Chương 3 - Không Còn Là Con Gái Ngoan
Chỉ sau hai ngày, số bình luận đã vượt mười ngàn, mà đa phần đều đến từ những người con gái có cùng cảm xúc.
“Tại sao, việc sinh ra chúng tôi đã được xem như một ân huệ lớn? Có ai hỏi chúng tôi có muốn sinh ra trong một gia đình trọng nam khinh nữ không?”
“Tài sản là của con trai, còn khổ đau là phần con gái – bao giờ mới dẹp bỏ được tư tưởng cổ hủ này?”
“Là con gái, tôi vừa giận vừa bất lực trước cách bố mẹ đối xử với mình.”
Ngay lập tức, các trang tin địa phương đồng loạt lên bài bình luận, bài nào cũng kêu gọi con gái phải dũng cảm thoát khỏi ràng buộc từ gia đình gốc, tự tạo nên cuộc sống hạnh phúc của riêng mình.
Các KOL, blogger trên mạng cũng tranh nhau bắt trend, phân tích, phản ứng từng bước theo diễn biến.
Dư luận đổi chiều hoàn toàn.
Những bình luận chỉ trích tôi trước đó bị cư dân mạng lôi ra “bóc phốt” và phản bác kịch liệt.
Dù mấy tài khoản đó không còn dám lên tiếng nữa, nhưng im lặng chính là bằng chứng của sự chột dạ.
Cơn giận dữ của cộng đồng mạng ngày càng leo thang.
Có người đề nghị truy tìm danh tính kẻ tung tin giả.
Đề nghị này được hưởng ứng nhiệt tình, và cuối cùng, người bị “đào” ra lại chính là… chị dâu tôi!
Mấy tài khoản phụ họa khác cũng do chị ta chỉ đạo!
Dân mạng đồng loạt lên tiếng mắng mỏ:
“Trên đời thật sự có loại người vừa ăn cắp vừa la làng thế này đấy!”
“Ba căn nhà chiếm hết rồi, còn mặt mũi nào mắng con gái bất hiếu?”
“Cô ta chính là kẻ hưởng lợi. Giờ thấy em chồng thành công thì ghen tức, quay sang bôi nhọ người ta!”
Có người tra được nơi chị ta làm việc, kéo đến mắng tận nơi.
Có người nhận ra chị ta ngoài chợ, ném trứng thối vào mặt.
Thậm chí có người còn chạy về nhà mẹ đẻ của chị ta mắng cả gia đình, hỏi họ sao lại nuôi được đứa con gái không biết xấu hổ như thế!
Màn kịch drama trên mạng này, đúng là khiến người ta xem mà hả dạ.
Buồn cười thật, tôi còn chưa kịp tìm đến chị ta, chị ta đã không chịu nổi mà tự tìm đến tận nơi.
Tuy dân mạng đã dạy cho chị ta một bài học, nhưng tôi nghĩ – có vài món nợ, vẫn nên về quê tính sổ mới đúng.
Bạn trai tôi lái xe chở tôi về lại thị trấn nhỏ quê nhà.
Trên đường về, tôi gọi điện cho vài người bạn thân để hỏi thăm tình hình nhà cũ.
Thì ra, năm đó khi chia nhà tái định cư, bố mẹ tôi vốn định chuyển nhượng hai căn cho anh tôi, giữ lại một căn đứng tên họ để ở.
Nhưng bị chị dâu làm ầm lên, anh tôi lại ngọt nhạt thuyết phục: “Bố, mẹ, sau này bố mẹ mất thì căn nhà đó chẳng phải cũng về tay con à? Đến lúc đó còn phải làm thủ tục sang tên, phiền phức lắm. Với lại, nhỡ Chân Chân về tranh giành thừa kế thì sao?”
Bố mẹ tôi vốn chẳng có ý định cho tôi gì, nghe thế là xuôi tai, lập tức chuyển toàn bộ ba căn sang tên anh tôi.
