Chương 1 - Hũ Tiền Và Hôn Ước

Năm ấy trời giáng nạn đói, Thẩm thẩm sai ta đến nương nhờ nhà vị hôn phu – Chu gia.

Chu Nghiễn Lễ khinh miệt liếc nhìn bộ y phục cũ kỹ trên người ta, hờ hững chỉ vào hũ sành đựng đường trống trơn trên bàn, cười nhạt:

“Chu gia ta chẳng có tiền may xiêm y cưới hỏi cho ngươi.”

“Đợi khi nào ngươi tự tay tích đầy một hũ tiền, ta sẽ cưới ngươi.”

Than ôi, gom góp tiền bạc quả thực gian nan!

Suốt một năm, ta nhẫn nhục tằn tiện, đông về đục băng giặt áo, hè sang dệt chiếu bện dép, đôi tay chồng chất vết thương cũ chưa lành đã thêm vết mới.

Khó khăn lắm, hũ sành mới gần đầy, thì Thẩm thẩm lại thở dài, bảo rằng: khi trước đính hôn, kỳ thực là gả cho Tào gia, chẳng phải Chu gia.

Ngày Tào gia mang kiệu hoa tới đón dâu, Chu Nghiễn Lễ chẳng thấy bóng dáng, ngay cả tiểu đồng Thường Hỉ cũng tràn đầy khó xử, khẽ giọng thưa:

“Tào gia nghèo lắm, nương tử gả tới e rằng đến một chiếc nồi nấu cơm cũng chẳng có.”

“Nói ra thì, tiền thuê kiệu hoa, một nửa là hắn chép sách nhọc nhằn gom góp, một nửa là do bằng hữu trong trường góp tay giúp đỡ.”

Kiệu hoa bốn góc treo chuông bạc, tuy cũ kỹ nhưng sạch sẽ tề chỉnh, vừa nhìn đã thấy người trong cuộc dùng cả tấm lòng.

Ta nhìn mà lòng chợt dâng trào niềm vui, mím môi cười khẽ:

“Không ngại, ta cũng đã dành dụm được chút ít.”

Ôm chặt hũ sành nhỏ đầy ắp, ta bước lên kiệu hoa.

1

Thường Hỉ đứng chắn trước kiệu hoa, nhịn không được mà thay mặt chủ tử nhà mình – Chu Nghiễn Lễ – biện bạch:

“Ngày trước thiếu gia đã cùng Lý chưởng quầy ở cửa hàng tơ lụa đặt mấy xấp đoạn hồng, lại còn sai người lên tận kinh thành, bỏ ra một món bạc lớn để đặt rượu Nữ Nhi Hồng. Ấy là, ấy là đã chuẩn bị cưới nương tử về cửa rồi.”

Thấy ta lặng thinh không đáp, Thường Hỉ nhón chân, lại chỉ vào chiếc hũ sành đầy ắp trong lòng ta:

“Thiếu gia chẳng phải đã nói rồi sao, đợi khi nào nương tử tích đầy hũ tiền ấy, sẽ nghênh đón nương tử về nhà.”

“Nay gian khổ đã qua hũ sành cũng đã đầy, cớ sao nương tử lại đột nhiên muốn rời đi?”

Ta ngẫm nghĩ hồi lâu, cũng cảm thấy bản thân dường như có đôi phần tùy hứng.

Một năm trước, khi ta lần đầu tìm tới Chu gia, vừa vặn nhằm lúc bữa cơm.

Ta thân hình gầy gò, y phục vá chằng vá đụp, đứng lẻ loi ngoài cửa.

Sợ người ta khinh khi, ta chỉ dám liếc nhìn bàn cơm một cái, rồi vội vàng cúi đầu, cố nén dòng nước bọt nơi cổ họng.

Chu Nghiễn Lễ nhìn ta tràn đầy chán ghét, vô thức sai Thường Hỉ đuổi ta đi như đuổi ăn mày.

Lúc ấy, Chu phụ đặt đũa xuống, giận dữ mắng hắn:

“Ngày trước Chu gia ta lưu lạc tha phương, nếu không có ân nhân ban cho tổ phụ một bữa cơm, làm gì có ngày hôm nay để ngươi ở đây mà khinh người!”

Chu phụ trịnh trọng bảo ta: ân tình đời trước, Chu gia tuyệt đối không thể vong ân phụ nghĩa.

Thế nhưng, nhìn ánh mắt đầy ghét bỏ của Chu Nghiễn Lễ, lại nhìn xiêm y gấm vóc quý giá hắn khoác trên người, lòng ta cũng dâng lên vài phần do dự.

… Hay là thôi vậy? Hôn sự này dẹp bỏ đi, lấy Chu Nghiễn Lễ đổi thành mấy cân bột mì làm bánh cũng còn đáng giá hơn.

Thế nhưng chưa đợi ta mở lời, Chu Nghiễn Lễ đã ghét bỏ quay mặt đi, vô tình nhìn thấy chiếc hũ sành đựng đường trống trơn trên bàn, bèn cười lạnh:

“Muốn ta cưới cũng được, nhưng chẳng có lý nào vừa mặt dày tới ăn ở nhà ta, lại còn đòi nhà ta sắm sửa sính lễ cho ngươi.”

“Ta cũng chẳng làm khó ngươi, chỉ cần ngươi tự tay tích đầy hũ sành này, ta liền cưới ngươi.”

