Chương 2 - Quay Về Ngày Khai Giảng
“Lại là vì mẹ cậu chỉ cho từng ấy tiền sinh hoạt đúng không?”
Tôi hơi ngập ngừng rồi gật đầu.
Tôi không nói với cô ấy rằng mẹ tôi thực ra đã cắt hoàn toàn tiền sinh hoạt của tôi.
Cô ấy tức đến mức không kiềm được.
“Thật quá đáng! Giờ ăn ở căn tin một bữa còn gần mười tệ rồi đấy!
Bà ấy có còn coi cậu là con ruột không vậy?”
Tôi vỗ nhẹ tay cô ấy, ra hiệu bình tĩnh.
“Đừng giận nữa, tớ nghĩ ra cách rồi.”
“Cách gì?”
Tôi cười thần bí.
“Một cách vừa giúp tớ được ngồi điều hoà, lại vừa khiến một số người phải trả giá.”
Lâm Vi còn định hỏi tiếp, nhưng tôi đã lảng sang chuyện khác.
Hiện tại chưa phải lúc để nói với cô ấy toàn bộ kế hoạch.
Tôi cần cô ấy giúp mình vào thời điểm quan trọng nhất.
Nhưng chưa phải bây giờ.
2.
Vài ngày tiếp theo, cuộc sống của tôi trở nên bận rộn bất thường.
Đi học, làm thêm, vận hành tài khoản thử thách sinh tồn mà tôi vừa lập.
Video đầu tiên của tôi ghi lại cách tôi xoay sở ba bữa ăn mỗi ngày mà không tốn đồng nào.
Bữa sáng: một cốc nước máy, dùng chai nhựa tự chế thành máy lọc đơn giản, lọc xong là uống luôn.
Bữa trưa: lập tức chạy đến quầy phát súp miễn phí, cố ăn được một bát có chút rau hoặc rong biển.
Bữa tối: lặp lại y hệt bữa trưa.
Video không nhạc nền, chỉ có giọng tôi bình tĩnh đọc thuyết minh,ghi lại khách quan từng chi tiết trong chế độ ăn của mình.
Cuối video là phần tổng kết ngày.
“Kinh phí ăn uống hôm nay: 0 đồng.”
“Chi phí phát sinh hôm nay: thẻ sinh viên 1.14 đồng, bột giặt 0.3 đồng. Tổng cộng 1.44 đồng.”
Sau khi đăng lên, phản ứng của người xem khá thờ ơ.
Chỉ có vài người kiên nhẫn xem hết video… nhưng lại là để chửi tôi.
【Đệt, lại thấy mấy trò diễn xiếc rẻ tiền này, chúc cả nhà tác giả ra đỡ tai hoạ thay tôi.】
【Cô em à, không biết là em nghèo thật hay đang diễn trò kiếm fame nữa, nhưng dù nghèo cũng không đến mức uống nước máy từ nhà vệ sinh trường chứ? Bẩn chết đi được.】
【Đúng đó, dù có khổ mấy thì trường cũng có nước nóng giá 1 xu 1 cốc to mà uống được chứ? Bánh bao 5 xu cái, rau xào 3 đồng một phần ăn cũng không đắt mà?
Còn nữa, em dùng bột giặt để gội đầu tắm rửa, lại còn dùng nước lạnh trong nhà vệ sinh trường, em không sợ bị lạnh tử cung à?
Đừng vì câu view mà huỷ hoại sức khỏe bản thân, thương lấy chính mình đi.】
【Đúng vậy đó, bọn tôi muốn xem là những nội dung thật sự hữu ích, ví dụ như sinh viên đại học hết tiền cuối tháng sống sót kiểu gì, chứ không phải xem cô tự ngược thế này. Block đây!】
Tôi lướt từng bình luận một.
Rồi dưới dòng khuyên tôi nên đối xử tốt với bản thân hơn, tôi lạnh lùng trả lời:
【Không đủ tiền.】
Sau đó, tôi mặc kệ phản ứng ở phần bình luận, trực tiếp tắt ứng dụng.
3.
Nửa tháng sau, dự báo thời tiết liên tục phát cảnh báo nắng nóng.
Nhiệt độ mỗi ngày một tăng.
35 độ, 37 độ, 39 độ…
Không khí như bị đốt cháy, đặc quánh và bỏng rát.
Chiếc quạt trần cũ kỹ trong phòng ký túc thổi ra thứ gió nồng mùi gỉ sắt và bụi bặm, nóng đến rát mặt.
Tài khoản “Thử thách 0 đồng” của tôi, sau nửa tháng, cũng bắt đầu có dấu hiệu viral.
Lượng người theo dõi tăng dần lên hơn một nghìn.
Mỗi ngày đều có người giục ra video mới, muốn xem hôm nay tôi lại khổ sở thế nào.
Tôi vẫn từ tốn đăng bài như cũ.
Chỉ là trong video, có thêm một vài chi tiết không thể phớt lờ.
Trán tôi luôn đẫm những giọt mồ hôi lấm tấm.
Áo phông dính chặt sau lưng vì ướt đẫm mồ hôi.
Và sắc mặt tôi ngày càng nhợt nhạt.
Không khí ở phần bình luận cũng bắt đầu thay đổi.
“Cô gái, đừng nói là đang chơi thật nhé? Hôm đầu tiên dù gầy nhưng trông vẫn còn khỏe, giờ nhìn như sắp ngất đến nơi.”
“Phòng cậu không có điều hoà à? Nhìn nóng đến trắng bệch cả mặt. Đừng câu view nữa, thời tiết này không có điều hoà thật sự nguy hiểm, mạng quan trọng hơn!”
“Chủ kênh nói là sinh viên trường 211, tôi tra tất cả các trường 211 ở vùng IP của bạn, trường nào cũng có điều hoà. Rõ ràng đang làm màu!”
Thấy sắp có một trận khẩu chiến mới, tôi chọn một bình luận gần nhất và đáp lại bằng giọng điệu rất thản nhiên:
“Không phải đâu, có thể xin chuyển sang phòng có điều hoà, chỉ cần thêm 50 tệ mỗi tháng là được.”
Ngay dưới bình luận đó, lập tức có người hỏi lại:
“Vậy sao không chuyển? Một tháng 50 tệ đâu có đắt.”
Tôi không trả lời nữa.
Cùng lúc đó, mẹ tôi – Chu Cầm – đang tận hưởng thời khắc huy hoàng trong nhóm gia đình.
Bà vừa chia sẻ video tôi đăng hôm nay, trong đó ghi lại cảnh tôi ăn tối với chỉ 0,6 tệ.
Chu Cầm: “Nhìn con bé Giang Nguyệt nhà mình mà xem, hiểu chuyện, tiết kiệm biết bao!
Sinh viên bây giờ, mấy ai làm được như nó chứ?”
Dì cả lập tức phụ hoạ: “Đúng vậy, bọn trẻ bây giờ được nuông chiều quá mức, chỉ có em dạy con là giỏi.”
Cậu hai cũng gửi một biểu tượng ngón tay cái: “Tán thưởng Giang Nguyệt! Đúng là con ngoan của nhà mình!”