Anh tôi từ đó vênh mặt lên tận trời, tự hào trở thành “chủ nhân ba căn nhà”.
Dù ở thị trấn nhỏ giá nhà không cao, nhưng ba căn cũng trị giá hơn hai trăm triệu.
Tiền nhiều quá dễ làm người ta ảo tưởng.
Rồi lũ bạn nhậu, bạn cờ bạc kéo đến, ăn nhậu liên miên, dần dần lôi kéo anh tôi vào con đường cờ bạc.
Một khi đã sa chân vào cờ bạc, rất khó rút ra được.
Chỉ trong hai năm, anh tôi đã thua mất hai căn nhà.
Cả nhà đành dọn vào căn còn lại – căn nhà bố mẹ tôi từng định giữ lại để ở – sống chung với nhau.
Nửa năm sau, ngay cả căn nhà cuối cùng cũng bị anh tôi đem đi cầm rồi thua nốt.
Cuối cùng, cả gia đình phải đi thuê nhà sống.
Trước kia, bố mẹ tôi còn đi trông cháu cho anh chị, sáng đi tối về, dù có xung đột thì vẫn còn khoảng cách để nghỉ ngơi.
Giờ ở chung, mâu thuẫn nổ ra từng phút từng giây, không có lấy một ngày yên ổn.
Chị dâu suốt ngày chửi anh tôi vô dụng, mắng bố mẹ tôi sinh ra đồ nghiện cờ bạc, mắng họ không biết chăm cháu.
Trong nhà ngày nào cũng vang lên tiếng quát tháo, bố mẹ tôi đến cả thở mạnh cũng không dám.
Không lâu trước đây, mẹ tôi bỗng nhiên trở thành người thực vật.
Họ nói mẹ tôi trèo lên gác lấy đồ thì bị ngã, đưa vào viện cấp cứu không kịp, thành người thực vật.
Nhưng bạn tôi kể, mọi người đều nghi ngờ mẹ tôi bị chị dâu đánh.
Hàng xóm xung quanh đều biết chị ta thường xuyên bạo hành mẹ tôi.
Còn bố tôi thì sợ chị ta đòi ly hôn nên không dám nói một lời.
Anh tôi thì càng khỏi phải nói – thờ ơ như người xa lạ.
Tôi tức đến mức sắp nổ phổi.
Người đàn bà này thật quá độc ác.
Lần này, tôi nhất định phải bắt cô ta trả giá đắt – máu trả bằng máu!
Tôi dừng chân trước cửa nhà họ.
Trước cửa chất đầy rau thối và trứng gà bị ném vỡ, trên cánh cửa còn chi chít những lời chửi bới bẩn thỉu.
Xem ra, đây là “tác phẩm” của những cư dân mạng phẫn nộ.
Chắc hẳn, cô ta cũng đã nếm đủ mùi bị tấn công mạng rồi.
Tôi đưa tay gõ cửa.
Bên trong truyền ra giọng cảnh giác của chị dâu: “Ai đấy?”
Tôi đáp: “Là tôi.”
“Chân Chân! Là Chân Chân!” Tôi nghe thấy giọng bố tôi đầy ngạc nhiên và mừng rỡ.
Ngay sau đó, cửa được mở ra.
Khi bố tôi xuất hiện trước mặt, tôi suýt không nhận ra ông.
Chỉ mới năm sáu năm, mà trông ông như già đi cả chục tuổi, gương mặt đầy vẻ tàn tạ.
“Đây là ai thế?” Bố tôi nhìn sang bạn trai tôi.
Tôi giới thiệu sơ qua.
Ông vội vàng kéo cả hai chúng tôi vào nhà.
Trong nhà bừa bộn tới mức không có nổi một chỗ đặt chân.
Một đứa bé chừng bốn, năm tuổi đang ngồi bên bàn với dòng nước mũi dài lòng thòng, chị dâu cầm bát đang đút cơm cho nó.
Thấy tôi, chị ta cố nặn ra một nụ cười còn khó coi hơn khóc, coi như chào hỏi.
