Chương 6 - Màn Kịch Hoàn Tiền Đầy Nguy Hiểm
Quay lại chương 1 :
10.
Tôi quay về nhà chị Trương chưa bao lâu thì thang máy vang lên.
Mẹ tôi và em gái dẫn theo hai cảnh sát bước ra.
Dưới ánh đèn cảm ứng ở hành lang, hai người họ chỉ vào dòng chữ dưới đất mà la hét, trông có vẻ sợ hãi tột độ.
Theo tôi thấy, chẳng qua là lương tâm cắn rứt. Làm chuyện sai trái nhiều quá, nên hễ có chuyện gì xảy ra là sợ chết khiếp.
“Chuyện này hai cô nói rồi, giờ bảo có ai đe dọa an toàn, vậy ngoài dòng chữ này còn bằng chứng gì không?”
Hai cảnh sát vẫn rất bình tĩnh. Có lẽ trong đời làm nghề, họ đã gặp không ít chuyện lạ.
“Chừng đó chưa đủ đáng sợ sao?! Người ta viết rõ ràng là nguyền rủa nhà tôi gặp báo ứng! Chắc chắn có người muốn hại chúng tôi!”
“Đúng rồi! Mấy hôm nay có người gọi điện cho tôi lúc nửa đêm, không nói gì cả! Rõ ràng có người đang tìm cách gây chuyện với nhà tôi!”
“Thế nhà cô đã làm gì để khiến người ta muốn gây chuyện?”
Vừa nghe câu hỏi này, mẹ và em gái tôi liền im bặt.
Cả hai đều biết chuyện nhà mình làm là đáng xấu hổ, là kiểu lợi dụng lòng tốt người khác đến mức trơ trẽn.
“Hay là… mời các anh vào nhà nói chuyện, đứng ngoài này cũng bất tiện.”
Mẹ tôi mời hai cảnh sát vào nhà, trước khi đóng cửa còn không dám nhìn lại dòng chữ kia lần thứ hai.
Tối hôm đó, khi chị Trương về, cảnh sát bên nhà tôi đã rời đi.
Dòng chữ dưới đất vẫn còn, khiến chị giật mình.
“Gia Khánh, trước cửa nhà em có chuyện gì vậy?”
Vừa khóa cửa lại, chị mới dám hỏi. Giọng nói cũng nhỏ hẳn đi — kiểu dè chừng này đã thành thói quen của chúng tôi gần đây.
“Em cũng không rõ nữa. Nhưng mà… hôm nay em đã lấy lại được giấy tờ của mình rồi. Giờ cũng yên tâm phần nào.”
Chị Trương còn chưa kịp đáp lại thì cả hai cùng nghe thấy tiếng cửa đối diện mở ra.
Tôi vội ghé mắt nhìn qua mắt mèo.
Là bố tôi. Ông đang cầm cây lau nhà, từng chút một lau dòng chữ trước cửa.
Vừa lau, ông vừa chửi thề với vào nhà — chắc mẹ tôi và em tôi chẳng ai dám làm, cuối cùng lại đùn hết cho ông.
Tôi thấy chẳng có gì đáng xem nữa, định quay đi thì bỗng bố tôi hét lên.
Từ đâu đó một hòn đá bay trúng chân ông, đúng vào bắp chân đang để trần trong quần đùi.
Giữa mùa hè mà bị ném đá đau thế thì ai mà chẳng tức.
Ông vội xoa chân, rồi quay đầu nhìn về hướng hòn đá bay tới — là phía cầu thang bộ.
Tối đen như mực, khu đó chẳng có đèn. Bố tôi chỉ dám đi một đoạn rồi lại quay về, không lau tiếp nữa, vào nhà luôn.
Thấy sắc mặt tôi khác thường, chị Trương vội hỏi:
“Sao thế? Em thấy gì à?”
“Chị ơi… em có linh cảm không lành. Em nghĩ lần này em gái em đụng nhầm người thật rồi.”
“Sao em nói vậy?”
Tôi kể lại mọi chuyện vừa thấy, rồi nói thêm suy đoán của mình, kết hợp những gì đã xảy ra mấy hôm nay.
