Chương 4 - Khi Tôi Quay Về Đúng Ngày Đó
Vết thương không sâu nhưng nhìn cũng hơi đáng sợ. Tôi cúi đầu, chẳng nói lời nào.
Lục Hạ tự nhiên hơi sợ, anh nắm lấy vạt áo của tôi: “Thời Hoan.”
Tôi chăm chú nhìn vết thương ấy, lẩm bẩm như mất hồn.
“Lục Hạ, anh chính là một nhân tố không ổn định, dễ dàng bị thương, dễ dàng chết đi, mà quan trọng là không thể thay thế được.”
“Có lúc em thực sự muốn nhốt anh trong phòng, cứ để vài chục năm còn lại, em sẽ không cho anh ra ngoài. Như thế, anh sẽ không bị thương, cũng không biến mất nữa.”
“Thời Hoan…” Anh cúi người ôm lấy tôi, trán dựa lên vai tôi.
“Chậc, không nỡ làm khó anh. Làm việc của anh đi! Dù sao anh cũng thích công việc này mà.”
Cuối cùng, tôi không nói nữa, kéo anh ngồi xuống mép giường, hôn anh thật lâu.
Ngón tay khẽ chạm vào vết sẹo đã đóng vảy, anh run lên một chút.
“Nhột.”
Tôi ôm lấy eo anh ấy: “Ngủ chút đi, mệt rồi.”
Khi tỉnh lại, mặt trời vẫn chưa lặn, Lục Hạ đưa tôi đi ăn. Ở chợ đêm, các quầy hàng đã dọn ra.
Mọi thứ đủ loại bày la liệt, người trả giá, người chửi bới, người đập bát đập đĩa, thậm chí có cả kẻ lợi dụng màn đêm để trộm ví.
Hai kiếp sống, lần đầu tôi đến miền Nam, ồn ào nhưng thú vị. Ở khách sạn một ngày, tôi chuyển sang ở ký túc xá của Lục Hạ.
Ký túc xá của anh chất đầy sách vở về máy móc, chăn đệm được phơi nắng ấm áp. Dưới ánh đèn, anh mở sách, những ghi chú trên trang sách rất ngay ngắn, cẩn thận.
Anh ngồi xuống bên cạnh tôi, cầm một cuốn sách toán cấp ba: “Thời Hoan, thầy nói anh tính toán không tốt lắm, anh không hiểu lắm về cách suy luận công thức.”
Tôi chống cằm nhìn anh. Những công thức đó, tôi giảng rất thành thạo, anh nghe cũng rất chăm chú.
Một buổi tối đẹp như vậy, chẳng gì có thể lãng mạn hơn là học toán cùng nhau.
Đến ngày tôi rời đi, Lục Hạ xin nghỉ phép tám ngày. Tôi bật cười, hỏi anh có định về cùng tôi không? Anh nghiêm túc gật đầu. Trên đường về, mặt anh đỏ bừng, đưa tôi một chiếc hộp.
Tôi mở ra, bên trong là đôi khuyên tai ngọc lam “Chúc mừng sinh nhật, Thời Hoan.”
Tôi không nhịn được cười: “Năm nay bận quá, em quên mất. Anh đi cùng em về chỉ vì không muốn bỏ lỡ sinh nhật em à?”
Anh gật đầu: “Năm nay em vẫn chưa ăn bánh sinh nhật.”
12
Ban đầu, Lục Hạ đáng lẽ hè đã về, nhưng khóa học vẫn chưa kết thúc. Anh được một giáo sư già ở miền Nam để ý, kéo đi tham gia một dự án sửa chữa máy móc nhập khẩu quy mô lớn.
Ngày về của anh bị hoãn hết lần này đến lần khác, cuối cùng lại trì hoãn đến tận dịp Tết.
Lần thứ hai tôi xuống miền Nam ăn Tết, trong lòng đầy bực bội, định tìm giáo sư già ấy để hỏi tội. Nhưng chưa kịp mở lời, giáo sư đã lên tiếng trước.
