Chương 1 - Khi Cha Mẹ Ly Hôn
Tiền sinh hoạt của tôi là ba mẹ thay phiên nhau gửi từng ngày, mỗi ngày 20 tệ.
Thứ hai, tư, sáu thì ba gửi.
Thứ ba, năm, bảy thì mẹ gửi.
Chủ nhật thì tôi tự đi làm thêm kiếm tiền.
Mỗi lần tôi than không đủ tiêu, hai người lại cãi nhau ầm ĩ trong nhóm chat ba người.
“Lâm Mỹ Hoa, tài sản ly hôn đều để cô lấy hết rồi, cô không thể cho con thêm chút tiền sao?”
“Nó là người nhà họ Tống bên anh, tại sao tôi phải nuôi? Anh còn là đàn ông nữa không?”
Rồi từng người lại nhắn riêng cho tôi, giải thích rằng không phải nhắm vào tôi, cũng không phải là không thương tôi.
Ban đầu tôi còn tưởng họ chỉ đang giận dỗi nhau.
Cho đến một ngày, cả hai bắt đầu thi nhau khoe ảnh chuyển khoản cho con riêng của người mới trong nhóm.
Còn tôi đến tiền mua băng vệ sinh cũng không được gửi, lúc đó tôi mới thật sự tuyệt vọng.
1
Ngày thi đại học kết thúc, ba mẹ lập tức đi làm thủ tục ly hôn.
Mỗi người xách theo hành lý riêng, nhanh chóng chạy về với gia đình mới.
Cuộc sống đại học của tôi, từ đó trở nên vô cùng chật vật.
“Dao Dao, từ giờ tiền sinh hoạt mỗi ngày của con là hai mươi tệ.
Thứ hai, tư, sáu ba gửi, thứ ba, năm, bảy mẹ gửi.
Con đã là người trưởng thành rồi, phải học cách quản lý tài chính.
Hai mươi tệ một ngày là ba mẹ tính toán kỹ rồi, hoàn toàn đủ dùng.
Biết đâu đến khi con tốt nghiệp đại học còn có thể tiết kiệm được một khoản đấy.”
“Còn chủ nhật thì con đi làm thêm đi.
Ngày thường vẫn sống dư dả.
Con đến trường là để học, đừng so sánh với người khác làm gì, cứ chăm chỉ học là được…”
Đó là những lời dặn dò của mẹ trước ngày nhập học.
Cũng là lần đầu tiên sau khi ly hôn bà mới nhớ đến đứa con ruột này.
Nhìn thấy hôm nay đã nhận được khoản hai mươi tệ qua WeChat, tôi đờ đẫn nhận lấy.
Lấy hộp ngũ cốc sắp hết hạn từ tủ ra, pha với nước nóng rồi uống tạm.
Ngay ngày đầu ở ký túc xá, tôi đã phát hiện ra–hai mươi tệ thậm chí chỉ đủ ăn một bữa.
Một quả trứng đã hai tệ, một cái bánh bao cũng hai tệ, chưa kể đến những món nhìn ngon mắt hơn.
Thế nên tôi chỉ có thể ăn ít lại, cố gắng tiết kiệm từng đồng một.
Thế mà vừa rồi, sau khi chia tiền điện với bạn cùng phòng, năm mươi tệ dành dụm được từ kẽ răng cũng bay sạch.
Ngũ cốc trong bụng không giúp tôi no lâu.
Đói liên tục khiến tôi chóng mặt trên đường đến lớp.
Khó khăn lắm mới đến được giờ trưa, tôi lại lâm vào cảnh khó xử–không còn tiền ăn trưa, tiền nước trong ký túc cũng chưa chia xong.
Bạn cùng phòng nhiệt tình rủ tôi đi ăn, tôi chỉ biết cười trừ từ chối.
Chờ họ đi rồi, tôi lén trốn vào nhà vệ sinh ở tòa giảng đường, bắt đầu nhắn tin cho ba mẹ trong nhóm.
