Chương 1 - Nàng Dâu Đặc Biệt Của Làng Núi

Sau khi con gái ruột trở về, tôi bị đuổi về ngôi nhà ban đầu của mình.

Một ngôi làng nhỏ hẻo lánh trong núi.

Nhưng ngay ngày đầu tiên về làng, tôi đã làm nổ tung bếp lò.

Ngày thứ hai, tôi leo núi và bị trật chân.

Ngày thứ ba, tôi chịu hết nổi rồi.

Thế là tôi nhắm vào anh hàng xóm cơ bắp cuồn cuộn tám múi siêu đảm đang nhà bên.

“Ê, hay để tôi nuôi anh nhé.”

1

Lúc nói câu đó, tôi đang cuộn mình trên chiếc giường đất nhà Tiêu Dã.

Ngoài trời gió mưa bão bùng, sấm chớp đùng đoàng. Tiêu Dã dựa người vào cái tủ cách đó không xa.

Nghe tôi nói vậy, anh ta quay đầu liếc tôi một cái: “Cô? Nuôi tôi á?”

Cũng chẳng trách anh ta nghi ngờ.

Dù gì tôi mới về làng có ba ngày.

Ngày đầu tiên, tôi làm nổ tung bếp, thế là Tiêu Dã nhận luôn trách nhiệm nấu cơm cho tôi.

Ngày thứ hai, tôi leo núi trật chân, chính anh ta cõng tôi đi khám bác sĩ.

Ngày thứ ba, tức hôm nay, nhà tôi bị bão tốc mái, cũng là anh ta cho tôi tá túc.

Tôi nuôi anh ta?

Có mà anh ta nuôi tôi thì đúng hơn.

Nhưng dù trong lòng có chột dạ, ngoài mặt tôi vẫn ra vẻ đàng hoàng chính trực: “Đúng rồi, tôi nuôi anh, không được à?”

Vừa nói, tôi vừa lôi từ túi áo sâu nhất ra một chiếc thẻ mỏng.

“Trong đây có nhiều tiền lắm đó, đủ để anh ăn no mặc ấm cả đời rồi.”

— Nói thế thôi chứ thật ra…

Nhưng mà đúng là trong thẻ có không ít tiền thật.

Đó là do đám bạn chơi bời trong thành phố nhét cho tôi trước khi rời đi.

Tôi vốn nghĩ có tiền là có thể làm nên chuyện, dù ba mẹ ruột không ưa tôi, nhưng có tiền trong tay tôi vẫn có thể tự sống được.

Ai ngờ về đến nơi mới phát hiện…

Chà, ba mẹ ruột đã mất từ lâu không biết bao nhiêu năm rồi.

Chỉ để lại cho tôi một căn nhà hoang tàn nát bấy.

Cái làng nhỏ này thì nằm heo hút tận rừng rú, chẳng có hàng quán, cũng chẳng quen ai, muốn rời đi cũng chẳng dễ dàng.

Huống hồ trong bán kính mấy chục cây số chỉ có đúng một cái ngân hàng nông thôn.

Tiền có mười mấy vạn trong thẻ thì sao chứ?

Cũng chẳng bằng cầm tờ tiền giấy trong tay.

Nhưng mà hôm qua tôi đã nghe ngóng, ở đây giáo dục lạc hậu, hễ ai biết mặt chữ thì đã lên huyện lập nghiệp hết rồi.

Người còn lại thì hầu như chẳng biết chữ, lừa cũng dễ.

Nghĩ vậy, tôi ngẩng cao đầu đầy đắc ý: “Sao hả, giờ tôi có thể nuôi anh chưa?”

Anh ta không nói gì, chỉ cầm lấy thẻ trong tay tôi, rồi nhét thẳng vào dưới đệm bàn trà trước mặt.

Tôi lắc đầu thở dài.

Người làng đúng là thật thà.

Chẳng sợ tôi lật lọng cuỗm thẻ chạy mất.

