Chương 7 - Nhật Ký Của Hạ Đường

27

Tôi quay về quê một chuyến.

Hồi nhỏ, tôi sống với bà nội mấy năm.

Khi tôi tới nơi, bà đang đội nón rơm, ngồi trong sân nhổ đậu phộng.

“Về làm gì?” — bà trừng mắt nhìn tôi.

Tôi đáp: “Con thi đậu đại học rồi.”

“Vô ích thôi. Con gái học lắm để làm gì, chi bằng lấy chồng sớm đẻ con cho rồi.”

“Bằng tuổi mày, tao đẻ con rồi đó.”

Bà khịt mũi, nếp nhăn trên mặt co lại một chỗ đầy khinh bỉ.

“Con” bà nói, là ba ruột tôi.

Người đã ngồi tù ba năm nay.

“Không phải mày về xin tiền đó chớ?”

Bà đột nhiên lớn tiếng.

“Tao hết tiền rồi, mua đất lo hậu sự cả. Chỉ còn mỗi cái vòng vàng.”

“Mày đừng hòng đụng đến cái vòng đó, tao để dành cho con trai tao!”

Bà buông đậu phộng, dùng ngón tay khô khốc ôm lấy cổ tay đeo vòng, ánh mắt đầy cảnh giác.

Tôi gượng nói bằng giọng quê:

“Con sắp đi xa rồi, bà ơi. Chắc sẽ không quay lại nữa.”

Bà lại cúi xuống nhặt đậu phộng.

“Không về thì thôi. Không liên quan tới tao.”

Bà không đuổi tôi.

Nấu cho tôi nồi cháo, còn bỏ thêm hai quả trứng.

Sáng hôm sau, tôi nhét một xấp tiền dưới gối ẩm mốc cũ kỹ.

Lặng lẽ rời đi.

Ngồi trên xe buýt, tôi mở cửa sổ, theo thói quen đưa tay vào túi.

Chạm phải thứ gì đó lành lạnh.

Tôi sững người, lấy ra xem.

Là chiếc vòng vàng bà nói để dành cho con trai.

Có vài vết đen, xỉn màu mờ mịt.

Gió lùa vào từ cửa sổ, làm mắt tôi nhòe đi.

Tôi viết một email, tố cáo Lâm Kim Hiền – cha dượng tôi – nhận hối lộ tại công ty.

Sau đó tôi về nhà, tận mắt nhìn ông ta bị áp giải lên xe cảnh sát.

Hôm ra sân bay, thời tiết đẹp, đường xá thông thoáng.

Đang xếp hàng kiểm tra an ninh thì điện thoại reo.

Tôi nghe máy.

“Hạ Đường, đừng lên máy bay…”

Giọng Tống Viêm khản đặc, xen lẫn tiếng điện nhiễu “xì xì”.

Có linh cảm, tôi quay đầu lại.

Quả nhiên.

Chàng trai đứng giữa dòng người, cao lớn như cây tùng giữa trời.

Anh nhìn tôi đầy van nài, mắt đỏ hoe như sắp khóc.

Tôi nhẹ nhàng nói:

“Tống Viêm, chúng ta nên kết thúc yên ổn.”

28

Những ngày ở Anh trôi qua khá đầy đặn, lịch học dày đặc.

Người ở cùng tôi là một bạn nữ Trung Quốc tên Giang Tây Tây.

Tính cách hoạt bát, vui vẻ. Chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn thân.

Môi trường lạ, ngôn ngữ lạ.

Ngoài điều đó ra thì mọi thứ không có gì khác biệt.

Tan học, tôi thích ở lại căn hộ, nghiên cứu nấu nướng.

Vì không được nấu trong nhà, tôi đi làm thêm ở một quán ăn Trung Hoa.

Tây Tây hay càm ràm tôi quá tẻ nhạt, nên tôi cũng bắt đầu thay đổi.

Kết bạn nhiều hơn.

Thỉnh thoảng tham gia tụ tập với bạn bè.

Trong phòng đầy đủ sắc tộc ngồi trò chuyện rôm rả.

Tôi chỉ ngồi bên nghe yên lặng.

Mọi người luôn nói cảm ơn tôi, vì tôi là người lắng nghe tuyệt vời nhất.

Năm thứ ba ở Anh, có một đàn em tỏ tình với tôi.

Cậu ấy là đồng hương, cũng đến từ Lộ Thành.

Tán tỉnh tôi rất rầm rộ: hoa, nhẫn, túi hiệu…

Thậm chí đêm giao thừa còn tặng cả một màn pháo hoa.

Bạn bè xung quanh ai nấy đều xúc động.

Chỉ có tôi là không cảm động.

Cậu ấy ủ rũ hỏi:

“Chị ơi, sao chị lạnh lùng vậy?

