Chương 1 - Không Còn Là Con Dâu Ngoan

Chồng tôi hy sinh vì nhiệm vụ, ba mẹ chồng bảo tôi đừng tái giá, họ nói sẽ thương tôi như con gái ruột.

Vì thế, tôi đã chăm sóc họ suốt hơn hai mươi năm, cho đến khi cả hai qua đời.

Không ngờ trước lúc mất, họ lại để toàn bộ tiền bạc và nhà cửa cho em chồng.

Chỉ để lại cho tôi một câu: “Thả con tự do, mong con tái giá!”

Tang lễ còn chưa dọn xong, tôi đã bị đuổi ra khỏi nhà, chết cóng giữa đống rơm ngô.

Lúc mở mắt ra lần nữa, trên linh đường lại là di ảnh của chồng…

Mẹ chồng đang ôm tôi vừa khóc vừa than:

“Dư Mai à, từ nay con chính là con gái ruột của chúng ta!”

“Chỉ cần chúng ta còn sống, sẽ không để ai bắt nạt mẹ con con đâu!”

Tôi hất tay bà ra, lập tức đề nghị phân chia di sản.

Ba mẹ chồng sững sờ.

01

Cảm giác rét buốt khắp người dần tan đi, tôi vẫn đang ở linh đường.

Chỉ là di ảnh treo trên đó đã đổi từ mẹ chồng thành chồng tôi – Phùng Gia Đống.

Tiếng khóc than vang vọng khắp nơi, một đôi tay bất ngờ kéo tôi vào lòng.

“Dư Mai à, lại khóc đến ngất xỉu rồi hả?”

“Thân thể con thế này chịu sao nổi, mẹ xót lắm, mau vào trong nghỉ chút đi!”

Giọng nói quen thuộc này… là mẹ chồng!?

Tôi đã trọng sinh rồi sao? Trở về thời điểm 20 năm trước, trong lễ tang của chồng.

Mẹ chồng nhẹ nhàng vỗ lưng tôi, trông chẳng khác gì một người mẹ hiền từ.

“Con dâu khổ mệnh của mẹ ơi, haizz…”

Đúng vậy! Tôi sao lại không khổ cơ chứ?

Trung niên mất chồng, mẹ góa con côi, bị chính những người thân yêu nhất chặt đứt đường lui.

Trong mắt người ngoài, ba mẹ chồng thương tôi hơn cả con gái ruột.

Nhưng thực chất, họ rút cạn sức tôi, vắt sạch tôi như vắt chanh.

Hai mươi năm tuổi xuân của tôi đều dành để phụng dưỡng họ.

Tôi lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho ba chồng nằm liệt giường, đến lúc ông mất cũng sạch sẽ tươm tất.

Sau khi ông mất, tôi lại tận tụy chăm sóc bà mẹ chồng yểu điệu, thậm chí chưa từng để bà phải rửa một cái chén.

Vậy mà cuối cùng, tôi lại bị họ tính kế một vố đau hơn kẻ thù.

Trước khi mất, mẹ chồng đem toàn bộ tài sản trong nhà để lại cho em chồng.

Ngay cả căn nhà cấp bốn nhỏ trong thôn – thứ mà anh ta chẳng dùng tới – bà cũng đã âm thầm sang tên cho con trai út.

Không để lại cho tôi dù chỉ một đồng xu.

Chỉ vứt lại một câu:

“Thả con tự do, mong con tái giá!”

Tôi từng không tin, rằng người suốt ngày gọi tôi là “con ngoan” ấy lại có thể làm ra chuyện như vậy.

Tôi quỳ trước di ảnh của bà, khóc đến chết cũng không chịu rời đi.

Bà vừa hạ huyệt, linh đường còn chưa dọn xong, em chồng đã xua tôi ra khỏi nhà.

“Mẹ nói rồi, bảo chị tái giá đi!”

“Chị đâu còn là người nhà họ Phùng nữa, biến đi đâu cho khuất mắt!”

Đồ đạc cá nhân của tôi bị họ ném ra như vứt rác.

Tuyệt vọng, tôi bước đi thất thần trên con đường đầy tuyết.

Chân loạng choạng, tôi ngã vào đống thân ngô khô, chết cóng trong màn đêm lạnh lẽo.

“Dư Mai, chỉ cần con không tái giá, cứ ở lại nhà này.”

“Từ nay, con chính là con gái ruột của hai bác!”

Mẹ chồng lau nước mắt, ôm tôi đầy dịu dàng.

Ba chồng chống gậy, trước mặt bao nhiêu người đến viếng, ông thề:

“Chỉ cần tôi còn sống, sẽ không để mẹ con nó bị bắt nạt!”

Tôi bật cười chua chát —

Kiếp trước, người chèn ép tôi dữ dội nhất, chính là hai người các ông đấy.

Kiếp này, tôi sẽ bắt hai người phải trả giá!

02

Tiếng nhạc tang lễ bị cắt ngang.

Tất cả mọi người quay lại nhìn tôi, chờ tôi mở lời.

Nghe tôi nói rõ sẽ không tái giá, hai ông bà lập tức thay phiên diễn một màn “thương con dâu như con gái”.

Nhưng tôi chẳng có thời gian rảnh để chơi kịch với họ. Tôi đang tìm vị lãnh đạo ở huyện – cấp trên của chồng tôi – ông Tôn Hạo.

Kiếp trước, toàn bộ thủ tục liên quan đến bồi thường và phúc lợi sau khi chồng tôi hy sinh đều do ông ấy trực tiếp xử lý.