“Lục Hạ giống như con trai của tôi, còn cô như con gái của tôi vậy…”
Ông vừa cười hiền từ, vừa dúi vào tay tôi một phong bao lì xì.
Tôi nghẹn lời, ông lão này quá xảo quyệt, lì xì đưa ra rồi, tôi chẳng nói được gì nữa, chỉ đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà giận trong bụng.
Năm đó, khu vực ven biển bắt đầu phát triển, ngay dịp năm mới càng thêm phồn hoa. Tôi ra biển, rồi trở về nhìn thấy một ngôi chùa, liền khựng lại.
Bước vào chùa, tôi thành tâm quỳ lạy.
Lục Hạ thắp hương xong, quay lại thấy tôi đang quỳ, anh cũng quỳ xuống bên cạnh.
Tôi quỳ rất lâu, đến khi hương cháy hết, Lục Hạ mới bước tới đỡ tôi – lúc này chân tôi đã tê rần.
“Đau đầu gối không?”
“Còn nguyện. Đau chút có là gì.”
“Trước đây em nguyện điều gì?”
“Nguyện gặp lại một người.”
“Gặp rồi chứ?”
“Gặp rồi.”
Tôi lại quyên góp một năm tiền tiết kiệm. Có lúc tôi chẳng phân biệt được kiếp trước rốt cuộc có phải là giấc mơ không.
Nhưng chúng tôi đều còn sống, vậy thì chẳng còn gì quan trọng nữa.
13
Tôi trở về tỉnh thành, tiếp tục đi làm, thăng một lần chức vụ. Đến mùa hè năm thứ ba kể từ khi Lục Hạ đi xa, cuối cùng anh ấy cũng trở về nhà.
Tôi mở cửa, đứng ngẩn ra rất lâu. Lục Hạ đã nấu cơm xong. Anh đi tới, ôm lấy eo tôi, vùi đầu vào cổ tôi.
“Thời Hoan, anh nhớ em lắm.”
“Xong việc bên đó rồi sao?”
“Ừ, bọn anh đi cùng giáo sư Châu để làm lại ba thiết bị tinh vi của Nhật. Thiết kế của ba thiết bị đó được bán cho nhà máy cơ khí, kiếm được 560.000, Thời Hoan, theo hợp đồng, anh được chia 160.000.”
“…Lục Hạ.”
“Ừ.”
Tôi nép trong vòng tay anh, cười rúc rích: “Giỏi lắm.”
Anh không nói gì, vành tai đỏ ửng. Anh vốn dĩ chỉ muốn được khen, nhưng đúng là anh rất giỏi.
Tiền thưởng của Lục Hạ cộng với khoản tiết kiệm mấy năm qua của gia đình, tổng cộng có đến hai trăm ngàn, mà đó là năm 1997.
Tôi và Lục Hạ không cha mẹ già, không con cái, cả hai nhìn vào chồng tiền hai trăm ngàn ngay ngắn trên bàn.
“Mua thêm một căn nhà đi.”
“Mua ở đâu?”
“Ở Bắc Kinh.”
“Được.”
Cả tôi và Lục Hạ đều không phải người giỏi đầu tư kiếm tiền, nhưng chúng tôi đều hiểu giá nhà đang ngày càng tăng.
14
Tháng Tám, Lục Hạ tìm được công việc mới, giảng dạy về chế tạo cơ khí ở một trường cao đẳng. Nhưng anh không làm được lâu.
Bởi sau năm 2000, tôi được điều động lên Bắc Kinh.
Khi đến Bắc Kinh, Lục Hạ không đi làm nữa. Anh bắt đầu học về máy tính, lắp ráp, tháo gỡ, rồi chơi game.
