Chương 8 - Tái Sinh Ngày Kỷ Niệm Cưới
“Em cũng biết mà, bố mẹ anh đã vất vả nuôi anh nên người…”
Lại là mấy câu nói cũ rích đó, tôi lập tức lớn tiếng cắt ngang:
“Phải rồi, bố mẹ anh là khổ nhất trần đời! Vậy anh nhanh về sống với họ đi!”
“Trương Khánh An, tôi nói lại lần nữa, tôi sẽ không tái hôn với anh đâu!”
Nói xong, tôi giật tay ra khỏi tay anh ta, để lại một mình anh ta đứng lẻ loi trong con hẻm.
Tôi cứ tưởng sau màn bị tôi mắng té tát đó, anh ta sẽ biết điều mà từ bỏ, dù gì thì anh ta cũng là người sĩ diện.
Nhưng giờ tôi mới hiểu, anh ta không phải là người “sĩ diện”, mà là người “mặt dày” nhất trên đời.
Buổi sáng tôi bán bánh, anh ta đứng ngay bên diễn màn khổ nhục kế, khóc lóc xin tôi tha thứ.
Chiều tôi bày sạp, anh ta lại giả vờ dịu dàng, kể khổ kể sở.
Tối đến, anh ta lẽo đẽo theo sau tôi, đứng trước ngõ, gặp ai cũng kể lể rằng tôi vô tình, một mực đòi tái hôn.
Dù tôi có mỉa mai, đuổi thẳng, anh ta vẫn không chịu rời nửa bước.
Vài ngày sau, bắt đầu có hàng xóm mềm lòng thay anh ta nói đỡ:
“Mạn Linh, thầy Trương biết sai rồi, cô cũng đừng quá đáng quá.”
“Đúng rồi, người ta nói ‘ngựa quay đầu là vàng’, tha thứ cho nhau đi.”
Tôi nghe mà cười lạnh.
Vàng cái gì? Tôi chỉ biết là ngựa tốt không ăn cỏ đã nhổ.
Huống hồ gì, thứ cỏ đó còn là cỏ thối rữa, bẩn thỉu tận ruột.
9
Nghe có người bênh mình, Trương Khánh An liền xán lại, thuận đà phụ họa:
“Đúng đó Mạn Linh, em đừng giận nữa mà…”
Tôi lườm anh ta một cái, sau đó đến tiệm tạp hóa mượn một cái loa, đứng lên ghế, nhìn xuống mọi người.
“Khụ khụ, chắc mọi người đều biết Trương Khánh An định tái hôn với tôi rồi nhỉ.”
“Chúng tôi ly hôn, theo pháp luật thì anh ta phải chu cấp tiền nuôi San San hằng tháng, nhưng anh ta chưa từng đưa một xu.”
“Ngược lại, lúc còn là vợ chồng, anh ta âm thầm chuyển toàn bộ tiền lương tôi tích góp được về cho nhà họ Trương — đây là phiếu chuyển tiền.”
“Còn giờ anh ta quay lại muốn tái hôn, chẳng qua là muốn tôi trả nợ cờ bạc thay cho em trai anh ta.”
“Tôi, Tôn Mạn Linh, nói rõ tại đây — kiếp này tôi sẽ không bao giờ tái hôn với Trương Khánh An!”
Một câu nói khiến cả con phố rúng động, bên dưới xôn xao bàn tán.
“Tôi cũng nghe nói em trai hắn nợ cờ bạc đấy.”
“Còn nghe đâu vị hôn thê trước cũng vì chuyện đó mà bỏ chạy.”
“Tsk tsk, nhà họ Trương đúng là không ra gì.”
…
Những người vừa nãy còn bênh vực Trương Khánh An lập tức quay lưng, chỉ trỏ mắng nhiếc anh ta.
Anh ta tức đến mức gân xanh nổi đầy trán, lao lên định kéo tôi lại, thì bị hai cảnh sát chặn lại:
“Trương Khánh An, anh bị nghi ngờ làm lộ đề thi, mời theo chúng tôi một chuyến.”
Anh ta hoảng loạn đến mức chân mềm nhũn, giọng run rẩy:
“Các anh… các anh nhầm rồi… tôi không có…”
Đột nhiên, như nghĩ ra điều gì, anh ta trừng mắt, chỉ tay vào tôi quát:
“Tôn Mạn Linh! Là cô tố cáo tôi phải không?!”
Chỉ tiếc, câu hỏi đó của anh ta mãi mãi sẽ không có câu trả lời.