“Chị thật sự từng thích ai chưa?”

Từng thích ai chưa?

Dưới bầu trời đầy pháo hoa, tôi bỗng nhớ đến một bóng hình ngông nghênh, ngang tàng.

Tối đó, tôi đứng rất lâu trên ban công căn hộ.

Tôi luôn cho rằng mình không thích Tống Viêm. Có chăng chỉ là chút rung động, không đủ để gọi là tình cảm.

Nhưng khi nhìn lại bao năm tháng đã qua,

Thứ tôi nhớ tới đầu tiên, không phải ánh mắt ghét bỏ hay những lời mỉa mai.

Mà là đôi mắt đen sâu thẳm của Tống Viêm.

29

Tám năm sau, tôi trở về nước.

“Đường Đường, đợi chị ở cổng sân bay chút, chị đến đón.”

Vừa xuống máy bay, Tây Tây đã gọi điện.

“Không cần đâu bà nghiện việc à, nghỉ đi.” – Tôi cười – “Tôi đặt khách sạn gần đây rồi, mai sẽ ghé công ty.”

Tôi kéo vali về khách sạn.

Ấn nút thang máy.

Cửa mở ra chậm rãi trước mắt.

Thang máy cao cấp rộng rãi, ánh sáng chan hòa.

Bên trong chỉ có một người đàn ông cao lớn.

Áo thể thao đen, đội mũ, đeo khẩu trang – kín mít từ đầu đến chân.

Anh khoanh tay, lười biếng tựa vào góc thang máy.

Nghe thấy tiếng bước chân, anh ngẩng đầu nhìn.

Thấy tôi, ánh mắt anh dừng lại một giây rồi bình tĩnh rời đi, không chút dao động.

Còn tôi… thì đứng chết lặng tại chỗ.

— Tống Viêm.

Con người đúng là loài sinh vật kỳ lạ.

Tám năm trôi qua vậy mà chỉ dựa vào một ánh mắt, tôi đã nhận ra anh là ai.

Tôi bước vào thang máy, đứng ở góc đối diện, giữ khoảng cách xa nhất có thể trong không gian kín này.

“Em lên tầng mấy?”

Giọng người đàn ông bên cạnh bảng nút bấm vang lên, bình thản.

“Tầng 9.” – Tôi đáp.

Tống Viêm không nhận ra tôi. Hoặc có lẽ… anh chưa từng nhớ đến tôi.

Gương trong thang máy phản chiếu hình ảnh của tôi: không trang điểm, tóc dài đơn giản buộc sau đầu, vài sợi lòa xòa buông xuống.

Nắng ở Anh không quá gắt, da tôi trắng ra một chút, tàn nhang ở má cũng nhạt đi.

Khó nói là thay đổi nhiều hay ít, nhưng rõ ràng so với tám năm trước, tôi đã khác hẳn.

Trưa hôm sau, tôi dọn khỏi khách sạn.

Tây Tây lái xe tới đón tôi.

Cô ấy về nước trước tôi một năm, mở một công ty truyền thông. Tôi là cổ đông góp vốn.

30

Bữa tiệc từ thiện.

Hội trường lộng lẫy, tiếng đàn piano êm dịu lan tỏa khắp không gian.

Truyền thông không đến nhiều.

Tôi tránh vào một góc, cầm máy quay tinh chỉnh lại thông số.

“Ê! Cả thầy Tống cũng đến à! Em là fan của thầy đấy!”

Tiểu Vương – trợ lý của tôi – hưng phấn hô lên.

“Ai cơ?” – Tôi không ngẩng đầu, thuận miệng hỏi.

“Chị Đường không biết Tống Viêm à? Thầy ấy nổi tiếng lắm!”

Phần sau tôi nghe không rõ nữa.

Ngẩn ngơ ngẩng đầu nhìn.

Người đàn ông cao lớn đứng cách đó không xa, nổi bật trong đám đông.

Tôi hoàn toàn thấy rõ diện mạo của Tống Viêm tám năm sau.

Bộ vest đen cao cấp, không còn dáng vẻ ngông nghênh ngày xưa, đường nét khuôn mặt thêm phần sắc sảo.

Toát lên khí chất chững chạc, điềm tĩnh.

Anh mỉm cười nói chuyện với vài người bên cạnh, dáng vẻ lịch thiệp, ấm áp.

Thế giới đúng là nhỏ thật.

Một cô gái đi ngang qua chúng tôi, tiến thẳng tới chỗ Tống Viêm.

Không rõ nói gì, mặt cô ấy đỏ lên, đưa giấy bút ra.

Tống Viêm nhận lấy, ký tên, còn chụp hình chung.

Suốt quá trình, anh luôn giữ nụ cười ôn hòa trên môi.