Tôi vừa định bước lên chào hỏi, thì bị mẹ chồng kéo mạnh ra phía sau.

“Con ngoan, con mệt cả ngày rồi, đi nghỉ chút đi.”

Tôi hất tay bà ra, sải bước đi thẳng.

Bà tưởng tôi sẽ lại uống ly nước có thuốc ngủ như kiếp trước sao?

Chính vì ly nước đó, trong lễ tang kiếp trước, tôi cứ lờ đờ buồn ngủ cả ngày.

Lãnh đạo huyện mấy lần đến thăm hỏi, nhưng thấy tôi không tỉnh táo để nói chuyện.

Cuối cùng không còn cách nào khác, ông ấy đành chuyển sang bàn bạc với mẹ chồng tôi.

Mẹ chồng cứ thế thuận lợi chiếm hết khoản tiền khen thưởng của Gia Đống.

Suất việc làm dành cho vợ liệt sĩ thì được nhường cho em gái chồng, căn nhà phúc lợi của huyện cũng rơi vào tay em trai chồng.

Kiếp này, mọi thứ đáng lẽ thuộc về tôi và con gái Hoan Hoan, tôi sẽ không để họ nhúng tay vào dù chỉ một xu.

Thấy tình hình không ổn, em chồng hoảng hốt chạy lại giữ tay tôi.

Nói một đống chuyện gấp để lôi kéo tôi đi chỗ khác, nhưng tôi thậm chí chẳng buồn liếc hắn lấy một cái.

Tôi đi thẳng đến trước mặt Tôn Hạo, khẽ gật đầu chào.

“Chào anh! Tôi là vợ của Phùng Gia Đống – Lưu Dư Mai. Đây là con gái của chúng tôi – bé Hoan Hoan.”

“Rất cảm ơn anh đã không ngại đường xa đến dự tang lễ của chồng tôi… hu hu hu…”

Tôn Hạo vội đỡ tôi:

“Em dâu à, xin chia buồn cùng em!”

03

Ba mẹ chồng và em chồng vẫn còn ngơ ngác vì sao tôi không hề buồn ngủ như lần trước.

Còn tôi thì đã đưa lãnh đạo vào nhà, thắp hương cho Gia Đống xong xuôi.

Ánh mắt mấy người kia như ma quỷ, cứ nhìn tôi chằm chằm không rời.

Tôi chỉ cần quay lưng lại là họ đã nhốn nháo lo đi tìm.

Nhân lúc họ bị đám họ hàng đến viếng quấn lấy, tôi cuối cùng cũng có cơ hội nói chuyện riêng với lãnh đạo.

Tôn Hạo thay mặt nhà nước gửi lời chia buồn, sau đó nói chuyện bồi thường.

Ông còn dặn dò kỹ lưỡng, bảo tôi đừng dễ tin người khác.

Dặn tôi sớm đến Phòng Công tác Cựu chiến binh để gặp chuyên viên Tiểu Tần làm thủ tục đăng ký.

Trước khi rời đi, ông còn đưa tôi thông tin liên lạc của Tiểu Tần.

“Em dâu à, nhớ giữ gìn sức khỏe! Phải sống tốt vì con!”

Tiễn Tôn Hạo đi rồi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Khi ba mẹ chồng và em chồng thoát ra được đám người vây quanh, xe công vụ cũng vừa rời khỏi làng.

Mẹ chồng đến khói xe còn không kịp nhìn thấy, ánh mắt độc ác vụt qua gương mặt bà ta.

Ngày hôm sau, lễ tang kết thúc, khách khứa cũng dần rời đi.

Họ hàng nhà họ Phùng lập tức vây tôi lại giữa sân, giống như kiếp trước, ép tôi phải cam kết công khai rằng sẽ chăm sóc ba mẹ chồng đến hết đời.

“Con dâu cũng là nửa đứa con gái, chăm sóc cha mẹ chồng là chuyện đương nhiên!”

“Phải đó, chú ba Phùng bị đau lưng mãn tính, không có ai chăm sao mà được.”

“Nếu mày bất hiếu, đừng trách tụi tao không tha cho mày, ngay cả Gia Đống cũng sẽ không tha nếu làm ma!”

Mẹ chồng mặt mày rạng rỡ, ba chồng gật gù cười cười, như thể điều đó là lẽ đương nhiên.

“Ba mẹ chồng con thương con như con ruột, sống với họ chẳng thiệt thòi gì đâu!”

“Có hai ông bà giúp trông con, sau này con cứ việc sống sung sướng!”

Trong lòng tôi không ngừng lật trắng mắt. Em trai em gái chồng vẫn còn sống sờ sờ đó.

Dù có kiện lên tòa, trách nhiệm phụng dưỡng cũng chẳng đến lượt tôi.

Em gái chồng cũng hùa theo:

“Em ganh tỵ với chị dâu ghê á! Không phải đi làm, ở nhà chơi cả ngày mà vẫn có tiền tiêu.”

“Ba mẹ còn thương chị hơn cả em! Chị có phúc thế này, phải mừng chứ!”

Tôi hừ lạnh một tiếng — phúc như thế, có muốn đổi lấy không?

Kiếp trước vì phục vụ hai ông bà già, tôi cực khổ đến mức lưng cũng không duỗi thẳng nổi.

Hễ trời mưa là tôi đau đến muốn chết, vậy mà cô ta gọi đó là “vui chơi” à?

Tôi hắng giọng một cái, bắt đầu “chào hỏi” từng người một.