“Ba mẹ ơi, giá đồ trong trường cao lắm, một ngày hai mươi tệ thật sự không đủ.
Có thể gửi thêm cho con được không?
Tháng này con còn chưa đóng tiền nước ở ký túc…”
Đây là lần đầu tiên tôi không chịu nổi nữa, chủ động mở lời xin thêm.
Một ngày hai mươi, trừ chủ nhật ra thì một tháng khoảng hơn năm trăm tệ.
Chỉ đủ để duy trì mức sống tối thiểu là “có cái để ăn”.
Nhưng những món ăn đó chẳng có tí dinh dưỡng nào.
Huống hồ trong trường còn bao nhiêu khoản phải chi.
Tiền nước, tiền điện, tiền quỹ lớp… là những thứ không thể trốn được.
Bên kia im lặng rất lâu.
Tôi ngồi co ro trong phòng vệ sinh, nước mắt trực trào.
“Dao Dao à, một ngày hai mươi sao lại không đủ?
Hôm nay mẹ đi chợ chỉ hết có mười mấy tệ, còn nấu được ba món một canh cơ mà.
Có phải con tiêu tiền vào những chỗ không nên tiêu không?”
Đó là tin nhắn từ mẹ, kèm theo ảnh món ăn bà vừa nấu.
Nhìn hình món ăn hấp dẫn, tôi không kìm được mà nuốt nước bọt.
Cái bụng rỗng vang lên tiếng ọc ọc, trong không gian vắng lặng càng thêm rõ ràng.
“Hơn nữa sáng nay mẹ mới gửi cho con hai mươi, sao còn chưa tới một giờ chiều đã tiêu hết rồi?”
Tin nhắn của mẹ vẫn không ngừng tới tấp.
Nhưng tôi chẳng còn tâm trạng đâu để đọc nữa, chỉ có thể cắm đầu mà giải thích trong vô vọng.
“Vật giá trong trường cao lắm.
Một phần rau đơn giản nhất cũng đã sáu, bảy tệ, huống gì đã lâu rồi con chưa được ăn miếng thịt nào.
Hôm nay vì phải đóng tiền nước nên con mới…”
Tin nhắn của tôi gửi đi, mẹ không trả lời nữa.
Tôi đành phải mặt dày tag cả hai người vào.
Sau khi ly hôn, họ đã dặn kỹ tôi: nếu không có chuyện gì lớn thì đừng gọi điện, chỉ nên nhắn tin.
Tôi từng thử gọi, nhưng bên kia chưa từng bắt máy.
Sau đó lại sẽ nhắn trong nhóm bảo là “không tiện nghe điện thoại”.
Trước đây ba tôi luôn cưng chiều tôi.
Tôi vẫn còn chút kỳ vọng–làm gì có ai lại nhẫn tâm với con ruột của mình chứ?
“Lâm Mỹ Hoa, tài sản sau ly hôn chia cho cô hơn một nửa rồi.
Hôm nay lại là ngày cô phụ trách tiền sinh hoạt, sao không cho con thêm chút?
Dù sao đó cũng là con ruột của cô mà!”
Tôi không ngờ, điều ba buột miệng nói ra lại không phải là quan tâm dành cho con gái, mà là lời trách móc mẹ.
“Tống Niên Thành, anh đừng tỏ ra như mình tốt đẹp lắm.
Ban đầu chúng ta đã thỏa thuận rõ ràng là mỗi ngày hai mươi tệ.
Tôi mà cho thêm, ngày mai anh có chịu bỏ thêm không?
Dao Dao là con cháu nhà họ Tống các người, nó mang họ Tống chứ không phải họ Lâm.
Sau khi ly hôn mà còn bắt một người họ khác như tôi chi thêm tiền, anh còn là đàn ông không vậy?”
“Lâm Mỹ Hoa, cô đừng vô lý.
Dù sao hôm nay là ngày cô phụ trách, tôi sẽ không bỏ ra một đồng nào cả.
Nếu phá vỡ quy tắc thì sau này lại phiền phức thêm thôi.”
…