“Chị nghĩ có phải họ đã chọc giận ai nguy hiểm lắm không?”
“Có chọc nhầm người đi nữa thì chắc cũng chẳng có chuyện gì lớn, em đừng lo quá.”
Thật ra, tôi không lo về chuyện đó. Từ nhỏ đến lớn, mối quan hệ giữa tôi và người nhà đã nhạt nhòa.
Bố mẹ tôi luôn thiên vị em gái. Mẹ lúc nào cũng cưng chiều nó, còn bố thì ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân.
Còn tôi — cứ mãi mắc kẹt ở giữa, chẳng ai thật lòng đứng về phía mình.
“Chị ơi, em có cảm giác dạo này kiểu gì cũng xảy ra chuyện. Hay chị tan làm sớm đi, hoặc để em hóa trang rồi ra đón chị về?”
“Thôi bỏ đi. Mẹ em không chừng đang lang thang đâu đó rồi, bả rảnh rỗi không có việc gì làm, suốt ngày đi loanh quanh. Em có hóa trang cũng chẳng giấu được bả đâu.”
Chị Trương nghĩ một lúc, tự đập tay vào lòng bàn tay.
“Nghỉ phép năm ngoái của chị vẫn chưa dùng. Nghe em nói chị cũng thấy lo, thôi thì mai bắt đầu nghỉ làm một thời gian. Ban ngày chị mua ít đồ ăn về, hai chị em mình cứ ở nhà tạm vài bữa.”
11.
“Bùm! Bùm! Bùm!”
Trưa hôm đó, chị Trương đi chợ chưa về. Tôi đang nằm trên sofa thì nghe thấy tiếng gõ cửa rất lớn từ nhà đối diện.
Gần đây, cái mắt mèo cửa nhà gần như là con mắt thứ ba của tôi.
“Anh tới làm gì?”
Người gõ là chủ cửa hàng chuyển phát ở tầng dưới, mẹ tôi có vẻ nhận ra ông ta.
“Chị ơi, chuyện cái tủ lạnh hôm trước đó, bên kia lại gọi cho tôi rồi! Họ nói nếu không trả lại được cái tủ lạnh đó thì sẽ giết cả nhà tôi!”
“Cái gì cơ?!”
Mẹ tôi giật bắn người. Em tôi ló đầu ra nhìn, cười nhạt:
“Chú cũng tin mấy chuyện đó à? Bây giờ là xã hội pháp trị, ai dám giết người cả nhà chứ?”
Cô vừa dứt lời, ông chủ chuyển phát bất ngờ quỳ sụp xuống.
“Hai người làm ơn trả lại tủ lạnh đi! Con chó nhà tôi hôm nay bị người ta giết rồi! Tôi sợ người tiếp theo là tôi mất! Tôi sẽ trả hết tiền lại cho hai người! Mau đem cái tủ đó đi luôn đi!”
Ông ta luýnh quýnh lục trong túi, lấy ra vài tờ tiền nhàu nát, nhét qua khe cửa mà mẹ tôi vừa mở.
“Chị làm ơn thương tình đi. Mai tôi sẽ lên nhà lấy lại tủ lạnh, hai người cứ chuẩn bị sẵn sàng giúp tôi là được!”
Ông lạy thêm mấy cái nữa, rồi mới loạng choạng đứng dậy, vào thang máy đi xuống.
Mẹ và em gái tôi như bị hóa đá, đứng chết trân trước cửa. Mãi đến khi cửa thang máy mở ra, chị Trương về đến nhà, họ mới tỉnh ra.
“Hai người…?”
Chị Trương còn chưa kịp hỏi gì, mẹ và em tôi đã giật mình đóng sập cửa cái rầm.
Tôi không kịp suy nghĩ, lập tức mở cửa đón chị vào.
Chị mang theo đủ thứ: túi xách, xe kéo, balo, hai tay xách lỉnh kỉnh… mua cả đống đồ ăn dự trữ.
Tôi vừa giúp chị dỡ hàng, vừa kể lại chuyện lúc nãy.
Chị Trương nghe xong mắt tròn mắt dẹt.
“Nghe em kể mà rợn hết da gà! Chung cư này kiểu gì cũng có biến lớn!”