Nghĩ vậy, tôi cũng thẳng thừng hỏi luôn.

Anh ta vừa làm việc vừa trả lời không ngẩng đầu: “Không cần, tôi tin cô.”

Một luồng ấm áp tràn ngập trong lòng tôi, cảm động suýt khóc.

Nghĩ xem, ngay cả ba mẹ nuôi sống cùng tôi hơn hai mươi năm còn không tin tôi, vậy mà anh ta chỉ mới quen vài ngày đã tin rồi.

Nhưng ngay giây sau, anh ta lại nói tiếp: “Hơn nữa, cô có muốn chạy cũng không xuống được núi.”

Tôi: “…”

Cảm động uổng công rồi.

Thôi, đi ngủ cho khỏe.

2

Cơn mưa bão đến nhanh, đi cũng nhanh.

Sáng sớm hôm sau, trời đã hửng nắng.

Tiêu Dã dậy từ rất sớm, sửa lại mái nhà cho tôi.

Chỉ là mái nhà mới sửa còn ám mùi vật liệu, nên Tiêu Dã để tôi ở lại nhà anh ấy ngủ thêm một đêm.

Tôi ngủ trên giường đất trong buồng.

Anh ấy trải chiếu nằm dưới đất ngoài phòng ngoài.

Trên núi nhiệt độ vốn không cao, nhưng bên ngoài thì muỗi mòng nhiều, nằm đất cũng chẳng dễ chịu bằng giường đất.

Huống chi dạo này Tiêu Dã đã giúp tôi rất nhiều chuyện.

Tôi thầm quyết tâm.

Để cảm ơn anh ấy, ngày mai phải dậy sớm nấu cho Tiêu Dã một bữa cơm.

Không cầu kỳ, chỉ cần ăn được là được rồi.

Nhưng mà tưởng tượng thì đẹp, còn thực tế thì…

Khi tôi còn đang ngái ngủ lồm cồm bò dậy từ sáng sớm, đã không thấy bóng dáng Tiêu Dã đâu.

Chỉ còn lại bữa sáng còn ấm và một mảnh giấy nhỏ.

Trên giấy viết:

【Tôi ra đồng gặt lúa rồi, trưa có thể không kịp về, cô tự ăn trước đi.】

Hôm trước Tiêu Dã cũng có nhắc là sắp đến mùa gặt.

Tôi không ngờ “sắp đến” lại là đúng hai ngày sau thật.

Nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định gõ cửa nhà bà Trần ở gần đó.

Cười tít mắt: “Bà ơi, con muốn nấu cơm trưa cho Tiêu Dã, bà dạy con được không?”

3

Người trong làng phần lớn đều nhiệt tình.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của bà Trần, tôi đã thành công nấu được hai món…

…cũng tạm ăn được.

Ban đầu tôi nghĩ thôi, Tiêu Dã đã vất vả cả buổi ngoài đồng, đừng hành hạ cái dạ dày của anh ấy nữa.

Ai ngờ bà Trần lại khuyên tôi: “Mang đi đi, dù không ngon thì cũng là món nóng. Thằng nhỏ Tiêu Dã ấy tính tình thô lỗ cứng đầu, đi gặt thì chỉ ăn ba cái bánh bao uống nước lã, ai cho gì cũng không chịu nhận, sợ mắc nợ người ta.”

Bà Trần thở dài, lén bỏ thêm một đĩa đồ ăn của bà vào giỏ cho tôi.

“Bà tin cháu đem đi, biết đâu nó lại nhận đó.”

….

Khi tôi ra tới cánh đồng, chỉ cần nhìn qua một cái là thấy ngay Tiêu Dã.

Trưa trời nắng như đổ lửa, việc gặt lúa lại nặng nhọc.

Anh ấy trần trụi nửa người, từng nhát từng nhát vung lưỡi hái.

Ánh mặt trời chiếu xuống, làm những đường cơ bắp rắn chắc vốn bị che giấu dưới lớp áo càng thêm nổi bật.