Kiếp trước, Trương Khánh An đã từng lợi dụng chức vụ để tiết lộ đề thi cho con cái của một số trưởng phòng trong nhà máy, đổi lấy lợi ích.
Tôi khi đó vẫn bị anh ta che mắt, đến khi vô tình phát hiện ra mấy tờ phiếu chuyển tiền, anh ta mới ú ớ thú nhận sự thật.
Lần này, tôi vốn định mắt nhắm mắt mở cho qua nhưng Trương Khánh An lại càng được nước lấn tới.
Tôi đem toàn bộ phiếu chuyển tiền thu thập được làm bằng chứng, báo cáo lên phòng giáo dục.
Lần này đủ để cho anh ta nếm mùi hậu quả.
Sau khi Trương Khánh An bị bắt đi, tôi tưởng mọi chuyện đã chấm dứt.
Không ngờ mẹ anh ta lại xông đến quầy hàng của tôi, hất tung cả sạp bánh lên.
“Tôn Mạn Linh! Mày dám hại con trai tao!”
“Đồ đàn bà không biết xấu hổ! Nhà họ Trương rước mày đúng là vận đen tận mạng!”
“Giờ con tao bị bắt rồi, mày cắt đứt nguồn thu của nhà tao, định để cả nhà tao chết đói chắc? Trừ phi…”
Tôi nhìn gương mặt bà ta nhăn nhúm đầy căm hận, lại bật cười:
“Trừ phi sao?”
Ánh mắt bà ta dán chặt vào hộp bánh quy đựng tiền của tôi, hai mắt sáng rực lên:
“Trừ phi mày đưa cho tao ba mươi đồng mỗi tháng, coi như bù đắp tổn thất cho nhà tao.”
Tôi gật đầu đầy suy tư:
“Cũng đúng, không thể để các người chết đói được.”
Bà ta thấy tôi gật đầu, tưởng tôi đồng ý thật, liền cười toe toét, định thò tay vào hộp tiền.
Tôi nhanh như chớp túm chặt lấy cổ tay bà ta:
“Tôi nói là cho ăn, nhưng không phải ăn theo kiểu này.”
Cảnh sát lập tức xuất hiện, lấy lý do gây rối trật tự để đưa bà ta đi.
Trước khi bà ta bị dẫn đi, tôi ghé sát tai bà ta, mỉm cười thì thầm:
“Giờ thì khỏi lo chết đói nữa rồi ha.”
Thật ra ngay từ lúc bà ta xuất hiện, tôi đã nhờ người ở sạp bên cạnh gọi công an, chuẩn bị sẵn cho tình huống này.
Từ sau lần đó, mỗi lần bà ta nhìn thấy tôi đều tránh đi như tránh tà, cuộc sống của tôi lại trở nên yên bình như trước.
Bánh tiêu của tôi ngày càng ngon, sáng nào cũng có người xếp hàng dài đến một vòng rưỡi quanh con hẻm.
Quần áo tôi may cũng rất được ưa chuộng, chưa đến nửa tiếng là sạp chỉ còn trơ ra tấm khăn trải bàn.
Tôi dùng số tiền kiếm được thuê một mặt bằng, giao lại cho Triệu Tú Kiều quản lý.
Còn tôi thì chuẩn bị đưa San San đến Thượng Hải phát triển.
Lần rời đi trước là bị ép buộc, nhưng lần này là để hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
Đến Thượng Hải, công việc kinh doanh của tôi ngày một phát đạt, từ sạp hàng đến cửa tiệm rồi thành công ty, từ nhà cấp bốn đến nhà hai tầng rồi biệt thự kiểu Tây.
Tôi nắm tay San San đứng trước ngôi nhà mình tự tay gây dựng, nhìn thành quả sau bao năm cố gắng, nước mắt không kìm được mà rơi.
Tin tức về Trương Khánh An tôi nghe được lần nữa là năm năm sau — anh ta vừa mãn hạn tù.
Anh ta mất việc, về nhà thì bị bố mẹ đuổi thẳng, tiền tích cóp trong mấy năm cũng bị lôi ra trả nợ hết, trắng tay hoàn toàn.
Bị dồn đến đường cùng, một đêm anh ta cầm dao đâm chính bố mẹ ruột.
Khi cảnh sát đến, anh ta ôm thi thể đẫm máu, vừa khóc vừa gào lên, trách họ thiên vị.
Nhưng tất cả chuyện đó đã chẳng còn liên quan gì đến tôi nữa.
Hiện tại tôi sống rất tốt.
Tốt hơn bất cứ lúc nào.