Chương 2 - Món Nợ Của Thiệu Đạo Tịch
Làn sóng xúc động trong lòng ta dần dần lắng xuống.
Lòng người dễ đổi, lời hứa chẳng ai dám tin là vĩnh viễn.
Đúng lúc ấy, Thiệu Sơn rót rượu cho ta, ta đón lấy uống một ngụm, chợt thấy lạ, muốn nhổ ra, nhưng đã muộn.
Sực nhớ người triều này phần lớn đều thích uống loại “Lê Hoa Xuân này, còn ta mỗi lần uống xong đều nổi ban đỏ khắp người, ngứa đến suốt đêm không ngủ được.
Khi ấy ta lại tham ăn, thích uống, phiền đến nỗi Thiệu Đạo Tịch phải ra lệnh cấm rượu khắp phủ, không để ta còn chỗ nào trốn tránh.
Giờ trong buổi tiệc có nhiều người quen mặt, ta chẳng dám tỏ vẻ khác người, sợ bị nghi ngờ soi xét.
Đành miễn cưỡng nuốt xuống, âm thầm cầu nguyện đám ban đỏ đừng nổi quá sớm, cố nhịn đến khi yến tiệc kết thúc là được.
Nhưng Thiệu Đạo Tịch quả là họa tinh trong mệnh ta — tiệc do chính y tổ chức, không những đến trễ mà còn phá lệ lưu lại rất lâu.
Y chẳng nói lời nào, cũng như đã quên chuyện ban hôn, chỉ ngồi lặng lẽ nơi long ỷ, sau rèm ngọc, thần sắc không rõ.
Y không rời, mọi người cũng chỉ có thể ngồi chịu trận theo.
Thiệu Sơn cảm thấy điềm gở, len lén ghé sát ta, thì thầm:
“Nghĩa phụ mỗi lần từ Đế lăng trở về tâm tình đều rất tệ, trước kia toàn nhốt mình trong điện nhỏ để phát tiết lên một người, hôm nay không biết vì cớ gì…”
Lên ai?
Ta còn chưa kịp hỏi.
Cửa điện đột nhiên mở ra, hai thái giám áp giải một kẻ bị xiềng xích nơi cổ chân đi vào.
Tiếng hít khí lạnh vang lên khắp điện.
Thấy cổ tay gầy guộc của người kia buộc một sợi dây ngũ sắc, ta lập tức ngây người.
Có người khẽ kinh hô:
“Phế đế Lưu Giản, hắn còn sống sao?!”
4
Từ xưa đến nay, phế đế triều trước khó mà sống sót đến triều sau, có sống thì cũng chỉ để chịu nhục.
Thiệu Đạo Tịch cố ý hạ nhục Lưu Giản, bắt hắn thân thể tàn tạ, đầu tóc bù xù, áo xanh dơ bẩn, lết thân đi rót rượu cho từng khách trong yến tiệc.
Chúng nhân nhìn nhau, chẳng ai dám nói gì.
Duy chỉ có Tiểu Lục vẫn bình thản vô cùng, còn cố ý gây khó dễ, đổ rượu mấy lượt, khiến Lưu Giản phải quỳ gối, chật vật bò dưới gầm bàn nhặt chén.
Từ phía sau hàng tông thất, có đứa trẻ không đành lòng, ngây thơ hỏi mẫu thân:
“A mẫu, vì sao bệ hạ lại bắt nạt hắn?”
Người mẹ vội bịt miệng con, khẽ răn:
“Suỵt, con nít chớ nói bậy. Hắn là người xấu.”
Thiệu Sơn quay đầu lại, ôn tồn nói với đứa trẻ:
“Năm đó gian thần Giả Chung chuyên quyền, ép bệ hạ phải đưa tiên hoàng hậu tiến cung làm con tin.
Bệ hạ nghĩ Lưu Giản còn nhỏ, lại là kẻ ngu dốt chỉ biết ăn chơi, không thể gây hại cho tiên hoàng hậu, nên đành nhẫn tâm chia lìa, ẩn nhẫn mưu quyền, chờ ngày nghiệp lớn thành công để báo mối nhục này.
Không ngờ Lưu Giản giả ngu giấu tài, ngoài mặt nghe lời, trong tối lại bạc đãi, cuối cùng hạ độc tiên hoàng hậu nơi lãnh cung.
Bệ hạ vì thương yêu thê tử, nên giữ mạng hắn lại, chỉ để mỗi ngày trả món nợ máu ấy.”
Đứa bé thông minh, dường như hiểu được đôi phần, vùng khỏi tay mẫu thân, vẫn hoài nghi hỏi:
“Nhưng ca ca, nếu bệ hạ thương thê tử, sao lại đem nàng giao cho kẻ xấu? Nếu có người muốn cướp con thỏ con của đệ, thì đệ có chết cũng phải giữ lấy.”
Thiệu Sơn nhất thời nghẹn lời.