Anh vốn không phải người nói nhiều, giờ thì hoàn toàn chuyển hướng sang kiếm tiền từ diễn đàn bằng cách bán hướng dẫn chơi game. Sau đó, anh còn tự phát triển một trò chơi nhỏ. Trò chơi đó sau khi ra mắt đã kiếm được kha khá.
Những năm đó, anime trở nên thịnh hành. Dù đã hai lăm, hai sáu tuổi, chúng tôi vẫn ngồi lại với nhau xem anime. Điều kỳ lạ là chỉ cần không có con, chúng tôi luôn cảm thấy mình vẫn còn là trẻ con.
Chúng tôi tự do, chứ không phải những kẻ bị ràng buộc.
Thế giới này chẳng có gì trói buộc được chúng tôi. Chúng tôi cũng chẳng cần tự vẽ vòng tròn để nhốt mình vào đó.
Thời điểm ấy chưa ai gọi là DINK (không con cái), chỉ đơn giản là chúng tôi không thích có thêm một đứa trẻ nào thừa thãi.
Có lần, một đồng nghiệp không hiểu, hỏi: “Không sợ sau này không có con, rồi anh ấy ly hôn chị à?”
Tôi trầm ngâm một lúc: “Nếu anh ấy ly hôn, chẳng phải vì anh ấy không còn yêu tôi sao? Đến lúc đó anh ấy không yêu tôi nữa, tại sao tôi còn phải ở bên anh ấy?”
Đồng nghiệp ngẩn ra, lẩm bẩm: “Làm gì có tình yêu.”
Tôi suy nghĩ kỹ, rồi nói: “Thì chắc chúng tôi là tình thân thôi.”
“Nhưng không có con, không buồn sao? Hai người sống nhạt nhẽo như nước lã ấy.”
Tôi không trả lời. Năm ngoái tôi vừa lên chức trưởng phòng, công việc đã đủ vất vả rồi, tôi thật sự không có tâm trí về nhà lại hỏi con hôm nay thế nào.
Cả tôi và Lục Hạ đều không giỏi chăm con. Tính cách chúng tôi rõ ràng cũng không phù hợp để làm cha mẹ: một ông bố ít nói, khép kín; một bà mẹ tự cao, nóng nảy.
Nhìn thế nào cũng không giống mẫu người làm cha mẹ tốt, nhưng đúng vào năm ấy, tôi lại mang thai.
Tôi tức đến nỗi cắn Lục Hạ một cái. Tôi biết ngay hôm đó không ổn mà! Lục Hạ chỉ im lặng chịu đau, nhẹ nhàng ôm lấy eo tôi.
“Giữ lại không?” Cuối cùng, tôi là người hỏi trước.
Anh không trả lời ngay, chỉ nghiêm túc nói: “Thời Hoan, anh không yêu thương nó đủ, nhưng anh yêu em đủ nhiều.”
“Lục Hạ, em sẽ sinh con, anh chăm con, đừng để ảnh hưởng đến cuộc sống của em.”
“Được.”
15
Tôi có một cậu con trai và một cô con gái. Con trai tên là Lục Hà, con gái tên là Lục Thanh.
Lục Hà không phải đứa trẻ ngoan ngoãn. Từ khi sinh ra, cậu bé đã thể hiện sự ích kỷ, luôn đặt lợi ích của mình lên trên hết, lúc nào cũng tích cực nhất khi có chuyện liên quan đến lợi ích cá nhân.
Nhưng Lục Thanh thì lại đáng yêu vô cùng. Cô bé giống bố mình, ngoan ngoãn, dịu dàng, giọng nói mềm mại, ngọt ngào. Mới bảy, tám tuổi, Lục Thanh đã biết trên đường tan học ghé mua bánh nhỏ cho tôi.
Con bé đặc biệt dựa dẫm vào tôi, giống như một phiên bản khác của Lục Hạ. Mỗi lần nhìn thấy Lục Thanh, tôi lại cảm thấy việc sinh con thật ra cũng không tệ lắm.
