Chương 4 - Kiếp Trước Mẹ Chồng Đã Ghét Ta Suốt Cả Một Đời

10

Ta không hiểu.

Ở kiếp trước, sau khi ta gả cho Chu Văn Uyên vẫn mãi không mang thai.

Mẹ chồng thì khóc lóc, náo loạn, thậm chí dọa thắt cổ, ép Chu Văn Uyên bỏ vợ cưới người khác.

Nhưng mặc bà làm ầm đến đâu, hắn cũng không đồng ý.

“Thê thất tệ bạc thì cũng không nên đuổi ra khỏi nhà.”

“Bỏ vợ cưới người khác, người ngoài sẽ nhìn ta thế nào?”

“Thanh Hòa theo ta hơn mười năm, không công thì cũng có khổ.”

“Không có con cũng chẳng sao, ta nạp vài thiếp, đợi sinh con trai rồi đưa về danh nghĩa của nàng cũng vậy thôi.”

Về sau, Chu Văn Uyên quả thật đã nạp hai tiểu thiếp.

Chỉ là… cả hai người đó đều sinh con gái.

Mẹ chồng tìm thầy bói xem mệnh, thầy nói rằng, Chu Văn Uyên nạp thiếp quá muộn.

Vận mệnh sinh con trai của hắn nằm ở trước tuổi hai mươi, sau đó sinh thì chỉ toàn là con gái.

Cho đến lúc ta chết, Chu Văn Uyên vẫn chưa có một đứa con trai nào.

Vì vậy, mẹ chồng lại càng căm hận ta đến tận xương tủy.

“Chu Văn Uyên, tại sao?”

Hai mươi năm làm vợ chồng, Chu Văn Uyên gần như chỉ trong chớp mắt đã hiểu được ánh mắt của ta.

Tại sao?

Tại sao lần này… lại không còn kiên trì nữa?

Chu Văn Uyên khựng lại, hàng mi khẽ run, cúi đầu, không dám nhìn thẳng vào ta.

“Ta muốn có một đứa con trai.”

“Đó là điều tiếc nuối cả đời của ta.”

“Bây giờ… vẫn còn kịp.”

Bàn tay siết chặt chầm chậm buông lỏng.

Ta chẳng biết phải gọi cảm giác trong lòng mình là gì nữa.

Giống như rất hụt hẫng, nhưng đến khi đau đến tê dại, lại thấy nhẹ nhõm.

Có lẽ, sâu thẳm trong lòng ta… cũng chẳng thật sự muốn sống cả đời với Chu Văn Uyên thêm lần nữa.

Đã vậy thì, mỗi người một ngả… ai yên phận nấy thôi.

11

Ngày thứ hai sau khi từ hôn, mẹ của Giang Nghiễn Chu đích thân dẫn hắn tới nhà ta cầu hôn.

Theo lệ ở chỗ chúng ta, đi hỏi vợ đều phải do bà mối đứng ra.

Nhìn hai mẹ con họ ngồi ngay ngắn nghiêm trang trong phòng, cha mẹ ta có phần ngậm ngùi.

Chu Văn Uyên tuy chỉ có mẹ góa, nhưng gia cảnh vẫn khá hơn nhà họ Giang nhiều.

Trước khi cha hắn qua đời, từng làm chưởng quầy ở một tửu lâu trong trấn, mỗi năm kiếm được mấy chục lượng bạc.

Nếu không, cũng chẳng đủ tiền cho hắn đi học.

Chu Văn Uyên không có tài năng xuất chúng như Giang Nghiễn Chu, tiền học phí, bút mực, giấy bút… mỗi năm đều là khoản không nhỏ.

Sau này, cha hắn trong một lần theo chủ ra ngoài thu mua nguyên liệu, chẳng may gặp phải sơn tặc.

Ông chết trong lúc cứu chủ.

Nghe nói sau đó, chủ tử cảm kích, đã bồi thường cho nhà họ Chu hai trăm lượng bạc.

Tuy mấy năm qua tiền học tốn không ít, nhưng trong làng thì nhà họ Chu vẫn được xem là khá giả.

Không giống nhà họ Giang.

Mẹ Giang Nghiễn Chu ốm đau quanh năm, cha hắn trước đây chỉ là một thợ săn.

Trong nhà ngoài hai mẫu ruộng cằn, chẳng còn gì khác.

