Tôi bắt đầu chấp nhận hiện thực.

Trong làng, tôi thấy Tống Liêm dễ chịu hơn những người khác, hai đứa cũng nói chuyện hợp gu.

Thế là tôi chủ động tiếp cận, lấy lòng anh, cuối cùng thuận lợi gả cho anh.

Không ngờ, vừa kết hôn được một năm, chính sách thay đổi, trí thức trẻ đều được phép trở về thành phố, còn được sắp xếp công việc.

Chỉ là, người đông việc ít, phải xếp hàng chờ.

Ban đầu, tôi cũng có suất.

Nhưng đúng lúc đó, tôi mang thai.

Nhân viên ở phòng công tác ái ngại nhìn tôi.

“Đồng chí Quán Nguyệt, công việc này vất vả lắm, phải xuống xưởng, làm việc tới nửa đêm.”

“Còn phải leo trèo khắp nơi, tình trạng của cô không hợp đâu, đợi đợt sau nhé, tôi sẽ ưu tiên sắp cho cô việc nhàn hơn.”

Đợi đợt sau, con trai lớn của tôi chào đời.

Mẹ chồng vốn khỏe mạnh, đột nhiên phát bệnh đau đầu, không chịu được tiếng ồn, đụng nước lạnh cũng không xong.

Tôi đành phải ở nhà chăm con, chăm mẹ chồng, nhường lại cơ hội việc làm.

Sau đó, tôi sinh thêm đứa thứ hai.

Hai đứa con trai, nghịch như quỷ, hút cạn sức lực tôi.

Khi các con lớn hơn, tôi gửi chúng tới nhà trẻ, thì mẹ chồng lại bất ngờ bị đột quỵ.

Thời ấy không thể thuê bảo mẫu. Ai thuê bảo mẫu sẽ bị chửi là địa chủ, là phản động.

Tôi chỉ còn cách ở nhà chăm mẹ chồng.

Những năm đó, ngày ngày tôi đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, bốc thuốc, lau người cho mẹ chồng, đón con tan học, kèm chúng làm bài, dọn dẹp đống lộn xộn trong nhà, rửa ráy, dỗ ngủ…

Đến khuya, tôi mới được ngã lưng xuống giường.

Ngày nào cũng thế, lặp đi lặp lại như cái máy.

Tới lúc giật mình nhìn vào gương, tôi đã thấy một gương mặt xa lạ.

Tóc hoa râm, nếp nhăn hằn sâu nơi khóe mắt, ánh mắt vô hồn, đầy mệt mỏi.

Tôi bỗng thấy mình đã già mất rồi.

Sao thời gian lại trôi nhanh thế?

Cứ ngỡ đã làm được bao nhiêu việc, nhưng ngoảnh lại, chẳng có gì thuộc về mình.

Cả đời tôi, chỉ sống vì người khác: làm con dâu nhà người, làm vợ người ta, làm mẹ người ta.

Chưa bao giờ, tôi được làm chính mình.

Càng lúc Tống Liêm càng thành đạt, tên tuổi tôi càng mờ nhạt.

Mọi người đều gọi tôi là “phu nhân Tống”.

Còn Quán Nguyệt thì sao?

9

“Quán Nguyệt, Quán Nguyệt!”

Tiếng chày nện mạnh lên đống quần áo bẩn mờ màu.

Nước giếng bắn tung tóe lên giày tôi.

Chị Xuân Phương nháy mắt với tôi.

“Ngẩn ra làm gì? Mau qua đây giặt đồ, tôi thấy mẹ Tống Liêm mang cho cô một chậu to đấy. Không nhanh thì giặt không xong đâu.”

Chị dâu Quế Hoa đứng bên bĩu môi.

“Người ta còn chưa về làm dâu đã bị sai bảo thế này, Quán Nguyệt à, cô hiền quá rồi. Sau này về nhà chồng, khổ đấy.”

“Phải biết giữ giá một chút chứ.”

Một bác gái khác cười khẩy.

“Ba mươi tuổi đầu còn đòi giá với cả trị. Có người chịu lấy là may lắm rồi, đừng nói giặt quần áo, bảo giặt quần lót còn phải giành mà giặt ấy chứ!”

Tôi nhìn kỹ người vừa nói, mới nhớ ra bà ta là mẹ của Trịnh Thiết Trụ, người từng nhờ mối mai đến dạm hỏi tôi nhưng bị tôi từ chối. Từ đó bà ta luôn kiếm cớ mỉa mai tôi.

Tôi mỉm cười.

“Ai thích giặt thì giặt, tôi không rảnh.”

Nói rồi, tôi xách cuốc, ngẩng cao đầu đi vòng qua giếng, thẳng hướng cánh đồng tập thể phía bắc.