Trong đầu tôi bất giác hiện lên cảm giác lần trước lỡ tay sờ vào cơ bụng anh ấy.

Tôi nuốt nước bọt.

Tầm mắt men theo cơ bụng rồi lên tới cơ ngực, cứ thế lần tới…

Thì đụng ngay ánh mắt của Tiêu Dã.

Anh ấy vẫy tay về phía tôi, khiến tôi giật mình nhận ra mình vừa nghĩ linh tinh gì thế này!

Tự nhủ mắng mình một câu, tôi xách giỏ chạy vội về phía anh ấy.

“Sao cô tới đây?”

Tôi gõ nhẹ vào giỏ: “Sợ anh mệt lại ăn uống qua loa, nên đặc biệt nấu cơm đem tới cho anh.”

Không ngờ nghe vậy, Tiêu Dã lại trầm mặc hiếm thấy.

Một lúc sau mới khó khăn hỏi: “Cô… tự tay nấu?”

Không cần đoán cũng biết, anh ấy đang nhớ tới thành tích oanh liệt lúc tôi đốt nổ cái bếp mấy ngày trước.

Tôi vừa thẹn vừa giận: “Sao hả, không tin người ta tiến bộ à? Yên tâm, lần này có bà Trần hướng dẫn tận tay, không xảy ra chuyện gì đâu!”

Anh ấy mở miệng định nói thêm gì đó.

Nghĩ tới việc mỗi lần anh mở miệng là chẳng có lời nào dễ nghe, tôi nhanh chóng cắt ngang.

“Thôi đủ rồi, mau ăn đi, để nguội ăn không ngon đâu!”

4

Tiêu Dã cao lớn vạm vỡ, đúng là có lý do.

Ít nhất thì anh ấy không hề kén ăn.

Tôi tự biết đồ ăn mình nấu ra trông thế nào.

Vậy mà anh ấy chẳng chê bai lấy một tiếng, còn ăn sạch sẽ chẳng sót hột nào.

Ăn xong, anh ấy còn tự giác xách bát đũa ra vòi nước rửa sạch rồi mới mang về.

Anh lau mồ hôi, nói:

“Trời nắng lắm, cô về nghỉ đi. Tôi chắc chỉ mất hai ngày nữa thôi, tới lúc đó đừng làm phiền bà Trần nữa.”

Tôi khựng lại:

“Anh… phát hiện ra rồi?”

Anh ấy gật đầu:

“Bà Trần đi lại cũng khó khăn, cứ nhờ bà mãi cũng không hay.”

Tôi gật đầu, tay bứt nhẹ đám cỏ bên rìa giỏ, im lặng không nói gì.

Không biết do trời nóng hay lòng dạ cũng bức bối, tự dưng thấy khó chịu lạ.

Dù biết anh ấy nói đúng.

Nhưng nghĩ đến chuyện sáng sớm mình đã dậy sớm, vất vả cả buổi mới nấu được hai món ăn…

Dù hương vị có hơi tệ, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi nấu cơm thành công mà!

Không được khen lấy một câu, ngược lại còn bị nói là phiền phức.

Càng nghĩ càng ấm ức, tôi đứng bật dậy.

Không ngờ đứng dậy hơi gấp, đúng lúc một con cừu từ xa lao thẳng về phía tôi.

Tiêu Dã hoảng hốt hét lên:

“Cẩn thận!”

Nhưng đã muộn.

Choáng váng xen lẫn hoảng hốt, tôi đứng không vững, cả người ngã nhào về phía ruộng.

Tôi nhắm chặt mắt.

Nhưng giây sau, cơn đau dự đoán không đến, ngược lại tôi rơi vào một cái ôm ấm áp.

Để tránh cho tôi bị thương, ngay khi đỡ được tôi, anh ấy cũng thuận đà ngã xuống đất.

Bàn tay tôi đặt lên ngực anh ấy, cảm giác dưới tay làm người ta nghĩ ngợi lung tung.

Vừa mềm mại lại vừa săn chắc.