Lục Hà biết tôi thiên vị, nhưng cậu ta không bận tâm. Trái lại, cậu là người trong nhà thường cười với tôi nhất. Vừa cười, cậu ta vừa lợi dụng sự áy náy của tôi để moi tiền.
Tôi là một bà mẹ thiên vị. Cậu ta là một đứa con không có lương tâm nhưng thông minh.
Dù vậy, Lục Hà đối xử với em gái rất tốt. Điều này khiến tôi rất mừng.
Từ khi sinh ra, hai đứa trẻ đã được tự do tuyệt đối. Tôi chưa bao giờ quản chúng, mà Lục Hạ cũng không yêu cầu chúng phải sống theo khuôn mẫu. Thành ra, hai đứa đều sống một cách tự do đến mức… hơi điên rồ.
Năm bọn trẻ mười hai tuổi, tôi và Lục Hạ có việc phải đi một tuần. Hai đứa nhân lúc người giúp việc không để ý đã lẻn ra ngoài.
Khi Lục Hạ gọi điện, Lục Hà vẫn đang cùng em gái mình lái xe tăng.
Thì ra hai đứa đã cùng bạn bè thuê máy bay tư nhân bay sang Nga.
Sắc mặt Lục Hạ xanh mét. Sống với anh ấy gần hai mươi năm, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh tức giận như vậy.
Để tìm con, Lục Hạ bay ngay sang Nga.
Hai đứa trẻ thật phiền phức. Khi tôi đến nơi, Lục Hạ đã mệt mỏi đến phát sốt. Anh giao bọn trẻ lại cho bảo mẫu đi cùng rồi dựa vào tôi ngủ thiếp đi.
Tôi để bảo mẫu đưa hai đứa nhỏ đi, còn tôi đưa Lục Hạ vào khách sạn nghỉ ngơi. Tìm kiếm suốt ba ngày, anh ấy thực sự kiệt sức. Sau khi uống thuốc, Lục Hạ ngủ liền một ngày rưỡi.
Ban đầu tôi rất tức giận, nhưng nghĩ đi nghĩ lại lại không nhịn được cười. Hai đứa trẻ thật sự rất giỏi gây chuyện.
Khi Lục Hạ tỉnh lại, giọng anh đã khàn đặc. Tôi không nén được mà cười khúc khích.
Anh cũng không nhịn được cười, nhưng cười xong, anh đột nhiên nghiêm túc nhìn tôi.
“An Thời Hoan, anh vừa mơ một giấc mơ.”
“Giấc mơ gì?”
“Anh mơ rằng, trong vụ tai nạn năm đó, anh đã chết. Hàng năm, em đều đến thăm mộ anh. Nhưng có một năm, em không đến nữa.”
“Rồi sao?”
“Anh muốn đi tìm em. Anh thấy em… mặc một chiếc váy cưới rất đẹp, chuẩn bị lấy người khác.”
“Rồi sao nữa?”
“Anh không biết, vì lúc đó anh tỉnh dậy. Phần sau thì anh không rõ.”
Tôi nghĩ một lát rồi nói: “Để em kể cho anh phần sau nhé! Em bỏ chạy khỏi đám cưới. Em không lấy ai cả. Em mặc váy cưới, chạy đến mộ của anh. Lúc đó, em muốn hỏi anh, chúng ta vẫn chưa tổ chức hôn lễ, giờ em đã mặc váy cưới rồi, anh có thể cưới em lần nữa được không?”
Lục Hạ sững người, ngẩng đầu nhìn tôi.
Tôi ngả vào sofa cười khẽ. Bí mật chôn sâu cả đời bỗng nhiên được nói ra. Tôi nhìn anh, nghiêm túc nói: “Lục Hạ, em yêu anh. Có lẽ em đã yêu anh đến hai kiếp rồi.”
Anh cũng bật cười: “An Thời Hoan, đây là giấc mơ của anh sao?”
“Không, có lẽ… đây là giấc mơ của em.”