Chương 3 - Ngày Đại Hôn Ta Gả Cho Nhiếp Chính Vương

Người tuy địa vị tôn quý, khí thế lạnh lùng nghiêm nghị, mang theo uy nghiêm của bậc thượng vị,nhưng tâm tư lại tinh tế, thấu hiểu lòng người, cũng không câu nệ lễ nghi khuôn phép.

Người chưa từng bởi vì ta là nữ tử mà coi thường, ngược lại rất mực tôn trọng ý kiến của ta.

Biết ta hiếu học, người tặng ta binh thư, dạy ta luyện trường đao.

Gió bấc nơi biên cương gào thét vần vũ, ta vì một nam nhân mà luyện đến chai sạn cả tay, vậy mà trong lòng lại hân hoan vô hạn.

Ta lén lút gia nhập vào đội tiền phong, dẫn đường cho bọn họ.

Đi sâu vào trong rừng rậm, bất ngờ bị quân địch tập kích!

Đó là lần đầu tiên ta giết người nơi chiến trường.

Máu nóng bắn đầy lên mặt ta, mang theo độ ấm khiến người tê dại.

Người từ phía sau cưỡi ngựa lao tới, một tay kéo ta lên ôm vào lòng.

Ta cảm nhận được cánh tay người trầm ổn mạnh mẽ, nhưng bàn tay che chắn cho ta lại khẽ run rẩy.

Đến lúc luận công ban thưởng, trong tấu chương tiến kinh xin phong, người đích thân đề tên ta, viết rằng: “Dù là nữ tử, cũng có thể lập công danh hiển hách.”

Thế nhưng sau đó lại lạnh mặt trách phạt ta, nói quân kỷ nghiêm minh, không được phép tái phạm.

Đầu năm mới, khi quân tình dần lắng dịu, quân địch cũng đã lui binh.

Trên đỉnh doanh trại, từng chùm pháo hoa bùng nổ, rực rỡ dưới bầu trời sao, soi sáng vạn dặm đất trời trước mắt.

Binh sĩ thì thầm rằng, đó là pháo hoa người ấy lén giữ lại, chúc cho Đại Chu quốc vận trường tồn, thiên hạ thái bình muôn đời.

Người tặng ta một thanh đoản đao.

“Nữ tử dùng trường đao bất tiện, thanh này tặng cho nàng.”

“Pháo hoa đẹp quá.” Ta khẽ nói với người.

Người đáp: “Đốt là vì nàng.”

6

Ta bỏ chạy.

Một cách vô thức.

Chạy thẳng về quân doanh, giữa đêm đen tĩnh mịch, ta nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch.

Ta tự nhủ với bản thân, người ấy, không phải người mà ta có thể mơ tưởng.

Câu nói đó, chẳng qua chỉ là bậc tiền bối dành chút phần thưởng cho tiểu cô nương, ta không nên suy nghĩ nhiều.

Ngày hôm sau, lúc ngẫu nhiên có chút rảnh rỗi, vị phó tướng quen biết tìm đến ta trò chuyện.

“Thiệu An, nàng đã cập kê rồi phải không? Trong kinh thành có đính hôn với ai chưa?”

Ta lắc đầu.

Hắn lại hỏi: “Vậy đã để ý tới nhà ai chưa?”

Trong đầu ta lập tức hiện lên hình bóng của Từ Đình.

Công tử nhà thế gia thanh quý, tính tình khoan hòa, khoan dung độ lượng, tương lai có thể cùng ta gánh vác sản nghiệp Hầu phủ.

Hắn tâm ý hướng về ta, dù chưa từng mở miệng thổ lộ, nhưng mọi người đều hay lấy chuyện ấy ra trêu đùa.

Nếu hắn nguyện lòng, ngần ấy năm, ta hẳn cũng nên cho hắn một lời đáp lại.

Ta khẽ gật đầu, dịu dàng đáp: “Có rồi.”

Phía sau chợt nổi lên một trận cuồng phong, người kia từ bên cạnh ta bước nhanh lướt qua dường như khẽ bật ra một tiếng cười khinh nhẹ.

Ngày ta theo phụ thân trở về kinh thành dưỡng bệnh, người ấy không tới tiễn biệt, chỉ nhờ người mang đến cho ta một lồng bồ câu đưa tin.

Con lớn nhất trong đàn, nơi chân buộc một mảnh giấy nhỏ, viết rằng: “Nếu gặp phải chuyện khó lòng giải quyết, thả bồ câu ra, nó tự khắc sẽ tìm tới ta.”

Sau khi hồi kinh, nhà họ Từ liền đến cửa cầu thân.

