Chương 2 - Mối Tình Đầu Giấu Kín
2
Bộ dạng này… hoàn toàn không cùng một thế giới với hai người trong phòng bệnh kia.
Nhưng có ai ngờ, hồi trẻ tôi cũng từng là cô gái xinh đẹp, khiến trai làng mười dặm tám xã phải ngẩn ngơ.
Cơn giận dữ xen lẫn tự ti, ấm ức, không cam lòng… cuộn trào trong lòng tôi như một bát canh đắng khó nuốt.
Tôi bỗng dưng thấy khó hiểu.
Mình đã trở thành thế này từ khi nào?
Đúng lúc ấy, một giọng nói vang lên trong đầu tôi:
“Chị Triệu Lan Anh, chị có hối hận không?”
Giọng nói tự xưng là “hệ thống” bất ngờ xuất hiện, khiến tôi suýt phát bệnh tim tại chỗ.
Cảm giác tức giận và tổn thương do Hạ Nhàn gây ra, thoắt cái cũng bị tôi tạm quên.
Từ bệnh viện về đến nhà, tôi vẫn còn bàng hoàng, thậm chí nghĩ rằng đầu óc mình đã có vấn đề.
Vừa mở cửa ra, đứa cháu trai nhỏ đã chạy ra đón tôi…
Một tiếng “Bà ơi, con đói rồi” kéo tôi về thực tại.
Con dâu ở trong phòng gọi lớn:
“Mẹ ơi, lấy giúp con cái bỉm với! Đống đồ bẩn trong nhà vệ sinh mẹ giặt luôn đi, không thì mai không có gì thay đâu!”
Tôi thở dài, vừa định đi về phía nhà tắm thì điện thoại bỗng reo lên.
Chiếc điện thoại cũ của con trai để lại phản ứng hơi chậm, vừa bắt máy, giọng điềm đạm quen thuộc của Hạ Nhàn vang lên qua loa:
“Anh đi công tác về rồi, đang ở bệnh viện. Em sao vẫn chưa mang canh tới?”
Tôi ngập ngừng đáp:
“Em quên mất… Ở nhà còn đống đồ chưa giặt, chén bát chưa rửa, thằng Jun lại bày màu nước ra đầy phòng khách, em phải dọn. Em–”
“Thôi được rồi, anh hiểu rồi.”
Hạ Nhàn cắt lời tôi, giọng vẫn nhẹ nhàng nhưng đã lộ rõ chút khó chịu:
“Đừng nói mấy chuyện vặt vãnh đó với anh.
“Lần sau nhớ báo trước, gãy xương không phải chuyện đùa đâu, bữa nào cũng phải tẩm bổ đầy đủ.
“Anh còn phải đến trường, bên chỗ Khinh Khinh không thể thiếu người chăm. Em dọn xong thì mau tới đây.”
Tôi nắm chặt điện thoại, trên mặt dần hiện lên một nụ cười chua chát.
Con dâu trong phòng vẫn chưa thôi hét lớn, bảo tôi thay ga giường.
Cháu trai thì níu lấy tay tôi, đòi đưa nó đi ăn KFC.
Lúc ấy, giọng hệ thống lại vang lên trong đầu tôi:
“Chị Triệu Lan Anh, dường như trong ngôi nhà này chẳng ai bận tâm đến cảm xúc hay nhu cầu của chị.
“Không ai hỏi chị đã ăn chưa, có đói không.
“Họ chỉ không ngừng yêu cầu và đòi hỏi từ chị.
“Gia đình chị, là ngay từ đầu đã như vậy, hay dần dần trở nên như thế?”
Tôi ngồi đờ người ra, lắp bắp trả lời:
“Vì tôi luôn nghĩ, con gái thì phải nghe lời cha mẹ, lấy chồng rồi thì phải theo chồng.
“Họ yêu cầu gì, tôi cũng chưa từng từ chối.”
Tôi chìm vào hồi ức.
Hồi mới đính hôn với Hạ Nhàn, anh ta từng nắm tay tôi, nói:
“Anh phải lên thành phố học đại học, nhà cửa cứ giao hết cho em lo.”
Ba mẹ tôi cũng nói, tiền phải để dành cho em trai xây nhà lấy vợ.
Thế là tôi đành từ bỏ giấy báo trúng tuyển cấp ba, cam chịu vất vả, còn chưa gả vào nhà người ta mà đã coi bố mẹ chồng như cha mẹ ruột mà hiếu thảo hết mực.
Sau này Hạ Nhàn tốt nghiệp đại học, cưới tôi làm vợ.
Anh ấy được phân công công việc, nhưng không cam lòng chỉ làm giáo viên trung học bình thường.
Tôi cũng tìm được việc trong xưởng, còn muốn học thêm lớp ban đêm.
Nhưng Hạ Nhàn nói:
“Lan Anh, công việc của em thì có tương lai gì đâu. Học đêm? Vậy em còn thời gian đâu mà chăm lo cho anh?”
Anh ấy bảo tôi chỉ cần chăm sóc tốt cho gia đình, để anh ấy yên tâm phát triển sự nghiệp. Tôi nghe lời, làm theo.
Ai mà ngờ được, người đàn ông phong độ, học thức đầy mình, làm giáo sư đại học ngoài xã hội…
Về đến nhà thì ngay cả cái áo sơ mi cũng không biết ủi, cái bếp gas cũng chẳng biết mở.
Sau này, Hạ Nhàn thành công, học trò đầy rẫy.
Con trai cũng lớn lên, lập gia đình, tôi tưởng cuối cùng mình cũng có thể thảnh thơi, sống cho bản thân một chút.
Nhưng con trai lại nói:
“Mẹ ơi, bọn con vừa mua nhà gần trường cho con học, lại mới sinh đứa thứ hai, kinh tế thực sự quá eo hẹp. Đâu có tiền thuê người giúp việc hay bảo mẫu, chỉ có thể nhờ mẹ thôi.”
Thế là tôi lại quay cuồng lo cho con dâu ở cữ, bế cháu, dọn nhà.
Bốn mươi năm, cứ thế bận rộn mà trôi qua.
Giọng hệ thống lại vang lên:
“Một người giúp việc, kiêm đầu bếp, kiêm bảo mẫu – nếu thuê ngoài, một tháng không có hai ba chục triệu thì không mời nổi.
“Thế nhưng chỉ cần lấy một người vợ, là có được tất cả những điều đó. Không mất tiền, cũng chẳng cần tôn trọng giá trị lao động của họ.”
Nghe đến đó, lòng tôi chua xót đủ vị.
Hệ thống lại nói:
“Chị Triệu Lan Anh, chị đúng là đã 63 tuổi rồi. Người lớn tuổi thì xương cốt yếu, lỡ đâu ngã một cái là đi luôn cũng không chừng.
“Phần đời còn lại, chị có muốn sống cho đàng hoàng, sống có khí phách một chút không?