Không biết nếu bóp thử…

5

Ngay giây sau, lồng ngực dưới tay phập phồng, bàn tay to đang ôm ngang eo tôi cũng hơi nới lỏng:

“Không sao chứ, có bị đau không?”

Giọng nói kéo tôi về thực tại tôi vội vàng lắc đầu, lồm cồm bò dậy khỏi người anh ấy.

Xoay mặt đi, cố nhịn không liếc nhìn thêm:

“Ờm… tôi về trước đây.”

Nhưng mới đi được hai bước, cổ tay đã bị kéo lại.

Cả người bị xoay ngược, vai bị hai bàn tay lớn ghì chặt, không nhúc nhích nổi.

Tôi theo phản xạ ngẩng đầu lên, đụng thẳng vào ánh mắt của anh ấy.

Người đàn ông luôn tự do phóng khoáng kia, lúc này trong mắt lại mang theo chút cẩn trọng hiếm thấy.

“Xin lỗi… vừa nãy… cô giận tôi sao?”

Tôi sững người.

Cái bực bội hồi nãy vốn đã bị quẳng ra sau đầu, giờ mới nhớ lại.

“Tự nhiên hỏi vậy làm gì?”

Anh ấy ngập ngừng.

Hàng mày nhíu chặt, vết sẹo nơi đuôi mắt càng khiến vẻ ngoài thêm dữ dằn.

Thế mà lời nói ra lại đầy tủi thân:

“Lúc nãy cô không thèm nhìn tôi, cũng chẳng nói tạm biệt.”

Tôi ngẩn ra.

Cái đó… là vì giận sao?

Không phải đâu.

Là bởi vì cơ bắp và mùi hương đàn ông trên người anh ấy quá dụ hoặc, tôi sợ nếu còn nhìn thêm chút nữa, mình sẽ không kiềm chế nổi thôi!

Nhưng mà, câu này tôi đâu thể nói ra.

Thế là tôi gật đầu đại:

“Ờm… cũng… có hơi giận một chút.”

“Vì tôi không cho cô phiền bà Trần nữa?”

Tôi gật đầu.

“Tôi cũng đâu có biết nấu ăn, trước còn làm nổ tung cái bếp cơ mà. Nhà bà Trần gần, tôi mới tới nhờ. Tôi biết phiền người ta rồi, nên cũng đã tặng bà nhiều đồ ăn để cảm ơn. Ai ngờ anh vừa tới đã nói tôi phiền bà.”

Ban đầu cũng chẳng còn giận bao nhiêu, vậy mà càng nói tôi càng tức.

Tôi nhìn anh ấy với ánh mắt đầy uất ức.

Anh ấy chỉ thở dài một tiếng.

Dứt khoát cúi đầu:

“Xin lỗi. Nhưng mà cô hiểu lầm rồi.”

“Ý tôi không phải trách cô nhờ bà Trần.”

“Tôi chỉ không muốn bà ấy phải nấu thêm thôi. Tôi ăn nhiều, một bữa cơm của tôi bằng cả ngày ăn của bà ấy rồi.”

“Về sau, cô nấu cho tôi ăn nhé? Tôi thích ăn đồ cô nấu.”

Trong mắt anh ấy tràn đầy mong chờ, như thể thực sự thích vậy.

Trong lòng tôi bất giác ngọt ngào hẳn lên, nhưng ngoài mặt vẫn ra vẻ bình tĩnh.

Tôi giả vờ nghiêm túc suy nghĩ vài giây:

“Để tôi nghĩ đã…”

Một giây… hai giây… thời gian trôi qua ánh mắt Tiêu Dã dần tối lại.

“Không sao đâu, là do tôi ép cô…”

“Được rồi, tôi đồng ý!”

“Hả?”

Tiêu Dã ngơ ngác ngẩng đầu lên, tôi bật cười khúc khích, rồi lặp lại.

“Tôi nói, tôi đồng ý rồi.”

Đọc tiếp