Phụ thân dò hỏi, liệu sau này có thể cùng ta chung tay gánh vác sản nghiệp Hầu phủ hay không.

Từ Đình lập tức viết giấy cam kết, nguyện ý cùng ta hiếu thuận với phụ mẫu, và đứa con trai đầu lòng sau này sẽ theo họ ta, coi như con cháu của Hầu phủ.

Phụ mẫu rất hài lòng, liền gật đầu đáp ứng hôn sự này.

Ta nuôi đàn bồ câu trong hậu viện, còn tờ tín thư kia thì cất kỹ nơi đáy rương, chưa từng một lần thả bay.

Người cần coi trọng lời hứa.

Một khi đã nhận lời với Từ Đình, ta tuyệt đối không cho phép bản thân hai lòng.

Nhưng cũng kể từ khi trở về kinh thành, Tống Như Yên, kẻ trước kia vốn trầm lặng ít xuất hiện, lại bắt đầu thường xuyên lui tới cuộc sống của chúng ta.

Nói cho chính xác, là thường xuyên xuất hiện bên cạnh Từ Đình.

7

Tống Như Yên từ nhỏ đã được gửi nuôi tại nhà họ Từ, tính tình nhút nhát, lần đầu gặp nàng ta, nàng chỉ biết trốn sau lưng Từ Đình, không dám nói chuyện với ta.

Về sau, Từ Đình cũng không dẫn nàng theo nữa, nói biểu muội không thích ra ngoài, cũng chẳng thích gặp người lạ.

Ta từng oán trách hắn, rằng tiểu cô nương ngoan ngoãn trầm tĩnh như vậy, sao không đưa ra ngoài nhiều hơn cho khuây khỏa, cứ ru rú trong phòng thì thú vị gì.

Từ Đình khi ấy chỉ cười, nói Tống Như Yên không giống ta, không cần để ý tới nàng làm gì.

Thế nhưng, sau khi hồi kinh, ta gặp lại Tống Như Yên, nàng ta lại chẳng giống như lời Từ Đình từng nói chút nào.

Lần tái ngộ là tại một buổi thơ hội ở kinh thành.

Tống Như Yên vận một thân váy lục nhã nhặn, nụ cười tươi sáng, mở miệng đã là lời văn chương lưu loát.

Từ Đình tuy đứng bên cạnh ta, nhưng ánh mắt lại không rời khỏi bóng hình Tống Như Yên lấy nửa phần.

Ta giấu đi cảm xúc, thản nhiên hỏi hắn: “Biểu muội bây giờ, tựa hồ không giống trước kia.”

Từ Đình thoáng ngẩn ra, lập tức quay đầu nhìn ta, mắt đầy nhu tình mật ý: “Dẫu nàng ta có thế nào, cũng không sánh bằng một phần vạn của Thiệu An.”

Kỳ thực, ta cũng chưa từng có ý so sánh.

Không biết vì sao, lời lẽ nịnh hót của Từ Đình khiến ta không thấy dễ chịu, nhưng ta đành đè nén, tự nhủ chỉ là lòng mình đa nghi mà thôi.

Trong khi thân thể phụ thân ngày một suy yếu, thì lão gia nhà họ Từ lại được quý nhân trong triều để mắt tới, công danh như diều gặp gió.

Một ngày nọ, tại hiệu buôn của nhà, ta tình cờ gặp Tống Như Yên.

Bên cạnh nàng ta, mấy tiểu nha đầu ríu rít thì thầm: “Chờ tiểu thư gả vào phủ rồi, sinh được đứa bé mang họ Từ, thì thiếu gia ắt sẽ một lòng một dạ với người!”

Tống Như Yên bịt miệng nha hoàn, quát khẽ một tiếng trách nàng ăn nói bừa bãi, rồi hai người vội vã rời đi.

Ta lập tức sai người đi điều tra, rất nhanh hạ nhân bẩm báo trở về: Từ phủ quả thật có ý định thu thiếp cho Từ Đình.

Từ phu nhân âm thầm nói với người khác rằng, tiểu thư Hầu phủ dù gả vào, cũng vẫn là người ngoài, sinh ra hài tử cũng là người ngoài, nhà họ Từ há có thể để dòng dõi tuyệt hậu?

Ngày nhận được tin ấy, ta đập nát chén trà trong tay, rút lấy đoản đao, lạnh giọng sai người đi mời Từ Đình vào phủ.

Gặp hắn, ta vẫn giữ giọng mềm mại, dịu dàng nói: “Từ Đình, chuyện cùng ta gánh vác Hầu phủ, chuyện để hài tử theo họ ta, đều là do ngươi tự nguyện cam kết, Hầu phủ chưa từng ép buộc.