Chương 4 - Lời Nhắn Chưa Gửi

7.

Cận Ngôn rõ ràng biết, tôi ghét nhất là bị nói không hiểu chuyện.

Từ nhỏ, ba mẹ luôn dạy tôi rằng tôi là chị, phải hiểu chuyện, phải nhường nhịn em trai.

Vậy nên, sữa và đùi gà là của em, còn tôi chỉ cần ăn cơm trắng với rau muối là đủ.

Em trai cố tình làm vỡ ly cũng được khen là “có sức khỏe”, còn tôi, dù làm hết việc nhà, học giỏi nhất lớp, cũng chẳng được một cái nhìn động viên.

Em trai cố tình xé bằng khen của tôi, ba mẹ bảo “nó không cố ý đâu”.

Em trai đánh chửi tôi, họ lại bảo “nó còn nhỏ, chưa hiểu chuyện”.

Nhưng tôi chỉ hơn nó hai tuổi, sao tôi lúc nào cũng phải là người hiểu chuyện?

Thậm chí, có lần tôi phát hiện em trai lén nhìn tôi tắm, đem kể với ba mẹ, họ nhìn nhau cười lớn:

“Không sao, trẻ con biết gì chứ.”

“Nó là em ruột con, nhìn một chút thì có sao?”

“Con gái mà, đừng có nói linh tinh, chẳng biết xấu hổ gì cả!”

Nhưng nếu là em trai mách lẻo với họ, chẳng cần biết đúng sai, họ liền lôi roi da ra đánh tôi tới tấp.

Cái gọi là “nhà yên cửa ấm”, thực chất là đổi bằng sự nhẫn nhịn và chịu đựng của tôi.

Sau này tôi rốt cuộc cũng thoát khỏi ngôi nhà đó, có được công việc, có được chồng.

Chồng tôi lúc đó biết chuyện, ôm tôi mà dỗ dành:

“Yên tâm, ở bên anh em không cần phải hiểu chuyện nữa.”

Tôi đã tưởng anh là sự cứu rỗi của đời mình.

Ai ngờ chưa tới hai năm, anh cũng quên sạch những lời ấy.

8.

Tôi cứ tưởng sau trận cãi vã đó, Cận Ngôn sẽ không về nhà.

Không ngờ tối đó anh lại về, say khướt.

Tôi đang ôm máy tính gõ bài trên sofa.

Nếu là trước đây, tôi đã nhanh chóng pha mật ong, nấu canh giải rượu cho anh rồi.

Nhưng giờ tôi mệt rồi, không muốn nhìn thấy anh nữa.

Tôi đặt laptop lên bàn, định vào phòng tắm lấy đồ.

Bất ngờ, một đôi tay rắn chắc vòng ra sau ôm chặt lấy tôi, hơi thở nóng rực phả lên da.

Anh tựa đầu lên vai tôi, hôn nhẹ lên cổ:

“Vợ ơi, sao không để ý đến anh?”

Tôi gồng người gỡ tay anh ra, nhưng tay anh cứng như kìm sắt, siết chặt lấy eo tôi, còn kéo mạnh tôi vào lòng.

“Vợ à, ngoan chút đi mà.” – Anh thở dài bất lực.

“Em nhường cô ấy đi, cô ấy chẳng còn gì cả rồi.”

Tim tôi lạnh đi nửa phần.

Người thân không yêu thương tôi, giờ ngay cả chồng cũng thay lòng.

Rốt cuộc, tôi mới là người chẳng còn gì cả.

Tôi nhắm mắt, cố nuốt vị chát nơi cổ họng.

“Cút!”

Tôi đẩy mạnh anh ra, đi thẳng vào phòng tắm.

Tắm xong, tôi chợt nhớ máy tính vẫn để ngoài phòng khách.

Vừa quay lại, dưới ánh đèn, Cận Ngôn đang ngồi im không động đậy, mắt dán vào màn hình.

Tôi chợt nhớ ra lúc nãy mình đang xem bản thảo đơn ly hôn mà luật sư gửi đến.

Cận Ngôn mặt đỏ gay vì rượu, ngơ ngác nhìn tôi:

“Vợ ơi, em định ly hôn với ai vậy?”

Anh lao tới, ôm chặt lấy eo tôi, hơi thở dồn dập, giọng lặp đi lặp lại:

“Vợ ơi, đừng ly hôn, đừng ly hôn!”

“Chúng ta không ly hôn đâu! Trừ khi anh chết!”

Từ đêm hôm đó, ngày nào Cận Ngôn cũng về nhà.

Anh chủ động báo cáo lịch trình, đưa cơm trưa, thậm chí khi Thư Du Du gọi điện, anh còn chặn số cô ta ngay trước mặt tôi.

“Vợ yên tâm, từ giờ anh không qua lại với cô ta nữa, chỉ có mình em thôi.”

Tôi nhìn bộ dạng si tình của anh mà chỉ thấy buồn nôn.

Thấy chưa? Anh biết những gì anh từng làm là sai.

Biết rõ vai trò người chồng là gì, biết phải giữ giới hạn, nhưng vẫn cố tình buông thả.

Tận hưởng những mập mờ mờ ám, mặc kệ tổn thương của tôi.

Tôi biết anh đang cố gắng hàn gắn mối quan hệ.

Nhưng rồi sao?

Muộn rồi.

9.

Không lâu sau đó là tiệc gia đình của nhà họ Cận.

Tôi vốn chẳng muốn đi.

Nhưng hôm qua bà nội Cận gọi điện, giọng vui vẻ bảo rất nhớ tôi, mong tôi đến.

Lúc mới về làm dâu, tôi không có tiền, không có quyền, cũng không khéo ăn nói.

Người nhà họ Cận ai cũng khinh thường tôi, sau lưng gọi tôi là “đào mỏ”, “trèo giường đổi đời”.

Họ còn nhiều lần làm nhục, bày mưu hãm hại tôi.

May mà có bà nội Cận yêu quý và luôn bảo vệ tôi, tôi mới trụ vững được suốt hai năm qua.

Tôi không muốn phụ lòng bà, cũng không muốn bà buồn.

“Yên tâm nhé bà, con nhất định sẽ về thăm bà.”

Trong bữa tiệc lộng lẫy ánh đèn, tôi khoác tay Cận Ngôn, cùng anh tiếp khách.

Sau khi khách khứa rời đi, tôi rút tay ra, đưa tay xoa trán, mệt mỏi.

Cận Ngôn cúi xuống dịu dàng hỏi:

“Mệt rồi à? Muốn vào trong nghỉ một lát không?”

Đúng lúc này, cánh cửa tiệc mở ra, Thư Du Du bước vào trong bộ váy trắng tinh khôi.

So với những bộ váy lộng lẫy và lớp trang điểm kỹ lưỡng của mọi người xung quanh, Thư Du Du lại mặc váy trắng đơn giản và trang điểm nhẹ đến mức gần như không có gì.

Sự tinh khôi và ngây thơ ấy lập tức thu hút ánh nhìn của tất cả mọi người.

Không ít đàn ông trong bữa tiệc nhìn cô ta đầy kinh ngạc, bị vẻ khác biệt ấy làm cho rung động.

Thật ra chiếc váy trắng đó tôi đã từng thấy trong điện thoại của Cận Ngôn.

Là tấm ảnh chụp ở buổi dạ tiệc tốt nghiệp đại học năm xưa.