Chỗ ngồi của ta ở cuối bàn, gần cây cột hành lang, màn sa buông lửng.
Lại vì đây là gia yến, nên càng về sau càng ít phép tắc ràng buộc.
Đứa trẻ kia lật đật chạy xuống bàn, đến bên ta, mắt đen long lanh hiếu kỳ nhìn ta chằm chằm:
“Tỷ tỷ, tỷ là thê tử của ca ca à? Tỷ thấy lời ca ca nói có đúng không?”
Thiệu Sơn có chút ngượng ngùng, mặt đỏ đến tận mang tai, như muốn tỏ rõ lòng mình mà lắp bắp:
“…Không, ta tuyệt đối sẽ không như thế đối với nàng…”
Lẽ lẽ thường của một đứa trẻ, lại là điều mà rất nhiều người lớn cố tình lờ đi.
Ta dịu dàng xoa xoa khuôn mặt mềm mại của nó, mỉm cười:
“Đứa bé ngoan.”
Thấy trong tay nó nắm một quả củ ấu chưa bóc, ta liền cầm lấy chiếc kéo nhỏ mạ vàng trên bàn, khéo léo cắt hai đầu, nhẹ tay bẻ ra, để lộ phần thịt trắng nõn bên trong.
Đứa trẻ hí hửng nhận lấy:
“Tỷ tỷ thật giỏi! A mẫu nói người vùng Long Tây hay Kinh Thành không ai biết bóc thứ này, chỉ có cô nương Giang Nam mới khéo tay như thế. Tỷ tỷ là người Giang Nam à?”
Ta khựng lại.
A Oanh tổ tiên vốn sống ở Kinh Thành, chưa từng xuống phía Nam.
Thiệu Sơn từng tra xét thân thế của ta, lúc này cũng đưa mắt nghi hoặc.
Không biết từ lúc nào, yến tiệc dần yên tĩnh hẳn, giọng trẻ con liền trở nên nổi bật, bốn phía ánh nhìn đều âm thầm đổ dồn về phía ta.
Bọn họ đều là người cũ của Long Tây, trong ấn tượng chỉ biết một người con gái Giang Nam — chính là vị thê tử năm xưa Thiệu Đạo Tịch từng sủng ái nhất.
Sau màn trân châu, nơi long ỷ cao cao, ánh mắt của người kia dường như cũng đang lặng lẽ rơi xuống thân ta.
May thay, càng lúc nguy cơ kề cận, ta lại càng trấn tĩnh.
Ta thản nhiên đặt kéo xuống, mỉm cười:
“Hồi nhỏ nhà nghèo, bên cạnh có một hộ làm ăn buôn hàng thủy sản phương Nam, thường gọi ta sang bóc củ ấu phụ giúp, kiếm thêm chút tiền đỡ đần gia cảnh.”
Một lời thoái thác kín kẽ.
A Oanh vốn xuất thân bần hàn, ai mà ngờ được?
Ánh mắt tò mò dần tản đi.
Thiệu Sơn đau lòng siết nhẹ đầu ngón tay ta, thấp giọng hứa hẹn:
“Về sau, sẽ không còn những ngày tháng như thế nữa.”
Ta âm thầm toát mồ hôi lạnh, gật đại một tiếng:
“Ừm.”
Ngay lúc ta tưởng mình đã tránh được một kiếp…
Thì không ngờ, Lưu Giản bỗng vượt qua hai hàng bàn, đi thẳng tới bên ta, cầm bình rượu rót đầy.
Lúc này ta mới nhìn rõ — trong tay hắn, chỉ có Lê Hoa Xuân.
Trên người ta đã bắt đầu thấy hơi nóng râm ran, nếu còn uống thêm một chén nữa…
Ban đỏ chắc chắn sẽ bùng lên ngay, không tài nào giấu được!
5
Tiếng xích sắt vang lên khe khẽ.
Dưới mái tóc rối tung là đôi mắt phượng sâu thẳm, lạnh lẽo và cô tịch.
Lưu Giản nhìn ta chằm chằm, đưa cả hai tay dâng rượu.
Giữa muôn ánh nhìn đổ dồn.
Ta nhận, hay không nhận?
“A Oanh?” – Thiệu Sơn nghi hoặc gọi ta.
Ta hoàn hồn, do dự quá lâu khiến không ít ánh mắt trong yến tiệc đã đổ về.
Vừa định mở miệng, lấy cớ tửu lượng kém để khéo léo từ chối, thì Lưu Giản đã trực tiếp đưa chén rượu đến gần, tay áo rộng thùng che phủ cả tay hắn lẫn tay ta.
Ngay khoảnh khắc đó, ta cảm giác có ai đó khẽ bóp lấy đầu ngón tay mình — lạnh lẽo vô cùng.
Ta khẽ chau mày, rồi sững lại.
Một viên thuốc nhỏ trượt nhẹ vào lòng bàn tay.