Tôi thoáng nghi ngờ — có khi nào tôi nhận nhầm người không?

“Chị Đường, mình cũng xin chữ ký đi!”

Tiểu Vương hí hửng nói.

“Hả?” – Tôi chớp mắt, hơi ngơ ngác.

“Mình đi cùng nhau đi chị, em ngại lắm…”

“Nhưng… sắp bắt đầu rồi mà…” – Tôi cố từ chối nhẹ nhàng.

“Vẫn còn 20 phút lận mà chị! Em chuẩn bị cả giấy bút rồi đây!”

Dứt lời, cô ấy kéo tay tôi đi luôn.

“Đợi—”

Lời tôi bị nuốt chửng.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, tám năm sau, tôi và Tống Viêm sẽ đứng đối diện nhau như thế này.

Tay cầm máy quay, đầu ngón tay siết chặt đến trắng bệch.

Trái ngược với sự bối rối của tôi, Tống Viêm chỉ nhìn tôi một cái – nhàn nhạt – rồi quay sang lắng nghe Tiểu Vương nói chuyện.

Y hệt hôm trong thang máy.

Anh nhận lấy hai tấm bưu thiếp Tiểu Vương đưa.

“Thầy có thể ký TO không ạ?”

Tống Viêm cong mắt, giọng nhẹ nhàng:

“Đương nhiên rồi.”

Tiểu Vương mắt sáng rỡ, vừa nói tên mình vừa xin thêm một câu chúc.

Không khí rất thoải mái.

Ánh đèn chùm phía trên chói quá, tôi đưa tay che lại.

Ngay lúc đó, ánh mắt anh rơi xuống tôi.

“Em tên gì?” – Tống Viêm hỏi.

Tôi im lặng vài giây, nhìn thẳng vào anh.

Trong đôi mắt dài và sâu ấy, ngoài sự thắc mắc, chẳng còn gì nữa.

“Hạ Đường. Em tên Hạ Đường.”

Anh cụp mi xuống, tiếp tục ký.

Tay áo anh kéo lên một chút, cổ tay phải để lộ làn da trắng.

Không còn hình xăm hoa hồng ngày xưa nữa. Thay vào đó là một mảng đỏ.

Anh đã xóa hình xăm.

Tôi theo bản năng liếc sang tay trái.

Đeo đồng hồ, không nhìn thấy gì.

Có lẽ… cũng xóa rồi.

“Ờm… thầy ơi, là chữ ‘Đường’ trong hoa hải đường, không phải ‘đường’ trong kẹo đâu ạ.”

Tiểu Vương gãi đầu, hơi lúng túng nhắc.

Tống Viêm khựng lại, rồi cười nhẹ với tôi:

“Xin lỗi nhé, cô Hạ. Tôi sửa ngay.”

Chỉ đến lúc này, tôi mới chắc chắn — Tống Viêm… là cố tình.

Tiệc kết thúc, tôi đứng một mình trước khách sạn chờ xe.

Dưới ánh đèn mờ nhạt, tôi lấy tấm bưu thiếp trong túi ra.

TO: Hạ Đường

Chữ “Đường” ban đầu viết nhầm thành “Đường” trong kẹo.

Sau đó bị gạch bỏ.

Viết lại thành “Đường” trong hoa hải đường.

Bên dưới là chữ ký mạnh mẽ, dứt khoát — Tống Viêm.

Tống Viêm, hiện tại là một họa sĩ có tiếng.

Tranh của anh đầy màu sắc, đường nét tinh tế.

Tranh như người — Tống Viêm bây giờ dịu dàng, tốt bụng, lịch thiệp.

Những năm qua tất cả thu nhập từ tranh của anh đều được quyên góp cho tổ chức từ thiện, không giữ lại một xu.

Tiểu Vương không ngớt lời khen.

Nho nhã, tử tế, dễ mến.

Nếu tám năm trước có ai dùng những từ đó để miêu tả Tống Viêm, tôi nhất định sẽ nghĩ người đó điên rồi.

Gió lạnh thổi tung mái tóc, tôi kéo lại áo khoác.

Trong đầu dần dần hiện lại hình ảnh người đàn ông ban nãy — vừa quen thuộc, vừa xa lạ.

Ăn mặc chỉnh tề, ánh mắt mang theo nụ cười, thái độ ôn hòa nhã nhặn.

Tôi hít một hơi gió lạnh, đè xuống cảm xúc bất thường trong lồng ngực.

Thì ra tám năm… thật sự là khoảng thời gian đủ dài để một người thay đổi hoàn toàn.

Nhưng chắc cũng chỉ đến đây thôi.

Chuyện trùng hợp kiểu gặp lại bạn trai cũ, không thể xảy ra lần ba.