Huống hồ, Giang Nghiễn Chu còn bị tật ở chân.

“Thông gia, chuyện sính lễ…”

“Sính lễ ít một chút cũng không sao đâu.”

Mẹ  ta ngắt lời mẹ của Giang Nghiễn Chu, vẻ mặt đầy thương cảm.

“Ta chỉ có mỗi đứa con gái này, chỉ mong nó sống cho thật tốt.”

“Tình hình nhà họ Giang, ta đều biết cả.”

“Nhà ta không coi trọng sính lễ bao nhiêu, chỉ cần về sau các người đối xử tử tế với Thanh Hòa là được.”

Giang Nghiễn Chu lập tức đứng dậy, gương mặt thanh tú hiện vẻ nghiêm nghị.

“Thẩm cô nương có ơn cứu mạng với ta.”

“Nghiễn Chu nguyện lấy cỏ kết thành dây, ngậm trong miệng mà báo đáp.”

“Gì cơ?”

“Tỷ ta gả cho huynh, huynh chỉ cho tỷ ta ăn cỏ thôi à?”

A đệ từ ngoài sân lao vào, tức tối trừng mắt nhìn Giang Nghiễn Chu.

“Đệ biết nhà huynh nghèo, nhưng nghèo cũng không thể bắt tỷ tỷ ăn cỏ chứ!”

12

Lễ đính hôn với nhà họ Giang, cứ như một vở kịch rối, kết thúc chóng vánh.

Nhà họ Giang đưa sính lễ năm lượng bạc.

Thêm vào đó là một củ nhân sâm núi hơn hai trăm năm tuổi.

Thấy củ sâm ấy, mắt cha ta trợn tròn.

Ta từng theo Chu Văn Uyên làm huyện phu nhân suốt chín năm, lúc đó cũng từng có người biếu hắn một củ sâm núi trăm năm.

Mà củ ấy, cả hình dáng lẫn kích cỡ đều kém xa củ này.

Chu Văn Uyên lúc ấy quý như vàng, bắt ta cẩn thận cất giữ.

Hắn nói, thứ này lúc nguy cấp có thể cứu mạng, ngàn vàng cũng không đổi.

Còn củ sâm nhà họ Giang đem tới, nếu đem bán ra ngoài, e rằng có thể đổi được cả ngàn lượng bạc.

Cha ta run rẩy nhận lấy hộp gấm, muốn từ chối nhưng không nỡ.

“Thông gia à… cái này… thực sự quý giá quá rồi.”

Mẹ của Giang Nghiễn Chu là một phụ nhân trung niên xinh đẹp.

Diện mạo dịu dàng, thân hình gầy gò, nhìn cứ như nữ tử vùng Giang Nam.

Nhưng vừa mở miệng lại mang phong thái hào sảng đặc trưng của phụ nữ phương Bắc.

“Người ta vẫn nói, sính lễ thể hiện tấm lòng của nhà trai.”

“Đây… chính là thành ý của nhà họ Giang chúng ta.”

Lúc nhà họ Chu đến dạm hỏi, họ mời bà mối đến chẳng khác gì đi mua rau ngoài chợ.

Lôi kéo mẹ ta mà cò kè mặc cả từng chút.

Một người không chịu nhường lấy một xu, một người thì chi li tính toán từng đồng.

Chỉ vì muốn lấy thêm chút sính lễ, hai người cãi nhau như gà chọi.

Mẹ ta từng nói, tiền sính lễ nhà ta sẽ không giữ lại một xu, tất cả đều đưa theo làm của hồi môn cho ta.

Của hồi môn là tài sản riêng của nhà gái.

Dù có ly hôn, vẫn có thể mang đi.

Chính vì cố gắng đòi thêm sính lễ, mà sau khi thành thân, mẹ chồng không ít lần trưng ra bộ mặt khó coi với ta.

À… mà giờ bà ta đã không còn là mẹ chồng ta nữa rồi.

Trương Quế Phương sau này viện đủ lý do, chỉ trong nửa năm đã lừa hết toàn bộ số bạc trong của hồi môn của ta.

Bao gồm cả mười lăm lượng bạc tiền sính lễ, cùng với mười lăm lượng cha mẹ cho thêm làm của hồi môn.

Đó là một nửa gia sản của cả nhà ta.