“Nếu Tam tiểu thư nhà họ Lục không bằng lòng, cũng chẳng sao cả. Dẫu sao Chu gia cũng chẳng có nổi kiệu hoa hay xiêm y cưới hỏi dành cho ngươi đâu.”

Ánh mắt hắn tràn ngập mỉa mai, như thể ta là hạng người lợi dụng hôn sự để tới Chu gia ăn chực uống nhờ, hút sạch máu mủ.

Hừ, hắn đúng là đã xem ta quá thấp rồi!

Ta nào phải hạng tham ăn lười biếng!

Giặt áo nấu cơm, dệt chiếu bện dép, thêu hoa vẽ mẫu… không việc gì ta chẳng tinh thông.

Ta khéo tay lại chịu thương chịu khó, có thể tự tay gây dựng cuộc sống ấm no sung túc.

Ôm lấy chiếc hũ sành nho nhỏ ấy, ta ngẩng đầu, chăm chú nhìn thẳng vào mắt Chu Nghiễn Lễ, nghiêm túc nói:

“Vậy thì, một lời đã định.”

Ta vốn tưởng chiếc hũ sành nho nhỏ ấy, chẳng mấy chốc sẽ đầy.

Mới đầu, ta cật lực chong đèn thức đêm suốt nửa tháng, thay người ta vẽ mẫu thêu, đánh nút thắt, tiền xu rất nhanh đã phủ kín một lớp đáy hũ.

Thế nhưng chưa kịp vui mừng, Thường Hỉ đã đem quá nửa số tiền lấy đi.

Ôm lấy chiếc hũ bên trong chỉ còn ba đồng xu lẻ kêu leng keng, ta tìm tới Thường Hỉ hỏi rõ. Thế nhưng, lúc đến nơi, số đồng tiền ấy lại đang nằm trên chiếc bàn cạnh tay Chu Nghiễn Lễ.

Hắn đang ngồi trong thủy tạ giữa hồ, cùng một đám bằng hữu rượu chè thưởng hoa nghe hát.

Thường Hỉ biết ta vì thức đêm mà dưới mắt đã hiện vệt xanh nhàn nhạt, chỉ dám cúi đầu lắp bắp:

“Thiếu gia… Thiếu gia nói, nương tử ăn ở trong Chu gia, ngoại trừ cơm nước, còn có đèn dầu, giấy bút, đều là chi phí cả…”

Giữa ánh xuân tháng tư mơn mởn, Chu Nghiễn Lễ lười nhác tựa mình bên lan can, tùy ý nâng chén trà, khinh miệt nhìn ta:

“Chẳng lẽ Tam tiểu thư nhà họ Lục còn chưa qua cửa, đã muốn ở nhà ta ăn chực uống nhờ hay sao?”

Hắn chợt như nhớ ra điều gì, khoé môi cong lên nụ cười giảo hoạt:

“Hay là nói, ngươi nóng lòng muốn gả vào Chu gia đến mức nhịn không nổi nữa?”

Nghe lời hắn trêu chọc, đám bạn bè xung quanh cũng cười ầm lên, ánh mắt bỡn cợt mà phóng túng quét qua người ta:

“Chu thiếu gia phong lưu lại tuấn mỹ, nếu ta là hoa khôi trong kỹ viện, cho dù phải chuộc thân cũng nguyện lòng gả cho người.”

“Nữ nhi nhà người ta, tiết trời xuân tình man mác, lại thêm ngày dài đêm ấm, giường chăn cũng dễ mà thành chuyện uyên ương.”

Những lời lẽ thô tục kia khiến lòng ta rét buốt.

Chu Nghiễn Lễ tựa hồ nghe mà khoái ý, cười cười chỉ tay về phía đống tiền ta khổ cực kiếm được:

“Hay cho một câu, số tiền này, thưởng cho các ngươi uống rượu.”

Chu Nghiễn Lễ ung dung vung tay, đem số tiền ta cực khổ gom góp thưởng cho bọn bạn bè rượu thịt, ánh mắt hắn thong dong nhìn ta, tựa hồ muốn thấy trên mặt ta hiện lên vẻ phẫn nộ, xấu hổ, thậm chí rơi lệ mới cam lòng.

Đáng tiếc, hắn đã nhìn lầm rồi.

Ta bướng bỉnh từ bé, lúc cứng đầu lên, chẳng khóc chẳng nháo, dù nghèo đến đâu cũng muốn giữ chút khí tiết:

“Vậy phiền thiếu gia kê giúp ta một tờ danh mục rõ ràng, tính xem một ngọn cỏ, một tờ giấy, từng bữa cơm từng bát cháo trong Chu gia đáng bao nhiêu tiền.”

“Ta tin, thiếu gia thân là nam tử hán đường đường chính chính, lẽ nào lại đi ức hiếp vị hôn thê của mình?”

Từ đó về sau, việc tích tiền càng thêm gian nan.

Mùa đông ta đục băng giặt áo, mùa hè dệt chiếu bện dép.

Băng sắc lạnh thấu xương, tre nhọn như châm, vết thương trên tay chưa kịp lành đã lại thêm chồng chất.

Nhưng lúc bướng bỉnh nổi lên, đau đớn cũng chẳng đáng là gì.

Chỉ là, mỗi khi dùng bữa ở Chu gia, trên bàn thường bày biện bánh trái hoa quả, kiểu cách tinh xảo mà suốt đời ta chưa từng được thấy.

Thế nhưng những thứ ấy, giá bạc rất cao, ta nghèo túng, chẳng dám động đến.