Anh tôi nghe tiếng cũng bước từ trong phòng ra, mặt mày như chưa từng có chuyện gì xảy ra, vội vàng đóng vai anh trai thân thiết: “Chân Chân, cuối cùng em cũng về rồi! Bố mẹ ngày nào cũng nhắc em đấy.”
Tôi lạnh nhạt nhìn lướt qua cả hai, hỏi: “Mẹ tôi đâu?”
Anh tôi chỉ tay về phía ban công: “Ở đó kìa.”
Tôi khoác tay bạn trai, đi về phía ban công.
Ở đó được ngăn lại thành một gian nhỏ, vừa bước vào đã bị mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào mũi.
Tôi nhìn thấy mẹ mình đang nằm trên giường, người gầy trơ xương, ống truyền cắm đầy trên thân thể.
Chăn chiếu vừa bẩn vừa cũ, mùi trên người bà xộc lên nồng nặc, chắc đã lâu rồi không được lau rửa, càng không ai lật người hay xoa bóp cho bà.
Dù gì bà cũng là người đã mang nặng đẻ đau ra tôi.
Thấy bà như vậy, nói không đau lòng là nói dối.
Tôi thở dài, quay người ra khỏi phòng.
Tôi hỏi bố – người đang lẽo đẽo theo sau: “Mẹ tôi sao lại thành ra thế này?”
“Chuyện đó….” Bố tôi vò tay:“Đợt trước bà ấy nhất định đòi leo lên gác lấy đồ, không cẩn thận ngã xuống, đưa vào bệnh viện thì không kịp cứu nữa, thành ra thế này.”
Tôi biết ông đang nói dối.
Vì ông có một thói quen – hễ nói dối là sẽ vò tay như vậy.
Chưa kịp để tôi truy hỏi tiếp, ông đã lấp liếm thêm: “Ôi, tốn kém lắm con ơi, bố phải dày mặt mới vay được tiền để chữa chạy cho mẹ con đấy.”
Ý ông là: đợi tôi tự giác mở miệng đưa tiền.
Tôi không nói gì.
Anh tôi liền tiếp lời: “Chân Chân à, em không biết chứ mấy năm nay em không về nhà, bố mẹ nhớ em lắm, ngày nào cũng nhắc. Em cũng nên gửi lấy một cái tin chứ?”
Tôi trừng mắt nhìn anh ta:“Trước kia chẳng phải anh nói nhà là của anh, mọi chuyện không liên quan đến tôi à? Giờ tôi về làm gì?”
Anh tôi mặt đỏ bừng: “Kìa em, chuyện cũ nhắc lại làm gì. Dù gì mình cũng là người một nhà mà.”
Tôi cười nhạt: “Tôi còn tưởng anh có thể chăm sóc bố mẹ cho tốt. Kết quả thì sao? Để mẹ tôi thành người thực vật, mà anh còn nói được à?”
Chị dâu nghe vậy lập tức hét lên: “Tự bà ấy không cẩn thận, sao lại đổ lên đầu tôi?”
Tôi bước tới đối diện chị ta: “Có phải thật sự không cẩn thận hay không thì còn phải điều tra. Tôi sẽ làm rõ chuyện này.”
Chị ta cười nhếch mép khinh thường: “Vậy cô cứ điều tra đi, xem cô điều tra được cái gì.”
Tôi quay lại, cố ý nói với bố và anh trai: “Vốn dĩ lần này tôi về là định đưa cho các người một khoản tiền. Nhưng nhìn thấy mẹ tôi ra nông nỗi này, thôi vậy… khỏi.”
“Đừng! Đừng mà!” Bố tôi vội cắt lời:“Mẹ con thành ra thế rồi, càng cần tiền chứ! Con không thể thấy chết mà không cứu được!”
Hôm sau, tôi đến bệnh viện, tra hồ sơ nhập viện của mẹ.
Tôi tìm đến bác sĩ trực ca cấp cứu hôm đó.